Ngày 01 tháng 6
THÁNH JUSTINÔ
Tử Đạo (+ 166)
Thánh Justinô chào đời khoảng năm 100, tại Napluc thuộc xứ Samari, trong một gia đình ngoại giáo. Được giáo dục kỹ lưỡng, nên ngay từ nhỏ, cậu bé Justinô đặc biệt yêu thích khoa hùng biện, thi ca và sử học. Đến tuổi trưởng thành, với mong muốn tìm kiếm Đấng Cao cả để thờ kính, Justinô tiếp tục tìm tòi nghiên cứu những về những triết gia và các học thuyết từ phái Khắc kỷ, phái Platon, rồi Aristote, nhưng tất cả đều không thoả mãn khao khát của cậu.
Thánh nhân kể lại, một ngày kia, đang khi đi dạo trên bờ biển tại Epheso, Justinô tình cờ gặp được một cụ già khôn ngoan đạo đức. Thấy Justinô đăm chiêu, cụ hỏi cậu đang suy nghĩ gì, Justinô trả lời rằng mình thật bất hạnh, vì chẳng tìm thấy được bất cứ chân lý chắc chắn nào về Thiên Chúa trong các sách đã đọc. Cụ già liền giới thiệu với Justinô về Chúa Giêsu, và khuyến khích Justinô cầu nguyện để có thể am hiểu những chân lý về Thiên Chúa.
Từ đó, Justinô bắt đầu cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Và rồi, cậu nhận ra rằng chỉ có Kitô giáo mới trả lời được những thắc mắc sâu xa về đời sống và sự hiện hữu. Sau đó, Justinô xin gia nhập đạo và chính thức trở thành Kitô hữu vào độ tuổi 30.
Với sự uyên bác, Justinô dùng kiến thức về triết học để trình bày và bảo vệ đức tin, nên trở nên nổi tiếng là một người biện giáo tài ba thời bấy giờ. Khi Kitô hữu tiếp tục bị nhà cầm quyền bách hại, Justinô đã công khai bảo vệ Kitô giáo qua lời giảng dạy cũng như văn bản. Hai tác phẩm nổi bật của thánh nhân là cuốn “Đối thoại với Tryphone” và “Hộ giáo” còn được lưu giữ, đã góp phần phác họa ra nền thần học Kitô giáo.
Đồng thời với lý tưởng lấy đức tin làm quy luật xử thế, Justinô mở một trường học tại Rôma và sống đời tông đồ đích danh. Tại đây, thánh nhân đã bị bắt vì là Kitô hữu. Vị quan tòa hỏi Justinô: “Anh có nghĩ rằng khi chết đi anh sẽ lên thiên đàng và được ân thưởng không?” Ngài trả lời “Tôi không những chỉ nghĩ như thế, mà tôi còn tin chắc như vậy nữa!”. Ngài đã can đảm lãnh phúc tử đạo ngày 01/ 6/ 166 tại Roma.
Thánh Justinô để lại mẫu gương về sự khao khát tìm kiếm Thiên Chúa. Nhờ sự cầu nguyện và nỗ lực tìm hiểu Kinh Thánh, Ngài đã cảm nhận sâu xa về Đức Kitô, về các chân lý đức tin và trung thành bảo vệ đức tin. Ước nguyện mỗi người chúng ta cũng biết trung kiên tin tưởng vào Thiên Chúa, giữ vững đức tin trước những tư tưởng sai lầm, và tích cực rao giảng cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha yêu thương, quyền năng và đáng kính tin, tôn thờ.
Nt. Maria Thu Hằng, OP tóm lược