daminhthanhtam.com

Cảm nghiệm: đọc văn kiện tòa thánh về đời sống thánh hiến Huấn thị đời sống huynh đệ trong cộng đoàn

08.09.2022 Tiền Vĩnh thệ

CẢM NGHIỆM: ĐỌC VĂN KIỆN TÒA THÁNH VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Huấn thị ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ TRONG CỘNG ĐOÀN

 

Đời sống thánh hiến là một hồng ân và cộng đoàn tu trì là một công trình của Thiên Chúa, bởi vì lối sống này được phát xuất từ chính tình yêu của Thiên Chúa Cha trong Đức Kitô và trong sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Do đó, cộng đoàn tu trì không chỉ là nơi quy tụ những con người khác nhau để chung chia một lối sống, cho một hướng đi nhưng còn là nơi mỗi người được là mình để hoàn thành sứ mạng đời mình trong một dòng tu cụ thể. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào 3 nét chính trong huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Cộng Đoàn: (1) Cộng đoàn tu trì, ân ban của Thiên Chúa; (2) Cộng đoàn tu trì, nơi mọi người trở thành anh chị em; (3) Cộng đoàn tu trì, địa điểm và chủ thể thi hành sứ vụ.

  1. Cộng đoàn tu trì, ân ban của Thiên Chúa

“Bản chất của cộng đoàn như là một ân huệ trên cao ban xuống, như một mầu nhiêm, bắt nguồn từ chính trọng tâm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chí thánh và là Đấng thánh hóa, Đấng hằng mong muốn cộng đoàn tu trì trở nên thành phần của mầu nhiệm Giáo Hội nhằm phục vụ đời sống con người (số 8).

Bản chất của cộng đoàn, trước hết và trên hết, chính là một hồng ân được phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa. Nói cách khác, vì được xây dựng trên mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cộng đoàn tu trì phải là cộng đoàn yêu thương. Sống trong cộng đoàn, người tu sĩ phải yêu thương người khác không đơn thuần là vì họ đã được yêu thương, mà quan trọng hơn, là vì họ đã cảm nghiệm được tình yêu của chính Thiên Chúa. Do đó, từ niềm xác tín đời sống cộng đoàn là một hồng ân, mỗi thành viên được mời gọi sống chiều kích đức tin, khám phá ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi anh chị em, và làm cho hình ảnh ấy thêm sống động.

Thứ đến, vì là một ân ban, cộng đoàn tu trì là nơi thể hiện tình hiệp thông huynh đệ. Thật thế, lối sống của cộng đoàn nhằm mục đích họa lại lối sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, nơi mà mọi người cùng chia sẻ với nhau mọi sự, cả vật chất lẫn tinh thần “Các tín hữu thời ấy đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung” (Cv 5, 32). Qua nhiều thế kỷ, nhờ ơn Chúa Thánh Thần sự hiệp thông ấy được diễn tả ngày càng phong phú hơn nơi mỗi đoàn sủng của các dòng tu.

Vì thế, con cảm tạ Chúa vì những hồng ân con được lãnh nhận qua hội dòng và cộng đoàn, nơi mà con đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa qua tình thương huynh đệ cũng như được huấn luyện để trưởng thành trong đời sống và nhận rõ ơn gọi của bản thân mình.

  1. Cộng đoàn tu trì, nơi mọi người trở thành anh chị em

  • Cộng đoàn tu trì, nơi sống tình huynh đệ

Như đã đề cập trên đây, chính tình yêu Chúa là điểm xuất phát của sự hiệp thông huynh đệ nơi các cộng đoàn tu trì, thì tình yêu này cũng giúp từng thành viên trở thành anh chị em của nhau. Điều này có nghĩa là, tình huynh đệ chính là điều kiện sống còn của một cộng đoàn tu trì, khi các thành viên chia sẻ một linh đạo, một đặc sủng, và cùng được nuôi dưỡng để lớn lên trong dòng tu của mình. Vì thế, hơn ai hết, chính bản thân mỗi người phải thấy được giá trị của mình trong cộng đoàn, đó là sự hiện hữu của mình, đồng thời cũng nhìn nhận sự hiện hữu của anh chị em khác, để cùng sống tinh thần “thuộc về” trong sự chân thành và cởi mở.

Trong hành trình ơn gọi, con được đón nhận và sống trong cộng đoàn, được trở nên chị em với rất nhiều quý Dì, quý chị, một tương quan vượt lên trên tương quan nhân loại thể hiện sự hiệp thông huynh đệ. Trên hết, cộng đoàn là nơi con được gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi cũng như được thể hiện sự yêu thương, quan tâm và dấn thấn. Thật vậy, chính khi cùng sống chung với nhau, chị em được chia vui, sẻ buồn, cùng nhau thăng tiến và giúp nhau loại bỏ những hạn chế để mỗi ngày tiến tới trên con đường trọn lành mà Thiên Chúa mong muốn. Quý giá hơn cả là được sống tình huynh đệ, một sự kết nối giữa những người có cùng một lý tưởng hiến thân vì tình yêu chứ không phải gồm những sự tương hợp giữa tính tình hay tương quan tình bạn trong sự nối kết ngẫu nhiên khi hết mục tiêu thì tan rã. Cộng đoàn là một hòa hợp các ngôi vị đan dệt với nhau bằng sự phục vụ, yêu thương, nâng đỡ, bằng không, đó chỉ là một dạng của ký túc xá, nơi người ta chỉ sống gần với nhau, chứ không gắn kết với nhau. Nói như Cha Timothy Radcliffe thì “cộng đoàn phải là nơi chúng ta đem lại cho nhau sự can đảm khi trái tim người anh em chao đảo, đem lại sự tha thứ khi một người vấp ngã và đem lại chân lý cho những ai tự lừa dối mình”. Như thế, cộng đoàn sẽ là chốn an vui, được bao trùm trong một bầu khí của yêu thương thắm thiết, là nơi mà các phần tử trong cộng đoàn dù đi đâu, làm gì cũng nhớ và mong quay về.

  • Cộng đoàn tu trì, trường dạy yêu mến

“Cộng đoàn tu trì là ‘trường dạy yêu mến’ (schola Amoris), giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, cộng đoàn cũng là nơi cho con người triển nở” (số 25).

Trong môi trường của cộng đoàn tu trì, từ cộng đoàn mầu nhiệm Ba Ngôi, ta được học về yêu thương và thực hành đời sống yêu thương trong tương quan với Chúa và với tha nhân. “Trong đời sống huynh đệ, mỗi người học sống với những người mà Chúa đặt bên cạnh mình, biết chấp nhận những phẩm chất của họ, đồng thời những khác biệt và giới hạn của họ”. Mỗi người là một cá thể độc đáo và riêng biệt nhưng cùng chung sức xây dựng cộng đoàn, cùng trao ban và đón nhận để sống sung mãn sứ mệnh bản thân và góp phần hoàn thành sứ mệnh cộng đoàn. Đối lại, cộng đoàn là môi trường thiết yếu để mỗi người lớn lên và trưởng thành nhân cách giúp thăng tiến và triển nở trong ơn gọi.

Qua cộng đoàn, con đã được học để sống tốt căn tính người Kitô hữu cũng như được trưởng thành hơn trong đời sống thiêng liêng và nhân bản. Nhờ việc chia sẻ cùng một linh đạo và việc cầu nguyện chung cũng như riêng đã cho con có được kinh nghiệm về Thiên Chúa, giúp nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình. Hơn nữa môi trường cộng đoàn đã tạo điều kiện cho con sống quân bình hơn về mặt tâm lý, tình cảm để có thể sống và tương quan đúng đắn hơn cả bên trong lẫn bên ngoài cộng đoàn cách phù hợp với ơn gọi. Chính sự quân bình ấy đã cho con biết từ bỏ cái tôi của mình để sống cho cái chung của cộng đoàn đồng thời biết nhận ra hình ảnh của Chúa nơi chị em. Con ý thức hơn khi biết rằng sống triển nở tình huynh đệ trong cộng đoàn là phương thế đưa người tu sĩ đến gần Chúa và gần nhau hơn, và cùng nhau trở nên dấu chỉ tình yêu Chúa cho trần gian.

  • Cộng đoàn tu trì, nơi ơn gọi được thành toàn

Thánh Tôma Aquinô đã nói: “Mỗi cá nhân chỉ có thể thành toàn cuộc sống và ơn gọi của mình trong đời sống cộng đoàn”.

Đáp lại tiếng Chúa mời gọi, người tu sĩ tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm là một hồng ân cá vị nhưng lại được thực hiện trong cộng đoàn, đây cũng là nơi giúp cho ơn gọi được triển nở và thành toàn. Bởi con người là những hữu thể sống cộng đồng, nên không ai sống một mình mà có thể đạt đến sự phát triển toàn diện nếu không sống cùng và sống với người khác. Hơn nữa, “Ai thử cố sống một cuộc đời tự lập, tách biệt khỏi cộng đoàn, chắc chắn không gặp được con đường an toàn dẫn tới sự trọn lành của bậc mình” (số 25). Do đó, việc khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm là việc cá nhân tu sĩ tự nguyện hiến mình cho Chúa nhưng cũng đồng thời liên kết với Hội dòng để trở nên anh chị em của tất cả mọi thành phần khác trong gia đình này.

Con đã cảm nhận được cộng đoàn là nơi giúp con sống ơn gọi dâng hiến cách sung mãn và thiết thực hơn. Những người chị em bên cạnh, như là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, đã giúp con xác tín là mình đã thuộc về Thiên Chúa và thuộc về nhau trong Hội dòng. Con ý thức sâu xa hơn rằng người tu sĩ đã được Thiên Chúa chọn lựa và trao ban cho nhau, để cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất và cùng nhau sống giao ước thánh hiến một cách tròn đầy hơn. Bởi vì tuyên khấn không chỉ là một giao ước với Thiên Chúa mà còn là một cam kết với anh chị em trong Hội dòng để cùng nhau nên thánh và phục vụ các linh hồn.

Với những hồng ân mà con đã được lãnh nhận nơi cộng đoàn và qua cộng đoàn đã nhắc nhớ con về thái độ đáp trả và sự cộng góp của mình trong việc dấn thân xây dựng đời sống chung. Thật vậy, sự đáp trả này đòi buộc chính bản thân con phải thực hiện một cuộc vượt qua thực sự với nỗ lực khám phá bản thân, đón nhận chính mình, và đón nhận người khác.

Trước hết, con nhận thấy mình cần phải vượt ra khỏi não trạng xem mình là khách hàng của cộng đoàn, trái lại, phải ý thức sâu xa chính mình là thành viên nên phải có bổn phận xây dựng cũng như có trách nhiệm với sự thăng tiến của chị em, của cộng đoàn. Con cũng cần hiểu rõ hơn, mỗi người là một câu chuyện với những tình tiết rất riêng và độc đáo, vì thế, trong quá trình vun đắp tình huynh đệ cũng khó tránh khỏi những vấn đề nảy sinh nói lên tính giới hạn của con người. Muốn tâm hồn bình an và có thể có tương quan tốt với người khác, cần phải bỏ đi lòng thù hận, ganh đua theo nghĩa tiêu cực, cố gắng mang lấy vui buồn của người khác và thấy Chúa trong nhau, nhìn những khác biệt của anh chị em trong Chúa.

Thứ đến, con cũng phải học cách biết ơn, biết mình cần đến người khác và là quà tặng cho nhau, từ đó, con biết kính trọng, chân thành, hành xử tế nhị và đúng mực với quý Dì và chị em. Đồng thời, con không được nản chí với những tiêu cực, bất toàn trong cộng đoàn vì “Chúng ta sống với nhau trong cộng đoàn không phải vì chúng ta đã chọn lựa người khác, nhưng vì chúng ta được Thiên Chúa chọn lựa (số 41). Ý thức được như vậy, con sẽ biết cố gắng hơn để nhận ra chính mình trước mặt Chúa cũng như dễ dàng đón nhận những yếu đuối, khiếm khuyết của chị em, những người cùng được Chúa chọn gọi.

Sau hết, đời sống cộng đoàn mời gọi con phải xây dựng và kiến tạo niềm vui. Bởi người tu sĩ không có niềm vui thì không thể mang niềm vui cho người khác được như ĐGH Phanxicô đã nói: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Mỗi người khi biết cố gắng tạo niềm vui và bình an sẽ đem lại sự nhẹ nhàng, thanh thản cho cuộc sống và giúp thắt chặt tình huynh đệ hơn. Vì “sự bình an và hoan lạc trong đời sống chung là những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa (số 28).

Như vậy, biết tạo niềm vui để bình an sống đời dâng hiến là điều kiện cần của đời sống cộng đoàn tu trì. Những tiếng cười, sự hài hước cũng giúp loại bớt những căng thẳng, nhọc nhằn, dẫn chị em đến gần nhau hơn, và làm cho cuộc sống dâng hiến thêm ý nghĩa.

  • Cộng đoàn tu trì, địa điểm và chủ thể thi hành sứ vụ

Với những điều đã nói trên, có thể khẳng định, cộng đoàn tu trì là tập họp những người được Chúa mời gọi chia sẻ đời sống huynh đệ bằng việc dâng hiến suốt cuộc đời. Đó cũng là nơi các tu sĩ sống đời phục vụ, liên đới và đồng hành trong hành trình làm môn đệ Chúa Kitô, và cùng chia sẻ sứ vụ.

Đời sống thánh hiến chia sẻ bản chất sự thánh thiện và sự phong nhiêu của Giáo Hội. Thật vậy, với nhiều hình thức tu trì khác nhau, qua đặc sủng riêng, các Dòng tu đã họa lại rõ nét đời sống và hoạt động của Chúa Kitô, và theo sát Người trên con đường sứ vụ. Với kiểu mẫu cộng đoàn chiêm niệm, các tu sĩ đã biểu dương Đức Kitô trên núi, trong thinh lặng và cầu nguyện để kết hợp với Chúa và với các phần tử trong cộng đoàn. Còn cộng đoàn tu trì tông đồ thì phác hoạ lại đời sống của Chúa Kitô giữa dân chúng, người tu sĩ được thánh hiến để phục vụ cách sống động hơn. Mỗi cộng đoàn tu trì khi được thành lập đều có một sứ vụ được Chúa trao cho vị sáng lập và các thành viên, tùy theo nhu cầu của thời điểm lịch sử cụ thể cho nên mỗi Dòng đều nỗ lực thực hiện ngang qua nhiều tác vụ khác nhau theo đặc sủng riêng. Sứ vụ có thể khác nhau nhưng tất cả đều được khởi hứng từ chính sứ mạng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng.

Con cảm nhận được niềm vui khi hiểu được sự phong nhiêu ấy, nhờ đó con biết trân quý ơn gọi của mình và nỗ lực theo Chúa Kitô trong đoàn sủng của hội dòng mình. Đặc biệt con được xác tín hơn khi thi hành sứ vụ và được nhắc nhớ rằng tất cả sứ vụ mình tham gia đều mang tính cộng đoàn và được cộng đoàn sai đi. Do đó, dù làm gì và ở đâu, con phải ý thức rằng mình đang làm chứng cho Chúa nhân danh cộng đoàn, để luôn lấy đức ái và tình huynh đệ làm thước đo cho mọi hoạt động và mọi mối tương quan. Đồng thời, con phải luôn nhớ rằng việc trung thành với đoàn sủng sẽ đem lại nhiều hoa trái khi thi hành sứ vụ.

Kết luận

Huấn Thị Đời sống Huynh đệ trong Cộng đoàn giúp con hiểu rõ hơn: cộng đoàn tu trì là ân ban của Thiên Chúa, nơi mọi người trở thành anh chị em, và là chủ thể thi hành sứ vụ. Chính lối sống cộng đoàn biểu lộ dấu chỉ sống động của Giáo hội, là hoa quả của Chúa Thánh Thần, và là sự tham dự vào mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi. Con tạ ơn Chúa vì hồng ân Ngài đã chọn gọi con và cho con được sống trong cộng đoàn huynh đệ. Nhờ đó, con không chỉ có cơ hội nhìn lại bản thân mình và khao khát được biến đổi tận căn để nên hoàn thiện hơn mà còn được mời gọi để tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trong từng chị em để biết cùng nhau xây dựng, duy trì sự hiệp nhất trong cộng đoàn và sống trọn vẹn ý nghĩa cộng đoàn thánh hiến.

Nt. Têrêxa Phan Thị Nhân Ái, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...