daminhthanhtam.com

Ngày 25 tháng 01 - Thánh Phaolo Tông đồ trở lại

25.01.2024 Gương thánh nhân

Ngày 25 tháng 01

LỄ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

Hôm nay Giáo hội mừng kính cuộc trở lại của Phaolô, một trụ cột của Giáo Hội khi xuất phát điểm của Ngài lại là một người bách hại Đạo cách khắt khao.

Phaolô có tên là Saolô, được sinh ra tại Tácxô miền Kilikia trong một gia đình trong một gia đình Do Thái, thuộc chi tộc Benjamin. Là một người trí thức thông thạo Do Thái và Hy Lạp, Saolô được đào tạo để trở thành một Rabbi Do Thái Giáo dưới sự hướng dẫn của ông Gamaliên, một bậc thầy nổi tiếng ở Giêrusalem. Nhờ vậy, Saolô đã trở thành một biệt phái nhiệt thành, giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Trong mắt Saolô, nhóm người đi theo Giêsu Nadaret là mối nguy cho Do Thái Giáo, nên ông đã tình nguyện rong ruổi các vùng miền để truy quét bắt bớ những ai không tuân theo hoặc phá bỏ truyền thống.

Ông tự thuật rằng: “Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đamát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giêrusalem trừng trị” (Cv 22, 4-5). Có lẽ chiến công đầu tiên của Saolô trên mặt trận này chính là sự tử đạo của Thánh Stêphanô, khi mà áo choàng của thánh nhân được đặt dưới chân Saolô sau cuộc bị ném đá tới chết! (Cv 7, 54-60). Sau sự việc này Saolô hăng say bắt bớ những người theo đạo của Giêsu hơn nữa.

Nhưng rồi, cuộc đời Saolô mở sang một chương mới khi ông gặp biến cố trên hành trình truy quét Đạo. Ông kể lại: "Đang khi tôi đi đường và đến gần Đamát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Saolô, Saolô tại sao ngươi bắt bớ Ta? Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: "Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ.” (Cv 9, 3-5)

Ánh sáng đó đã khiến Saolô bị té ngã và không thể tự đứng lên, bị loà đôi mắt và không thể tự nhìn thấy. Ông phải nhờ đến sự trợ giúp và lòng thương xót của người khác để được chữa lành. Tuy nhiên, ngay chính giây phút này, tâm hồn ông được bừng sáng khi nhận ra: ông hoàn toàn mù tối nơi chính những điều mà mình xác tín cách chắc chắn nhất; ông đang truy lùng và bách hại chính vị Thiên Chúa mà mình đang tôn thờ; ông hoàn toàn bất lực và nhỏ bé của mình ngay chính lúc nghĩ là mình mạnh mẽ nhất (1Tm 1,13). Vì thực, chỉ trong sức mạnh và ánh sáng của Chúa, ông mới đứng dậy và nhìn thấy được.

Sau biến cố này, Saolô đã rũ bỏ hoàn toàn quá khứ bắt Đạo của mình, thay đổi chí hướng của mình cách tận căn để trở thành Phaolô, quy phục hoàn toàn cho sự chiếm đoạt của Đức Kitô Giêsu (Pl 3, 12) đến nỗi “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Từ nay, một Saolô nhiệt thành bắt bớ Đạo, đã trở thành một Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại, nhiệt tâm rao giảng và làm chứng cho Đạo Kitô với tất cả tài năng và trong mọi hoàn cảnh (2Tm 4, 2; 2Cr 11, 24-27). Một Saolô đả kích đạo Chúa đã trở nên một Phaolô cống hiến, “coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi” trước “cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu,” “để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài” (Pl 3, 8-9).

Cú ngã của Saolô đã tạo nên một Phaolô phi thường, một nhà thần bí, thần học, hùng biện, và truyền giáo trứ danh. Phaolô có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử giáo hội, giáo lý, và giáo huấn của Hội Thánh công giáo khi mà các thư của Ngài chiếm đại đa số trong bộ Tân Ước. Những lời dạy của Phaolô vẫn luôn âm vang trong dòng chảy của lịch sử cứu độ về ân sủng, tình yêu, và thần khí.

Cuộc đời của Thánh Phaolô được chính thánh nhân đúc kết trong lá thư gửi cho tín hữu Côrintô như sau: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi. (1Cr 15, 10).

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô mời gọi chúng ta nhìn lại hành trình ơn gọi của mình, nhìn lại những vấp ngã của mình để nhận ra sự kỳ diệu của ân sủng. Sự đổi đời của thánh nhân cũng là lời chất vấn và nhắc nhở: Liệu ta có dám làm lại cuộc đời của mình và để cho sức mạnh của Chúa chiếm giữ không? Liệu ta có mở lòng để cộng tác với ân sủng để sống đời mình cách sung mãn không?

Lạy Chúa, con cũng là kẻ tội lỗi và đầy những vấp phạm. Con cũng sống nhờ lòng thương xót của Chúa và người khác. Xin cho con biết nhận ra rằng con cần đến lòng thương xót biết bao. Xin cho con biết thường xuyên “trở lại” và đổi mới đời mình trong ân sủng để con cũng trở nên khí cụ truyền rao Tin mừng cứu độ của Chúa cho những người con sống với và gặp gỡ như Thánh Phaolô xưa. Amen.

Nt. Anna Kim Anh O.P tóm lược
Tin liên quan

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...