LOAN BÁO TIN MỪNG
Chúa Thăng Thiên
Mc 16, 15-20
1. BÀI TIN MỪNG: Mc 16,1 5-20
(15) Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. (17) Ðây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ".
(19) Nói xong, Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông Ðồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
2. BÀI SUY NIỆM: LOAN BÁO TIN MỪNG
Đây là đoạn cuối của Tin Mừng Marcô, nhóm Mười Một được phái đi truyền giáo và Chúa Giêsu cho biết là sẽ có những kẻ tin, đồng thời cũng sẽ có những kẻ không tin vào Tin Mừng, những kẻ tin sẽ có những dấu chỉ kèm theo. Kết thúc lệnh truyền là việc Chúa Giêsu được cất nhắc lên trời và các Tông đồ đi truyền giáo. Dĩ nhiên mục đích của Marcô khi nói tới việc Chúc Giêsu về trời, là muôn nhấn mạnh đến công việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, đồng thới Chúa Giêsu thực hiện lời hứa là sẽ có những dấu lạ kèm theo để hỗ trợ lời rao giảng: Mặc dù Chúa Giêsu hứa ban các dấu lạ cho các tín hữu. Lý do một phần vì tác giả thừa biết rằng vào thời Giáo hội sơ khai, các đặc sủng chữa bệnh và trừ quỉ cũng được ban cho các tín hữu ngoài nhóm các Tông đồ, vả lại Chúa Thánh Thần dường như cũng hay hành động một cách trực tiếp ngay trong và qua các thính giả, như trong trường hợp nói tiếng lạ (Cv 10,44-46).
Tuy nhiên, những dấu chỉ được nói đến trong đoạn Tin Mừng này phải hiều: Khi còn rao giảng công khai, Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ và trừ quỉ để củng cố cho lời rao giảng của Ngài. Tin Mừng Nhất Lãm đã tránh gọi đó là dấu chỉ. Sự dè dặt ấy biến mất trong phần khác của Tân Ước kể cả đoạn Tin Mừng hôm nay. Do các dấu chỉ được trao ban là nhằm đề cao quyền năng cứu độ của Đức Kitô Đấng Phục Sinh và cho khán thính giả thấy rằng lời các Tông đồ rao giảng là đáng tin cậy. Ngày nay cũng vậy, Thiên Chúa vẫn còn tỏ nhiều dấu hiệu tương tự cho loài người được nhờ, nhưng thường rất hiếm hơn các dấu chỉ thiêng liêng. Đó là sự kiên trì, sứ xác tín và sự dấn thân của các nhà truyền giáo (2Cor 12,12; 1Tx 2,2-12). Đó chính là giá trị nội tại của sứ điệp Tin Mừng. Đó cũng là sự hiệp thông và thánh thiện của một cộng đoàn tín hữu (Ga 13,35; 17,21).
Vai trò của Chúa Giêsu khi về trời là: Ngự bên hữu Thiên Chúa. Khi đề cập đến sự Thăng Thiên và nhóm 11 đi truyền giáo. Sự truyền giáo sở dĩ có hiệu quả là do mầu nhiệm Thăng Thiên, vì chính Chúa Giêsu khi mặc lấy quyền năng phát sinh sự sống bởi việc lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa đang làm việc với các Tông đồ. Việc Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa, đó là sự tôn vinh luôn gắn liền với sự Phục Sinh trong niềm tin của Kitô giáo tiên khởi (Eph 4,10; 1Tm 3,16; Dt 4,14). Ở đây cũng như ở các chỗ khác, mầu nhiệm về sự tôn vinh Đức Kitô trong bản tính nhân loại của Ngài, được diễn tả qua hình ảnh “ngự bên hữu Thiên Chúa”. Hình ảnh ấy trích từ Tv 110 mà Chúa Giêsu đã trích dẫn, kèm với hình ảnh Con Người đến trên mây trời của Daniel, để mạc khải Messia tính thần linh của Ngài, nghĩa là Chúa Giêsu vừa là Kitô vừa là Con Thiên Chúa. Và Phêrô cũng dựa vào bản văn ấy mà công bố “Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Chúa và Đức Kitô”.
Thật thế, trong niềm tin của các Kitô hữu, khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Thiên Chúa đã tôn phong và trao ban cho Ngài uy quyền làm Chúa, Người đã ban cho Ngài một danh hiệu trổi vượt trên mọi danh hiệu (x. Pl 2,9), nghĩa là làm cho Thần tính tỏa ra trên nhân tính của Ngài, và qua đó: Thiết định ưu quyền phổ quát của Ngài. Hơn nữa lên trời là biến cố hoàn tất các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Cho nên việc “ngự bên hữu” là niềm tin, là sự tôn vinh trong phẩm vị là Chúa, đấy là mầu nhiệm thuộc phạm vi đức tin.
Việc truyền giáo Tin Mừng cho lương dân dần dần mới đạt tầm mức quyết định trong tâm thức của các Tông đồ, đó là sứ điệp, là Tin Mừng cuộc sống, sự chết và sống lại sinh ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Các lời rao giảng ban đầu còn ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ thường kết thúc bởi sự sám hối, lãnh nhận ơn tha thứ bằng cách tin vào Chúa và lãnh nhận phép rửa. Vậy đức tin là sự trả lời cho lời rao giảng được gắn liền với phép rửa, đó là điều kiện để được ơn cứu độ. Tuy nhiên, khi các ông đi rao giảng khắp nơi nhưng không thấy nói đến việc Chúa Thánh Thần ngự đến, nhưng thấy việc hoạt động truyền giáo của các Tông đồ, được hỗ trợ bởi sự hiện diện vô hình nhưng hiệu nghiệm của Chúa Giêsu. Vì thế, mầu nhiệm lên trời là một động lực thúc đẩy việc truyền giáo mỗi ngày một mạnh mẽ hơn
Nt. Maria Tăng Thị Thiêng OP