daminhthanhtam.com

Ngày 26 tháng 01 - Thánh Timôthêô và Thánh Titô

26.01.2024 Gương thánh nhân

Ngày 26 tháng 01

THÁNH TIMÔTHÊ VÀ TITÔ

 

Hôm nay, Hội Thánh mừng lễ thánh Timôthê và Titô, là hai môn đệ thân tín của Thánh Phaolô, ngay sau ngày lễ của Thánh Phaolô 25/1. Điều này chứng tỏ rằng, nếu không có ngày lễ Phaolô trở lại sẽ không có ngày lễ hôm nay.

1. Thánh Timôthê

Timôthê là người bản xứ Lystra, có mẹ là người Do Thái, cha là người Hy lạp. Cả người bà và mẹ của Timôthê đều là tân tòng khi Thánh Phaolô tới đây trong chuyến truyền giáo đầu tiên. Nhờ bà ngoại của mình, Timôthê đã được tiếp xúc với Kinh Thánh trong truyền thống Do Thái Giáo. Trong chuyến truyền giáo lần thứ 2, Timôthê gặp Phaolô và được mời tham gia loan báo Tin mừng. Trong suốt 15 năm cộng tác, Timôthê trở thành người bạn trung thành và đáng tin cậy nhất của Thánh Phaolô. Được sự tín nhiệm đặc biệt, nhiều lần Timôthê được cử đi thực hiện những sứ mệnh khó khăn, và trở thành người đại diện của Phaolô để tới thăm các giáo đoàn mà Phaolô đã thành lập: “Anh Timôthê đã chứng tỏ mình là người có giá trị, bởi vì anh ấy đã cùng với tôi phục vụ Tin Mừng, như con với cha. Vậy, tôi hy vọng sẽ cử anh ấy đi.” (Pl 2, 22-23). Thánh Phaolô đặc biệt yêu quý và thường cho Timôthê những lời động viên nâng đỡ, “Đừng để ai coi thường anh vì sự trẻ trung” (1Tm 4, 12a) cũng như những quan tâm thân tình, và tế nhị, “Đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn" (1Tm 5,23).

Theo Phaolô, Timôthê để lại dấu ấn của mình trong các giáo hội tại Thêssalônia, Côrintô, Philipphê, Êphêsô, Tiểu Á, và Giêrusalem trong vai trò là thầy dạy và chủ chăn. Cuối cùng, Timôthê được đặt làm giám mục tại Êphêsô.

Thánh nhân chịu tử đạo tại Êphêsô trong một lần ngài phê phán sự vô lý của các nghi thức ngoại giáo. Lúc đó ngài đã hơn 80 tuổi.

2. Thánh Titô

Thánh Titô là môn đệ và bạn đồng hành của Thánh Phaolô, và được vị Tông đồ dân ngoại xem như là “người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung” (Tt 1, 4). Thánh Titô là người đảm bảo rằng Tin mừng phải trở thành trung tâm của đời sống giáo hội để thế giới có thể nhận biết Đức Kitô.

Tuy không được đề cập đến trong sách Công vụ Tông đồ, nhưng Titô được đề cập đến trong thư gửi tín hữu Galat, khi Phaolô viết về cuộc hành trình đến Giêrusalem cùng Banaba. Sau đó, Titô được cử đến Côrintô, nơi thánh nhân hòa giải thành công cộng đoàn tín hữu giáo ở đây với Thánh Phaolô.

Titô là người vùng Crete, một đảo lớn của Hy Lạp. Theo truyện kể rằng, khi còn trẻ, Titô theo học triết học Hellen và tư tưởng các nhà thơ cổ đại. Khi 20 tuổi, Titô có một giấc mơ kỳ lạ: Một tiếng nói đòi buộc anh từ bỏ tư tưởng triết học Hellen để cứu rỗi linh hồn mình. Mãi đến khi Titô học sách ngôn sứ Isaia, nhất là chương 47, Titô chợt nhớ lại giấc mơ của mình. Tại quê nhà, Titô nghe nói về vị ngôn sứ vĩ đại ở Palestine, về các phép lạ vĩ đại Ngài làm. Titô quyết tâm đến Palestine để tìm hiểu và biết rằng vị ngôn sứ đó chính là Đức Giêsu Kitô. Tại Giêrusalem, Titô đã nhìn thấy, nghe Người giảng dạy, chứng kiến cái chết và vinh quang phục sinh của Ngài.Titô cũng được vinh hạnh là một trong số những người được kinh nghiệm ơn nói các tiếng lạ của các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Chính biến cố này đã tạo bước ngoặt trong cuộc đời thánh nhân. Thánh Titô trở lại và nên người môn đệ thân tín và tâm giao của thánh Phaolô.

Được xem như một nhà hòa giải, một nhà quản trị, một người bạn tuyệt vời, thánh nhân cộng tác, đồng hành với thánh Phaolô và Barnabas từ Antiôkia đến Giêrusalem. Ngài còn tiếp tục cộng tác với Phaolô trong các chuyến hành trình truyền giáo cũng như theo và giúp đỡ khi Phaolô bị lao tù tại Rôma. Sau đó, Titô tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin mừng tại Serbia và Môntênêgrô.

Là một tín hữu gốc ngoại, Titô lên tiếng chống lại các lạc giáo Do Thái nại vào Luật Môsê nhất là việc cắt bì. Ngài đặc biệt hướng về những tín hữu gốc ngoại, giúp khai sáng họ trong ánh sáng đức tin vào Đức Giêsu Kitô. Tương truyền rằng, một lần nọ, khi ngài giảng cho một đám đông đang cử hành nghi thức tôn giáo cho thần Diana, nhìn thấy sự cứng lòng của họ, Thánh Titô xin Chúa làm cho tượng của vị thần này rơi xuống, bể vung vãi trước mặt mọi người. Một lần khác, Ngài cầu nguyện làm cho đền thờ của thần Dớt không thể hoàn tất.

Thánh Titô qua đời trong an bình, hưởng thọ 97 tuổi. Tương truyền, khi chết, mặt của thánh nhân bừng sáng như mặt trời.

Mừng kính thánh Timôthê và Titô chúng ta được mời gọi nhìn lại đời sống đức tin và chứng tá của mình trong ơn gọi Kitô hữu.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng nhiệt thành và tình yêu đối với sứ vụ rao giảng Lời Chúa cho nhân thế. Nhờ lời hai thánh Timôthê và Titô chuyển cầu, xin cho mỗi giây phút sống của chúng con là một lời truyền giảng niềm vui và ơn cứu độ chúng con đã và đang lãnh nhận nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô.

Nt. Anna Kim Anh O.P tóm lược

https://www.oca.org/saints/lives/2018/08/25/102393-apostle-titus-of-the-seventy-and-bishop-of-crete
Tin liên quan

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...