daminhthanhtam.com

Ngày 01 tháng 01 - Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

01.01.2024 Gương thánh nhân

Ngày 01 tháng 01

LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, là tín điều đầu tiên và cổ xưa nhất trong 4 tín điều về Đức Maria. Tước hiệu này lần đầu tiên xuất hiện trong bài thánh ca Sub tuum praesidium (Dưới sự che chở của Mẹ), “chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời…” đã được các tín hữu Ai Cập dâng lên, nài xin sự chở che của Mẹ trong thời bách đạo những năm 250. Thế nhưng, mãi đến Công đồng Êphêsô thì tín điều Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa mới chính thức được Giáo hội xác nhận.

Tín điều Mẹ Thiên Chúa gắn liền với lời tuyên tín về Đức Giêsu và nền tảng ơn cứu độ. Qua các dấu chứng trong Kinh Thánh, Đức Maria được nhìn nhận là “Thân Mẫu Đức Giêsu” (x. Lc 1,43; Ga 2,1; 19,25; Mc 6,3; Cv 1,14). Qua lời giảng dạy của các giáo phụ, và của các nhà Hộ giáo thì lời khẳng định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa làm nổi bật thiên tính nơi Đức Giêsu - Ngôi Lời Nhập thể. Quả thế, mỗi lần đấu tranh với các lạc giáo, lạc thuyết - hoặc sự nghi ngờ, hoặc sự tách rời nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu Kitô thì niềm xác tín Đức Maria Mẹ Thiên Chúa lại càng được củng cố.

Năm 325, Công đồng Nicêa I định tín Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, minh chứng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, khép lại cuộc tranh cãi với lạc giáo Ariô, thì niềm tin vào vai trò của Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa bắt đầu được lưu tâm và đưa vào các văn kiện. Thánh Grêgôriô thành Nazianô (khoảng năm 382) đã nói: "Nếu ai không nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa người ấy sẽ bị xa lìa Thiên Chúa".

Năm 431, Công đồng Êphêsô được mở ra để chống lại Nestoriô, Thượng phụ ở Constantinople khi ông chủ trương rằng: Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Nestoriô lý luận: Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa. Công đồng minh định Chúa Giêsu có hai bản tính nhưng chỉ có một ngôi vị duy nhất là Thiên Chúa. Do đó, vì là Mẹ thật của Chúa Giêsu nên Đức Maria cũng là Mẹ Thiên Chúa. Từ đây tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa – Theotokos- được long trọng công bố cho toàn thể giáo hội.

Dù rằng tín điều Mẹ Thiên Chúa đã được thành hình từ rất sớm trong lịch sử Giáo Hội, nhưng việc mừng kính tước hiệu Mẹ Thiên Chúa cách chính thức trong lịch phụng vụ lại trải qua nhiều thế kỷ.

Vào thế kỷ thứ VII, ngày mồng 1 tháng Giêng- ngày thứ 8 trong tuần Bát nhật mừng lễ Giáng Sinh- được dành ra để mừng kính phẩm chức Thiên mẫu của Đức Maria. Tuy nhiên, vào thế kỷ XIII, ngày này được thay thế bởi lễ Đức Giêsu chịu phép cắt bì. Vì thế, lễ mừng kính phẩm chức Thiên mẫu của Đức Maria được cử hành vào những thời điểm khác nhau tùy địa phương. Có nơi mừng vào Chúa nhật IV mùa Vọng hoặc ngày 18/ 12, cũng có nơi mừng vào Chúa nhật đầu tháng 5, nơi khác lại chọn ngày 11/10.

Đến thế kỷ XX, vào năm 1931, nhân kỷ niệm 1500 năm công đồng Êphêsô, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã ấn định lễ tôn vinh Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày 11/ 10. Năm 1969, trong chiều hướng canh tân Phụng vụ sau công đồng Vaticano II, Đức thánh Giáo Hoàng Phaolo VI đã đổi lễ Mẹ Thiên Chúa sang ngày 1 tháng Giêng, đầu năm dương lịch, nhằm tôn vinh Mẹ là Nữ Vương thời gian.

Mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi tuyên xưng mầu nhiệm cứu độ mà Thiên Chúa đã thương ban cho chúng ta, “nhưng những gì đức tin dạy về Mẹ Maria, lại là, sáng tỏ đức tin vào Đức Kitô” (GLHTCG 487). Mẹ được tung hô là Mẹ Thiên Chúa, vì Đức Giêsu, con của Mẹ, là chính Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập thể. Nhờ cung lòng của Mẹ, Con Thiên Chúa nhận lấy xác thân nhân loại. Nhờ tiếng “Xin vâng” của Mẹ, Kitô hữu được thông hiệp vào sự sống thần linh. Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ cũng là mẹ của Giáo hội, Mẹ của từng người chúng ta. Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, xin Mẹ giúp chúng ta biết đón nhận và thi hành thánh ý Chúa như Mẹ, vì Mẹ chính là mẫu mực của đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô (LG 4).

Vâng, lạy Mẹ, với lòng cậy trông, chúng con xin dâng lên lời kinh liên lỉ, xin Mẹ trợ giúp “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”

Nt. Anna Nguyễn Thị Kim Anh. O.P. tóm lược
Tin liên quan

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...