daminhthanhtam.com

Cảm nhận về lời khấn Dòng

13.08.2024 Tập viện

CẢM NHẬN VỀ LỜI KHẤN DÒNG

 

Đức Phaolo VI đã định nghĩa, người tu sĩ là người “Tìm điều thế gian tránh, và tránh điều thế gian tìm”. Đối với thế gian, đặc biệt là con người ở thời đại này lời tuyên khấn là cử chỉ điên rồ trước mắt họ, thì đối với người tu sĩ và đối với con lời tuyên khấn lại là hành vi mang ý nghĩa sâu xa nhất, đó là dấu chỉ cho thấy niềm hy vọng, cậy trông vào Thiên Chúa. Qua những bài học mà con đã được học về ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục con muốn nói riêng đến từng lời khấn.

Lời khấn khó nghèo mời gọi con có một tinh thần nghèo khó tự nguyện là chủ động chấp nhận cái nghèo, để chia sẻ thân phận với những người nghèo, để trong xã hội giảm bớt được sự chênh lệch. Như Đức Giêsu đã kêu gọi các Tông đồ theo Ngài, Ngài đã đòi hỏi họ phải từ bỏ mọi thứ, cha mẹ, của cải mà theo Ngài. Không phải từ bỏ vì tài sản xấu xa, nhưng Đức Giê-su muốn nói lên một giá trị mới mà chính Ngài mang lại. Nước Trời được ví như kho báu hay viên ngọc quý đáng giá gấp trăm ngàn lần những gì mà các môn đệ hay chính bản thân con đã khước từ. Sự khó nghèo tự nguyện là dấu chỉ của tình yêu, của Đức Ái Ki-tô Giáo. Cần được như vậy con càng phải mài dũa, đổi mới bản thân từng ngày để càng ngày qua cầu nguyện và làm việc con có được sự khiêm tốn của một con người nghèo trước mặt Chúa, vì khi con là người nghèo thì không có gì để con vênh váo hay tự mãn, chỉ có hai bàn tay trắng và sự trông cậy mọi sự nơi Thiên Chúa là Đấng sinh ra ở trần gian này trong cảnh cơ hàn. Đời sống khó nghèo giúp con không gắn bó hay quyến luyến của cải vật chất, tiền bạc, quyền lực,… nhưng gắn bó với Chúa và bắt chước Chúa Giê-su là Đấng không có chỗ tựa đầu. Cuối cùng, qua lời khấn khó nghèo, con muốn làm chứng rằng: kho tàng đích thực của con người vốn không thu hẹp tại trần gian nhưng ở trên trời, nơi mối mọt không thể đào ngạch khoét vách lấy đi được.

Với con lời khấn khiết tịnh là một ân huệ, là một món quà mà Thiên Chúa tặng ban, một tình bằng hữu rất đặc biệt với Ngài, hiệp nhất với Ngài bằng một tình yêu thân mật, khăng khít hơn. Mục đích của lời khấn khiết tịnh là hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và phục vụ Nước Trời. Lời khấn này giúp con có thể tận tuỵ nhiều hơn trong công việc làm chứng cho Chúa giữa một xã hội đang sống trong cơn lốc của cơn cách mạng tình dục, sự ồ ạt của phương tiện truyền thông…, giúp con kết hợp sâu xa với Đức Ki-tô và từ đó con mang Chúa đến với tình yêu rộng mở đón nhận tất cả trong tình yêu với Đức Ki-tô. Mỗi lần khi con nghĩ đến đời sống khiết tịnh con muốn hướng mình theo khuôn mẫu của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là một tình yêu quảng đại, không chiếm hữu cho riêng mình, một tình yêu tạo nên sự bình đẳng, không có sự thống trị hay lèo lái của người khác. Con muốn ví đức khiết tịnh được nằm trong một bình sành dễ vỡ với bao nhiêu cám dỗ, mời mọc của thời đại. Như Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nói trong tông huấn “Chứng tá Phúc Âm” rằng: “Hồng ân này mỏng giòn và dễ bị tổn thương vì sự yếu đuối của con người. Để có thể sống tốt lời khấn khiết tịnh con cần giữ cho bình sành đời sống khiết tịnh của con không bị vỡ qua việc tránh xa những điều gây nguy hại cho đời sống khiết tịnh, và tránh nhàn cư vì nhàn cư thì bất thiện.Con cũng rất cần gắn bó mật thiết với Chúa Ki-tô, yêu Chúa cách tuyệt đối qua suy niệm Lời Chúa, tham dự thánh lễ và các giờ kinh chung với cộng đoàn. Sống đời sống cộng đoàn thật sung mãn vì chính cộng đoàn là chỗ dựa, là nơi đem lại cho con sự can đảm, sự tha thứ và cả chân lý.

Qua lời khấn vâng phục, có rất nhiều người và nhiều vị Thánh đã vâng theo ý Chúa và có hai mẫu gương rất tuyệt vời mà con hằng ngày đều muốn học hỏi và noi theo, đó là: Chúa Giê-su và Mẹ Maria. Chúa Giê-su đã chịu rất nhiều thử thách khi vâng phục thánh ý của Chúa Cha. Đặc biệt trong vườn Giêtsimani, tâm hồn Người đã trải qua cuộc giằng co kịch liệt giữa việc chu toàn ý Cha và đau khổ thập giá. Tất cả sự giằng co ấy biểu lộ qua lời cầu nguyện thống thiết của Ngài đối với Cha: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”. (Mc 14,36). Còn Mẹ Maria thì ghi nhớ và suy đi nghĩ lại tất cả cuộc đời Chúa Giê-su Con Mẹ, và suốt cả cuộc đời Mẹ là lời “Xin Vâng”. Khi sống vâng phục con cần dâng cho Chúa điều cao quý nhất của con người, đó là ý chí tự do, quyền định đoạt về đời sống. Cốt lõi của đức vâng phục là thực thi thánh ý Thiên Chúa, mà thánh ý Thiên Chúa là làm sao để tình yêu được thể hiện trong bản thân con, trong cộng đoàn, Hội Dòng, xã hội, Giáo Hội. Con xin cho được có một đức ái thật sự, một tình yêu thương và “Điều đẹp ý Chúa xin hãy dạy con thực hiện”

Như thế, để giữ được ba lời khấn đối với bản thân con không phải là chuyện dễ dàng gì nếu không có ơn Chúa ban cho con và đòi buộc con dám dấn thân cho Tin Mừng, dám nói những lời có giá trị và uy tín, dám yêu Chúa bằng một tình yêu chân thành và dám từ bỏ mọi sự mà theo chân Chúa Giê-su. Cuối cùng con xin với Chúa rằng: “Chúa trồng con ở đâu con sẽ nở hoa ở đó”.

Tập sinh Maria Lữ Thị Thu Trang, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...