daminhthanhtam.com

Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B

22.09.2024 Lời Chúa ngày Chúa Nhật

NGƯỜI ĐANG SỐNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B

Mc 9, 30-37

 

1. BÀI TIN MỪNG: Mc 9, 30-37

(30) Ðức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Ðức Giêsu không muốn có ai biết, (31) vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại." (32) Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

(33) Sau đó, Ðức Giêsu và các môn đệ đến thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" (34) Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (35) Rồi Ðức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." (36) Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: (37) "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".

 

2. SUY NIỆM: NGƯỜI ĐANG SỐNG

"Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại." (Mc 9,31)

Có lẽ không phải vô tình mà thánh sử Luca lại có cách viết dường như lặp lại thế này: “Họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết”. Nếu nhìn lại lịch sử Giáo hội, ta sẽ thấy có không ít những lạc giáo phủ nhận nhân tính của Đức Giê-su Kitô. Những lạc giáo này cho rằng Đức Giê-su Kitô chỉ có vẻ xuất hiện như một con người chứ không thực sự là người. Do đó, trong cuộc thương khó của mình, Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa làm người đã không thực sự chịu đau khổ và chết. Thế nhưng niềm tin Công giáo dạy chúng ta biết rằng Người đã thực sự chịu đau khổ và bị giết chết.

Hy lễ Người dâng năm xưa trên đồi Golgôtha vẫn được lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, đặc biệt khi vị linh mục đọc lời truyền phép biến bánh trở nên Mình Thánh và rượu trở nên Máu Thánh Chúa Kitô. Việc linh mục đọc lời truyền phép riêng biệt lần lượt trên bánh và rượu diễn tả việc Đức Giê-su thực sự đã chết. Máu Người đã thực sự đổ ra để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Và niềm tin Công giáo cũng lại dạy chúng ta rằng Người thực sự đã sống lại. Nếu Đức Giê-su Kitô đã không sống lại, niềm tin của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Người đã thực sự sống lại và đang hiện diện giữa chúng ta như lời Người đã hứa: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Và chính trong Bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su Kitô hiện diện với chúng ta cách sống động và cụ thể nhất.

Trong tấm bánh nhỏ bé sau lời truyền phép của vị linh mục là sự hiện diện của không chỉ Mình Thánh Chúa Kitô nhưng là một Đức Kitô toàn vẹn. Rước lấy Mình Thánh Chúa Kitô là đón nhận cả Máu Thánh, Linh hồn, và Thiên tính của Người vào lòng chúng ta. Cũng thế, trong Chén thánh, sau lời truyền phép của vị linh mục, không chỉ là sự hiện diện của Máu Thánh Chúa Kitô nhưng còn là Mình Thánh, Linh hồn, và Thiên tính của Người.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trối lại cho chúng con Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình thập giá và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một niềm sùng kính mến yêu Bí tích kỳ diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen. (Trích Kinh Thánh Thể, daminhvn.net).

 

Nt. Anna Đặng Thị Quỳnh Giang, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...