daminhthanhtam.com

Con bận lắm Chúa ơi!

31.10.2024 Tiền Vĩnh thệ

CON BẬN LẮM CHÚA ƠI!

 

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình” (Tông huấn về đời sống Thánh hiến, số 103). Điều này cho thấy cầu nguyện cần thiết như thế nào đối với những người sống đời thánh hiến. Đời sống cầu nguyện là một đời sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, không phải chỉ khi cầu nguyện, mà cả trong những hoạt động thường nhật vẫn bao hàm và gắn kết với Thiên Chúa.

Thế nhưng, theo kinh nghiệm bản thân, con thấy người tu sĩ rất dễ đánh mất đời sống cầu nguyện khi thi hành sứ vụ. Hiệu năng, thành công trong sứ vụ là một trong những cám dỗ dai dẳng và ngọt ngào đối với bản thân con khi làm việc. Với sức trẻ và lòng nhiệt thành dấn thân, con rất dễ lao vào hoạt động bác ái tông đồ đến quá sức mình và dần dà đánh mất chiều kích thiêng liêng. Cám dỗ mạnh mẽ của “làm việc, hoạt động” dễ làm con xao nhãng, bỏ bê đời sống cầu nguyện với lý do xem ra rất hợp lý “Con bận lắm Chúa ơi!”; “Con còn biết bao việc phải làm!”... Vì thế đời sống thiêng liêng nhường chỗ cho các hoạt động tông đồ: bỏ bê cầu nguyện, ơ hờ khi tham dự Thánh lễ, kinh nhật tụng, không thiết tha với việc nguyện ngắm, xét mình,... Cơn “cám dỗ” thành công thúc đẩy con viện cớ này, cớ kia để tự chuẩn chước cho mình những bổn phận thiêng liêng; hoặc cầu nguyện một cách nhanh gọn; hoặc dồn tất cả việc thiêng liêng vào những giây phút cuối ngày sau khi thân xác đã mệt mỏi rã rời. Từ đó, đời sống thiêng liêng trở nên mờ nhạt, con dễ quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa. Điều đó dẫn đến hệ quả là con có thể hăng say làm việc tông đồ, nhưng không tìm thấy niềm an bình trong tâm hồn. Đi tu là chọn Chúa làm gia nghiệp, nhưng thay vì chọn Chúa, con lại thích chọn công việc của Chúa. Trong tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Nơi những vị làm mục vụ, còn có một chủ nghĩa tương đối nguy hiểm hơn chủ nghĩa tương đối về mặt tín lý nhiều[…]. Chủ nghĩa tương đối thực tiễn này hệ tại việc hành động y như thể không có Thiên Chúa[...]. Vinh quang loài người mà họ tìm cho có bằng bất cứ cách nào, thay vì dâng hiến đời mình cho tha nhân trong sứ vụ” (số 80).

Tu sĩ trước tiên là “người của Thiên Chúa”, con luôn nhớ mình được Chúa sai đến để nói lời của Ngài. Để có thể thực thi sứ mạng giảng thuyết con phải ý thức đời sống cử hành phụng vụ, cầu nguyện và chiêm niệm là sức mạnh của người tu sĩ. Xin cho con luôn nhớ rằng “Điều giá trị không phải là bạn đã làm được bao nhiêu công việc, mà là bao nhiêu tình yêu bạn đã đổ vào đó” (Mẹ Têrêsa Calcuta). Giữa một thế giới đang chối từ Thiên Chúa, người tu sĩ phải là những người đánh thức thế giới bằng một đời sống cầu nguyện mật thiết với Thiên Chúa. Hơn nữa, là một tu sĩ Đa Minh con phải luôn “nói với Chúa” để có thể thực thi sứ mạng “nói về Chúa” cho người khác. Con phải luôn cầu nguyện để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong những biến cố của cuộc sống, khám phá ra những “dấu chỉ thời đại”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đến “chiều kích ngôn sứ” của đời thánh hiến: “Vị ngôn sứ nhận được từ Thiên Chúa khả năng quan sát lịch sử trong đó đang sống và giải thích các biến cố: Vị ngôn sứ giống như một người lính gác canh thức ban đêm và biết khi nào bình minh đến” (x.Is 21,11-12). Như một người lính canh, con phải đứng “trên cao” là luôn ở trong Thiên Chúa, phải “nhìn xa” và “nhạy cảm” với tất cả những “tín hiệu” của cuộc sống. Hành trình tâm linh bao hàm một chiều kích rất cá nhân, không chỉ là một biểu thức để tuyên xưng nhưng đó còn là một niềm tin và tình yêu được bén rễ sâu xa trong lòng người. Đời sống cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu. Đời sống cầu nguyện không giới hạn về thời gian và không gian. Cầu nguyện là trò chuyện với Chúa, mà Người luôn ở bên con, cho nên dù con có đang bận học, bận làm việc,… thì con vẫn cứ có thể nói chuyện với Ngài được. Vì thế, con cần luôn ý thức đừng để mình quá bận rộn mà không cầu nguyện.

Đời sống cầu nguyện dẫn con vào huyền nhiệm tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Xin Chúa Thánh Thần giúp con biết kiên trì, kiên định và khiêm tốn khi cầu nguyện. Đặc biệt là trong những giây phút tăm tối, khó khăn và thử thách trong hành trình dâng hiến, khi con cảm nhận Thiên Chúa dường như im lặng, Ngài không nghe và vắng mặt…. Những lúc như thế chỉ có chìm đắm trong đời sống cầu nguyện mới giúp con nhận ra sự đụng chạm của Thiên Chúa trong sự tự do và yếu đuối của bản thân. Từ đó, con đọc lại lịch sử cuộc đời mình như một lịch sử ơn cứu độ để cảm nhận sự đồng hành, yêu thương và chăm sóc của Thiên Chúa là Cha nhân từ đã dành cho con.

 

Nt. Maria Nguyễn Thị Kim Ngân - TVT


 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...