Ngày 05 tháng 6
THÁNH BONIPHAT (673 - 754)
Giám Mục, Tử Đạo
Thánh Boniphat có tên là Winfrid, chào đời năm 673 tại Anh Quốc, giữa lúc phong trào truyền giáo đang phát triển rộng rãi tại Anh. Cậu sớm hấp thụ nền đạo đức từ gia đình và các nhà truyền giáo, vì nhà Winfrid là nơi tiếp đón các nhà truyền giáo đến tạm trú. Do đó, cậu ấp ủ ước mơ dâng hiến cuộc đời cho Chúa để được theo chân các nhà truyền giáo rao giảng Tin mừng.
Đến tuổi trưởng thành, Winfrid xin đi tu nhưng bị thân phụ từ chối. Ngay sau đó, vì quá buồn, cậu ngã bệnh nặng, khiến thân phụ hoảng sợ đành chấp thuận ưóc muốn của cậu. Khi hết bệnh, Winfrid gia nhập Đan viện Exete. Năm 30 tuổi, thày Winfrid lãnh chức linh mục, rồi trở thành vị giáo sư nổi tiếng tại miền Nam Saxon.
Nổi danh về tài đức, cha Winfrid được đề nghị làm tu viện trưởng đan viện Mursling, nhưng cha từ chối để có thể tự do gia nhập nhóm truyền giáo. Năm 40 tuổi, cha Winfrid tình nguyện đi truyền giáo tại Đức. Ngài nỗ lực học ngôn ngữ và phong tục địa phương để thuận tiện cho việc chuyển đạt Lời Chúa. Cha rong duổi tới nhiều nơi để dạy giáo lý, ban các Bí tích, xây dựng các thánh đường. Từ đó, đạo công giáo ngày càng lan rộng trên lãnh thổ nước Đức.
Năm 719 cha Winfrid được Đức Grêgôriô II trao trách nhiệm truyền giáo cho toàn nước Đức và đặt tên ngài là Boniphat nghĩa là “Người làm ơn”. Năm 722, cha Boniphat được thụ phong Giám mục, sau 9 năm, ngài được Đức Boniphacio III nâng lên tổng giám mục, trao trọng trách thành lập các giáo phận ở Đức. Nơi nào đến truyền giáo, ngài cũng lập Dòng tu như trung tâm cho công tác truyền giáo vì đây vừa là nơi cầu nguyện, vừa là căn cứ truyền bá văn hóa. Dù với chức vụ cao trọng, ngài vẫn luôn sống khiêm tốn, tin tưởng phó thác vào Chúa và luôn nói “Tất cả là hồng ân Chúa ban”.
Vào ngày 05/ 6/ 754, một nhóm người mang khí giới xông vào sát hại ngài cùng với 52 nhà truyền giáo giữa lúc các ngài đang dâng lễ, hôm đó là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Sau này, thánh Bôniphát được xem như vị Tông đồ và thánh Bổn mạng của nước Đức. Ngài cũng được gọi là vị Tông đồ đem lại nền văn minh cho Châu Âu.
Thánh giám mục Boniphat nhiệt thành tình nguyện đi rao giảng Tin Mừng và dâng hiến chính bản thân để minh chứng cho đức tin. Nguyện ước mỗi người chúng ta biết sẵn sàng hy sinh lên đường để bảo vệ đức tin, rao truyền chân lý Chúa đến mọi nơi.
Nt. Maria Thu Hằng, OP tóm lược