daminhthanhtam.com

Học yêu trước những khác biệt và bất công

24.10.2023 Văn

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. (Mt 5, 43-44)

Thú thực là trước đây, mỗi lần suy gẫm những câu Tin Mừng trên, tôi đã không dành một sự chú tâm đúng mức. Đơn giản, vì tôi cảm giác câu Lời Chúa này không dành cho mình, bởi mình có kẻ thù đâu! Những suy nghĩ ngủ mê ấy của tôi đã được đánh thức khi tôi đọc những lời sau đây của nhà chú giải Tin Mừng Noel Quesson:

Phải Đức Giêsu bảo chúng ta phải yêu thương kẻ thù của mình. Và chúng ta có sẵn nghệ thuật xoa dịu yêu sách của Tin Mừng, chúng ta nói: ‘Tôi không có kẻ thù...’ Lúc đó, chúng ta phải chấp nhận ánh sáng sống sượng và mạnh mẽ mà Đức Giêsu soi chiếu trên cuộc đời con người đã mang dấu ấn của những xung đột không thể tránh khỏi: Thật ra mọi người không giống tôi đều xúc phạm và làm tôi tổn thương. “Cái làm cho người khác khác tôi”, cáo giác tôi và nhắm đến việc loại bỏ tôi... ‘Tính tình ấy rất khác tính tình của tôi’ làm tôi bực dọc giết chết tôi. ‘Cái cách nói năng đó... cái cách cư xử đó...’ làm tôi phát cáu. Bạn đừng chờ đến ngày mai. Ngay trong giây phút này bạn. hãy ngừng ngay suy nghĩ của bạn.... và hãy làm điều Đức Giêsu bảo bạn: Hãy cầu nguyện, dù chỉ trên danh nghĩa cho những người làm bạn bực bội, những người làm bạn đau khổ, những người mà bạn không yêu hoặc những người không yêu bạn. (Noel Quesson, chú giải Tin Mừng Chúa nhật thứ 7 thường niên A)

1. Học yêu những người “khác tôi”

Nhìn vào đời sống cộng đoàn, gia đình, xã hội, cũng như trong những môi trường sứ vụ, tôi chợt nhận thấy có quá nhiều “khác biệt”, những thứ mà nó luôn làm tôi phải bận tâm, phải chịu đựng, phải cố gắng vượt qua, đôi khi mất nhiều thời gian và sức lực. Nó đã chẳng được gửi đến cho tôi từ những “kẻ thù”, nhưng lắm khi lại là từ những người thân cận, những người quan tâm và yêu thương tôi, những người đang đi trên cùng một con đường lý tưởng với tôi, những người mà tôi đang cùng kề vai sát cánh để chia sẻ những trách nhiệm... Đôi khi tôi đã phải dừng lại và tự nhủ: tôi không thể tưởng tượng nổi sao họ lại như thế này, như thế kia... Đơn giản trước hết và có thể chỉ vì họ đã không suy nghĩ và hành xử như tôi mong đợi.

Trong những hoàn cảnh ấy, Chúa Giêsu đã chẳng dạy tôi “phải cố chịu đựng”, nhưng Ngài dạy tôi “hãy yêu”. Chúa thực sự muốn tôi học để có thể yêu một cách nhẹ nhàng và thanh thoát. Đó là một lời mời gọi, một thách thức, nhưng cũng là một cánh cửa mở ra cho tôi bước vào hạnh phúc thật, hạnh phúc của những người dám mở lòng ra cho “tình yêu theo kiểu Giêsu” tuôn tràn và biến đổi.

Làm thế nào để yêu những khác biệt?

Thiên Chúa là Đấng duy nhất trên vũ hoàn đã sáng tạo ra những sinh vật sống, theo loại, theo giống, nhưng mỗi một sinh linh, một hữu thể và một vật vô tri vô giác vẫn có nét đặc thù của nó. Một thợ đồng hồ sản xuất ra 10 lô hàng, 10 mẫu mã, trong mỗi mẫu mã đó sẽ có hàng loạt những sản phẩm giống y hệt nhau. Thế nhưng khi quan sát một cái cây, trên cây có hàng nghìn lá, nhưng ta sẽ không thể tìm được hai lá nào giống hệt như nhau. Hơn bảy tỉ người trên thế giới là hơn bảy tỉ nét đặc trưng. Chợt gặp hai đứa trẻ sinh đôi, ta ngỡ là chúng giống hệt nhau. Nhưng chỉ cần tiếp xúc với chúng một thời gian ngắn ta đã nhận thấy chúng là hai thế giới hoàn toàn khác nhau.

Hình như tôi hay buồn phiền, thậm chí đau khổ khi thấy người khác không giống mình mong đợi, nhiều nhà giáo dục thất vọng vì những thụ huấn sinh không vào “khuôn” mà mình mong muốn. Nó cứ vào khuôn rồi lại ra khuôn, cuối cùng tất cả sẽ là những phiên bản khác. Nhiều bậc cha mẹ hay sầu buồn vì con mình không đi theo những gì mình mong chờ. Nó có con đường riêng, có ước mơ, dự phóng riêng.

Cộng đoàn dòng tu là nơi đào tạo những anh chị em chung một chí hướng, một gia đình, một sứ vụ, nhưng điều đó không có nghĩa là tạo ra một loạt những người giống nhau, cắt sạch mọi đặc nét...đôi khi ta thấy nó khá lổm chổm. Làm như thế là ta đang làm giảm thiểu đi vẻ đẹp phong phú mà Thiên Chúa đặt khi tạo dựng mỗi người.

Điều quan trọng là ta cần khám phá cái đẹp, cái lý, cái tình ở trong mỗi sự khác biệt. Không phải sự khác biệt nào cũng đối chọi nhau. Nhưng nếu ta biết tôn trọng và khám phá thì khác biệt làm nên sự phong phú và vẻ đẹp toàn diện. Nhưng để có thể có cái nhìn và cách ứng xử trân trọng, quân bình với những khác biệt, ta cần thời gian để quan sát, suy gẫm và đối thoại.

Dĩ nhiên không phải như thế có nghĩa là ta bỏ qua hay dung túng cả những lỗi lầm, sai trái của nhau. Tình yêu và sự trân trọng bàn tay của Đấng Tạo Hóa trong anh chị em mình sẽ chỉ cho ta biết những gì phải làm. Thánh Đa Minh của chúng ta đã chẳng bỏ ra cả đêm để đối thoại với một người anh em lạc giáo hầu chinh phục người ấy về cho Đức Kitô sao? Thánh Catarina đã chẳng lên tiếng thuyết phục cả Đức Giáo Hoàng trở về Roma sao? Nhưng động lực nào đã thúc đẩy các ngài hành động như thế? Chắc chắn không phải vì những dị nghị hay phán đoán hời hợt, mà cả một sự phân định khôn ngoan trong Thần Khí và tình yêu to lớn đối với Chúa, với chính người anh chị em, với thế giới và Giáo Hội. Ước gì khi nhận ra những dị biệt nơi người khác mà nguy hại đến hạnh phúc và ơn cứu độ của họ, ta cũng dám tìm đến đối thoại trong tình yêu huynh đệ, để hiểu và giúp nhau hoán cải, thăng tiến hơn.

2. Yêu gì trước những bất công?

Cuộc sống tràn ngập những bất công: từ những “bất công có lý” đến những “bất công phi lý

Có người cho rằng ‘cuộc sống này chẳng bao giờ công bằng cả’. Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng ngẫm lại thì thấy họ cũng có lý. Nếu ta nhìn vào cuộc sống gia đình, bố mẹ ta đã chẳng bảo đảm phân phối tình yêu thương, mối quan tâm, và cả vật chất công bằng cho mọi đứa con. Trong cộng đoàn, trong lớp học, trong nhóm bạn bè... đâu đâu mình cũng thấy có những thứ không được cho một cách đồng đều...Và ngay cả trong mối tương quan với Thiên Chúa, lắm người cũng cảm thấy Chúa chẳng công bằng gì cả, khi Chúa cho người này, người kia đủ thứ ân huệ mà chẳng ban cho tôi... Cain và Aben, hay những người thợ làm vất vả trong vườn nho từ lúc 5 giờ sáng là những ví dụ.

Dĩ nhiên là nhiều hoàn cảnh trong số những gì ta vừa nêu là có cái lý đằng sau những gì ta tưởng là không công bằng. Bố mẹ thường hành xử theo sự nhạy cảm của tình thương, nên thường sẽ đổ tình thương đậm hơn trên những đứa con mà các ngài cảm thấy nó thiệt thòi hơn. Thiên Chúa của chúng ta thì còn sâu xa hơn biết mấy khi Ngài ban phát ân huệ cho mọi người. Dẫu sao thì ta vẫn thấy khó mà đòi hỏi được cái cảm giác “phải công bằng” như chúng ta mong chờ. Nếu tôi không phẫn nộ và hành xử tàn nhẫn với em mình như Cain, thì đôi khi thấp thoáng trong lòng tôi vẫn xuất hiện chút cảm giác khó chịu, một chút ghen tị, thắc mắc, hay là sẽ phải dùng mọi thứ lý lẽ để lý giải tốt cho tình thế mà tôi cảm tưởng như “bất công” này.

Thế nhưng hơn thế nữa, trong tất cả mọi môi trường, từ gia đình đến xã hội nhiều khi còn có những bất công phi lý và thậm chí phi nhân mà tôi phải chứng kiến và thậm chí đôi khi tôi bị vướng vào: những cảnh người bóc lột người, người dửng dưng hưởng lợi trên sự mất mát, thiệt thòi, bất hạnh và đau thương của người khác. Trong nhiều cảnh huống hôm nay, chính cha mẹ, hay người thân quen tiếp tay cho kẻ buôn người lạm dụng và đẩy con mình vào chỗ nô lệ tình dục, lao động nô lệ..., những cảnh người ngồi trên cao nhận hối lộ, mua nhà, mua đất, xây biệt thự, mở công ty, gửi con đi nước ngoài... trong khi lũ dân lầm than càng ngày càng mất cơ hội sống tốt hơn và hơn nữa sẽ phải gồng lưng ra để gánh nợ: gánh nợ tài chính, gánh nợ của sự thay đổi của môi trường và thiên tai, và gánh nợ của một xã hội bị tụt dốc về lòng nhân và công lý...

Tôi nghĩ gì, cảm gì, và phản ứng ra sao mỗi khi đọc, nghe, hoặc chứng kiến những bất công ấy? Tôi làm gì khi bản thân mình hay người thân của mình hoặc những người mình hướng dẫn chẳng may trở thành nạn nhân của những bất công ấy cách này hay cách khác?

Năm 2016 chúng ta đã nghe, đã xem hình ảnh, có nhiều người đã thấy tận mắt thảm trạng ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung do công ty Formosa gây ra. Mấy ai trong chúng ta không cảm thấy đau đớn, không phẫn nộ trước hành vi, phản ứng và sự ngoan cố đến vô tâm của phía lãnh đạo công ty và phía chính quyền? Từ đó đến nay, đã bốn năm trôi qua, nỗi đau vẫn còn đó. Mỗi khi hỏi thăm lại được biết công ty vẫn hoạt động và vẫn xả chất thải, và họ còn được bảo vệ để tiếp tục hoạt động... lòng ai mà chẳng cảm thấy bất bình, xót xa?

Uất ức, bực bội, phẫn nộ, hay đau buồn, thậm chí thất vọng... là những cảm xúc khá hay gặp khi ta đọc, nghe, hoặc chứng kiến về những bất công. Những cảm xúc này dẫn đến những hành vi khác nhau. Lắm người lên mạng càm ràm kêu trách hay chửi bới..., có những người chẳng đưa lên công chúng nhưng cũng kêu trách chửi rủa trong lòng, hay bàn tán với những người xung quanh..., có những người co cụm lại với nỗi buồn thăm thẳm; và cũng có những người tránh né những cảm xúc tiêu cực ấy, nên không nói, nghe, đọc... về những tin tức ấy để giữ lòng thư thái bình an...

Quan tâm đến bất công dễ làm người ta dễ tức giận! Và hơn ai hết, chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh mà những ai quan tâm đến bất công sẽ khó mà có một cuộc sống yên ổn!

Thế mà là người Kitô hữu, hơn nữa là tu sĩ dòng Đa Minh, tránh né không quan tâm đến bất công, không dám liên lụy đến những phận người đang sống trong cảnh bất công, là có vẻ như đang sống ngược lại với Tin Mừng của Đấng đã khởi đầu sứ vụ của Ngài với tuyên ngôn:

Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người ng- hèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”.

Đức thánh Giáo Hoàng Phaolo VI, trong thông điệp ‘Công bằng trên thế giới’ (Justitia in Mundo - 1971) đã viết: “Cuộc đấu tranh cho công bằng và việc tham gia biến đổi thế giới xuất hiện, đối với chúng ta, như là một chiều kích cấu thành của việc rao giảng Tin Mừng”.

Tổng Hội năm 1977 của Dòng Đa Minh đã trình bày rõ ràng ý nghĩa của công lý, hòa bình, và hài hòa với tạo vật (JPIC) trong đời sống Đa Minh và trong sứ vụ của mỗi người Đa Minh. Tổng Hội đã khẳng định: “Công Lý và Hòa Bình đã được chọn là một ưu tiên, một con đường sống và một cách hiện diện cho toàn thể Gia Đình Đa Minh...”. Tại Liên Hiệp Quốc, Dòng Đa Minh luôn có một vị cố vấn thường trực cũng vì lịch sử sứ vụ lâu đời của Dòng trong việc bảo vệ Công Lý cho các dân tộc bị áp bức.

Cha BTTQ Gerard Timoner, tại hội thảo về Công lý và Hòa Bình của Gia đình Đa Minh ở Philippin từ ngày 7-13/2020, trong bài diễn thuyết của Ngài, đã đặt ra những câu hỏi làm mọi người phải suy nghĩ: “Tại sao nhiều người Đa Minh không cảm thấy được thu hút bởi sứ vụ đấu tranh, cổ võ công lý và hòa bình? Liệu chúng ta có thể tìm thấy “niềm vui của Tin Mừng” khi rao giảng về công lý và hòa bình hay không? Câu trả lời đã được bộc lộ trong toàn bộ bài nói chuyện của Ngài với hai từ khóa lớn, đó là tức giận và lòng thương xót.

Chúng ta sẽ luôn bị cuốn vào trong những cảm xúc bực bội, bất an khi chúng ta quan tâm đến bất công xã hội và tìm kiếm hòa bình, công lý trong tâm trạng tức giận, chúng ta sẽ gặt về sự tức giận, và như thế thì sứ vụ sẽ không mang lại cho chúng ta “niềm vui của Tin Mừng”. Trái lại chúng ta cần thực thi sứ vụ này với lòng thương xót, như Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương, như Chúa Giêsu là hiện thân của lòng thương xót từ Cha, và như thánh Đa Minh đầy lòng trắc ẩn khi chứng kiến những cảnh bất công và đã hành động vì động lực của lòng xót thương chứ không xuất phát từ sự tức giận.

Nhưng làm thế nào để vừa chiến đấu chống lại bất công mà lại vừa sống linh đạo của tình yêu thương xót giữa những bất công ấy?

Câu trả lời là nếu tôi có Chúa tôi sẽ dễ dàng nhận ra rằng mặc dù tôi không những chỉ tức giận nhưng còn căm ghét cái ác, nhưng trong Chúa, tôi yêu các nạn nhân của bất công, yêu thương và muốn cứu vớt cả những kẻ vì mù quáng mà phạm tội gây nên bất công nữa. Chính hành vi xuất phát từ tấm lòng “ghét tội, nhưng yêu người có tội” là chìa khóa để tôi sống yêu như Chúa mời gọi ngay cả trong những hoàn cảnh ngập tràn bất công; và dù có bị chà đạp bởi bất công, tôi cũng không mất đi được “niềm vui của Tin Mừng” trong sâu thẳm tâm hồn mình.

3. Cần một cuộc hoán cải từ bên trong

Cũng trong bài thuyết giảng tại hội thảo gia đình Đa Minh về Công lý Hòa Bình nói trên, Cha Gerard Timoner đã đưa ra gương hoán cải của thánh Batolomeo de Las Casas, một người Tây Ban Nha đã từng sở hữu và đàn áp nô lệ và các cha dòng Đa Minh từ chối không ban phép giải tội cho. Batolomeo trải qua ba cuộc hoán cải để cuối cùng ngài trở thành một trong những linh mục dòng Đa Minh hăng say nhất trong việc bênh vực công lý cho người Da Đỏ. Cuộc hoán cải đầu tiên của ngài phát xuất từ nỗi sợ không được giải tội. Sau đó, ngài dần khám phá và nhìn nhận phẩm giá đích thực cần được tôn trọng và bảo vệ nơi những người Da Đỏ cũng như người gốc Châu Phi. Ngài đã trả hết các nô lệ và đi khắp nơi rao giảng, thuyết phục chính quyền, giáo quyền và những người Châu Âu thời ấy nhìn nhận việc bắt các dân tộc nô dịch mình là trọng tội và phải hoán cải.

Tự trong đáy lòng, mỗi người chúng ta cần một cuộc hoán cải: hoán cải từ sự dửng dưng không quan tâm gì đến công lý và bất công, thậm chí cả khi mình là người gây nên những bất công ít nhất là qua lời nói, cách xét đoán và ứng xử làm tổn hại một cách bất công đến người khác; hoán cải từ sự quan tâm đến công lý trong một tâm trạng nóng giận và tìm sự trả đũa, và rốt cuộc tâm hồn mình không còn cảm nghiệm niềm vui của Tin Mừng.

Khi chưa được hoán cải, tôi thấy mình giận dữ bởi những bất công nằm ở ngoài mình, đó là những bất công do ai đó gây nên chứ đâu phải tôi! Khi được hoán cải tôi sẽ nhận ra chính mình có một phần trong những bất công ấy, tôi trở nên khiêm tốn hơn trước Thiên Chúa và tha nhân. Tôi sẽ sống và ứng xử như người phục vụ chân lý chứ không phải người nắm chân lý. Tôi sẽ xót thương trước những phận người bất hạnh, nhưng cũng xót xa lắm cho các tội nhân đã gây nên nỗi bất hạnh cho bao người.

Dấu chỉ của một con tim được biến đổi là khi mắt tôi nhìn thấy, tim tôi cảm nhận vẻ đẹp từ những khác biệt do Thiên Chúa tạo nên trong cuộc đời: khác biệt nơi muôn loài và khác biệt nơi những anh chị em sống quanh mình. Khi tôi thôi bắt người khác trở nên “đẹp/tốt” giống như mình nhưng biết khám phá và trân trọng cái “đẹp/ tốt” đặc biệt mà Thiên Chúa ban và trông chờ hoa trái nơi họ. Khi mà ta dám nghĩ tốt và làm điều tốt cho những người “khác tôi”, hay ít là khi tôi bình tĩnh và thành tâm chiêm ngắm và đối thoại để hiểu và trân trọng người khác hơn.

Một cuộc hoán cải thật sẽ dẫn ta từ biết, quan tâm, đến cảm nghiệm và hành động.

Lời kết

Tình yêu luôn đem lại cho chúng ta cảm giác vui tươi, dễ chịu và bình an, dẫu có những khi bề ngoài ta có phải chấp nhận những hy sinh và thánh giá. Tình yêu là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy ta hành động. Trong cuộc đời thánh Catarina, hình như ngài cũng không có nhiều kẻ thù, nhưng ngài cũng đã phải trải qua biết bao gian khổ từ những người thân yêu trong gia đình, những người muốn làm cho ngài khổ để ngài từ bỏ cái tính ngoan cố không chịu làm đẹp, không chịu kết hôn của mình. Thánh nhân đã không hề tức giận hay có bất cứ một xúc cảm tiêu cực nào. Tình yêu Chúa đã thúc đẩy ngài đối lại những nghiệt ngã bất công thành tình yêu dịu hiền. Ngài đã ân cần phục vụ cha mình như phục vụ Chúa, phục vụ mẹ như Đức Trinh nữ Maria và phục vụ các anh em như các thánh tông đồ. Cha thánh Đa Minh cũng đã chọn đến với những vùng mà người ta ghét ngài, chống đối và gây khó dễ cho ngài hơn là những người yêu mến đối xử tốt với ngài. Và trên hết, Chúa Giêsu đã dạy: “Nếu các con yêu thương kẻ yêu thương mình thì có ân nghĩa gì đâu?” (Lc 6, 32). Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết mở rộng tình thương và gặt hái được niềm hạnh phúc của Tin Mừng khi sống yêu thương trong những gì là khác biệt và giữa những bất công ta gặp trong đời.

Nt. Maria Trần Mỵ, OP

(Trích NS. Catarina 45)

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...