daminhthanhtam.com

Ngày 29 tháng 6 - Thánh Phêrô và Thánh Phalô, Tông đồ

29.06.2024 Gương thánh nhân

Ngày 29 tháng 6

THÁNH PHÊRÔ và THÁNH PHAOLÔ

Tông Đồ

 

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, hai con người với hai tính cách, hai khả năng, thuộc hai nền giáo dục khác nhau nhưng đã trở nên hai cột trụ vững chắc xây dựng Giáo Hội trong cùng một tình yêu dành cho Đức Kitô, chia sẻ cùng một ơn gọi, thực thi cùng một sứ mạng, cùng lãnh nhận triều thiên tử đạo, và cùng được mừng kính trọng thể trong ngày hôm nay.

1. Thánh Phêrô

Simon Phêrô, anh em của thánh Anrê, xuất thân từ Betsaida miền Galilê, làm nghề đánh cá và đã có gia đình. Đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu, Phêrô đã bỏ lại gia đình, nghề nghiệp, quê hương xứ sở để làm môn đệ dong duổi với Người trên hành trình rao giảng Tin mừng. Với tính khí bộc trực, nóng nảy, và đôi lúc hơi liều lĩnh nhưng Chúa Giêsu vẫn yêu thương, tin tưởng đặt Phêrô làm đá tảng xây dựng Hội Thánh cũng như cho Phêrô tham dự các biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Người.

Nói đến Phêrô, người ta không thể không nhắc đến cái vết yếu đuối trong tương quan với Thầy Giêsu. Với sự nhiệt thành, Phêrô đã từng thề sống thề chết “Dù phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26, 35) nhưng chỉ trong đêm ấy, chỉ vì câu hỏi bâng quơ của một tớ gái trong dinh Caipha, Phêrô đã thề độc và chối bỏ Thầy “Tôi thề là không biết người ấy” (Mc 14, 70). Dù thế, nơi Phêrô luôn đầy ắp sự quảng đại, nhạy bén và một tình yêu rất chân thành. Với những giọt nước mắt sám hối trước ánh mắt của Thầy, Phêrô đã được rửa sạch lầm lỗi và kiện toàn niềm tin mạnh mẽ vào Thầy, để trở thành một con người mới, biết khiêm tốn, phó thác đời mình cho sự khôn ngoan của Chúa: “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,17). Với sự tâm thành này, Phêrô vẫn được Chúa Giêsu phuc sinh tin tưởng trao phó sứ vụ chăn dắt đoàn chiên Giáo hội và làm cho nhiều người trở lại cùng Chúa. Trong cuộc bách hại các Kitô hữu ở Rôma, Phêrô đã rời bỏ Roma để thoát thân nhưng trên đường đi ngài đã gặp Chúa Giêsu đang đi vào thành. Với câu hỏi: “Quos va Dis?” Phêrô đã hiểu rõ sứ mạng của mình sau câu trả lời của Thầy: “Ta đến để chịu đóng đinh thêm một lần nữa” và lập tức quay lại Roma, sau đó chịu khổ giá ngược đón nhận phúc tử đạo vào khoảng năm 67.

2. Thánh Phaolô

Thánh Phaolô sinh trưởng tại Tacxô, có tước công dân La mã, và là người Do Thái tri thức thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do Thái và Hy Lạp. Vốn là một biệt phái nhiệt thành và là học trò của thày Gamaliel nổi tiếng, Phaolô hăng hái đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào cuộc ném đá thày phó tế Têphanô. Trên đường vào thành Đamát khi truy lùng các Kitô hữu, Phaolô đã bị ánh sáng từ trời cao đánh ngã từ trên lưng ngựa và trở nên mù lòa. Với kinh nghiệm hoán cải này, Phaolô đã cảm nhận được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, và đáp lại ơn gọi trở nên vị tông đồ dân ngoại nhiệt thành mở rộng biên cương Giáo hội. Từ một người tự tin, tự hào, và tự cao về thân thế của mình, giờ đây, Phaolô chỉ còn Chúa Kitô là tất cả đối với mình: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi” (Pl 3, 7). Với sự nhiệt tâm dành cho Đức Kitô và không ngần ngại khẳng định: “Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô” (x. Rm 8, 35. 39), thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng mà không ngại gian lao khốn khó, đòn vọt, tù tội miễn là Tin Mừng được rao giảng cho dân ngoại, “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 5, 14). Thánh Phaolô luôn mạnh mẽ tuyên xưng Chúa Kitô, và hăng hái lên đường rao giảng sứ điệp về Chúa Giêsu Kitô nhằm giúp người khác nhận ra và yêu mến Đấng đã hiến mình để cứu độ nhân loại. Chính ngọn lửa nhiệt thành đã thúc đẩy Phaolô lao mình về phía trước, chiến đấu anh dũng cho đến cùng và đổ máu làm tế lễ tại Roma vào khoảng năm 64-67.

Noi gương thánh Phêrô, người đã mở lòng đón nhận tình yêu Thiên Chúa qua sự khiêm tốn sám hối lỗi lầm; thánh Phaolô, người dám để sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa biến đổi để trở nên dụng cụ Thiên Chúa dùng để xây dựng Giáo hội. Cả hai vị thánh đã gặp một tình thương lớn hơn những thất bại và lỗi lầm của mình, một sự tha thứ thẳm sâu có sức chữa lành ngay cả những mặc cảm tội lỗi nặng nề nhất. Xin cho chúng ta biết tái khám phá lòng thương xót và sự tha thứ nhờ đó chúng ta được tái sinh và tìm thấy niềm vui, sự bình an từ chính Chúa.

Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh tông đồ, xin Chúa cho chúng con nhận thức được sự hư vô của mình để biết bám chặt vào Chúa, phó thác cuộc đời mình và sẵn sàng để Chúa dùng như khí cụ bình an vừa tầm tay Chúa nhất.

Nt. Têrêsa Nhân Ái, OP tóm lược

 

Tin liên quan

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...