CHÚA SỐNG LẠI
Chúa Nhật Phục Sinh năm B
Ga 20, 1-9
1. BÀI TIN MỪNG: GA 20, 1-9
(1) Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Ðức Giêsu thương mến. Bà nói: "Người ta đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu?.
(3) Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. (6) Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu Ðức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Ðức Giêsu phải chổi dậy từ cõi chết.
2. BÀI SUY NIỆM: CHÚA SỐNG LẠI
Ngày Chúa Phục Sinh được coi như một cuộc tạo dựng mới. Thật vậy khi tạo dựng vũ trụ, trời đất là một sự hỗn mang, Thần Khí Chúa bay là là trên không và Ngài làm cho vũ trụ này có ánh sáng và sự sống. Sau đó Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự. Thì đêm nay khi Đức Giêsu tắt thở, cả bầu trời ra tối tăm “Ngài gục đầu và ban Thần Khí”. Từ cạnh sườn của Ngài Máu và Nước chảy ra khơi nguồn sự sống. Sự sống đầu tiên là Giáo hội được sinh ra từ cạnh sườn Ngài. Chính vì thế, Giáo hội đã tường thuật lại một đêm đầy ánh sáng với cây nên Phục Sinh là Chúa Kitô, mọi ngọn nến được thắp lên từ cây nến Kitô ấy. Một cuộc tạo dựng mới với tràn đầy nguồn sinh khí từ Adam mới.
Bằng chứng của sự sống lại chỉ là ngôi mộ trống, dù người ta có phao tin “xác bị lấy cắp”, nhưng bao lâu chưa chứng minh được ai đã lấy xác và mục đích lấy xác để làm gì! Thì ngôi mộ trống vẫn là chứng cứ của sự sống lại. Ngoài ra Phêrô tới mộ cũng như Gioan vào trong mộ thấy những khăn liệm xếp ngay ngắn thì ông “đã thấy và đã tin”. Sự ngăn nắp ấy không thể là tự nhiên, mà Chúa đã sống lại, Ngài đã làm sự ấy trước khi đi ra khỏi mồ. Một chứng cứ hùng hồn nữa đó là những môn đệ của Chúa chứng kiến qua sự việc thể lý, các ông “thấy và tin”, sẵn sàng làm chứng về sự việc sống lại này bằng chính cái chết của mình. Không ai ngu gì mà liều chết vì một niềm tin vu vơ, không chắc chắn. Một niềm tin chắc chắn và một cuộc tạo dựng mới đầy tình thương.
Cho nên khi sống lại Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ, dù các ông đã phản bội, đã chối Chúa, Ngài vẫn cứ tha thứ hết, hiện ra Ngài không nói gì đến quá khứ mà chúc bình an, trấn an và “thở hơi trên các ông” để các ông cảm nhận Chúa đang hiện diện bên các ông. Ngài còn gọi các ông là anh em, là bạn hữu. Một khi Ngài đã đi vào chốn vinh quang thì cũng thế, tội lỗi của chúng ta tuy nhiều những cũng được tha thứ hết. Trong đêm cực thánh này Thiên Chúa cũng gọi chúng ta là anh em. Các tông đồ khi được tha thứ và cảm nghiệm được tình yêu của Chúa các ông đã sẵn sàng thí mạng sống vì Chúa, thì chúng ta cũng hãy trung thành với Ngài mãi mãi. Bà Maria Madalenna đã trung thành theo Chúa lên đỉnh Núi Sọ, đã chứng kiến giây phút cuối cùng của Chúa, lòng trung thành ấy đã được bù đắp, được Chúa hiện ra đầu tiên, là chứng nhân đầu tiên của niềm tin Phục Sinh, và là người tông đồ loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các tông đồ nên được mênh danh là “tông đồ của các tông đồ” và trở thành sứ giả loan Tin Vui Phục Sinh cho mọi người. Người Kitô hữu đích thực là người gieo rắc niềm vui Phục Sinh tỏa lan trong mội trường sống của mình.
Nhờ sứ mạng của các tông đồ và những người phụ nữ mà Đấng Phục Sinh đã bắt đầu chinh phục cả thế giới. Vì “ Thiên Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu đuối, để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ...” (1Cr 1,27). Để hiệp hành cùng Hội Thánh mỗi người chúng ta hãy biết loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh không chỉ bằng lời, mà bằng cả cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống tỏ rõ dấu ấn tình yêu và quyền năng của Chúa chạm đến và biến đổi những cuộc đời tầm thường trở nên tốt lành sinh nhiều hoa trái chân lý và tình thương.
Nt. Maria Tăng Thị Thiêng OP