daminhthanhtam.com

Chúa Nhật II Thường Niên Năm C

19.01.2025 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

MỐI TƯƠNG QUAN TRONG HỘI THÁNH

Chúa Nhật II Thường Niên, Năm C

Ga 2, 1-12

 

1. BÀI TIN MỪNG: Ga 2, 1-12

(1) Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu. (2) Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. (3) Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". (4) Ðức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến". (5) Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".

(6) Ở đó có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Dothái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. (7) Ðức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng. (8) Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc". Họ liền đem cho ông. (9) Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại (10) và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ". (11) Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (12) Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày.

 

2. SUY NIỆM: MỐI TƯƠNG QUAN TRONG HỘI THÁNH

Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhìn thấy Đức Giêsu rõ ràng hơn qua các mối tương quan: tương quan giữa Người với Đức Maria, với những người giúp việc, cùng với ý nghĩa biểu tượng của rượu cũ và rượu mới. Cuối cùng, chúng ta xem lại lời chú giải của Thánh Gioan.

1. Đức Giêsu và Đức Maria

Việc Đức Maria hiện diện khi Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên mang ý nghĩa sâu xa. Khi Đức Giêsu gọi Mẹ là “Bà”, Thánh Gioan muốn chúng ta hiểu rằng Đức Maria là Evà mới, là “Mẹ kẻ sống”. Đức Giêsu đã sinh ra Evà mới từ cạnh sườn bị đâm thủng của Người. Mối tương quan giữa Đức Giêsu và Đức Maria vượt qua quan hệ máu huyết để trở thành mối tương quan thiêng liêng trong Thần Khí. Đức Maria nhạy cảm trước cái khó khăn của đôi tân hôn và tình thương người của Con mình. Mẹ muốn chia sẻ để Đức Giêsu tìm cách giúp đỡ.

Khi Chúa gọi Đức Maria bằng từ “Bà”, Người mời gọi Mẹ mở lòng để nhận ra mạc khải dưới chân thập giá. Khi Chúa trối trăn: “Thưa Bà, đây là con Bà,” Đức Maria hiểu rõ Con mình chính là Đấng sinh ra Mẹ, là Mẹ của toàn thể nhân loại.

2. Tương quan với những người giúp việc

Nhiều người tưởng rằng Đức Maria đã ép Chúa làm phép lạ vì nể Mẹ. Nhưng trong bản văn, chúng ta thấy Đức Maria chỉ nói với những người hầu: “Người bảo sao, các anh hãy làm vậy.” Điều này chứng tỏ Mẹ hiểu ý Thiên Chúa và không bao giờ đòi hỏi Đức Giêsu phải bỏ ý Cha. Mẹ tin tưởng ở lòng thương của Con và giao phó mọi việc cho ý Cha sắp đặt. Đó là kinh nghiệm tâm linh mà Mẹ đã học được trong hành trình đức tin.

Về phía Đức Giêsu, Người rất thương con người. Người không chỉ chia vui với đôi tân hôn mà còn chủ động giúp đỡ họ trong hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Đức Giêsu lợi dụng cơ hội này để thực hiện kế hoạch của Cha, vừa tỏ mình cho các môn đệ vừa giáo dục họ trong đức tin.

3. Rượu cũ và rượu mới

Thường thì rượu cũ ngon hơn rượu mới, nhưng trong câu chuyện này, rượu mới lại ngon hơn rượu cũ. Rượu cũ là thành quả của con người, còn rượu mới là quà tặng từ Đức Giêsu. Rượu cũ mang tính biểu tượng cho Cựu Ước, với chế độ lề luật và sự nỗ lực của con người để đạt đến sự công chính. Rượu mới biểu tượng cho Tân Ước, cho chính Đức Giêsu và Thánh Thần mà Người ban tặng. Trong chế độ mới, con người vẫn cần chuẩn bị – như đổ đầy nước vào chum – nhưng để biến nước thành rượu, cần có quyền năng của Đức Giêsu và sự tác động của Thần Linh.

4. Thái độ của chúng ta

Thánh Gioan giải thích rằng các phép lạ đều mang hai ý nghĩa: một là dấu chỉ khả giác (như việc biến nước thành rượu), hai là mạc khải thiêng liêng hướng tới Đức Giêsu – Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa làm người. Qua câu chuyện này, chúng ta được mời gọi suy tư:

  • Đức Giêsu có sống hòa đồng với mọi người không? Thái độ của Người đối với sứ mạng và tha nhân thế nào?
  • Tôi có thái độ nào với Đức Giêsu, với Đức Maria, và với tha nhân trong cuộc sống Kitô hữu hằng ngày?
  • Trong sứ mạng mà Thiên Chúa trao, tôi nhìn nhận vai trò của ân sủng và nỗ lực bản thân ra sao?

Cuối cùng, chúng ta được mời gọi tín thác và cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, như Đức Maria và những người giúp việc đã làm, để mỗi ngày một trở nên đồng hình đồng dạng hơn với Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế.

Lạy Chúa Giêsu, vì chưa đủ tin Chúa, chúng con đặt hạnh phúc gia đình nơi tiền bạc, địa vị, tiện nghi, danh tiếng, nhất là nơi lạc thú thế gian. Vì chưa đủ tin Chúa, chúng con chỉ tìm thú vui và lợi lộc trước mắt. Tất cả đều chóng qua và thường để lại nhiều lo lắng, nhàm chán và trống rỗng. Xin cho chúng con biết kiên nhẫn kiếm tìm niềm vui tâm hồn là điều mang lại cho chúng con hạnh phúc đích thực và trường tồn.

Và vì chưa đủ tin Chúa, chúng con chỉ tìm thỏa mãn nơi chiếm hữu của cải, tiền bạc, mà không vun đắp cho mình nhân đức và tình yêu. Cuộc đời chúng con dù nhiều của, lắm tiền, nhưng vẫn nghèo nhân cách và tấm lòng, là những yếu tố nền tảng làm nên ý nghĩa cuộc sống và xây nên hạnh phúc gia đình. Xin ban thêm đức tin giúp chúng con mở lòng đón Chúa, Đấng là nguồn cội và bình an, niềm vui và sự sống của chúng con. Amen.

 

Nt. Maria Tăng Thị Thiêng OP






 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...