NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC: NGHE TIẾNG CHÚA VÀ THEO CHÚA
Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm C
Ga 10, 27-30
-
BÀI TIN MỪNG: Ga 10, 27-30
(27) Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. (28) Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. (29) Cha tôi, Ðấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. (30) Tôi và Chúa Cha là một".
-
SUY NIỆM: NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC: NGHE TIẾNG CHÚA VÀ THEO CHÚA
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay xoay quanh chủ đề CHÚA CHIÊN LÀNH. Qua bài tin mừng tuy vỏn vẹn có bốn câu của thánh Gioan Tông đồ, chúng ta được mời gọi suy tư về nhiều đề tài liên quan đến Chúa là Mục Tử và chúng ta là đoàn chiên của Chúa. Trong bài suy niệm hôm nay, xin được chia sẻ hai động từ NGHE – THEO là những điều kiện cần thiết của người môn đệ đích thực của Đức Kitô.
“Chiên Ta thì nghe tiếng Ta”. Lời khẳng định này muốn nhấn mạnh đến tính thiết yếu và bản chất của người Kito hữu. Là con chiên của Chúa thì việc NGHE tiếng Chúa là điều đương nhiên và thiết yếu, chứ không thể NGHE tiếng của ai khác. Còn nếu không nghe tiếng Chúa, thì cũng đồng nghĩa với việc không phải là Chiên đích thực của Chúa.
Động từ “NGHE” trong kinh thánh được hiểu là vâng nghe, nghe theo, làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Tiếng Chúa được mạc khải và biểu lộ qua nhiều hình thức: trực tiếp nhất phải kể đến đó là Lời Chúa (trong Kinh thánh, và qua phụng vụ), hay gián tiếp như qua sự hướng dẫn của các vị chủ chăn và những giáo huấn của Giáo hội; qua những con người chúng ta gặp gỡ; qua những biến cố của thế giới, của xã hội, của gia đình hay của mỗi cá nhân chúng ta; tiếng Chúa còn được biểu lộ trong thiên nhiên, và luôn vang lên trong lương tâm của mỗi người.
Động từ “THEO” được nói nhiều đến trong kinh thánh. Các ngôn sứ trong Cựu ước và môn đệ thời Chúa Giêsu đã bỏ mọi sự để đi theo Người. Theo một ai đó là đặt cược đời mình để gắn bó với người ấy, là thuộc về người ấy, là muốn bắt chước hay sống theo nếp sống hay lối sống của người ấy. Danh hiệu Kitô hữu nói lên điều này: là người có Chúa Kitô, là người thuộc về Đức Kitô là người sống theo Đức Kitô, là yêu đến cùng, chết trên thập giá. Vì thế có thể nói, “Nghe và theo” là hai thái độ và hành động gắn liền với nhau. Tôi theo Chúa nên tôi vâng nghe tiếng Chúa dạy, và việc vâng nghe Chúa là dấu chỉ tôi đang theo Chúa.
Chắc hẳn mỗi người chúng ta phải đấm ngực khi nhận ra rằng đã rất nhiều lần chúng ta chưa thực sự “NGHE” tiếng Chúa. Có thể chúng ta vẫn đi lễ hàng ngày hay hàng tuần, nhưng việc NGHE- thực hành lời Chúa trong cuộc sống thường ngày chưa được là mấy. Đã bao lần chúng ta đã gạt bỏ hay thờ ơ trước tiếng Chúa hối thúc trong lương tâm hãy làm điều này và tránh điều kia…Là Kitô hữu nhưng đôi khi chúng ta đã không sống đúng danh hiệu là Kitô hữu hay tệ hơn chúng ta đã làm méo mó, lu mờ hình ảnh của Chúa Kitô nơi cuộc sống của mình, nhất là khi chúng ta không tuân giữ giới luật yêu thương và tha thứ cho tha nhân.
Trong một xã hội đầy náo nhiệt và ồn ào, với nhiều giá trị tạm thời nhưng đầy sức hấp dẫn lôi cuốn, cộng thêm “thật và giả” lẫn lộn khó phân biệt, thì việc phân định để biết đâu là tiếng Chúa và đâu là tiếng nói của sự dữ là khó khăn. Khi cuộc sống vất vả, việc phải bon chen kiếm sống có thể làm con người đánh mất lương tâm để chọn lợi nhuận cá nhân bất chất những tổn hại sức khỏe cho tha nhân như những vụ thực phẩm bẩn, thuốc giả, sữa giả. Và nhiều khi chính lòng tham vô đáy cũng khiến chúng ta quên mất hay gạt bỏ Lời Chúa dạy để chỉ lo thu tích của cải vật chất nhằm thỏa mãn những nhu cầu hiện tại chóng qua.
Cũng không thể phủ nhận rằng để nghe và theo Chúa trong thế giới ngày hôm nay hay trong bất cứ thời đại nào chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng nếu chúng ta dám đặt cược đời mình để nghe và theo Chúa, thì như Chúa đã hứa, “Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta.” Chắc chắn mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm được Chúa yêu thương, quan phòng, và chăm sóc gìn giữ với biết bao phúc lành đổ xuống trên cuộc đời cá nhân và gia đình. Và với niềm xác tín rằng, cho dù chúng ta không hay chưa biết Chúa, thì Chúa “biết” chúng ta và biết rất rõ, giúp chúng ta luôn tin tưởng phó thác đời mình trong tay Chúa, và dành cho Chúa một vị trí ưu việt trong đời sống của mình, như dành thời gian để thờ phượng Chúa, học hỏi lời Chúa để biết ý Chúa bởi vì lời Chúa là đuốc sáng soi đường, và luôn lấy các giá trị tin mừng làm nền tảng cho những lựa chọn trong cuộc sống của mình.
Để kết thúc bài suy tư này, chúng ta có thể dùng lời bài hát của tác giả Nguyễn Duy:
Chúa là Mục Tử, Người dẫn lối chỉ đường cho con đi. Đi trong tay Chúa nào con thiếu chi con sợ chi. Cỏ tươi rợn đồng xanh con no thỏa không bao giờ thiếu nữa. Suối nước trường sinh nghỉ uống no đầy.
ĐK: Chúa Chiên nhân từ, Người dẫn con tới đồng nội. Này suối nước mát bóng, con tới uống thảnh thơi. Chúa ơi sướng vui trong tay Chúa, Người dẫn con đi. Đi giữa suối mát, cỏ xanh con thiếu gì.
Nt. Martina Lại Thị Diễm Trinh, OP