PHÓ THÁC
Chúa Nhật tuần I Mùa Chay năm C
Lc 4, 1-13
1. BÀI TIN MỪNG: Lc 4, 1-13
1 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về.
2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói.
3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!”
4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ.
6 Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý.
7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.”
8 Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!
10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn.
11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”
12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
13Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
2. SUY NIỆM: PHÓ THÁC
Khởi đầu Mùa Chay năm nay, Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trình thuật của Thánh Luca (Lc 4, 1-13), chuẩn bị cho chúng ta một tinh thần mới để bước vào Mùa Chay thánh cách trọn vẹn hơn. Và giờ đây chúng ta hãy cùng sống với Đức Giêsu trong hoang địa, ở nơi đó chúng ta có thể quan sát, chứng kiến việc Đức Giêsu phải đối mặt với các cơn cám dỗ và cuối cùng Ngài đã vượt qua, chiến thắng như thế nào?
“Nếu ông là con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi” (Lc 4, 3). Đang lúc Đức Giêsu mệt mỏi rã rời về thân xác sau khi trải qua 40 ngày chay tịnh thì ma quỷ đã nhắm vào sự yếu đuối đó để cám dỗ Ngài. Qua một đoạn trích Kinh Thánh cũng đủ để chúng ta thấy được những lời thách thức khiêu khích của ma quỷ dành cho Ngài qua những từ “nếu… thì”. Ngay lúc này đây Đức Giêsu cũng có thể dùng quyền năng của Chúa để hóa đá thành bánh như những phép lạ Ngài đã làm trước đây để dân chúng tôn vinh thán phục. Thế nhưng sự khôn ngoan, khiêm nhường, tín thác vào Thiên Chúa đã giúp cho Đức Giêsu biết Ngài cần phải làm gì? Ngài ý thức rằng đó chỉ là chiêu trò lừa đảo bịp bợm của ma quỷ mà thôi vì thế Đức Giêsu đã không làm theo ý muốn xấu xa của nó. Người không dùng uy quyền của một vị Thiên Chúa nhưng luôn hướng đến chương trình thánh ý của Thiên Chúa khi mạnh mẽ đáp lại ma quỷ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4,4).
Trong cuộc sống đã có biết bao người không thể vượt qua những lời thách thức, khiêu khích của bạn bè để rồi họ rơi vào con đường nghiện ngập, ăn chơi sa đọa, yêu đương phóng túng. Họ nghĩ rằng mọi người sẽ nể phục họ qua những việc họ dám làm. Thế nhưng, họ không thể ngờ rằng họ đang rơi vào cạm bẫy của cám dỗ của tội lỗi, làm hư hoại dần tâm hồn của họ. Cũng có biết bao gia đình đang rơi vào hố sâu của sự ích kỷ, tội lỗi khi mỗi thành viên trong gia đình xa dần Thiên Chúa, mỗi người tìm cách thể hiện quyền uy, vị thế của họ trong gia đình dẫn đến việc thiếu đồng cảm, thiếu tôn trọng lẫn nhau, đưa đến sự tan vỡ và bất hòa trong gia đình.
Hơn nữa, xã hội còn đó biết bao thương tổn mà con người phải gánh chịu qua những cuộc tranh chấp, chiến tranh, con người không còn nghĩ đến Thiên Chúa, họ mặc sức thể hiện quyền lực và nhẹ nhàng đi vào con đường vô thần đề cao sự ích kỷ và gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ và làm khổ anh chị em đồng loại.
Có thể nói cơn cám dỗ đầu tiên Đức Giêsu chính là cơn cám dỗ nhắm đến quyền lực kinh tế. Còn với cơn cám dỗ thứ hai thì sao? Trong cơn cám dỗ này quỷ không sử dụng kinh thánh nữa nhưng hiện rõ hơn bản chất xấu xa của nó với ý muốn thống trị tất cả kể cả Thiên Chúa khi quỷ mạnh dạn đưa ra yêu cầu: “Nếu ông bái lạy tôi thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,7). “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa, lợi lộc của các nước này vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý” (Lc 4, 6). Đọc đến đây với cách nói đầy xác tín của ma quỷ khiến cho chúng ta có một cảm giác tất cả những gì hiện hữu trên trần gian này đều nằm trong bàn tay của ma quỷ và không có một sức mạnh nào có thể vượt thắng được. Và giả như Đức Giêsu xấp mình thờ lại ma quỷ, đồng nghĩa với việc Đức Giêsu tự hạ mình xuống để tôn kính ma quỷ, điều mà vốn chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi.
Thế nhưng, trước cám dỗ này Đức Giêsu biết ngài là ai? Ngài không mơ hồ, mờ mắt trước sự phồn vinh của thế gian nhưng Ngài xác tín rằng Ngài là Đấng Mêsia – Con Thiên Chúa khi dõng dạc tuyên bố với ma quỷ: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Lc 4,8) và Chúa đã chiến thắng sự dữ cách vẻ vang.
Tôi vẫn biết mình là con Thiên Chúa thế nhưng đứng trước những vinh hoa lợi lộc thế gian tôi trở thành một con người mù lòa. Mù lòa khi sẵn sàng hưởng lợi trên những đau khổ, sức lao động của anh chị em tôi: Ăn hối lộ, buôn gian, bán đắt, lừa đảo, bóc lột sức lao động. Thậm chí ngay trong chính gia đình có những người cha gia trưởng luôn dùng quyền lực áp đặt lên vợ con hay có những người vợ thành đạt luôn khẳng định vị thế, không ngại tìm cách trên cơ xem thường người chồng hay có những người con luôn lấy quyền bảo vệ trẻ em như một vũ khí để buộc cha mẹ phải làm theo ý chúng. Và như thế, ngay từ trong gia đình cho đến xã hội, người ta luôn muốn thống trị người khác và dùng mọi cách thức để thực hiện quyền lực của mình và đây chính là cơn cám dỗ thứ hai của Đức Giêsu, cám dỗ về quyền lực thống trị.
Lần giở sang cơn cám dỗ thứ ba của Đức Giêsu, ta thấy rõ mức độ gian xảo và tinh vi hơn của ma quỷ khi nó lại dùng chính lời Chúa để cám dỗ Đức Giêsu. Hơn nữa trong lần cám dỗ này ma quỷ đã xoáy sâu vào mối tương quan Ba Ngôi đánh động đến trái tim nhạy bén của Ngài. “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đứng đây mà gieo mình xuống đi vì Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn”. Có thể trong lần cám dỗ này ma quỷ nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ bị đánh bại trước chiêu bài lời Chúa và tâm lý của nó nhưng ma quỷ không hiểu rằng nó chẳng biết gì về lời Chúa nó không biết rằng Thiên Chúa sẽ bao bọc con cái của Ngài. Những ai trung thành với Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng ở đây quỷ lại dụ Đức Giêsu tự đưa mình vào hoàn cảnh khó khăn để thử thách Thiên Chúa. Đứng trước những trò lừa này Đức Giêsu không dễ sa lưới vì Ngài luôn hướng về chương trình kế hoạch của Thiên Chúa. Chính niềm tin tưởng đã khiến Ngài chiến thắng đánh bại sự giữ.
Còn tôi, có bao giờ tôi thử thách Thiên Chúa của tôi không? Đức GiêSu đã vượt qua cám dỗ thứ ba, cám dỗ hướng về quyền lực thần thiêng. Tôi nhận thấy không ít lần tôi đứng trước những cơn cám dỗ như thế, đó là những lúc tôi ý thức là không được phép nhưng vẫn cố tình làm và thách thức Thiên Chúa. Nếu Chúa thực sự quyền năng cho dẫu con thế nào đi nữa Chúa vẫn có thể cứu con.
Trong thân phận của một con người đứng trước những cám dỗ thật nặng nề nhưng Đức Giêsu đã không tỏ thái độ mặc cả hay thỏa thuận với ma quỷ. Trái lại, Người chống trả cách dứt khoát và kiên quyết vì Người không coi quyền lực là tuyệt đối mà vâng phục cho đến hơi thở cuối cùng. Lạy Chúa xin ban ơn, giúp sức để con biết nhìn lên Chúa và lấy Chúa làm mẫu gương cho đời sống của con. Amen.
Nt. Têrêsa Hoàng Yến, OP