LỄ VƯỢT QUA CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ
Lễ Mình và Máu Chúa Kitô
Mc 14, 12-16. 22-26
1. BÀI TIN MỪNG: Mc 14, 12-16. 22-26
(12) Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu l ?” (13) Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ : “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. (14) Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào ?’ (15) Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng : và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.” (16) Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
(22) Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói : “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” (23)Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. (24) Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. (25) Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” (26) Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.
2. SUY NIỆM: LỄ VƯỢT QUA CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ
Đoạn Tin mừng hôm nay được Thánh sử Máccô trình bày trong phần về “Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giêsu, được chia ra làm 2 phần: (1) đề cập về việc chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua (cc. 14,12-16) và phần còn lại trình bày Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể (cc. 16,22-26).
2.1. Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua
Theo các nhà chú giải, Tin mừng Nhất Lãm cho thấy “Đức Giêsu đã mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ vào thứ năm, chiều ngày 14 Nixan”, đó cũng là Bữa Tiệc Ly cuộc Kitô giáo. Người Do Thái sẽ mừng lễ Vượt Qua với gia đình hoặc theo nhóm. Đức Giêsu và các môn đệ cũng có kế hoạch mừng lễ Vượt Qua. Theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu các môn đệ đại diện nhóm đã thuận lợi và dễ dàng để thực hiện công việc chuẩn bị cho buổi tiệc. Các môn đệ chắc chắn không biết rằng họ đang chuẩn bị bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng của họ với người thầy họ thương mến.
2.2. Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể
Trong bài đọc thứ nhất trích sách Xuất hành 24, 3-8, Môsê được mô tả là trung gian giữa Thiên Chúa và Israel (x. Xh 20, 18-21) trong giao ước Sinai. Thực vậy, Môsê dùng máu con vật để làm hiến lễ dâng lên Thiên Chúa thay cho dân theo mệnh lệnh của Chúa - Giao ước bằng máu động vật (x. Lv 1, 5).
Tin mừng trình bày cho chúng ta một viễn cảnh mới của Bữa tiệc Vượt Qua. Mc 14, 12-16. 22-26 cho thấy Đức Giêsu không chỉ đóng vai trò người chủ trì buổi tiệc nhưng Người còn là Con Chiên được hiến tế phục vụ cho bữa tiệc, là tấm bánh được bẻ ra trao đến cho các môn đệ là những người đại diện cho nhân loại của mọi thế hệ. Bởi vì, cũng như Môsê, Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người; tuy nhiên Người không dùng máu con vật nhưng đã dùng chính máu của Người làm hy lễ đền tội muôn người. Người dùng chính mạng sống của Người để ký một Giao ước mới- một giao ước đơn phương và vô điều kiện- Giao ước của tình yêu.
“Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông” (c. 22) ở đây Đức Giêsu đóng vai là người gia trưởng của gia đình- người chủ trì bữa tiệc Vượt Qua theo truyền thống Do Thái. Tuy nhiên, hành động bẻ bánh này còn mang ý nghĩa sự chia sẻ: các thành viên trong gia đình hay trong nhóm cùng ăn chung một bánh. Đức Giêsu cử hành lễ Vượt Qua với các môn đệ cho thấy Người đón nhận các môn đệ như những thành viên trong gia đình và cộng đoàn của Người. Vì vậy, bữa Tiệc Ly của Đức Giêsu và các môn đệ là bữa ăn của cộng đoàn huynh đệ trong đó tất cả mọi người cùng sẻ chia một bánh. Thánh lễ nơi cử hành Bí tích Thánh Thể cũng mang tính cộng đoàn chia sẻ bởi vì mọi người cùng ăn chung một bánh Kitô.
Bên cạnh đó Tin mừng đề cập đến chén rượu, vốn là thứ không thể thiếu trong bữa tiệc của Lễ Vượt Qua. Theo truyền thống Do Thái, có 4 lượt rượu trong tiệc Vượt Qua: chén rượu đầu tiên sẽ được uống khi mọi người ngồi vào bàn, được gọi là chén thánh hóa, sau khi dọn món ăn lên bàn họ sẽ rót chén rượu thứ hai - chén công bố và sau chén này Chúa Giêsu truyền phép trên bánh “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói:‘Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy’” (c. 22), tiếp theo là chén thứ ba- được uống sau bữa ăn chính, nó được gọi là chén chúc tụng (chính lúc này Chúa Giêsu truyền phép trên rượu “Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: ‘Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người’” (cc 23-24). Người Do Thái kết thúc bữa tiệc bằng chén rượu thứ tư- chén kết thúc.
Chúa Giêsu đã dùng chính nghi thức của Do Thái giáo để khai mở Giao ước mới- Giao ước này không dùng đến máu chiên nữa nhưng dùng chính máu của Con Thiên Chúa làm người chịu chết trên thập giá để cho muôn người được ơn Cứu độ. Chính vì thế Người vừa là tư tế (người hiến dâng), vừa là lễ vật (mạng sống) dâng lên Chúa Cha làm hy lễ đền tội muôn dân “Người bảo các ông: ‘Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người’” (c 24). Thực vậy, Máu Đức Giêsu đổ ra để giao hòa Thiên Chúa và con người, hàn gắn lại mối tương quan đã bị phá vỡ vì Addam xưa. Bởi vì Máu của Người trong Giao ước mới là dấu chỉ sự hiệp thông mới giữa Thiên Chúa và dân mới là toàn thể cộng đoàn tín hữu.
Ngoài ra, Đức Kitô còn bày tỏ con người sẽ được uống rượu Người trong bữa tiệc cánh chung trong Nước Thiên Chúa “Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”. Đó sẽ là thời điểm con người hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu Kitô, sự hiệp nhất trường cửu không còn gì có thể chia tách giữa Thiên Chúa và dân Người.
Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay, noi gương Chúa Giêsu đã dâng hiến chính mình để thay đổi Lễ Vượt Qua của người Do Thái thành Hy lễ Thánh Thể của Kitô giáo, xin cho chúng ta cũng biết hy sinh từ bỏ cái tôi kiêu ngạo, tự mãn, ghen tuông, đố kỵ và ích kỷ để làm cho cuộc đời “tẻ nhạt” của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn nhờ qui hướng tha nhân trong sự yêu thương phục vụ, trân trọng sự khác biệt, và đồng cảm với nỗi bất hạnh. Đồng thời các Kitô hữu cũng được nhắc nhở mỗi khi nhận lãnh Chúa Giêsu Thánh Thể là chúng ta được đón rước chính Chúa Giêsu, Đấng “Thánh Thánh Thánh” vào lòng chúng ta để ta được trở nên một với Người, vậy chúng ta cũng học để biết sẵn sàng đón rước những “Đức Kitô” mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày trong muôn vàn giáng vẻ vào cuộc đời của chúng ta để chúng ta trở nên những miếng bánh hiện sinh giữa cuộc đời cho những người xung quanh. Qua đó, mọi người được trở nên một với Đức Kitô và nên một với nhau không chỉ trong trần thế này mà còn Vĩnh viễn trong Nước Thiên Chúa. Như vậy cách thiết thực chúng ta phải làm là gì để trở nên những miếng bánh nối kết giữa Chúa với tôi và giữa tôi với tha nhân để nên một cộng đoàn hiệp nhất như “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”.
Nt. Têrêsa Thanh Tuyền, OP