GIỚI HẠN
Chúa Nhật XIII Thường niên năm B
Mc 5, 21-43
I. BÀI TIN MỪNG: Mc 5, 21-43
(21) Ðức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. (22) Có một ông trưởng hội đường tên là Giaia đi tới. Vừa thấy Ðức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người, (23) và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống." (24) Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
(25) Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, (26) bao phen khổ sở vì chạy thầy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. (27) Ðược nghe đồn về Ðức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. (28) Vì bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu." (29) Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. (30) Ngay lúc đó, Ðức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo tôi?" (31) Các môn đệ thưa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: "Ai đã sờ vào tôi ?" (32) Ðức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. (33) Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. (34) Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."
(35) Ðức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?" (36) Nhưng Ðức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi." (37) Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan. (38) Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Ðức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. (39) Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy ? Ðứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" (40) Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. (41) Người cầm lấy tay nó và nói: "Talithakum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!" (42) Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. (43) Ðức Giêsu nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
II. Suy niệm: GIỚI HẠN
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5, 36)
Là con người ai cũng có những giới hạn và bất toàn. Đó là những giới hạn về khả năng thể lý, tâm lý, và trí hiểu. Không ai là toàn năng, là hoàn hảo. Tự kiểm mình là bất toàn và có giới hạn thì dễ hơn là để ai đó nói mình bất toàn và hạn hẹp. Điều khó hơn nữa là chạy đến thú nhận giới hạn của mình và xin giúp đỡ. Lời Chúa ngày hôm nay kể về sự giới hạn mong manh của phận người. Đối diện với sự thật ấy, con người cần có Chúa và cần có nhau để sống tràn đầy hơn.
Trong bài đọc thứ nhất, sách Khôn ngoan giải thích ý định của Thiên Chúa dành cho con người từ thưở ban sơ. Ngài muốn cho con người sống “trường tồn” trong sự “công chính” (1,13-15; 2,23). Thế nhưng tử thần đã đến và xâm nhập vào tâm hồn con người, khơi lên những nọc độc sự chết của ghen tương và đố kỵ. Con người đối diện với sự bất toàn và yếu đuối của mình trước ý định của Thiên Chúa.
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phao lô nhắc nhở cho các tín hữu của mình về giá trị ơn sủng của mỗi người trong chiều kích cộng đoàn. Sự chia sẻ, bù đắp và nâng đỡ nhau là ý nghĩa của các hồng ân mà mỗi người được nhận (2Cor 8,14-15). Con người cần có nhau để cùng nhau sống tràn đầy ơn gọi làm người của mình.
Con người cần Chúa và cần có nhau là nội dung bài Tin mừng hôm nay. Đó là câu chuyện của người phụ nữ bị bệnh băng huyết mười hai năm và người con gái của ông trưởng hội đường. Cuộc sống của hai người được kéo dài nhờ bàn tay cham sóc của người thân và các thầy thuốc. Nhưng sự sống của họ được bảo đảm nhờ bàn tay cứu độ của Đức Giêsu.
Với người phụ nữ băng huyết, bà đối diện với sự hao mòn, thất thoát “máu” – sự sống từng ngày. Bà đã tìm mọi cách để được cứu chữa từ năm này tới năm khác. Chắc hẳn cuộc sống của bà không dễ chịu khi băng huyết được xem là ô uế, không được thanh sạch để tham gia cử hành phụng tự cùng với cộng đoàn (Levi 15, 25-27). Nhưng bà không tuyệt vọng vì bà biết giá trị của sự sống. Bà vượt qua mặc cảm, tự ti để tìm Đức Giêsu với hy vọng, “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu” (c. 28). Một cái đụng chạm với lòng tin, người phụ nữ bị băng huyết đã lấy lại được sức sống của mình, “Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (c. 29). Bà vươn tới đụng vào Chúa, Chúa củng cố lòng tin cho bà, “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (c. 34). Ước mong của bà được thành toàn không chỉ là sức khỏe thể lý mà bà còn đạt được sự bình an trong tâm hồn - sự chúc lành của Đấng Thánh.
Nếu sự chết dần chết mòn có thể gặm nhắm tâm hồn của một con người, thì cơn kịch bệnh của một người trẻ có thể gây ra sự tuyệt vọng và đau khổ cùng cực cho các thành viên trong gia đình. Vị trưởng hội đường và gia đình ông đã kinh nghiệm điều này khi chứng kiến con gái mình hấp hối. Có lẽ cơn hấp hối của gia đình ông nặng nề hơn cơn hấp hối của cô bé. Ông cảm nhận được thế nào là sự tuyệt vọng và bất lực của một người cha đối với con gái mình. Đối diện với cánh cửa giữa sống và chết của con mình, ông sợ hãi hơn ai hết, nhỏ bé và yếu đuối. Địa vị, quyền hành của ông không thể cứu sống con mình. Ông đến với Đức Giêsu tha thiết khẩn cầu, quỳ lạy Người với tất cả sự trống rỗng và vô lực. Ông sụp xuống dưới chân Đức Giêsu, khẩn cầu “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (22-23). Và rồi Đức Giêsu đi với ông, tới nhà của ông, an ủi người nhà của ông. Như ước nguyện của ông, Người cầm lấy tay bé, gọi bé dậy từ “giấc ngủ”. Bé được cứu sống, “lập tức con bé đứng dậy và đi lại được” (c. 42). Sự sống và niềm hy vọng đã trở lại với gia đình ông trưởng hội đường và cả những ai chứng kiến phép lạ.
Bệnh tật và cái chết diễn tả sự bất lực của con người cách rõ ràng và hiển nhiên nhất. Cái giới hạn thể lý của thân thể rất dễ nhận diện. Cái khó nhận biết hơn hết là những bệnh tật và cái chết dần của tâm hồn, của tâm lý, của tư tưởng. Nhận biết chúng đã rất khó, gọi tên và thừa nhận và xin cứu giúp khỏi chúng còn khó hơn gấp bội. Đó là sự biết mình và biết mình không biết (Socrates). Đó là sự nhận biết chân lý về bản thân mình là gì là ai giữa vũ trụ tạo thành, là ai trước Thiên Chúa, là ai trước tha nhân: Biết mình, biết Chúa (Catarina Siena).
Giới hạn của con người là có thật. Tự mình, không ai có thể bước qua và đối diện với nó. Người phụ nữ băng huyết đối diện với căn bệnh của mình, tìm thầy chạy thuốc khắp nơi. Bà có sự đồng hành cùng những người có ơn chữa bệnh, cuộc sống vẫn bị vướng bận bởi căn bệnh này từ năm này sang năm khác. Các thầy thuốc cũng có giới hạn của mình. Người con gái ông trưởng hội đường được sự chăm lo hết mình của gia đình nhưng em bé vẫn không thể vượt qua được ranh giới sống và chết. Người phụ nữ và ông trưởng hội đường nhận ra sự hư vô của mình, sự bất lực của phận người. Họ đã lên đường tìm Chúa. Họ đến với Chúa, mang theo những tâm tư riêng. Giải pháp duy nhất cho họ chính là lòng tin và sự tín thác vào Đức Giêsu. Đức Giêsu đã phủ lấp sự thiếu sót của phận người và chữa lành cho họ theo cách họ tin.
Câu chuyện của họ cũng chính là câu chuyện của con người hôm nay, của bạn và tôi với những giới hạn, hữu hạn, và với cái bất toàn trong đời sống vật chất và tâm linh. Đâu là những căn bệnh nơi thân xác và tâm hồn của chúng ta? Đâu là những giới hạn mà chúng ta tự nhận biết và được biết qua những người khác? Chúng ta có dám chân nhận và xin giúp đỡ từ người khác? Chúng ta có tin và bước tới để chạm vào Chúa để xin ơn chữa lành? Đâu là tâm tình chúng ta đến với Chúa trong những lần gặp gỡ Ngài?
Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (TV 29, 2a). Xin cho lời ngợi ca Chúa xin ở mãi trên môi miệng và trong tâm hồn chúng con. Xin dạy chúng con biết sống khiêm nhường nhận biết mình để biết rằng con cần Chúa. Xin củng cố lòng tin của chúng con, để chúng con biết và dám chạy tới Chúa mỗi ngày. Xin cho chúng con chạm tới Chúa và để Chúa chạm đến mình mỗi giây phút sống. Cuối cùng, xin cho chúng con biết chạm đến nhau, giúp đỡ nhau, nâng đỡ nhau trong từng hành trình sống. Lạy Chúa, chúng con cần đến Chúa và cần đến nhau. Amen.
Nt. Anna Nguyễn Thị Kim Anh O.P