daminhthanhtam.com

Chúa Nhật XVIII Thường NIên B

04.08.2024 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

CÙNG ĐÍCH CỦA LÀM VIỆC LÀ PHÚC TRƯỜNG SINH

Chúa Nhật XVIII Thường Niên Năm B

Ga 6, 24-35

1. BÀI TIN MỪNG: Ga 6, 24-35

(24) Vậy khi dân chúng thấy Ðức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm kiếm Người. (25) Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?" (26) Ðức Giêsu đáp:

"Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. (27) Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Ðấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận".

(28) Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?" (29) Ðức Giêsu trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Ðấng Người đã sai đến". (30) Họ lại hỏi: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? (31) Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh từ trời".

(32) Ðức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, (33) vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian".

(34) Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy". (35) Ðức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

2. SUY NIỆM: CÙNG ĐÍCH CỦA LÀM VIỆC LÀ PHÚC TRƯỜNG SINH

“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”

Khi bàn về công việc hay lao động, thì có loại công việc tay chân và trí óc; mục đích của công việc thì trước hết phải kể đến là để sinh tồn, rồi đến phát triển thể chất và tinh thần cũng như xây dựng và làm đẹp thế giới. Là Kitô hữu, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho chúng ta rằng cùng đích tối hậu của lao động chính là để hưởng phúc trường sinh.

1. Làm việc để có của nuôi ăn.

Đây là mục đích đầu tiên và thiết yếu để chúng ta có thể sinh tồn và phát triển thể chất. Chúng ta không chỉ mong cho được có “cơm no áo ấm”, mà còn muốn được “ăn ngon mặc đẹp”, nhà cao cửa rộng và những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày. Vì thế có công ăn việc làm ổn định là một sự bảo đảm cho những nhu cầu vật chất và các nhu cầu khác của chính mình, của gia đình, và của những người chúng ta có trách nhiệm mới được đong đầy.

2. Làm việc để hưởng phúc trường sinh.

Với niềm tin rằng quê hương đích thực không phải là nơi trần thế mà là trên trời, thì cuộc sống và mọi việc làm của người Kitô hữu phải hướng đến phúc trường sinh. Để có thể hưởng phúc trường sinh từ công việc làm như lời Chúa Giêsu đã hứa, chúng ta phải noi gương Ngài, như Ngài đã noi gương Chúa Cha, Đấng “làm việc liên lỉ”.

Chúng ta được mời gọi chuyên cần làm việc, theo khả năng và trách nhiệm đối với cá nhân cũng như gia đình và cộng đoàn. Sự tận tâm, chu đáo và chuyên chăm còn được biểu lộ qua việc phát huy và tận dụng hết tài năng Chúa ban. Được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo là một ơn gọi đặc biệt dành cho con người. Vì thế làm việc với tâm tình tri ân Thiên Chúa là điều chính đáng. Sự nhàn hạ rảnh rỗi, hay biếng nhác trong bổn phận còn là nguy cơ dẫn đến phạm tội. Ước gì chúng ta không phải nghe quở trách của thánh Phao lô, "Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn".

Trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã làm việc sáu ngày và ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Trong khi công khó lao nhọc để có của cải vật chất, đáp ứng và thỏa mãn những nhu cầu và giá trị trần thế, người Kitô hữu phải đặt Thiên Chúa ở vị trí sưu việt trong đời sống và những lựa chọn của mình.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự phát triển không ngừng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, mà nhờ chúng, cuộc sống của con người cũng được thăng tiến về nhiều mặt, giúp con người dễ dàng gặt hái được nhiều thành tựu, nhiều thành quả sau những nỗ lực làm việc, bỏ nhiều công sức, tâm huyết và đầu tư. Điều này cũng có thể là một thách đố lớn cho người Kitô hữu. Vì đam mê công việc có thể dẫn chúng ta bỏ bê hoặc quên lãng bổn phận chính yếu trong Gia đình đối với Cha mẹ, vợ chồng, con cái hay trong cộng đoàn; dễ dàng bỏ lễ việc thờ thờ phượng Chúa trong ngày Chúa nhật.

Những thách đố sống các giá trị tin mừng trong môi trường làm việc, công sở. Vì miếng cơm many áo, hay có thể vì lợi ích cá nhân, rất có thể chúng ta bị cám dỗ lấy của chung làm của riêng, của công thành tư, vi phạm luật Chúa, bất chấp lỗi luật công bằng, gian lận, vì lòng tham lam, vì lợi ích cá nhân… để sẵn sàng thỏa hiệp những hành vi trái với lương tâm, trái với luật Chúa.

3. Làm việc với Chúa và trong Chúa

Người xưa thường nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Chính thánh vịnh gia nhắc nhở chúng ta rằng, “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm. Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng. (Tv 127).

Là những người tin theo Chúa, chúng ta ý thức được sự giới hạn của con người, để biết tín thác cậy trông vào ơn Chúa. Chính vì thế, trước khi làm công việc gì, rất nhiều người trong chúng ta, ngay cả các em học sinh, có thói quen đọc kinh “Cúi xin Chúa sáng soi” để xin Chúa chúc lành và ban ơn.

Mẹ Giáo hội cũng luôn dạy dỗ và nhắc nhở chúng ta trong các giáo huấn và trong các cử hành phụng vụ về giá trị, ý nghĩa của lao động cũng như thái độ và mục đích của chúng ta khi làm việc. Ví dụ, ngày mồng 2 tết Nguyên Đán, Giáo Hội Việt nam đã long trọng cử hành thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm; ngày mồng 1 tháng 5, cử hành lễ thánh Giuse thợ, đấng đã nêu mẫu gương cho các người cha, người chồng chuyên chăm lao động để lo cho gia đình.

Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

Nt. Martina Lại Thị Diễm Trinh, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...