Ngày 31 tháng 01
THÁNH GIOAN BOSCO
Linh Mục
(1815 - 1888)
Gioan Boscô chào đời năm 1815 tại miền Bắc nước Ý, trong một gia đình nông dân nghèo và mồ côi cha khi mới lên 2 tuổi. Được người mẹ rất đạo đức chăm sóc, dạy dỗ, ngay từ thửơ nhỏ, Boscô đã có lòng tôn kính Phép Thánh Thể, yêu mến Đức Mẹ và biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa qua thiên nhiên.
Sống trong cảnh mẹ góa con côi, Boscô đã phải làm việc vất vả để giúp đỡ mẹ từ công việc đồng áng, chăn bò, bửa củi, bồi bàn cà phê, may quần áo, may giày... Từ nhỏ, Boscô đã có ý nguyện muốn dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì. Khi lên 9 tuổi, Bosco có một giấc mơ là nhờ sự hướng dẫn và trợ giúp của Mẹ Maria, ngài sẽ giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng thành người tốt, có ích cho xã hội và Giáo hội. Tuy rất ham học hỏi, nhưng vì không có đủ tiền đóng học nên Boscô phải đến học nhờ cha sở, nhưng cũng chỉ ít lâu sau, thì cha sở lại qua đời. Mãi đến năm 11 tuổi, dù phải đi bộ 4 cây số, Boscô mới được cắp sách đến trường, do các linh mục điểu hành. Và năm 16 tuổi Boscô vào được bậc trung học.
Năm 1835, Boscô xin vào Đại chủng viện Torino. Sau 6 năm học tập và làm việc thày được thụ phong linh mục năm 1841, khi 26 tuổi. Cha linh hướng của ngài là Cha Giuse Cafasso đã căn dặn: “Cha hãy rảo khắp thành phố và để ý nhìn chung quanh”. Nhờ đó vị linh mục trẻ đã nhận ra sự cùng khổ của người nghèo, nhất là của thanh thiếu niên. Hình ảnh về nhà tù đã gây cho cha Bosco một ấn tượng sâu xa và khiến cha suy nghĩ: “Tôi cần làm một việc gì đó để thanh thiếu niên khỏi phải vào tù”.
Vào năm 1841, cha Bosco bắt đầu sứ vụ lớn lao của mình. Cha tập họp các em nam vô gia cư, mồ côi lại với mục đích để tổ chức vui chơi, dạy cho các em biết Chúa, yêu mến Chúa. Sau khi có nơi ăn chốn ở cố định tại Valdocco, thành Torinô, cha đã cho xây nhà nội trú, mở các lớp dạy học, giúp các em sửa đổi tính nết, tập cho các em làm việc. Bằng cách này, các em không đi ăn trộm ăn cắp, quậy phá, gây rối nữa. Thoạt đầu, người ta không hiểu được điều cha Bosco đang làm. Họ cho rằng bọn trẻ sẽ không thể nào trở nên tốt được. Nhưng cha Bosco xác nhận là chúng có thể.
Khoảng năm 1850, có khoảng 180 em nam được qui tụ sống dưới sự dạy dỗ, chăm sóc của cha Bosco. Cha muốn các em mỗi tối phải đọc ba kinh Kính Mừng cũng như dặn dò khuyên nhủ các em phải thường xuyên lãnh nhận các Bí tích Hòa giải và Thánh Thể với lòng yêu mến. Một trong các cậu nhỏ của cha Bosco là thánh Đaminh Saviô.
Vị ân nhân đầu tiên của Cha Bosco, không phải là mạnh thường quân giàu có, mà chính là mẹ ruột của ngài, một người phụ nữ nghèo và mù chữ, đã đến ở chung và giúp cha lo việc bếp núc, giặt giũ và chăm sóc các thanh thiếu niên.
Năm 1853, xưởng thợ đầu tiên được thành lập. Chính cha Bosco đứng ra dạy nghề cho các em. Trong số các em sống với ngài, có một số em bày tỏ nguyện vọng “được trở nên giống như cha”, nên manh nha nơi cha Bosco ý tưởng thành lập Dòng.
Đến năm 1859 cha Bosco thiết lập một Dòng tu theo tinh thần của thánh Phanxicô Salêsiô, với tên gọi là: “Các tu sĩ thuộc tu hội Salesians Don Bosco” (SDB). Tiêu chí của Dòng là hiểu biết, yêu thương và lo giáo dục, dạy nghề cho thanh thiếu niên.
Vào năm 1872, với sự giúp đỡ của thánh Maria Mazarêlô, cha Bosco lập Dòng Nữ mang tên ‘‘Dòng con Đức Mẹ Phù Hộ Giáo Hữu’’(FMA) nhằm giáo dục các trẻ em mồ côi.
Sau những tháng ngày nỗ lực không mệt mỏi, cha Gioan Bosco kiệt sức, lâm bệnh và qua đời ngày 31/ 01/ 1888, hưởng thọ 73 tuổi. Lời cuối của cha dành cho giới trẻ đó là: “Hãy nói với các thanh thiếu niên điều này: Cha chờ đợi tất cả trên Thiên Đàng”.
Ghi nhận sự thánh thiện, gương sáng của cha Gioan Bosco, năm 1907, Đức Giáo Hoàng Piô X ghi tên ngài vào sổ các Đấng Đáng Kính; Năm 1929, Đức Piô XI tôn phong Chân Phước cho ngài; Và, năm 1934 cũng chính Đức Piô XI tôn phong ngài lên bậc hiển thánh với tước hiệu: Cha và Thầy của thanh thiếu niên.
Lạy Chúa, thánh Gioan Bosco đã đáp lại tình yêu Chúa qua việc hiến dâng trọn đời mình để yêu thương, giáo dục và chăm lo cho các thanh thiếu niên bị bỏ rơi; giúp các em cảm nhận tình yêu của Chúa, tìm lại phẩm giá của mình, và trở thành những người hữu ích cho Giáo hội và xã hội. Xin giúp chúng con biết học nơi thánh nhân lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, nhiệt tâm phụng sự Chúa, phục vụ mọi người trong niềm vui, và có sáng kiến trong việc thi hành sứ vụ, nhất là sứ vụ gíao dục thanh thiếu niên theo tinh thần Kitô giáo. Amen.
Nt. Maria Phạm Hường, OP tóm lược