daminhthanhtam.com

Chúa Nhật Tuần XXIX Thường Niên B

20.10.2024 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

MÔN ĐỆ CỦA AI?

Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B

Khánh nhật Truyền giáo

Mc 10, 35-45

I. BÀI TIN MỪNG: Mc 10, 35-45

(35) Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Ðức Giêsu và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây". (36) Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?" (37) Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang". (38) Ðức Giêsu bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" (39) Các ông đáp: "Thưa được." Ðức Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" (39) Các ông đáp: "Thưa được". Ðức Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. (40) Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được".

(41) Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. (42) Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. (43) Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; (44) ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. (45) Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người".

 

II. SUY NIỆM: MÔN ĐỆ CỦA AI?

“Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (cc. 44-45).

Tầm sư học đạo” là một khái niệm quen thuộc nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của người Thầy trong lãnh vực đào tạo. Thầy hay thì trò giỏi. Học trò hay môn đệ lấy người thầy làm gương mẫu và cố gắng trở nên một bản sao của thầy. Hành trình làm môn đệ theo Đức Giê su cũng vậy. Trở nên người môn đệ là trở nên giống Đức Giêsu, là nhận lấy và nối tiếp sứ mạng của Người. Muốn trở nên giống Thầy, người môn đệ phải biết và hiểu căn tính, sứ mệnh của Thầy. Vậy đâu là chân dung của Đức Giêsu, đâu là căn tính và sứ mệnh của người môn đệ?

Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia kể lại hình ảnh của một người tôi trung đau khổ, hy sinh vì muôn người “sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53, 11). Vì tội lỗi của người khác mà người tôi trung, người công chính “hiến thân làm lễ vật đền tội” (c. 10) để mang lại sự sống và sự trường tồn theo như ý muốn của Thiên Chúa. Người tôi trung này là chính Đức Giêsu – con Một Thiên Chúa. Người đã trở nên hiến lễ để đem ơn cứu độ cho con người (Ga 3,15) theo ý muốn của Thiên Chúa Cha.

Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Do Thái về vai trò của Đức Giêsu – vị thượng tế cảm thương đã gánh chịu mọi đau khổ để đem con người về với Thiên Chúa (Dt 4, 15). Đức Giêsu là vị trung gian, là đấng cứu độ duy nhất mà con người chờ mong. Chính nơi Người – vị Thiên Chúa làm người, là hình ảnh hoàn hảo về khuôn mặt đầy khoan dung của Thiên Chúa. Người hiểu thấu phận người, “chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi” (Dt 4, 15). Đức Giêsu – Con Một Thiên Chúa, Đức Chúa đã chịu chết vì tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết mà ban sự sống trường tồn như lời tiên tri Isaia đã tiên báo bằng cái giá của sự đau khổ và sự chết.

Trong trình thuật bài Tin mừng, thánh Marcô nhắc đến căn tính và mục đích ơn gọi của người môn đệ. Chân dung mà người môn đệ Đức Giêsu khắc họa là hình ảnh của vị Thầy thực thi thánh ý bằng chính mạng sống của mình, là bước đi trên con đường thập giá, là sự phục vụ, hiến dâng mạng sống (Mc 10, 43-45).

Bài trình thuật được đặt trong bối cảnh của lời tiên báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, trên hành trình lên Giêrusalem. Đối lại với lời tiên báo là phản ứng không thích hợp của các môn đệ đối với sứ mạng và hành trình của Thầy mình: Các ông mang trong mình những tham vọng trần thế riêng – mong được ngồi bên hữu, ngồi bên tả Thầy trong vinh quang (c. 38) dưới một người, trên vạn người. Hai ông lên tiếng xin, hy vọng quyền lợi của mình không bị lãng quên khi thời vinh quang của Đức Giêsu đến.

Có một sự tương phản hoàn toàn giữa tư tưởng giữa Thầy và trò. Câu chuyện và tâm tưởng của các ông không hề có sự tương thích và đồng điệu với tâm tình của Đức Giêsu đã cố gắng tỏ bày – kế hoạch cứu độ thông qua con đường đau khổ. Hai người được xem là thân tín lại chẳng hiểu hay chẳng để tâm đến mầu nhiệm ơn cứu độ - thực thi sứ vụ của Thầy. Các ông nghe mà chưa hiểu. Các ông theo Thầy nhưng vẫn chưa biết Thầy. Ở gần Thầy nhất mà vẫn u tối. Không biết Thầy, các ông không biết căn tính và ơn gọi của mình – người môn đệ. Và “nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan” (c. 41). Sự tức tối này liệu có phải là sự bất bình với sự vô tư, vô tâm của hai môn đệ nòng cốt trước con đường đau khổ của Thầy hay là sự bất bình đến từ chính tham vọng chưa được giãi bày?

Nhìn lại khởi điểm của ơn gọi, động lực ban đầu để các môn đệ theo Đức Giêsu chỉ đơn giản là lời đáp lại tiếng gọi “trở thành lưới người như lưới cá” (Mc 1,17). Đức Giêsu cũng nói rõ về cái giá của một người môn đệ “vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mc 8,34b).Thế nhưng theo thời gian, tham vọng thế gian đã len lỏi vào trong hành trình đó, và làm mù tối tâm tư. Các ông quên điều cốt lõi, mong mỏi được trả lại những gì đã bỏ bằng quyền lực.

Nhìn lại hành trình ơn gọi của mình, ta tự hỏi đâu là nguyên nhân mình theo Chúa? Hứng khởi ban đầu còn lại bao nhiêu khi ngày qua tháng lại? Ta tự hỏi đâu là chân dung của Thiên Chúa ta thờ? Ta là môn đệ của ai? Ai là Thầy của ta? Ta có nghe được tiếng lòng của Thầy giữa những bon chen bề bộn của cuộc sống? Thầy đang nói cho ta về Thánh giá Người phải mang vác: sự chết chóc của những con người vô tội, sự tha hóa trong lối sống luân lý, sự tham lam, ghen ghét, bất công lọc lừa của lòng người. Ta có hiểu được trái tim đang khổ đau của một Thiên Chúa bị lãng quên và khước từ chỉ vì con đường của Ngài là tình yêu, là thứ tha, là phục vụ, là không mang quyền lực cùng vinh quang trần thế? Cái giá của người môn đệ là có thật khi thành tâm theo Thầy (Dietrich Bonhoeffer). Ta có phát hiện ra những thay đổi hay sự trệch hướng của mình trên con đường làm môn đệ? Cuộc đời và sự chọn lựa của ta có lấy Đức Giêsu làm chủ đích và kim chỉ nan hay là một điều gì khác?

Phản ứng của Đức Giêsu trước sự vô tri của các môn đệ là gì? Ngài không giận dữ nhưng kiên nhẫn giải đáp và dạy dỗ: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" (Mc 10,38). Đức Giêsu tha thứ cho sự mù tối của các môn đệ. Ngài cố gắng dẫn họ ra khỏi cơn cám dỗ tài lộc, hướng họ trở lại mục đích và căn tính của người môn đệ- uống chén, chịu phép rửa của Thầy. Đức Giêsu dạy họ bài học về sự phục vụ và hiến mạng cho ơn gọi: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người (c. 43-44) vì chính Người, “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người" (c. 45). Có lẽ các môn đệ vẫn chưa hiều được ý nghĩa thực sự của việc uống chén và chịu phép rửa, thế nhưng sự nhiệt tình ban đầu của các ông đã được gợi hứng trở lại, “Các ông đáp: Thưa được” (35).

Lời đáp trả của các môn đệ và bài học về sự phục vụ của Đức Giêsu nơi cuối đoạn văn chính là lời giải và sự củng cố cho căn tính và sứ mạng của người môn đệ đích thực. Đích điểm của người môn đệ không hệ tại ở việc thăng tiến bản thân nhưng là “cứu chuộc muôn người” bằng giá mạng sống mình như Thầy đã làm. Người môn đệ của Đức Giêsu không thể rời khỏi con đường của Thầy để hướng và nhắm tới con đường khác. Con đường của Thầy là sự hy sinh đễ đem lại sự sống cho con người bằng thập giá đời mình và sự dâng hiến của tình yêu. Tìm kiếm danh vọng, đi theo Đức Giêsu tìm sự vẻ vang riêng không phải là căn tính của người môn đệ.

Ta có nghe được sự chỉnh sửa của Đức Giêsu trong những cơn cám dỗ? Và ta có đủ khoan dung kiên nhẫn giải thích, hướng dẫn giúp đỡ người khác thì bắt gặp một ai đó đang lạc đường, lạc hướng? Ta có dám làm người rốt hết để phục vụ anh chị em mình bằng một trái tim yêu thương không toan tính? Và liệu ta có dám thưa “sẵn sàng” để hiến dâng thời gian, tài năng, sức lực và mạng sống cho sứ vụ đem lại sự sống và ơn cứu độ cho con người?

Hôm nay là Khánh Nhật Truyền Giáo, là cơ hội nhắc nhở ta về việc sống căn tính người môn đệ. Ta loan truyền tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho con người bằng chính lối sống chứng nhân. Cuộc đời ta phải là lời rao giảng hùng hồn và thuyết phục nhất khi ta khắc họa khuôn mặt của Thiên Chúa nơi mình. Đây là chân dung của Thiên Chúa mà ta đang trao cho người khác? Liệu có phải là một khuôn mặt đầy yêu thương, tha thứ và đầy lòng thương xót hay một điều gì khác? Thông điệp mà ta chuyển trao cho người có phải là một Đức Giêsu phục vụ yêu thương và hiến mình? Tham vọng của ta là gì trong ơn gọi sống đời rao truyền Phúc Âm?

Lạy Chúa, hai ngàn năm đã qua mà số người theo Chúa vẫn là số ít. Lạy Chúa, mấy thế kỷ đã qua mà số người Việt biết Chúa còn quá nhỏ. Chúng con chưa là những men tốt để làm dậy khối bột. Chúng con chưa là những đèn sáng đặt trên đế cao để mọi người nhận biết. Tất cả bởi vì chúng con chưa sống căn tính đích thực của người môn đệ. Xin Chúa tha lỗi cho chúng con vì đã làm méo mó hình ảnh của Ngài. Chúng con xin lỗi Chúa vì tham vọng của chúng con nhiều lần đặt nơi trần thế. Xin Chúa hãy mở mắt, mở tai, để lòng trí và trái tim chúng con được mở ra, để chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa và sửa đổi lại đời sống và định hướng đời mình. Xin thêm sức cho chúng con để chúng con biết can đảm quay trở về khởi điểm ơn gọi của mình, khơi lại những nhiệt tình hứng khởi ban đầu trên hành trình theo Chúa và luôn trung trinh trong con đường hiến thân phục vụ vì tha nhân. Lạy Chúa xin biến đổi và dạy chúng con nên những môn đệ đích thực của Ngài. Amen.

 

Nt. Anna Nguyễn Thị Kim Anh, O.P

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...