Ngày 22 tháng 7
THÁNH MARIA MADALENA
Tông đồ của các Tông đồ” là tước hiệu được thánh Tôma Aquinô trao tặng cho thánh Maria Madalena. Tên của thánh nhân phát xuất từ quê hương Madala của ngài, một làng chài phía bờ tây của Hồ Tibêria. Thánh sử Luca đã kể cho chúng ta, trong chương 8 của Tin Mừng, việc Đức Giêsu đi từ làng này sang làng khác thế nào để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, và mười hai Tông đồ đã ở lại với Người thế nào, cùng với một vài người phụ nữ được Người chữa lành khỏi tà ma và bệnh tật, và họ đã phục vụ Người và các tông đồ. Trong số này, có “Maria, được gọi là Mácđala, người được trừ khỏi bảy quỷ.”
Những quan niệm sai lầm về danh tính của ngài: Thánh nhân không phải là một cô điếm
Như chú giải Kinh Thánh dạy rằng việc diễn tả “Bảy quỷ” có thể chỉ ra một căn bệnh nghiêm trọng về thể lý hoặc luân lý đã xảy đến người phụ nữ, và từ đó Chúa Giêsu đã cứu chữa bà. Nhưng, cho tới bây giờ, truyền thống vẫn cho rằng Maria Madalena là một cô gái điếm. Điều này xảy ra bởi chỉ trong chương 7 của Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta đọc thấy sự hoán cải của một người tội lỗi vô danh “nổi tiếng trong thành”. Người tội lỗi này đã rửa chân Đức Giêsu bằng nước hoa và nước mắt, và lấy tóc mình mà lau, khi Người là một khách dự tiệc trong nhà một người Pharisiêu danh tiếng. Không có bất kỳ kết nối văn bản thực sự nào cho thấy rằng Maria Madalena là cô gái điếm vô danh đó. Nhưng, theo Hồng y Ravasi, có một sự nhầm lẫn: việc xức dầu thơm là một cử chỉ cũng được Maria thực hiện vào một dịp khác như đã được thánh sử Gioan trình bày. Cô Maria này là em gái của Mátta và Lazarô. Và vì thế, trong một số truyền thống phổ biến, Maria Madalena được đồng hóa với Maria Bêtania, sau khi bị nhầm lẫn với gái điếm ở Galilê.
Dưới chân Thánh giá
Maria Madalena xuất hiện trong các Tin Mừng vào lúc kịch tính nhất của cuộc đời Đức Giêsu, khi thánh nhân đồng hành với Người lên đồi Canvê, cùng với những phụ nữ khác, và quan sát Người từ xa. Thánh nhân vẫn ở đó khi ông Giuse Arimathia an táng Người trong huyệt mộ, được một tảng đá đóng lại. Vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, thánh nhân trở lại huyệt mộ, thấy tảng đá đã được lăn ra, và thánh nữ đã chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Các ông đã vội vã tới ngôi mộ trống và nhận ra rằng xác Đức Giêsu đã không còn nữa.
Gặp Chúa Phục sinh
Hai môn đệ trở về nhà nhưng Maria Madalena vẫn ở lại mộ mà khóc. Sự hoài nghi ban đầu của thánh nhân dần chuyển thành niềm tin khi ngài nhìn thấy hai thiên thần và hỏi họ có biết xác Đức Giêsu đã được mang đi đâu không. Rồi thánh nữ được gặp chính Chúa Phục sinh, nhưng lại không nhận ra Người. Thánh nữ nghĩ Người là một ông làm vườn, và khi Chúa Phục sinh hỏi tại sao bà khóc và bà đang tìm ai, thánh nữ trả lời: “Thưa ông, nếu ông mang Người đi, xin cho tôi biết ông để Người ở đâu và tôi sẽ đến và mang Người đi”. Nhưng Chúa Giê-su đã gọi tên thánh nhân: “Maria” – và bà đã nhận ra Chúa Giêsu ngay lập tức, bà nói: “Rabuni, tiếng Hipri nghĩa là Lạy Thầy!” Rồi Chúa Giêsu bảo bà: “Đừng giữ Thầy lại bởi Thầy chưa lên cùng Cha, nhưng hãy đi tìm anh em và nói cho họ biết rằng Thầy đang lên cùng Cha Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Chúa của anh em”. Vì thế, Maria Madalena đã đi và báo tin cho các môn đệ biết rằng thánh nhân đã gặp Chúa và Người đã nói những điều đó với thánh nhân. (x. Ga 20).
Thánh nữ loan báo sự Phục sinh của Chúa
Maria Madalena là người phụ nữ đầu tiên theo Đức Giêsu để loan tin Người đã trỗi dậy từ cõi chết. Thánh nhân là người đầu tiên loan báo tin vui Phục sinh. Thế nhưng ngài cũng chứng minh ngài là những người yêu mến Người nhất khi đứng dưới chân Thập giá trên đồi Canvê cùng với Đức Maria, Thân mẫu của Người, và cùng với người môn đệ Gioan. Thánh nữ đã không bỏ Người, hoặc chạy thoát thân vì sợ hãi như những môn đệ khác đã làm, nhưng thánh nữ đã cận kề bên Người mọi giây phút, đến cả nơi an táng trong nơi huyệt mộ.
Lễ Thánh Maria Madalena
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nâng bậc “lễ nhớ” lên bậc “lễ Kính” thánh Maria Madalena vào ngày 22. 7. 2016 để nhấn mạnh tầm quan trọng của người môn đệ trung tín này của Chúa Kitô.
Nt. Teresa Nguyễn Duyên Cẩm Hà, OP