Ngày 12 tháng 7
THÁNH ANÊ LÊ THỊ THÀNH (ĐÊ)
Tử Đạo
(1781–1841)
Anê Lê Thị Thành (1781–1841), còn gọi là Bà Đê (vì tục lệ địa phương thường gọi tên cha mẹ bằng tên người con đầu lòng) Bà Anê Lê Thị Thành sinh năm 1781 tại làng Gia Miếu (cũng gọi là Bái Điền), huyện Yên Định, nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, thuộc Giáo phận Thanh Hóa trong một gia đình Công giáo.
Vì mưu sinh nên từ nhỏ, gia đình bà đã chuyển về quê ngoại làng Phúc Nhạc, nay thuộc xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, thuộc Giáo phận Phát Diệm.
Năm 17 tuổi, bà kết hôn với ông Nguyễn Văn Nhất, cũng là một thanh niên Công giáo ngoan đạo và sinh được 6 người con: hai con trai tên Đê và Trân, 4 con gái tên Thu, Năm, Nhiên, Nụ.
Hai ông bà sống hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái. Người con Út bà chia sẻ: "Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục chúng tôi. Chính mẹ dạy chúng tôi học chữ và giáo lý, sau đó dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Mẹ không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, mẹ thúc dục chúng tôi bằng được mới thôi. Mẹ còn cho chúng tôi nhập hội con Đức Mẹ, vào ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ".
Người con khác thì kể: “Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những điều tốt lành. Có lần người dạy tôi: Tuân theo ý Chúa, con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, con hãy vui lòng đón nhận Thánh Giá Chúa gởi cho.”
Người con khác nữa cho biết: Mẹ thường khuyên vợ chồng tôi: "Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ".
Là người có lòng bác ái hay giúp đỡ mọi người, nhất là các linh mục, hai ông bà dành hẳn một khu nhà đặc biệt cho các linh mục trú ẩn. Thời ấy, vua Thiệu Trị đang có chính sách cấm đạo, tội chứa chấp linh mục có thể bị kết án tử. Lúc bấy giờ là tháng 3. 1841, có 4 linh mục đang hoạt động tại làng Phúc Nhạc gồm linh mục Berneux Nhân ở nhà ông Phaolô Thức, linh mục Galy Lý ở nhà ông Trùm Cơ, linh mục Thành ở nhà bà Đê, và linh mục Ngân ở một nhà khác. Linh mục Thành có một người giúp việc tên Đễ. Người này vì tham tiền nên đã lén báo quan chỗ các linh mục đang trú ngụ.
Sáng ngày 14. 4. 1841, quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh cùng 500 lính ập xuống làng Phúc Nhạc, ra lệnh tất cả mọi người trong làng phải tập trung ở một chỗ rồi cho lính lục soát từng nhà. Cha Thành và cha Ngân nhanh chân nên may mắn trốn thoát; cha Nhân vì sơ suất để lộ gấu áo trên gác nhà dòng Mến Thánh Giá, còn cha Lý thì được ông Cơ dẫn sang nhà bà Đê. Bà chỉ cho cha một chỗ trốn ở cái mương khô sau vườn cạnh bụi tre, rồi cùng con gái lấy rơm phủ lên. Không may quân lính đã nhìn thấy cha vào vườn nhà bà. Nhà của bà bị chúng lục soát, bị tịch thu mọi tài sản, còn bản thân bà, cha Lý, ông Cơ và 2 nữ tu thì bị trói và đeo gông ra đình làng do tội chứa chấp linh mục. Dù phải chịu đủ loại cực hình tra tấn tàn bạo nhưng bà Đê vẫn không thối chí, không bước qua Thánh Giá cũng như không khai chỗ trú ẩn của các linh mục khác. Do sống trong cảnh tù đày thiếu thốn, bà kiệt sức và qua đời vào ngày 12. 7. 1841, hưởng thọ 61 tuổi.
Theo tục lệ, người lính cho đốt ngón chân bà để cho biết nạn nhân không còn sống. Họ tẩm liệm thi hài đặt vào quan rồi an táng tại pháp trường Năm Mẫu. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng về Phúc Nhạc.
Ngày 2. 5. 1909, bà Đê được Đức Giáo hoàng Piô X phong Chân Phước. Ngày 19. 6. 1988, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong bà lên bậc Hiển Thánh. Trong số 118 thánh Tử đạo Việt Nam, bà là thánh nữ duy nhất, một gương mẫu cho các bà mẹ Công giáo Việt Nam.
Tấm gương đức hạnh của thánh Ane Lê Thị Thành là một bài học cho mỗi chúng ta trên bước đường theo Chúa và sống đời chứng nhân. Uớc chi chúng ta cũng có một đời sống đạo hạnh và đầy lòng tin kính, yêu Chúa như thánh nhân. Dẫu cho cuộc sống với bao thử thách và gian truân vẫn trung kiên vượt qua để bày tỏ tình yêu nồng nàn giành cho Chúa, tình mến thương với mọi người, và dấn thân phục vụ mở mang Nước Chúa.
Nt. Maria Lê Thị Xuân Hương, OP tóm lược