SỐNG GIỚI RĂN CỦA THẦY
Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm B
Ga 15, 9 - 17
1. BÀI TIN MỪNG: Ga 15, 9-17
(9) Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào,Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (10) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy,anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. (11) Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em,và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. (12) Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (13) Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu. (14) Anh em là bạn hữu của Thầy,nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (15) Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa,vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu,vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy,Thầy đã cho anh em biết. (16) Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em,và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại,hầu tất cả những gìanh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. (17) Ðiều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
2. SUY NIỆM: SỐNG GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga15,12)
Khi nói đến tình yêu, nhiều nhà văn, nhà thơ đã tốn rất nhiều giấy mực. Thế nhưng, tình yêu có thể sở hữu hay thuộc về ai đó không? Trong cuộc sống tình yêu được diễn tả với nhiều khía cạnh: tình cha con, tình mẫu tử, tình yêu vợ chồng…Tuy nhiên, đâu mới là nguồn cội đích thực của tình yêu? Người ta có thể diễn tả về tình yêu bằng nhiều cách nhưng định nghĩa về tình yêu dường như chưa có một lý giải nào trọn vẹn. Là Kitô hữu, chúng ta xác tín rằng tình yêu đích thực chỉ có thể tìm được nguồn cội phát xuất là Thiên Chúa. Bởi “Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga 4,8), nên chính trong tình yêu Thiên Chúa mà con người nhận ra giá trị tình yêu của mình.
Hình ảnh cây nho được Chúa Giêsu sử dụng để diễn tả tính liên kết của tình yêu: “Thầy là cây nho, anh em là cành nho”. (Ga 15,5) Dòng nhựa sống luân chuyển trong thân tới cành chính là tình yêu, vì chỉ khi cành còn ở trên cây và được nuôi bằng nhựa sống của cây, cành mới có sức sống và tăng trưởng. Cũng thế, tình yêu động chứ không tĩnh, tình yêu mở chứ không khép kín: tình yêu phát sinh hoa trái. Khuôn mẫu của tình yêu chính là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Chúng ta được mời gọi ở lại trong tình yêu của Chúa để sau đó, chúng ta đến với tha nhân và yêu thương họ. Như thế, mến Chúa và yêu tha nhân là hai mặt của tình yêu. Không ai có thể nói mình mến Chúa mà không yêu anh chị em đồng loại. Trong Chúa Giêsu, tình yêu được trả lại vị trí nguyên thủy của nó: Chúa Giêsu yêu thương nhân loại đến cùng và dâng hiến chính mình làm giá chuộc nhân loại.
Tình yêu cao quý nhất là trở nên món quà để trao ban cho người khác, chúng ta cũng có những mẫu gương sống tình yêu là các thánh. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã làm việc nhỏ với tình yêu lớn, mẹ Têrêsa Calcutta đã yêu Chúa Giêsu nơi những người nghèo khổ bất hạnh… Như thế, chung quy tất cả sứ mạng của chúng ta là yêu và lan tỏa tình yêu. Tình yêu là thước đo giá trị sống của con người. Càng sống trọn vẹn tình yêu bao nhiêu, cuộc sống chúng ta càng hạnh phúc bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong phận người yếu đuối, chúng ta cảm nghiệm rất rõ rằng “Ánh sáng tình yêu có thể bị lu mờ bởi những bụi bẩn trên đường đời. Khi nhìn lên vị Thầy chí thánh, chúng ta có đủ sức lau sạch những vết bẩn, để cuộc đời chúng ta lại tỏa rạng ánh sáng tình yêu Giêsu” (Thông điệp Fratelli Tutti, số 92)
Ánh sáng tình yêu đến từ kinh nghiệm quỳ gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Càng đến gần Chúa bao nhiêu, chúng ta càng có năng lượng để sống yêu thương bấy nhiêu. Xin Chúa cho chúng ta ngày càng triển nở trong tình yêu Chúa, để những gì chúng ta làm không phát sinh những tấm thẻ ghi nợ nhưng là tấm vé Nước Trời được điền đầy bằng tình yêu Giêsu. Vâng, xin “Hãy chiếu sáng tâm hồn con ngọn lửa hồng, là tình yêu Chúa,… để tình yêu Chúa cháy lên đốt lòng mọi người”.
Nt. Maria Nguyễn Thị Thúy Hằng, OP