MUỐN CÓ SỰ SỐNG
Chúa Nhật XX Thường niên B
Ga 6, 51-58
1. BÀI TIN MỪNG: Ga 6, 51-58
(51) Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống".
(52) Người Dothái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" (53) Ðức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. (54) Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, (55) vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
(56) Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (58) Ðây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời".
2. BÀI SUY NIỆM: MUỐN CÓ SỰ SỐNG
Trần gian chỉ có bánh sự sống. Nhưng bánh sự sống này khác bánh sự sống của Chúa Giêsu ở chỗ: Bánh trần gian chỉ giữ sự sống thể lý chứ không ban sự sống vĩnh cửu, chỉ có Chúa Giêsu mới ban cho chúng ta sự sống đời đời. Bánh sự sống là bánh đem lại cho người ăn nó sự sống. Bánh Hằng Sống là bánh có sự sống trường cửu nơi mình, Chúa Giêsu tự xưng mình là Bánh Hằng Sống từ trời xuống thì Người muốn nói với chúng ta điều gì? Và khác với Lời đã thành xác phàm ở chỗ nào?
Bánh Hằng Sống khác với Lời:
Bánh Hằng Sống nhấn mạnh có sự sống nơi mình để ban cho những ai đón nhận, còn Lời nhấn mạnh đến chân lý mà Lời mang trong mình để mạc khải cho người tiếp nhận. Tuy vậy hai kiểu nói có những phần cấu trúc giống nhau: Xét về bản chất Bánh cũng vì con người mà bản chất của Lời cũng vì con người. Có khác chăng giữa hai cái vị tha ấy là Bánh không đặt tương quan giữa người ăn bánh và người cho bánh. Còn Lời thì đặt tương quan giữa người nghe và người nói. Tuy nhiên trong c.51 chúng ta thấy nêu lên cái gốc trời của bánh tức là cũng muốn nêu lên tương quan. Nét giống thứ hai là cả hai đều đòi phải được tiếp nhận mới có tác dụng. Bánh đòi người ta phải ăn nó thì nó mới đem lại sự sống cho người ăn được. Lời cũng đòi người ta phải lắng nghe thì nó mới trao chân lý cho người nghe được. Cho nên câu “Ta chính là” Chúa Giêsu muốn nói Người là Đấng từ trời xuống vì con người, vì sự sống con người. Người cũng như tấm bánh có sự sống vĩnh cửu nơi mình, nhưng sự sống ấy là để cho con người.
Ai ăn sẽ được sống đời đời: Ăn là công việc chuyển đồ ăn thành xương, thành thịt mình và rồi chính đồ ăn lại cũng chuyển hóa mình. Đó là điều mà người ta gọi là tiêu hóa. Ăn mà không tiêu, thì nguy hại cho sự sống. Ăn mà tiêu hóa thì sự sống được duy trì và phát triển, nghĩa là phải chấp nhận trở thành vị tha như đặc tính của bánh là cho người khác. Nếu khi tiếp nhận bánh mà chưa thấy mình vị tha, còn đầy ích kỷ thì chưa phải là muốn tiếp nhận bánh. Đồ ăn không được tiêu hóa khi cơ thể bị trục trặc, đẩy lui đồ ăn khi được nuốt vào, vì thế, gây ra tình trạng đau yếu nguy hại cho sự sống.
Vì thế, muốn thiêu hóa đồ ăn thì cơ thể phải tiếp nhận đồ ăn, phải bỏ đi những cái cản trở khiến đồ ăn không trở thành xương thịt mình và chuyển hóa mình. Sở dĩ chúng ta tiếp nhận Đức Giêsu đã nhiều mà chúng ta không được chuyển hóa, là bởi vì cơ thể thiêng liêng của chúng ta có cái gì trục trặc không trở nên Người. Mỗi người có cái trục trặc cần phải nhận diện cho ra để khai trừ nó đi. Nhìn chung và xét cho đến cùng thì vấn đề cái tôi quá lớn, cái vị kỷ làm chủ con người của mình khiến cho nó không thể chấp nhận một lương thực mà bản chất là vị tha đưa vào trong cơ thể như Đức Giêsu.
Sự sống đời đời là sự sống Thần linh mà Thiên Chúa đã thông ban cho tổ tông nhân loại, và sau lúc Adam sa ngã, thì Đức Kitô đã trả lại cho chúng ta. Từ khởi nguyên Thiên Chúa đã muốn ban sự sống siêu nhiên ấy cho con cái Ngài. Người đã chẳng muốn tạo dựng một sự sống thuần túy tự nhiên không có sự sống siêu nhiên. Nhìn sự vật với con mắt của Thiên Chúa thì sự sống thuần túy tự nhiên mất đi đặc tính riêng của sự sống, thành thử nó không có quyền được gọi là sự sống theo nghĩa đen và sâu xa.
Đáp lại phản ứng của người Do Thái Chúa Giêsu càng nhấn mạnh đến việc phải ăn thịt Người, phải uống Máu Người và người Do Thái đã không thể hiểu nổi lời khẳng định của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã yêu và nuôi chúng ta bằng cái chết trên thập giá. Người trao sự sống cho chúng ta bằng cái chết tự nguyện. Chúa Giêsu tự nhận mình là tấm bánh từ trời xuống. chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn thật kỹ mỗi khi đón rước Chúa, đừng đón Chúa cách lạnh nhạt, hờ hững, chiếu lệ hay như một con robot, người ta đi thì tôi cũng đi.... Phải luôn nhớ Người là vị khách quí, có như thế mới trở nên đầy đủ ân phúc từ Bí tích Thánh Thể.
Nt. Maria Tăng Thị Thiêng OP