TÌNH YÊU HIỆP THÔNG
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Năm C
Ga 16, 12 -15
1. BÀI TIN MỪNG: Ga 16, 12 -15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".
2. SUY NIỆM: TÌNH YÊU HIỆP THÔNG
Hôm nay, Giáo Hội mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là một trong những tuyên xưng nền tảng của đức tin Công Giáo. Mầu nhiệm ấy đã được mặc khải cho chúng ta trong dòng lịch sử cứu độ, qua những trang Thánh Kinh và là hình mẫu lý tưởng của đời sống gia đình và cộng đoàn.
Người Công Giáo tuyên xưng niềm tin của mình vào một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi trong nhiều trường hợp chẳng hạn như khi làm dấu Thánh giá, khi tuyên xưng đức tin trong kinh Tin Kính, hay khi đọc kinh Sáng Danh. Với nỗ lực, nhiều tác giả đã sử dụng những hình ảnh khác nhau nhằm diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chẳng hạn như hình ảnh lưỡi lửa, sức nóng và ánh sáng; hay ba thể rắn, lỏng, khí của vật chất và một số hình ảnh khác nữa. Tuy nhiên, Ba Ngôi, Một Chúa; Một Chúa, Ba Ngôi, mầu nhiệm vẫn thật khó hiểu và vượt khỏi khả năng mà lý trí con người có thể giải thích hay suy luận. Dầu vậy, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi tuy cao siêu nhưng lại cũng rất gần gũi với đời sống con người trong chiều kích tình yêu hiệp thông, chia sẻ và trao ban. Chúng ta không chỉ tin vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nhưng còn được mời gọi sống mầu nhiệm ấy trong đời sống thường nhật.
Ba Ngôi Thiên Chúa là hình mẫu lý tưởng của đời sống gia đình và cộng đoàn. Trong đó, mọi người yêu thương, tôn trọng sự khác biệt, đồng thời sẻ chia và trao ban chính mình để xây dựng một cộng đoàn phong phú và hiệp nhất, nơi mà mỗi cá nhân đều có thể phát triển nét riêng biệt, cá vị, độc đáo và duy nhất của mình. Trong gia đình, cộng đoàn ấy, mỗi thành viên chia sẻ trách nhiệm và cùng hướng tới mục đích chung. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật” (Ga 16, 12 – 13a). Đây dường như là một sự “chuyển trao công tác”, một sự linh hoạt, uyển chuyển trong công việc và sứ vụ, một sự phối hợp nhịp nhàng để đạt được mục đích chung đó là ơn cứu độ cho con người.
Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ cũng thể hiện sự kiên nhẫn của Ngài đối với các môn đệ nói riêng và đối với nhân loại nói chung. Chúa biết các ông cần thời gian để hiểu và để thấm những điều Chúa đã truyền, đã dạy. Tuy còn rất nhiều điều Ngài muốn nói, muốn dạy dỗ các môn đệ, nhưng Ngài biết chưa phải là lúc thích hợp để các ông có thể lĩnh hội được. Sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu là một mẫu gương sáng cho chúng ta noi theo trong cách ứng xử với những người mà chúng ta được trao phó hay những người mà chúng ta có trách nhiệm. Có thể có nhiều điều cần nói và phải nói, nhưng nếu người nghe chưa thể lĩnh hội được, chúng ta cũng cần kiên nhẫn đợi chờ. Đồng thời, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để ý thức sự giới hạn nơi bản thân để khiêm tốn mở lòng ra cho ân sủng của Chúa hoạt động thông qua các sự kiện, biến cố và nơi những người sống xung quanh chúng ta.
Nơi cộng đoàn Ba Ngôi, mỗi thành viên không sống cho mình, không làm theo ý riêng mình cách ích kỷ, nhưng trái lại, “Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con” (Ga 16, 13b – 15). Chúa Thánh Thần không tự làm theo ý mình nhưng loan báo dựa trên những gì lãnh nhận từ Chúa Con, mà Chúa Con thì nhận lãnh mọi sự từ Cha và Cha thì trao phó mọi sự cho Con. Đó là một sự hiệp thông hoàn hảo, trao ban tất cả và nhận lãnh tất cả. Nơi cộng đoàn gia đình Ba Ngôi, chúng ta học bài học của sự vị tha, hiệp nhất, và yêu thương. Trong một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, việc từ bỏ ý riêng trở thành một thách đố lớn, và hậu quả là chia rẽ, xung đột và chiến tranh tràn lan, chúng ta được mời gọi noi gương Ba Ngôi sống vì người khác, hiệp thông trong sự chân thành, tôn trọng lẫn nhau, không ganh đua hay đố kỵ nhưng sẻ chia những gì mình có đồng thời nhận lãnh, đón nhận sự nâng đỡ và chia sẻ từ những người xung quanh.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng nguyện xin Chúa soi lòng mở trí chúng ta để chúng ta nhận ra sự giới hạn của bản thân và xin Chúa giúp ta hiểu được điều Chúa muốn dạy bảo chúng ta trong mỗi hoàn cảnh, mỗi thời điểm của cuộc sống. Xin cho chúng ta cũng học nơi Ba Ngôi bài học của sự trao ban, sẻ chia và hiệp thông với nhau, để gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta cũng phần nào phản ánh tình yêu thương hiệp nhất của Ba Ngôi và góp phần đem lại hòa bình trong môi trường chúng ta sinh sống, nơi bản thân chúng ta và những người mà chúng ta gặp gỡ.
Nt. Têrêsa Trần Thúy Vy, OP