HÌNH ẢNH GIÁO HỘI
Chúa Nhật III Phục Sinh Năm C
Ga 21, 1- 19
1. BÀI TIN MỪNG: Ga 21, 1- 19
(1) Sau đó, Ðức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. (2) Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Ðiđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Simon nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh". Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
(4) Khi trời đã sáng, Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Ðức Giêsu. (5) Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không". (6) Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá". Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (7) Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến nói với Phêrô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
(9) Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (10) Ðức Giêsu bảo các ông: "Ðem ít cá mới bắt được tới đây!" (11) Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (12) Ðức Giêsu nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. (13) Ðức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Ðó là lần thứ ba Ðức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết.
(15) Khi các môn đệ ăn xong, Ðức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy". (16) Người lại hỏi: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy". (17) Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
(18) Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn".
(19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy".
SUY NIỆM: HÌNH ẢNH GIÁO HỘI
Bài Tin Mừng theo thánh Gioan chương 21 hôm nay tường thuật cho chúng ta về biến cố Chúa hiện ra với các môn đệ ở biển hồ Tiberia, sau khi Ngài sống lại từ cõi chết. Trong bối cảnh mà cả thế giới đang hướng về Giáo Hội của Chúa Kitô bởi sự ra đi của vị Cha chung đáng kính, bởi sẽ sớm có cuộc mật nghị bầu chọn vị tân Giáo Hoàng, bởi những năm vừa qua Giáo Hội đang có nhiều canh tân đổi mới, nhất là về việc thúc đẩy tinh thần hiệp hành, tham gia của mọi thành phần dân Chúa. Đọc bài Tin Mừng trong bối cảnh ấy, chắc hẳn ít ai trong chúng ta lại không có những liên tưởng đến hình ảnh Giáo Hội là mẹ chúng ta. Giờ đây chúng ta cùng dừng lại suy tư, cầu nguyện ở ba hình ảnh: hình ảnh một Giáo Hội hiệp nhất, hiệp hành; một Giáo Hội có Chúa Kitô là đầu; và một Giáo Hội phục vụ trong tình yêu mến theo hình mẫu là Chúa Kitô.
1/ Một Giáo Hội hiệp nhất, hiệp hành
Bài Tin Mừng có một khởi đầu rất đẹp: Khi tông đồ trưởng Phêrô nói: “Tôi đi đánh cá đây”. Các tông đồ khác là Tôma, Nathanaen, Giacôbe, Gioan, và hai môn đệ khác nữa đáp lại: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền… (Ga 21,3).
Và rồi, dẫu thâu đêm ấy họ không bắt được gì cả, họ vẫn kiên trì và đồng tâm hiệp ý cùng nhau trên một thuyền. Khi nghe lời mời gọi: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền”. Họ lại tâm đầu ý hợp thực hiện lệnh truyền; và lạ lùng thay: một mẻ đầy ắp cá! Và cũng lúc ấy, trong lòng họ, nhạy cảm nhất là người môn đệ Chúa yêu, rung lên niềm xác tín, chắc chắn người đứng trên bờ kia không thể là ai khác, mà là chính Chúa, Đấng Phục Sinh.
Giáo Hội chúng ta ở mọi thời và hơn lúc nào hết, trong thời điểm hiện tại, đang cần tinh thần lắng nghe, đáp trả, sẻ chia, hiệp nhất, hiệp hành này. Chúng ta cùng hướng về Giáo Hội, mẹ chúng ta, hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn đấng kế vị thánh Phêrô vừa an nghỉ, được sớm diện kiến thánh nhan Chúa; và cùng cầu xin cho Giáo Hội bầu chọn được vị tông đồ trưởng mới như lòng Chúa mong ước.
Mỗi người chúng ta, dù đang ở vai trò nào trong Giáo Hội, cũng đều cần và có thể trở nên một mắt xích tích cực của sự hiệp nhất, hiệp hành này. Điều đó, được thể hiện trước hết qua thái độ sống yêu thương, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông, xây dựng trong chính gia đình và cộng đoàn Giáo Hội địa phương nhỏ bé của chúng ta.
2/ Một Giáo Hội có Chúa Kitô là đầu
Thuyền trưởng Phêrô và các đồng môn hiệp ý ra đi để đánh cá. Nhưng các ông không thể ngờ rằng với kinh nghiệm chài lưới chuyên nghiệp bao năm, thế mà suốt đêm nay, họ chẳng biết được gì cả.
Chính lúc các ông cảm nhận sự bất lực của bản thân và tập thể, Đức Giê su xuất hiện như một ai đó mà các ông chẳng nhận ra. Câu hỏi của Người đã chạm đúng vào nỗi bất lực và sự thiếu thốn của các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?”. “Thưa không”, các ông có dịp bộc bạch. Rồi Người ra lệnh: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Một mệnh lệnh vừa nhẹ nhàng vừa chắc nịch, nhưng không hề dễ tin, bởi các ông đâu biết người này là ai, và có kinh nghiệm gì trong nghề đánh bắt. Thế như, các ông đã mau mắn nghe theo, thả lưới sang bên phải và… không thể kéo lưới lên nổi vì lưới đầy những cá.
Mẻ cá lạ gợi chúng ta liên tưởng đến mẻ cá ở đầu Tin Mừng, khi Chúa gọi các môn đệ đầu tiên trên bãi biển, Người nói với các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những người như lưới cá” (Mc 1,17).
Quả thế, trong sứ vụ chài lưới người, các ông không thể đi trước mà phải lùi lại phía sau Thầy, tìm kiếm, lắng nghe, và làm theo ý Thầy. Mỗi người môn đệ cần có kinh nghiệm về lời: “Không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,15). Chính khi ta chân nhận sự trống rỗng hư không của mình là lúc ta mở cửa cho ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa.
Trên cuộc hành trình hiệp hành tiến về nước Chúa, mọi thành phần trong Giáo Hội được mời gọi lắng nghe nhau và cùng nhau lắng nghe Chúa. Trong thân thể mầu nhiệm của Hội Thánh, mỗi người là một bộ phận: mắt, tay, chân…liên kết với nhau và với đầu là chính Chúa Kitô. Đời ta, sứ vụ của ta chỉ có thể sống và sinh hoa kết trái khi ta kết hợp với đầu, khi cành nho kết hợp với cây nho, khi ta thả lưới và đánh bắt ở nơi và theo cách mà Thầy truyền dạy.
Tôi đã tham gia “sứ vụ thả lưới” nhiều năm, mà “cá” mà tôi mang về cho Chúa hầu như không có hay còn quá ít ỏi. Có phải chăng vì tôi chưa gặp gỡ, chưa lắng nghe, và chưa làm theo lệnh truyền của Thầy?
3/ Một Giáo Hội phục vụ theo gương Thầy Giêsu
Trong khi các ông ra sức kéo mẻ cá lạ vào bờ, đếm và phân loại cá, Chúa Giêsu đã âm thầm dọn bữa cho các ông. Chính Người nướng cá, dọn bánh, quy tụ các ông, tạ ơn rồi ân cần phục vụ từng người. Hình ảnh này thân thương đến nỗi không ai trong các ông dám hỏi ông là ai, vì họ đều biết đó là Thầy Giêsu của mình. Hẳng là Thầy muốn cách mà Thầy quan tâm, yêu thương, chăm sóc các môn đệ cũng phải được lan toả và tiếp tục trong Giáo Hội, để tất cả các chiên con, chiên mẹ của Thầy, đều phải được quan tâm, chăm sóc, yêu thương như thế. Nhưng ai là người thay mặt Thầy để tiếp nối sứ vụ mục tử này trên trần gian? Thầy cần gì nơi những người ấy?
Chúa đã hỏi vị tông đồ trưởng tới ba lần: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”; “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?; “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không? (c. 15, 16,17). Câu hỏi lặp đi lặp lại của Thầy làm Phêrô chột dạ, buồn, nhưng đó cũng là cơ hội để ông phản tỉnh và xác tín vào tình yêu của ông với Thầy; đồng thời đó cũng là cơ hội giúp ông ý thức thân phận mong manh, dòn mỏng hay đổi thay của mình: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (c. 17b). Điều Chúa cần nơi vị thuyền trưởng và các vị chài lưới người không phải là kỹ năng nghề nghiệp nhưng là lòng yêu mến dành cho Thầy hơn mọi người và trên mọi sự; cùng với đó là lòng khiêm tốn biết bản thân yếu đuối bất toàn luôn cần ơn Chúa hướng dẫn và trợ lực. Tình yêu Chúa càng lớn, người môn đệ sẽ càng có khả năng cúi sâu hơn để quan tâm, yêu thương và phục vụ tha nhân theo mẫu gương của Thầy.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con hiệp ý cầu nguyện cho tinh thần hiệp nhất, hiệp thông, và yêu thương phục vụ được lớn lên mãi trong Giáo Hội Chúa, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp này. Xin cho Đấng tân kế vị Thánh Phêrô, các mục tử và tất cả chúng con một lòng tin mến Chúa sắt son, và trong vai trò của mình, biết cúi xuống để yêu thương phục vụ tha nhân như Chúa đã yêu thương phục vụ chúng con. Amen.
Nt. Maria Trần Thị Mỵ, OP.