daminhthanhtam.com

Phó thác

14.06.2024 Gặp Chúa trên đường

PHÓ THÁC

Phó thác”, thoạt nghe ta có cảm tưởng như đơn giản, là chuyện dễ làm, dễ sống. Nhưng để sống một đời phó thác cho trọn thánh ý Thiên Chúa mà không xa rời thực tế thì quả là điều không dễ chút nào.

Thánh Têrêxa đã phải rèn luyện lâu dài mới có thể sống phó thác cho đúng nghĩa, bởi vì chị hiểu rằng con người chúng ta không đột nhiên phó thác được, chúng ta không dâng liền được cho Chúa những gian khổ vừa xuất hiện. Nhưng đó cũng là con đường mà Thánh Têrêxa Nhỏ đã chọn để đến với Thiên Chúa là Cha của mình.

Có dịp để tìm hiểu con đường phó thác của Têrêxa như thế nào, có lẽ chúng ta sẽ tìm được một ý nghĩa nào đó để sống trọn vẹn hơn lời mình đã tuyên hứa: “Con xin phó thác đời con cho Hội Dòng”, để sống ý nghĩa hơn lời khấn vâng phục trên con đường “bước theo đức Kitô” mà mình đã chọn theo.

1. Têrêxa – Phó Thác

Từ kinh nghiệm sống phó thác với cha trong gia đình từ nhỏ đã giúp Têrêxa biết sống phó thác trọn vẹn hơn cho Thiên Chúa là người Cha tuyệt vời nhất của chị. Chính Têrêxa từng nói về con đường của mình đến với Chúa: “Thiên Chúa nhân lành là cha tôi. Có một người cha như cha tôi, tôi dễ hiểu về Thiên Chúa” (Hoa hồng nhỏ, tr. 93-101). Cho thấy, từ những kinh nghiệm sống phó thác với cha của mình, Têrêxa có thái độ sống phó thác với Cha Trên Trời như thế nào?

Têrêxa muốn mượn thái độ của một em bé để nói lên khát vọng sống phó thác cho Thiên Chúa của chị. “Công việc duy nhất của đứa bé là phó thác, là để cho cánh buồm lướt theo chiều gió…” (Hoàng-Trọng). Vì em bé thì dễ dàng có thái độ chờ đợi giúp đỡ và che chở của người khác, người đã cho em bé cuộc sống; và thái độ bình thản đến liều lĩnh vì tin tưởng. Em bé cảm thấy hoặc đoán ra rằng nó lệ thuộc vào tình yêu của cha mẹ, mà sức mạnh lớn lao của em chính là thấy sự lệ thuộc tình yêu đó là tự nhiên. Nhưng kinh nghiệm cho Têrêxa thấy rằng, để có một lối sống phó thác cho Thiên Chúa không là điều dễ dàng, Têrêxa phải trung thành thật lâu để thanh tẩy và hoàn thiện công việc này. Vậy đâu là những nguồn lực của phó thác?

1.1 Cái nhìn khách quan trong ánh sáng của Chúa

Chính Têrêxa đã biết rèn luyện lâu dài, và chị hiểu rằng chúng ta không đột nhiên phó thác được, chúng ta không dâng liền được cho Chúa gian khổ vừa xuất hiện. Những lần chị phó thác, chị ý thức thanh luyện, chị đau khổ. Nhưng gặp Chúa trong cầu nguyện, nội tâm chị bừng sáng. Thay vì phản kháng, chị tìm lại nguyên nhân đúng của nỗi buồn và đã thấy nó núp trong kiêu hãnh. Đó cũng là chiến đấu của chị khi nghe biết mình bị hoãn khấn dòng. Khi đó, chị liền bám vào thánh ý Chúa để chấp nhận và dâng đau khổ cho Chúa bao lâu Ngài muốn (xc. Victor Sion).

Trực tiếp chạy về với Thiên Chúa sẽ cho chúng ta cái nhìn khách quan toàn bộ tình trạng bản thân, không phủ nhận hoặc tô màu theo tính khí, tình cảm hay mong ước của mình.

1.2 Nhìn nhận và đảm nhận

Không chỉ nhận ra sự khó khăn, những khiếm khuyết đã là đủ, bởi vì những khiếm khuyết có thể làm cho chúng ta tê liệt, người ta có thể trốn tránh hoặc ghê sợ nó. Nhưng còn cần phải chấp nhận nó và yêu mến ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong những hoàn cảnh ấy. Cần phải chấp nhận những yếu đuối của mình, vì chỉ nơi sự yếu đuối ấy mà sức mạnh của Thiên Chúa được thể hiện (2Cr 12,9). Cảnh túng nghèo thực lòng trở thành niềm vui cho Têrêxa, vì sẽ được Chúa đến nâng chị lên bởi Ngài thấy chị quá yếu.

Thực tế nhiều khi chúng ta sợ cảnh trần trụi của mình. Nhưng trong niềm tin, cái nghèo nuôi dưỡng và thúc đẩy hy vọng. Đảm nhận sự yếu đuối của mình cũng là con đường thánh giá để chúng ta đến vinh quang, đảm nhận tất cả những khó khăn là cho ta sống ý Chúa trong cuộc đời. Đảm nhận yếu hèn của kiếp người một cách rất Têrêxa như thế, là đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần” (Mt 9,12). Từ xác tín ấy, Têrêxa đã dâng cho Chúa tất cả.

1.3 Phó dâng cho Chúa và hy vọng vào Ngài

Nhìn nhận và đảm nhận con người thực của mình chưa đủ. Có thể người ta chỉ “dạ” cách thụ động, hoàn toàn khuất phục định mệnh hoặc thưởng thức đau khổ bằng niềm vui bệnh hoạn. Têrêxa không để mình nằm lì trong những khó khăn mình gặp, chị quay về với Cha liền và phó mình cho Ngài. Têrêxa tự xem mình như “Một con chim nhỏ yếu ớt mà muốn bay lên tới mặt trời, nhưng điều ấy lại không ở trong ‘khả năng bé nhỏ’ của nó… Con chim bé nhỏ cũng chẳng phải sầu mãi đâu. Với một sự phó thác táo bạo, nó sẽ cứ đứng đó, nhìn chòng chọc vào mặt trời Thiên Chúa của nó” (xc. Jean Lafrance, tr.124). Phó thác như Têrêxa thì bao hàm hướng tâm lên Thiên Chúa và hy vọng tất cả ở một mình Ngài.

Têrêxa thường khuyên chị em đừng để mình bị khó khăn ám ảnh. Trong lúc như thế, lúc mà mọi chuyện ngổn ngang trong tâm tình, chúng ta vội vàng tới gặp một người tin tưởng để thổ lộ, thì người đó có thể ngăn chặn bớt nguy hại cho chúng ta. Trước hết phải đặt tất cả cho Chúa, chỉ sau đó ta mới có thể lạnh lùng phân tích biến cố, để hiểu mình rõ hơn và phản ứng với một tâm hồn mới (xc. Victor Sion).

Đối với Têrêxa, phó thác là không còn tin cậy vào lòng quảng đại hay vào những nỗ lực khổ hạnh của mình, nhưng là duy nhất dựa vào lòng từ bi của Thiên Chúa, ý thức mình nhỏ mọn, yếu đuối và “tin tưởng ở lòng Cha nhân hiền”, vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể hạ xuống đến tận bên con người và nâng con người lên (xc. Jean Lafrance).

Như vậy, không có nhiệm vụ nào, không có tâm tình nào không thể dâng lên truớc Thiên Chúa. Không có niềm vui nỗi buồn nào, không có tình trạng tâm lý nào không thể đảm nhận bằng cách phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác theo kiểu Têrêxa không những gạt bỏ mọi lẩn trốn thực tế, mà còn luôn dẫn ta về với Cha và tâm sự với Cha của mình.

2. Cho Cuộc Sống Hôm Nay

Xã hội ngày càng tiến bộ, con người thời nay có nhiều phương thế để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Thế nên con người dễ đánh mất đi niềm hy vọng, tín thác vào Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng dẫn dắt lịch sử nhân loại, dẫn dắt cuộc đời mỗi người. Chính Thiên Chúa mới là Người hoàn tất lịch sử đời mình và lịch sử nhân loại. Hơn nữa, người tu sĩ là người sống trước thực tại Nước trời, thì không thể không có niềm xác tín rằng duy chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng hoàn tất cuộc đời mình.

Chính vì thế mà niềm phó thác của Têrêxa vào “Cha trên trời” ngày nào, vẫn là người Cha đang dẫn dắt chúng ta từng bước trên đường đời đầy gian khó hôm nay. Người chỉ cho chúng ta nơi người ở, nơi mà Người khắc tên chúng ta, và chắc chắn trong Người chúng ta sẽ được hạnh phúc mãi mãi.

Mỗi khi gặp khó khăn trong đời, mỗi khi phải được trao công việc gì không thích, không vừa sức, thay vì phản kháng, thay vì lo lắng cuống cuồng hay bàn hỏi với ai, thay vì dồn nén hay cố quên đi, chúng ta hãy như Têrêxa “trực tiếp chạy về với Thiên Chúa”, nhìn thẳng vào chúng một cách khách quan trong ánh sáng của Chúa; nhìn nhận, đảm nhận con người thật của mình và yêu mến ý muốn của Thiên Chúa thể hiện trong những hoàn cảnh ấy; phó dâng cho Thiên Chúa tất cả và hy vọng vào Ngài. Vì Thiên Chúa mãi mãi là Người Cha sẽ ban những gì tốt lành nhất cho những ai tin tưởng cầu xin Người (xc. Mt 7,11). Người luôn là “Cha giàu lòng từ bi nhân ái, luôn sẵn sàng nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan, thử thách và để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết ủi an những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2Cr 1,3-4).

Vâng, “Sự phó thác của đứa con thơ không sợ hãi, cứ ngủ yên trong cánh tay Cha mình” (Jean Lafrance, tr. 116) là con đường duy nhất mà Têrêxa sống xuyên suốt chuỗi ngày của chị trong Dòng Kín. Con đường “rất gần nhưng cũng hướng vọng xa” (Hoa hồng nhỏ, tr. 93-101) và xem chừng rất dễ để hướng lòng chúng ta về với Cha trên trời. Con đường ấy thiết nghĩ sẽ giúp chúng ta luôn sống trọn thánh ý Thiên Chúa cách an vui, chan hoà và hạnh phúc trong mọi cảnh ngộ của đời dâng hiến.

Trong niềm tin và tình yêu, con đường “Phó thác” giúp ta luôn sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa và với Hội Dòng, với tha nhân và với chính mình. Sống Phó thác cho trọn nghĩa không là một sự thoái thác, buông xuôi hay lẩn trốn thực tại, nhưng là tự do trong lề luật và hạnh phúc trong khổ đau.

Nt. M.T. Thu Nguyệt, OP

 


- Hoa Hồng Nhỏ (th 11, 1998). “Cha trên trời”gần gũi mà hướng vọng xa. Chia sẻ, 20; 93-101).

- Jean Lafrance, Ơn Gọi Của Tôi Chính Là Tình Yêu.

- L‘Esprit de Saitc Thérèse de l’Enfant-Jésus. Hoàng-Trọng. (1970). Tinh Thần Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

- Victor Sion, Tinh Hoa Của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. 1997.

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...