NGƯỜI NHÀ CỦA CHÚA.
Chúa Nhật X Thường niên năm B
Mc 3, 20-35
1. BÀI TIN MỪNG: Mc 3, 20-35
(20) Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. (21) Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
(22) Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ qủy.
(23) Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Xatan làm sao trừ Xatan được?" (24) Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; (25) nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. (26) Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. (27) Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
(28) "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. (29) Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời". (30) Ðó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám".
(31) Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. (32) Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!" (33) Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" (34) Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. (35) Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."
2. SUY NIỆM: NGƯỜI NHÀ CỦA CHÚA
Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, giữa cá nhân con người và cộng đồng xã hội thì có quan hệ gia đình, gia tộc, quan hệ làng xã, quan hệ dân tộc, quan hệ nhân loại. Thuộc về một gia đình, một dòng tộc là điều quan trọng và đáng tự hào, nơi mà mỗi người cảm thấy được là chính mình, được yêu thương và cũng thấy mình có trách nhiệm để tạo nên bề dày truyền thống gia đình. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã nhập cuộc với con người, được sinh trưởng trong một gia đình có một bề dày lịch sử, thuộc dòng dõi Vua Đavit, là con ông Giuse, và mẹ của Người là bà Maria, người làng Nazaret.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, trên hành trình ấy có lúc thăng, lúc trầm, được tôn vinh, ca ngợi, nhưng cũng không thiếu những khó khăn, cản trở, thậm chí đến từ chính những người thân, họ cũng không hiểu Ngài. Bà con họ hàng của Đức Giêsu đến để bắt Ngài về, vì họ nghĩ rằng Ngài đã mất trí. Có lẽ, họ xử sự như vậy vì muốn gìn giữ thể diện, danh giá của gia tộc và bảo vệ mạng sống cho Đức Giêsu. Nhưng điều ấy cho thấy rằng các thân nhân của Ngài không hiểu và không nhận ra Ngài có một sứ mạng thần linh và Ngài còn có bổn phận với thi hành thánh ý Chúa Cha.
Sứ mạng của Đức Giêsu là rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Ngài đã giảng dạy như một Đấng có uy quyền, và được dân chúng ca ngợi: ông ấy làm việc gì cũng tốt, làm cho người què đi được, kẻ câm nói được, người điếc được nghe, kẻ nghèo được nghe biết Tin Mừng… Người đầy uy thế trong lời nói, cũng như việc làm khiến họ phải sửng sốt. Trước thành công và sự thu hút của Đức Giêsu trên dân chúng, nhóm kinh sư tìm cách làm giảm sự ảnh hưởng của Ngài, bởi căm ghét Ngài, nên họ nói rằng: “Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ qủy” (Mc 3, 22). Đức Giêsu vạch rõ cho thấy lời giải thích này thật phi lý: "Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững” (Mc 3, 24-26).
Có thể thấy hai vòng tròn tương quan trong bài Tin Mừng này. Thứ nhất, vòng tròn tương quan giữa Đức Giêsu và những người “ở trong”- những người ngồi chung quanh để nghe Người giảng dạy. Họ nghe một cách say mê, mong mỏi được hướng dẫn bới những giá trị Tin Mừng, những khuôn vàng thước ngọc mà Đức Giêsu đem đến. Chúng ta đã thấy hoa trái mà những người nghe và để Lời Chúa chạm đến, nhờ đó cuộc đời của họ được biến đổi sâu xa như Giakêu- người thu thuế, Lêvi người thu thuế trở thành môn đệ, …. Vòng tròn thứ hai là những người “ở ngoài”, họ là bà con của Chúa, họ muốn bắt Người về vì cho rằng Người đã mất trí. Chúa Giêsu vẫn điềm tĩnh tiếp tục công việc của mình. Người không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt, nhưng nhân cơ hội này để nói đến một mối tương quan thiêng liêng, tương quan giữa những người tin vào Chúa, lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Tất cả họ là người thân, người nhà của Chúa, là mẹ và anh chị em của Chúa trong đại gia đình đức tin.
Tôi biết ơn Chúa vì tôi được sinh ra trong một gia đình, một gia tộc, được thuộc về gia đình Giáo Hội, thuộc về một Hội Dòng có truyền thống lịch sử hình thành và phát triển. Dẫu cuộc sống thăng trầm và phận người yếu đuối, tôi cũng từng ngày viết lên lịch sử đời mình lịch sử ơn cứu độ của Chúa, và là nét chấm phá trong lịch sử của Hội Dòng qua việc sống căn tính đời tu Đa Minh với những bổn phận hàng ngày.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì đã khai mở một đại gia đình mới cho chúng con dự phần, cho con là con của Chúa, là bạn và là anh chị em của Chúa. Xin giúp con sống tình gia đình mới này thật bền chặt, qua việc sống gắn bó với Chúa, lắng nghe và mau mắn thi hành ý Chúa như Đức Mẹ, sống trung tín trong ơn gọi, để rồi đời sống của con được Lời Chúa biến đổi nên một người con hiếu thảo của Chúa và sống tình liên đới, yêu thương với mọi người trong đại gia đình đức tin.
Nt. Cecilia Phạm Thị Trang, OP