CÓ TÌNH YÊU, MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ
Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm C
Ga 14, 23-29
1. BÀI TIN MỪNG: Ga 14, 23-29
(23) Khi ấy, Ðức Giêsu nói: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. (24) Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. (25) Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em, (26) Nhưng khi Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
(27) Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. (28) Anh em đã nghe Thầy bảo: 'Thầy ra đi và đến cùng anh em'. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. (29) Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để anh em tin khi sự ấy xảy ra.
2. SUY NIỆM: CÓ TÌNH YÊU, MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ
Bài Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh năm C hôm nay đề cập tới khá nhiều vấn đề thần học và tu đức mang tính trái chiều: Yêu mến và không yêu mến; Tuân giữ và không tuân giữ; Bình an đích thực và Xao xuyến sợ hãi; Thiên Chúa Ba Ngôi và con người trần gian...
Tuy nhiên, dưới ánh sáng đức tin, ta nhận thấy: Tất cả những vấn đề trên, đều được liên kết bằng một sợi chỉ đỏ mang tên tình yêu. Vâng, có tình yêu, mọi sự đều có thể: Có tình yêu, lề luật được thực thi một cách tự nguyện; Có tình yêu, xao xuyến sợ hãi được thay thế bằng bình an đích thực; Và Trong tình yêu, con người từng bước tiến vào cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, được Thánh Thần dạy bảo, hướng dẫn (c 26 ); được Chúa Cha và Thầy Giêsu đến ở cùng (c 23).
Có Tình Yêu, Lề Luật Được Thực Thi Một Cách Tự Nguyện
"Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” (c 23)
Lời dạy này, Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài ngày xưa, và cũng là cho chúng ta hôm nay.
Quả thật, để yêu mến Chúa và tuân giữ Lời Ngài, chắc hẳn phải là người đã biết thầy Giêsu, bước theo thầy Giêsu và được Ngài dạy bảo. Trải qua những tháng năm sống cùng, sống với, người môn đệ mới học biết yêu mến Thầy và vâng giữ lời Ngài dạy.
Thế nhưng, nhiều người hôm nay đặt vấn đề: Đi đạo chỉ cần tuân giữ lề luật là đã đủ! Hoặc, có người lại cho rằng: chỉ cần yêu mến Chúa thôi, còn việc tuân giữ lề luật là không cần thiết!
Vậy, có thể tuân giữ mà không yêu mến, hoặc yêu mến mà không tuân giữ hay không?
Xin thưa ngay rằng: Điều này không thể! Vì yêu mến và tuân giữ, là hai mặt của một thực tại không thể tách rời. Nếu tách rời thì không còn ý nghĩa.
Đọc lại Kinh Thánh, ta thấy hình ảnh người con cả trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15, 11-32), anh không đi hoang, mà chăm chỉ làm việc. Anh không bất tuân lời cha, mà cẩn thận vâng giữ. Nhưng tiếc thay, những tuân giữ này lại không phát xuất từ lòng mến yêu, mà phát sinh bởi lòng vị kỷ. Sự quy kỷ khiến anh trở thành nô lệ cho chính cái tôi của mình, do đó, những gì không đúng với định kiến của anh, anh đều bác bỏ. Giá như, những gì anh làm, anh giữ là bởi tình yêu, anh đã biết đón nhận đứa em hoang đàng trở về. Giá như, những gì anh làm, anh giữ là bởi tình yêu, anh đã không có những lời ‘cạn tình’ với cha mình như thế này: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè..” (Lc 15,29). Thật đáng tiếc!
Nhìn vào đời sống xã hội hôm nay, nhiều công nhân tâm sự: “Hiện nay các công ty đang sa thải công nhân nhiều lắm. Giờ đi làm không dám chểnh mảng, phải giữ các nội quy cho thật tốt kẻo bị thôi việc.” Vâng, chẳng phải vì yêu mến, mà những người này giữ luật, mà là giữ luật vì sợ bị sa thải, vì sợ bị mất việc! Hóa ra, họ chưa coi công ty là nhà, là đời sống của mình. Hoặc môi trường làm việc này không có gì đảm bảo chắc chắn cho đời sống của họ, nên giữ luật chỉ là phương cách đối phó để khỏi bị mất việc mà thôi. Việc tuân giữ này đâu phát xuất từ lòng yêu mến!
Gần hơn nữa, nơi xóm đạo của ta, ta nghĩ đến những người có đạo, mà như ai đó đã gọi họ là: “đạo gốc”! Đạo gốc ở đây không phải vì họ là dân có đạo cha truyền con nối, mà là vì họ giữ “đạo gốc cây”! Một tuần, một tháng hoặc một năm,... họ ngồi dưới gốc cây hay trên yên xe để dự lễ cho xong bổn phận, cho yên cái tâm! Hoặc để cho ai đó thấy rằng: Tôi đây cũng là người có đạo!!!
Những kiểu tuân giữ trên đây không phát xuất bởi lòng yêu mến, cũng chẳng thể hiện được tấm tình của người môn đệ hay của người con thảo. Do đó, không thể được chấp nhận trong đời sống người kitô hữu.
Hơn nữa, nếu có tình yêu, sự tuân giữ lề luật không còn gọi là tuân giữ nữa, mà được thực thi một cách tự nguyện, như tâm tình của tác giả Lê Đức Hùng trong bài ca “Lỗi hẹn”: Sự tuân giữ trở nên như “món quà” con muốn dâng về Chúa, để bày tỏ lòng yêu mến của con đối với Ngài:
Món quà con hứa dâng Ngài, con mong ước sẽ đẹp tựa cánh hồng;
Món quà con hứa dâng Ngài, là lời hứa sửa đổi chính mình,
để sống hy sinh trong âm thầm khiêm tốn, để tha thiết làm hòa với anh em.
Và cho dù có những lúc ta hững hờ, lãng quên, không giữ lời hứa, thì trong tình yêu mến, ta cũng dám đến bên Ngài để thân thưa tâm tình tạ lỗi: Con lỗi hẹn rồi! Lỗi hẹn rồi! Giêsu hỡi! Thôi đành xin dâng lên Người. Lời tạ lỗi đơn sơ chân tình. Cả cố gắng hạn hẹp bất toàn của con.
Vậy nên, có yêu mến thì mới tuân giữ. Mà yêu mến càng nhiều thì tuân giữ càng trở nên nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến độ ta làm một cách tự nguyện để biểu lộ lòng yêu mến của ta đối với Đấng đã yêu ta từ trước muôn đời. Và, trái lại, khi không yêu mến thì không thể tuân giữ lời Chúa dậy, đây là lẽ hiển nhiên, và cái kết chắc chắn là: Những người này sẽ không được cư ngụ trong tình yêu của Ba Ngôi.
Có Tình Yêu, Xao Xuyến Sợ Hãi Được Thay Thế Bằng Bình An Đích Thực
Cách đây hơn hai ngàn năm, trước khi về cùng Cha, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ:
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.
Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (c.27)
Vâng, Chúa Giêsu biết rõ con người chúng ta mong manh, yếu đuối biết bao, nên đã hứa ban bình an của Ngài cho các môn đệ, cũng như cho chúng ta hôm nay. Thế nhưng, bình an ấy phải chăng chưa thành hiện thực, nên các môn đệ của Chúa ngày xưa đã trải qua những cơn lo lắng sợ hãi, và cả chúng ta hôm nay, những kitô hữu của thiên niên kỷ thứ 3, vẫn còn đó những sợ hãi xuyến xao về biết bao nhiêu vấn đề trong cuộc sống, của xã hội cũng như của chính bản thân mình: Nào là các thảm họa thiên nhiên mỗi ngày một gia tăng như: động đất, hạn hán, lũ lụt, sóng thần, dịch bệnh; Nào là sự khủng hoảng kinh tế đang dần xô đẩy nhiều người đến chỗ đói nghèo, dẫn đến căng thẳng trong mối quan hệ giữa người với người trong chính gia đình mình; Nào là nỗi lo về sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, khi người ta chế tạo ra những thứ vũ khí tối tân, muốn thay thế quyền năng Thiên Chúa và có thể hủy diệt thế giới này bất cứ lúc nào. Đây đó những cuộc chiến tranh không biết bao giờ mới kết thúc! Rồi ngay cả trong chính bản thân mỗi người, vẫn còn đó những vấn đề riêng tư, những “nút thắt” tưởng chừng như không ai có thể giải quyết, tháo gỡ,...
Vậy, Bình an Chúa ban có thực sự hiện hữu không? Hay phải chăng chỉ là một lời hứa?
Bài Tin mừng hôm nay, một lần nữa giúp ta xác tín lại: Bình an Chúa ban đã hiện hữu rồi! Đã hiện hữu trong thế giới này, và trong tất cả những tâm hồn biết mở ra đón nhận. Vâng, chính Chúa Kitô Phục Sinh đã ban bình an của Ngài cho Giáo hội, cho thế giới và cho chính mỗi người chúng ta. Nhưng, Ngài ban cho chúng ta bình an của Thiên Chúa chứ không phải bình an theo lăng kính của người phàm. Ngài ban bình an không theo kiểu của trần gian mà theo cách của Thiên Chúa:
“Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng.” (c.27)
Hóa ra, điều cần thiết là ta phải nhìn lại cách đón nhận ân ban này nơi chính mỗi người: Vì sao tôi chưa được bình an? Vì sao gia đình còn xáo trộn? Vì sao thế giới này vẫn mãi bất hòa chiến tranh???
Phải chăng tôi muốn một thứ bình an không phải như Chúa ban? Phải chăng tôi mong một thứ bình an của thế gian ban tặng? Thứ bình an của tôi phải chăng là những vinh hoa, lợi lộc, được, thua, mất, còn theo kiểu thế gian? Nếu thế thì, đến ngày tận thế, tôi vẫn chẳng có được sự bình an đích thực của Thiên Chúa!
Sự bình an Chúa ban được lãnh nhận trong tình yêu mến, trong sự tin tưởng, tín thác hoàn toàn nơi Chúa, để dù giữa những lúc tưởng chừng như không còn lối thoát; để dù giữa những khi đau khổ chập chùng bủa vây, người môn đệ của Chúa vẫn thân thưa: “Lạy Chúa, con tín thác nơi Ngài!” Bình an ấy không tránh né khổ đau, không tính toán được, mất. Nó chỉ dành cho những tâm hồn biết yêu và tin tưởng nơi Chúa.
- Trong thời đại Covid 19 hoành hành, còn gì xao xuyến sợ hãi hơn! Niềm tin và sự bình an của nhân loại tưởng như bị hủy diệt, thì chính lúc ấy, những tâm hồn có sự bình an đích của Chúa vẫn mãi tin vào Tình Yêu và Quyền năng của Ngài. Với tác phẩm Chúa đau cùng con, Sr. Quỳnh Thoại đã bộc lộ lòng tín thác của chính mình: “Chúa đau nỗi đau của con, Chúa buồn nỗi buồn của con. Ngài vẫn bên con mà, lo lắng làm con không nhận ra. Chúa đang bước đi cùng con nếu lòng tin còn người ơi! Tình Chúa ôi tuyêt vời, Ngài ở bên san sẻ đời buồn vui.”
- Và hôm nay, chứng kiến những cuộc chiến tranh không biết khi nào kết thúc! Thay vì xao xuyến sợ hãi, Đức Cố GH Phanxicô của chúng ta đã can đảm kêu gọi ngừng chiến tranh để hòa bình ngự trị. Theo Vatican News, chỉ riêng từ năm 2023 đến năm 2024, Đức Thánh Cha đã đưa ra 130 lời kêu gọi hòa bình cho Ukraine và 60 lời kêu gọi cho Trung Đông, với ước mong hãy ngừng chiến tranh. Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa bình thứ 58, được công bố ngày 12/12/2024, Đặc biệt, qua sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025: Spes non confundit, “hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5) Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy hy vọng năm 2025 là một năm trong đó hòa bình phát triển! Đó là nền hòa bình thực sự và lâu dài vượt trên sự tranh cãi về các chi tiết của các thỏa thuận hay ở bàn đàm phán của con người.
Vâng, nếu mỗi người trên thế giới này có tình yêu, sẽ có niềm tin, niềm hy vọng nơi Chúa. Và, Bình an đích thực sẽ ngự trị trong mỗi tâm hồn và cả thế giới này!
Hạnh Phúc Được Sống Trong Tình Yêu Của Ba Ngôi Thiên Chúa
Trong tình yêu, con người từng bước tiến vào cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là niềm hạnh phúc mà suốt đời người môn đệ ước mong và kiếm tìm.
Thánh Augustinô đã cảm nghiệm sự khắc khoải tìm kiếm Chúa trong chính cuộc đời mình: “Tâm hồn chúng con sẽ luôn khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.”
Với Tagore, một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Ấn Độ, trong bài thơ số 034 trích từ tập Thơ Dâng, ông đã bày tỏ nỗi mong muốn mình chẳng là gì, để chỉ còn được một mình Người mà thôi. Bài thơ này cũng đã làm nên tâm tình “Mong chẳng còn gì” nơi Lm. Quang Uy:
“Chỉ mong Ngài lấy đi, mong chẳng còn gì thuộc về con, mong chẳng còn gì là của con. Để con được trắng tay, con chỉ còn Ngài để giữ lấy. Con được chọn Chúa mãi là của con.
Chỉ mong Ngài cất đi, mong chẳng còn gì để nắm giữ, mong chẳng còn gì mà tự tôn. Để con chỉ biết yêu, yêu một mình Ngài trọn đời con. Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.”
Hóa ra, những gì trong quá khứ ta cho là quan trọng, những gì ta đã dành cả cuộc đời để đeo đuổi, tìm kiếm, có khi phải đánh đổi cả mạng sống, cả lương tri để có được một chỗ đứng, một địa vị hay chỉ là một ánh nhìn chấp nhận của xếp, .... thì nay, một khi đã được Tình Yêu Ngài chiếm hữu, tất cả giờ đây chỉ là hư vô. Chỉ còn có một điều quan trọng duy nhất trong đời ta, đó là chính Ngài, Nguồn Tình Yêu và Bình An đích thực của con!
Đây chẳng phải là tâm tình, thái độ đang sẵn sàng mở ra để đón lấy tình yêu và sự bình an đích thực của Thiên Chúa sao? Đây chẳng phải là niềm hạnh phúc của con người đang được tháp nhập vào cung lòng yêu thương của Ba Ngôi sao? Và đây có phải là ước mơ của tôi? Của bạn? Của những kitô hữu trong thiên niên kỷ mới hôm nay hay không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, trải qua thân phận làm người, Chúa đã thấu hiểu những xao xuyến sợ hãi của các môn đệ khi xưa và của chúng con hôm nay, do đó, trước khi về Trời, một lần nữa Chúa truyền dạy chúng con hãy sống yêu thương và tuân giữ Lời Chúa, vì con đường này sẽ dẫn đưa chúng con tới nguồn bình an đích thực trong huyền nhiệm tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
Xin cho chúng con luôn biết sống trong tâm tình cảm tạ Chúa Cha và biết trân quý, đón nhận, lắng nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để chúng con tin tưởng và xác tín hơn với lời Chúa đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 20) - Amen!
Nt. Maria Lê Thị Thanh Thảo, OP