Ngày 15 tháng 11
THÁNH ALBERTÔ CẢ
Giám Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh
Nói đến bậc thầy vĩ đại của thần học thời Trung cổ người ta không thể không nhắc tới thầy Albertô, người được mệnh danh là “Tiến sĩ bách khoa” và “Tôn sư”.
Albertô sinh tại Swabia, nước Đức, vào khoảng năm 1206, trong một gia đình quí phái có truyền thống hiệp sĩ. Điều người ta biết rõ về người thiếu niên này là lòng say mê học hành, và rất quan tâm đến các ngành khoa học tự nhiên mà sau này cậu đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu bộ môn nghệ thuật tự do này.
Khi còn trẻ, cậu Albertô đã đến Italia, rồi đi Pađua, là nơi có một trong những trường đại học nổi tiếng nhất của thời Trung cổ. Tại đây, Albertô đã đến tham gia sinh hoạt ở Nhà thờ của các tu sĩ dòng Giảng Thuyết, sau đó cậu chính thức gia nhập Dòng và được lãnh tu phục từ tay chân phước Giôđanô. Từ đây, cuộc đời của thầy Anberto thuộc trọn về Chúa, ước muốn sống tự thoát được diễn tả trong lời cầu nguyện của thầy: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, con kêu lên Chúa, xin Chúa đừng để con bị quyến rũ bởi những lời hão huyền về danh giá gia đình, về uy thế của dòng tu, về sự lôi cuốn của khoa học”.
Từ năm 1240-1248, Cha Albertô làm giáo sư tại Pari. Các lớp học quá nhỏ không đủ để dung nạp hết các thính giả nên Ngài phải dạy học tại công trường, mà ngày nay vẫn lưu giữ tên của Ngài: công trường Maubert hay Albertô Cả. Với tài năng vượt bậc và uy tín của ngài ngày càng lan rộng, nên mỗi khi cần chấm dứt cuộc tranh luận, người ta chỉ cần nói: “Thày Albertô đã nói vậy”. Trong số các môn sinh của thày Albertô, Tôma Aquinô là học trò xuất sắc nhất.
Không những nổi tiếng về giảng dạy, Cha Albertô còn viết nhiều tác phẩm về nhiều đề tài khác nhau: thần học, toán học, luân lý, chính trị, triết học, hình học, điạ chất học. Albertô là người đầu tiên giải thích và bình luận về hầu hết các tác phẩm của Aristotle, và giúp đưa triết học này gần gũi với các cuộc tranh luận học thuật hơn. Ngoài ra, ngài cũng nghiên cứu lời dạy của một số học giả Hồi giáo, vốn dẫn đầu châu Âu về học thuật, khoa học và y học vào thời điểm đó. Có thể nói, Albertô đã góp phần rất lớn trong những tiến triển quan trọng về tri thức trong thế kỷ XIII.
Năm 1248, Cha Albertô được đặt làm viện trưởng học viện tại Colonia. Sau khi đảm nhận nhiều chức vụ,Cha được bầu làm giám tỉnh, tỉnh dòng Đức. Ngài giã từ căn phòng sách vở và học trò. Suốt ba năm Ngài đi bộ, không tiền bạc, ăn xin để thăm các nhà dòng và lập nhiều nhà mới. Cùng với Cha Bonaventura, dòng Phanxicô, hai vị quyết liệt biện hộ cho các Dòng Hành Khất được giảng dạy trong các đại học.
Năm 1260, Cha Albertô được tấn phong làm giám mục Ratisbonne. Tại trung tâm phồn thịnh này, người ta kể lại rằng: Đức giám mục không có lấy “một đồng tiền trong két, một giọt rượu trong hầm, một nhúm bột trong vựa”. Dù vậy, ngài vẫn trả hết nợ và xây dựng một nhà thương; nhiệt thành chu toàn trách vụ giám mục, cống hiến không mệt mỏi, khôi phục lại hòa bình và trật tự trong thành phố, tái tổ chức các giáo xứ và tu viện, đồng thời tạo động lực mới cho các hoạt động bác ái, từ thiện. Hai năm sau, vì nghĩ mình bất xứng, Ngài xin từ chức và lui về tu viện Surtzbourg, chuyên tâm vào việc nghiên cứu.
Vốn lừng danh về giảng dạy và nghiên cứu, Cha Albertô còn lẫy lừng hơn nữa bởi đức độ vẹn toàn và đức ái mục vụ. Cha nổi tiếng về lòng tôn sùng Bí tích Thánh Thể và kính mến Đức Mẹ.
Khi về già, Ngài chọn cho mình một phần mộ trong dòng và mỗi ngày đến đọc Kinh Nhật Tụng cầu cho kẻ chết và cầu cho chính mình. Ngày 15/ 11/ 1280 tại Colonia, cha Albertô an bình ra đi tại phòng riêng giữa các anh em.
Ngài được Đức Gregorio XV phong chân phước năm1622; và Đức Piô XI tôn phong hiển thánh năm 1931. Đến năm 1941, Đức Piô XII đã đặt Ngài làm thánh bảo trợ những ai say mê nghiên cứu các khoa học tự nhiên. Sau đó, vào năm 1942, cũng Đức Piô XII nâng ngài lên hàng Tiến sĩ Hội thánh.
Nữ tu Cecilia Phạm Trang, OP tóm lược