daminhthanhtam.com

Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm B

07.07.2024 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

SỰ VẤP PHẠM VÌ CỨNG LÒNG

Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm B

(Mc 6,1-6)

 

1. Tin Mừng: Mc 6,1-6

(1) Ðức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. (2) Ðến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? (3) Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Và họ vấp ngã vì Người. (4) Ðức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." (5) Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. (6) Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

 

2. Suy niệm: Sự vấp phạm vì cứng lòng

“Người lấy làm lạ vì họ không tin” (c.5b)

Tin Mừng hôm nay nói tới sự thất bại của Chúa Giêsu trong cuộc đời rao giảng của Người. Biến cố thất bại này cho thấy toàn bộ tấn bi kịch của Tin Mừng, đưa đến sự thất bại của thập giá. Sự khước từ của dân làng Nazareth báo trước mầu nhiệm khổ giá. Sự ngạc nhiên của Chúa Giêsu bị coi như bị đóng đinh thập giá rồi, là sự ngạc nhiên của một ngôi vị Thiên Chúa mang mọi sự đến cho con người, nhưng rồi lại bị họ khước từ.

Dân làng Nazareth ngạc nhiên không phải vì nể phục mà sẽ đưa đến sự vấp phạm khi họ cần phải có một lập trường dứt khoát để tin vào con người của Chúa Giêsu. Tuy người ta vẫn tin vào lời rao giảng đầy sức mạnh, vào sự khôn ngoan trổi vượt, vào những phép lạ quyền năng của Chúa Giêsu, nhưng họ chưa sẵn sàng để có một niềm tin đúng nghĩa. Khi phải trả lời Chúa Giêsu là ai, họ đã vấp phạm. Một trong những nguyên nhân vì họ cứng lòng. Chính vì thế mà Chúa Giêsu không làm phép lạ được ở đó. Vì không tìm thấy niềm tin nên Chúa Giêsu không làm phép lạ.

Đối với bà con thân thuộc, thái độ của họ cũng không hơn gì những người đồng hương với Chúa Giêsu. Đã hơn một lần thánh sử Marcô cho chúng ta thấy rõ điều ấy “thân nhân Người đã đưa Người về vì họ nói rằng Người mất trí rồi”. Tuy nhiên, lời nhận định ấy vẫn còn nhẹ nhàng hơn lời nhận định của người Biêt Phái khi nói “ông ấy bị quỉ ám (Mc 3,22). Nhưng rõ ràng là thân nhân của Chúa Giêsu nhận ra căn tính của Chúa Giêsu. Họ chưa đạt đến mức độ niềm tin mà Người mong muốn. Thế nên Người đã lập một liên hệ thân tộc mới “hễ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì người đó chính là anh em, chị em và Mẹ của Ta” (Mc 3,35).

Khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy họ kinh ngạc “bởi đâu ông ấy được như thế?” câu trả lời là không do con người. Nhưng sự ngạc nhiên của họ lại gây vấp phạm: người đồng hương không thể nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, dù họ thấy Người có hai nét của chính Đấng Thiên Sai là sự khôn ngoan và quyền năng, nhưng chỉ vì Chúa Giêsu là con người bình thường như họ và có gốc gác cũng bình thường như họ. Có lẽ họ bị cản ngăn bởi quan niệm về Đấng Thiên Sai, đó là Đấng Thiên Sai không thể có gốc, có nguồn ở con người bình dân, vì họ chỉ thấy Người là một bác thợ mộc, con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giuse, Giuda và Simon.

Với họ hàng, người đồng hương của Chúa Giêsu thì như thế, còn chúng ta thì sao? Khi vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu tự mạc khải Người là Con Thiên Chúa, thì cũng thế, chúng ta cũng sẽ là con Thiên Chúa, là anh chị em với Chúa Giêsu khi chúng ta làm theo ý Chúa Cha. Mà vậng theo ý Cha trước tiên là tin vào Chúa Giêsu, Đấng Thiên Chúa sai là Đấng cứu độ.

Ai thi hành ý Cha, sẽ đi vào trong mối hiệp thông sự sống với Thiên Chúa. Lời giảng dạy đầy uy lực và phép lạ Chúa Giêsu làm không phải để biểu dương quyền năng suông, nhưng là dấu chứng tình yêu được tỏ ra cho chúng ta. Chúa đang chờ đợi mỗi người chúng ta một cú nhảy của đức tin để phó mình vào lòng thương xót của Chúa. Một cú nhảy của tình yêu để có được một cuộc gặp gỡ cá vị và mật thiết với Chúa. Một cuộc gặp gỡ sâu đậm đủ làm bừng cháy trong chúng ta một tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Có lẽ chúng ta chưa đủ tin Chúa, tin vào lời đầy uy quyền của Chúa, để dám từ bỏ nếp sống cũ. Chúng ta chưa đủ tin rằng một mình Chúa là hạnh phúc, là sự thỏa nguyện trọn vẹn cho cuộc đời chúng ta, và chỉ một mình Chúa mới có thể đưa chúng ta vượt qua sự chết để tiến tới vinh quang đời đời.

Lạy Chúa, Chúa về quê nhà rao giảng tại hội đường. Những người đồng hương “hết sức ngạc nhiên” về sự khôn ngoan của Chúa, nhưng khi thấy Chúa chỉ là một người bình thường đang sống giữa họ, họ đã vấp phạm vì Chúa. Xin cho chúng con đừng giống như họ, nhưng cho chúng con biết đón nhận Lời Ngài vào cuộc đời và trổ sinh hoa trái thánh thiện, đầy tình yêu cao cả, bất diệt. Để rồi, khi nhận ra Chúa là Chủ, đặt Chúa làm trung tâm cuộc sống thì chúng con đừng dại dột chỉ vì một chút lợi lộc trần gian mà làm mất cuộc sống vĩnh cửu. Amen

Nt. Maria Tăng Thị Thiêng, OP

 

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...