daminhthanhtam.com

Chúa Nhật XXXI Thường Niên - Năm B

03.11.2024 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

LẼ SỐNG

Chúa Nhật XXXI Thường niên năm B

Mc 12, 28b-34

 

1. BÀI TIN MỪNG: Mc 12, 28b-34

(28) Có một người trong các kinh sư đã nghe Ðức Giêsu và những người thuộc nhóm Xađốc tranh luận với nhau. Thấy Ðức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?" (29) Ðức Giêsu trả lời: "Ðiều răn đứng đầu là: Nghe đấy, hỡi Ítraen, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. (30) Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (31) Ðiều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó". (32) Ông kinh sư nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Ðấng duy nhất, ngoài Người ra không có Ðấng nào khác. (33) Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ". (34) Ðức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!" Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

 

2. SUY NIỆM: LẼ SỐNG

Đọc bài Tin Mừng Chúa Nhật XXXI Thường Niên hôm nay, người viết cảm thấy được mời gọi dừng lại để suy gẫm hai điểm nhấn:

1/ Thái độ khao khát am hiểu và tôn trọng Chân Lý của người kinh sư

Nếu như việc đặt câu hỏi nói lên mối quan tâm của người hỏi, và việc đưa câu hỏi đến đặt ra cho vị thầy nổi nang xuất chúng thì quả đó không còn chỉ là một quan tâm bình thường mà là nỗi khát khao tìm kiếm. Rất có thể người kinh sư này đã trăn trở nỗi khát khao này từ rất lâu.

Quả thế, giữa một rừng 613 điều luật của Do thái giáo, trong đó 365 điều phải giữ và 248 điều cấm, người ta dễ cảm thấy ngợp và chắc chắn không ít người băn khoăn “điều nào là điều trọng nhất?” Ở đây, nhà kinh sư đã học và có thể đã giảng dạy rất nhiều về luật, nhưng bản thân ông cũng đang ấp ủ lời giải đáp cho riêng mình. Ông đã đến với Chúa Giêsu để mong tìm ra nguồn cội của lẽ sống. Ông đã gặp, đã chăm chú lắng nghe, và việc hồi đáp của ông trước câu trả lời của Chúa Giêsu vang lên như một tiếng reo bởi nỗi khao khát ấp ủ bao lâu nay đã được lấp đầy. Nơi Thầy Giêsu, ông gặp được cội nguồn Chân Lý. Thật là “phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được no thỏa”. “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (c.32-33).

Thái độ của người kinh sư mời gọi bạn và tôi hãy nhìn vào lòng mình xem mối quan tâm trăn trở hàng đầu của tôi hiện tại là gì? Đó có phải là Chúa, luật Chúa, thánh ý Chúa cho đời tôi? Nói cách khác đó, có phải là lẽ sống cho cuộc đời và mọi lựa chọn sống của tôi không? Hay thay vào chỗ đó, lại là những mối quan tâm về về lợi lộc vật chất, những địa vị, danh lợi, lạc thú nào đó?

Gần đây, người viết có dịp chung sống và đồng hành với một bạn trẻ trong một ngôi trường cao đẳng công giáo. Bạn ấy đã được rửa tội theo niềm tin tôn giáo của mẹ và sau đó được học giáo lý và lãnh bí tích Thánh Thể lần đầu. Nhưng cũng từ đó, gia đình để bạn tự do trong vấn đề đức tin. Một năm bạn chỉ đến nhà thờ cùng với gia đình một lần trong dịp Giáng Sinh và coi đó như một cuộc đi hội. Khi ở với chúng tôi, bạn ấy 18 tuổi, nhưng chưa lãnh bí tích Thêm Sức. Bạn đam mê học hành và thường dành nhiều thời gian cho việc học hỏi, nghiên cứu nhiều lãnh vực khoa học; bạn cũng chăm chỉ và tỏ ra thành thạo trong nhiều kỹ năng của cuộc sống. Vấn đề duy nhất nơi bạn trong môi trường này là bạn tỏ ra dửng dưng với đời sống đức tin. Trước khi gặp gỡ để trao đổi vấn đề này với bạn, tôi đã gửi cho bạn một số bài viết và video về nhiều nhà khoa học trên thế giới, họ chia sẻ thế nào về khám phá và xác tín của họ đối với sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa. Sau một hồi đối thoại, bạn trả lời tôi: thật ra đối với con, con không cần tranh luận vấn đề có Chúa hay không; đơn giản, con đang có rất nhiều cần quan tâm, có rất nhiều điều cần học hỏi. Chúa, đối với con, chưa cần thiết.

Tôi cảm nhận là sự dửng dưng của con người trước vấn đề đức tin còn đáng sợ hơn cả sự chống đối hay phủ nhận đức tin. Vì nếu họ đang phủ nhận, họ đang hiểu lầm, hay đang chống đối, họ đang dành một mối bận tâm và có cơ may để đối thoại và thay đổi. Dửng dưng là thái độ của rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ trong xã hội chúng ta hôm nay.

2. Mến Chúa – Yêu Người: hai mặt của một đồng tiền

Lẽ sống mà Chúa trao cho người kinh sư đó là gì? “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó.” (c.29-31).

Với câu trả lời của Ngài, Đấng kiện toàn lề luật đã khẳng kết nối bổn phận yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi như mặt phải của một đồng tiền; mặt còn lại ắt phải là yên mến người thân cận như chính mình. Theo đó, chúng ta không thể nói tôi yêu mến Chúa mà lại không yêu tha nhận và không thể nói tôi yêu tha nhân nếu như tình yêu ấy không bắt nguồn từ tình yêu với Thiên Chúa. Chính tương quan chiều dọc với Chúa là Cha trổ sinh hoa trái chiều ngang nơi sự yêu thương, trân quý, quan tâm, hòa nhã, tế nhị, tôn trọng và luôn mong muốn điều tốt nhất cho anh chị em chung quanh mình.

Sau đây, người viết xin mạo muội chia sẻ một số dấu hiện trong cuộc sống để mình thấy được là mình có đang yêu Chúa và tha nhân như Chúa muốn không.

Các dấu hiệu ấy là:

- Giữ kết nối với Chúa, sống luật Chúa dạy, rất sợ bị xa Chúa và sợ làm mất lòng Chúa.

- Tôn trọng mọi người, bất kể họ là ai, hoàn cảnh địa vị nào vì họ đều mang nơi mình phẩm giá cao quý và là hình ảnh của Thiên Chúa toàn năng.

- Luôn mong muốn và làm điều tốt cho anh chị em xung quanh.

- Yêu quý, trân trọng, bảo vệ, chăm sóc thiên nhiên vạn vật, vì tất cả đều đã được tạo nên do quyền năng và tình yêu chủa Thiên Chúa.

- Cẩn trọng giữ đức công bằng trong các tương quan gia đình và xã hội; không gian tham, không giả dối, như việc tham gia làm từ thiện để lấy danh lấy lợi; hay như việc đi cầu nguyện chỉ để xin ơn này ơn kia rất vật chất và ích kỷ.

- Sống có trách nhiệm chung: xây dựng và bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho bản thân và tha nhân.

Lạy Chúa là Đấng kiện toàn lề luật, xin hãy khơi lên tận đáy lòng chúng con khao khát kiếm tìm lẽ sống nơi chính nguồn mạch là Đức Kitô. Và khi đã tìm gặp, xin cho chúng con biết thành tâm mến giữ để trổ sinh hoa trái trong cuộc mình. Amen.

Nữ tu Maria Trần Thị Mỵ, OP.

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...