daminhthanhtam.com

Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm B

27.10.2024 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

ANH MÙ BARTIMÊ

Chúa Nhật XXX Thường niên Năm B

Mc 10, 46-52

 

1. BÀI TIN MỪNG: Mc 10, 46-52

(46) Ðức Giêsu và các môn đệ đến thành Giêrikhô. Khi Ðức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người hành khất mù, tên là Báctimê, con ông Timê, đang ngồi ở vệ đường. (47) Vừa nghe nói đó là Ðức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi!" (48) Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi!" (49) Ðức Giêsu đứng lại và nói: "Gọi anh ta lại đây!" Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!" (50) Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Ðức Giêsu. (51) Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được". (52) Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

 

2. BÀI SUY NIỆM: ANH MÙ BARTIMÊ

Chúa Giêsu vẫn đang trên đường lên Giêrusalem, Ngài đã gặp anh mù Bartimê ngồi bên vệ đường ăn xin. Anh đã nhận ra Chúa Giêsu là con vua David và xin chữa lành. Sao anh mù mà lại nhận ra Chúa Giêsu? - Có lẽ anh không phải là người mù bẩm sinh, vì có thể anh đã bị căn bệnh gì đó nên bị mù. Từ khi bị mù cuộc đời của anh gắn liền với cây gậy, áo choàng và vệ đường. Suốt ngày đêm sống trong bóng tối, và công việc của anh là ăn xin lòng trắc ẩn của những người qua đường. Anh cứ ngồi bên vệ đường bất động như vậy. Nhưng khi vừa nghe người ta nhắc đến tên Chúa Giêsu anh liền bật dậy, có lẽ trước đó anh đã được nghe danh tánh của Chúa Giêsu, nghe biết những việc Ngài làm nên mới có thái độ “nhẩy chồm lên”. Anh được Chúa Giêsu cho thấy nghĩa là có khả năng vào không gian di chuyển nên thay vì nói “ hãy mở ra” thì Chúa Giêsu nói “Hãy đi”. Anh nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Messia nghĩa là “Con vua David”. Anh liệng chiếc áo choàng đã gắn bó với anh bao nhiêu năm nay, nghĩa là từ bỏ con người cũ, con người bất động để đi theo làm môn đệ Chúa.

Anh tuy mù thể lý nhưng lại sáng mắt tâm linh nên anh dám công khai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Vua David, còn các môn đệ của Chúa Giêsu tuy sáng mắt thể lý nhưng mù con mắt tinh thần, nên chưa thấy Chúa Giêsu là Đấng Messia chịu đóng đinh, nên chưa theo Ngài đến tận cùng. Cả những người chung quanh họ cũng thế nên cấm cản anh và họ sợ nên không theo Chúa Giêsu được. Phần chúng ta những người đang theo Chúa nhưng thực sự chúng ta có thấy Ngài là ai không? Nếu nhận ra Ngài chúng ta có dám tuyên xưng Ngài như anh mù không? Được Ngài mở mắt trong Bí tích Thanh Tẩy, bây giờ chúng ta đã hoàn toàn dám theo Ngài lên đường Giêrusalem như anh mù không? Chúng ta có thấy Ngài hiện diện trong anh chị em chúng ta không?

Trên đường lên Giêrusalem những người theo Chúa Giêsu kinh hoàng sợ hãi (10, 32), lại còn chống đối thái độ của anh mù Bartimê (c.48), nhưng khi vào Giêrusalem thì họ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Messia (11,8.10) và dám cao rao tư cách Thiên sai dòng David của Chúa Giêsu mà trước đó họ đã từ chối. Tất cả chẳng trừ ai không còn tuyên bố tước hiệu Thiên Sai nữa (con David) nhưng công bố nội dung chính xác của tước hiệu này. họ kêu lên “Hôsana! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến !”. Như thế việc chữa lành anh mù Bartimê biểu lộ một quyền lực mới mẻ và kỳ lạ trên thực tại nhân loại.

Anh mù Bartimê tuyên xưng Đức Giêsu và khi Ngài vào thành thì mọi người tung hô Ngài là Messia. Hình như ở đây tác giả dẫn độc giả đến chỗ tuyên xưng đức tin công khai vào Thiên sai tính của Đức Giêsu. Theo cha N. Guillemette thì Giêricô là điểm dừng để lấy sức cuối cùng trước khi leo lên dốc một cách cực nhọc đến Giêrusalem qua sa mạc Giuđêa. Suốt con đường đức tin và thập giá làm thành Tin Mừng của Marcô thì trình thuật Bartimê là điểm quẹo có tính cách quyết định cho việc vào Giêrusalem với tư cách là Messia của Chúa Giêsu. Ở Giêricô chúng ta thấy Chúa Giêsu lần đầu tiên chấp nhận để người ta gọi Ngài là Con David và lần đầu tiên chữa lành mà không bắt giữ bí mật và lần đầu tiên Ngài cho phép người được chữa lành đi theo như một môn đệ. Quả thật, chỉ khi nào chấp nhận thập giá, người ta mới trở nên bạn hữu thật của Chúa Giêsu. Con đường của đức tin đi theo con đường của thập giá. Trong đời chúng ta cũng có lúc chúng ta phải quyết định, chúng ta phải làm một khúc quẹo một cách sáng suốt “Lạy Thầy, xin cho con được thấy!

 

Nt. Maria Tăng Thị Thiêng, OP

 

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...