TỰ DO TRONG LỜI KHẤN VÂNG PHỤC
Những người sống đời thánh hiến
được mời gọi sống “tự do trong lời khấn vâng phục”,
để cả bề trên lẫn về dưới,
thực thi tinh thần hiệp hành-
cùng nhau bước đi trên hành trình nên thánh.
“Lời khuyên Phúc Âm về đức tuân phục, được đảm nhận trong tinh thần đức tin và đức ái để theo bước Đức Kitô là Đấng đã vâng phục cho đến chết, đòi buộc ý chí một sự tùng phục các bề trên hợp pháp, khi các ngài đại diện Thiên Chúa ban lệnh hợp pháp theo hiến pháp riêng” (GL 601).
Con người luôn khát vọng và tìm kiếm sự tự do. Khi tuyên khấn, người tu sĩ “buộc ý chí một sự tùng phục các bề trên hợp pháp”. Nói cách khác, từ khi khấn, người tu sĩ sẽ phải vâng phục những con người cụ thể với nhiều giới hạn, những con người mà họ có thể chưa biết và cũng không thể biết trước đó là ai. Vậy người tu sĩ còn có tự do không? Phải chăng họ quá liều lĩnh khi tuyên khấn?
Để hiểu đươc tại sao có những người lại chọn cho mình một “con đường hẹp” - “con đường chẳng mấy ai đi” như thế, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của sự tự do đích thực là gì, khấn vâng phục là gì, và tại sao người tu sĩ lại có thể vui tươi và hạnh phúc khi khước từ quyền định đoạt về đời sống của mình?
I. Tự do là gì?
Phải chăng tự do là cơ hội để làm bất cứ điều gì ta muốn, đi bất cứ nơi đâu, ở bất cứ nơi nào ta thích? Tự do như vậy là hạnh phúc?
Thực tế cho thấy, sống trong xã hội loài người không có chuyện ai muốn làm gì thì làm; vì mỗi nơi, mỗi tổ chức đều có những quy định riêng: trong gia đình có tôn ti trật tự, đi đường cần theo luật giao thông, đến trường có nội quy trường lớp, đến cơ quan cần theo quy định nơi làm việc, ra chợ có thương lượng mua bán… Nói khác đi, nếu tự do nghĩa là muốn làm gì thì làm, thì con người chỉ sống theo bản năng. Chính cái bản năng muốn làm gì thì làm, hưởng thụ theo kiểu tự do phóng túng mà có những người đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, đánh mất tương lai. Thật vậy, chủ nghĩa khoái lạc, hiểu theo nghĩa muốn làm gì thì làm, “không phải là thể hiện sự tự do, mà là tấm thẻ hộ chiếu dẫn con người vào cửa làm nô lệ cho hàng ngàn thứ thèm muốn, nghiện ngập. Cuối cùng, nó chẳng những không tạo ra niềm vui và hạnh phúc, mà lại còn gây ra tuyệt vọng nữa”.[1]
Như thế, tự do đích thực nghĩa là gì?
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cho biết: “Tự do là khả năng, bắt nguồn từ lý trí và ý chí, có thể hành động hay không hành động, có thể làm việc này hay việc khác, và như vậy, tự mình làm chủ những hành động có ý thức. (…) Trong con người, sự tự do là một sức mạnh để tăng trưởng và trưởng thành trong chân lý và điều thiện. Sự tự do đạt tới mực hoàn hảo, khi nó được quy hướng về Thiên Chúa, và vinh phúc của chúng ta” (GLHTCG 1731). Nói cách khác: “Ai càng làm điều tốt, người đó càng trở nên tự do. Không có tự do đích thực nếu không phục vụ điều thiện và chân lý. Chọn sự bất tuân và điều xấu, là lạm dụng tự do và sự lựa chọn này đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi” (GLHTCG 1733).
Thánh Phaolô quả quyết: “Được phép làm mọi sự”; nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng (1Cor 10, 23b). “Tôi được phép làm mọi sự”; nhưng không phải mọi sự đều có ích. “Tôi được phép làm mọi sự”; nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi (1Cor 6,12). Thật vậy, theo chủ quan, tôi có thể giận, tôi có thể nói hành nói xấu người khác, tôi có thể hành động theo sở thích riêng của mình,... nhưng người có lương tâm chân chính khi đối diện với các tình huống cần suy xét xem tôi có nên làm điều này hay điều kia không? Như thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).
Tóm lại, tự do không có nghĩa là làm tất cả những gì tôi muốn, những gì tôi thích; mà tự do nghĩa là có khả năng “phân định, chọn lựa và sống” [2] điều tốt lành, điều Thiên Chúa muốn. Đây chính là ý nghĩa của sự tự do đích thực. Điều này liên quan lời khấn vâng phục như thế nào?
II. Vâng phục là gì?
Công đồng Vatican II xác định: “Lời khấn vâng phục đặt nền tảng trên lời nói cùng gương lành của Đức Kitô” (LG 43).[3] Do đó, trước khi tìm hiểu ý nghĩa của lời khấn vâng phục, chúng ta hãy cùng chiêm ngắm Đức Giêsu.
1. Đức Giêsu – Mẫu gương vâng phục tự nguyện
“Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Khi bước vào trần gian, Đức Kitô nói: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xóa tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Hr 10,5-7). Đây là một tình yêu tự nguyện và tự hiến, một tình yêu tự do và vô vị lợi, tình yêu của người con thảo hoàn toàn phó thác trong chương trình cứu độ của Chúa Cha. “Mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa cao cả dường nào! Chính tình yêu của Thiên Chúa là nguyên nhân mầu nhiệm ấy, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, và không do dự hiến thân và hy sinh vì những thụ tạo mà Ngài yêu mến”.[4] Là một Thiên Chúa làm người, Đức Giêsu chấp nhận sống như “phàm nhân” trong một gia đình nhân loại và thực hành đức vâng phục. Người đã làm gương cho chúng ta về việc vâng phục các quy luật và quy tắc văn hóa của dân tộc mình và luôn sống tâm tình con thảo với Chúa Cha.
Từ lúc thiếu thời ở Nazaret và suốt 30 năm sống ẩn dật, Đức Giêsu đã “hằng vâng phục” thánh Giuse va Mẹ Maria (x. Lc 2,51); Người cũng đã thao thức với, những công việc mà Cha ủy thác: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).
Khi công khai hoạt động tông đồ, Đức Giêsu vẫn giữ tập tục hành hương lên Đền Thờ theo luật định; Người nộp thuế cho mình và cho Phêrô... Đặc biệt, Người có thể dùng quyền năng để làm những việc lạ lùng: lấy năm chiếc bánh và hai con cá nuôi sống năm ngàn ngươi; tản bộ trên mặt nước; khiến sóng biển yên lặng; biến nước lã thành rượu ngon; chữa lành bệnh tật; làm cho người mù được sáng, kẻ điếc được nghe, người câm nói được; làm cho kẻ chết sống lại, … Thế nhưng, Người không chọn làm theo ý mình, nhưng sống tâm tình của người con thảo, vâng phục theo thánh ý Chúa Cha: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30); “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34); “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38).
Khi sắp bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu nói với nhóm Mười Hai: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá” (Mt 20,18-19), để “tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24,44). Trong vười Giêtsimani, Chúa Giêsu đã khẩn thiết cầu xin: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42). Và rồi Người cũng đã vâng lời nhà cầm quyền trần thế, cho đến mức bằng lòng chấp nhận bản án bất công, chịu khổ hình trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.
Như vậy, nhờ sự tuân phục, Đức Kitô đã chiến thắng và chuộc lại sự bất phục tùng của Ađam: “vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Từ gương sống của Đức Giêsu, ta cũng hiểu được yêu sách mà Đức Kitô đặt ra cho những ai muốn theo Người: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
2. Vâng phục trong đời sống thánh hiến
“Đời sống thánh hiến qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm là một lối sống bền vững, nhờ đó, các tín hữu theo sát Đức Kitô hơn, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự” (GL 573.1).
Như thế, người tu sĩ đặt lý tưởng đời mình nơi việc đi theo và bắt chước Đức Kitô (x. VC 1). [5]
Đối với lời khấn vâng phục, Công đồng Vatican II hướng dẫn những người sống đời thánh hiến: các bề dưới “hãy khiêm tốn vâng phục Bề Trên của mình theo tiêu chuẩn qui luật và hiến pháp, trong tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa, dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những phận vụ đã được ủy thác cho mình, vì biết mình đang góp công xây dựng Thân Thể Chúa Kitô theo như ý định Thiên Chúa” (PC 14);[6] còn đối với các bề trên: “hãy ngoan ngoãn tuân hành thánh ý Chúa khi chu toàn bổn phận và hãy thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ anh em” (PC 14). Cụ thể, trong đời sống thánh hiến, cả bề trên lẫn bề dưới, mọi người phải chân thành tìm kiến ý Chúa (x. QB&VP 12).[7] Đối với công việc chung của cộng đoàn, các bề trên có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng quyết định này không phải là của riêng mình, nhưng cần biết đánh giá sự đóng góp tự do của mọi thành viên trong cộng đoàn (x. QB&VP 20).
Như vậy, “sự vâng phục, thực hành theo gương Đức Kitô, lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực (x. Ga 4,34), biểu lộ vẻ đẹp giải phóng của sự lệ thuộc như con cái chứ không phải như nô lệ, một sự lệ thuộc chất chứa tinh thần trách nhiệm và được sống động bởi một niềm tin tưởng hỗ tương, phản ánh ra lịch sử mối hoà hợp tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa” (VC 21).
Tuy nhiên, để sống vâng phục trọn vẹn, điều này không dễ dàng, như thánh Phaolô diễn tả: “Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Hr 5,8); “Người đã vâng lời cho đến chết, chết trên thập giá” (Pl 2,8). Đây là một bài học sống động: “Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người (1Pr 2,21). Nhờ đó, phàm ai làm theo ý Cha thì sẽ trở thành anh em với Người: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35). Như vậy, người thánh hiến có đánh mất tự do khi khấn vâng phục, tự buộc mình phải “vâng phục các bề trên hợp pháp, khi các ngài đại diện Thiên Chúa ban lệnh hợp pháp theo hiến pháp riêng” (GL 601)?
III. Tự do trong lời khấn vâng phục
Tông huấn Đời sống thánh hiến xác định: “khởi đi từ mầu nhiệm Đức Ki-tô, đức vâng phục tu trì minh chứng rằng vâng phục và tự do không mâu thuẫn với nhau” (VC 91). Bởi vì đức vâng lời giúp cho con người hiểu biết thế nào là tự do đích thực: đó là tự do hành động theo chân lý, chứ không bị dục vọng thúc đẩy. Đức vâng lời tiên vàn đặt con người trong nối tương quan với Thiên Chúa, tìm cách nhận ra ý Chúa: đó chính là tự do tuyệt đỉnh, bởi vì con người biết cách cư xử khách quan nhất, dựa theo trật tự mà Đấng Tạo Hóa đã xếp đặt trong vũ trụ (x. VC 87-91).
Thật vậy, cộng đoàn tu trì là sự hiệp thông của những người thánh hiến tuyên khấn cùng nhau thi hành thánh ý Chúa: “Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài” (Tv 27,8); trong đó mỗi người có những vai trò khác nhau, nhưng cùng một mục tiêu là tìm kiếm điều gì đẹp lòng Chúa và vâng phục Người. Trong cộng đoàn, “một vài người được mời gọi, thường là trong một thời hạn, thi hành trách nhiệm đặc biệt là trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất, và là người hướng dẫn trong việc tìm kiếm chung và trong việc thi hành, vừa cá nhân vừa tập thể, ý Chúa. Đây là vai trò phục vụ của quyền bính” (QB&VP 1); đối với những người thừa hành, Giáo hội mời gọi hãy vâng phục Thiên Chúa qua trung gian nhân loại là các bề trên và những người có trách nhiệm (x. QB&VP 9). Từ đó, “với ý định làm theo ý Chúa, quyền bính và vâng phục không phải là hai thực tại khác biệt hoặc đố kị với nhau, nhưng là hai chiều kích của cùng một thực tại Tin Mừng, của cùng một mầu nhiệm Kitô giáo, hai đường lối bổ túc nhau để tham dự vào cùng một hiến tế của Đức Kitô” (QB&VP 12).
Kết luận
Nếu chúng ta, những người sống đời thánh hiến, sống tròn đầy ý nghĩa của lời khấn vâng phục, thì đây là lời khấn được thánh Tôma gọi là “lời khấn cao trọng nhất (maximum est) trong các lời khấn” (II-II, q.186,7), vì qua đó người tu sĩ dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất là ý chí tự do và quyền định đoạt về đời sống. Công đồng Vatican II cũng đã khẳng định: “Đức vâng lời trong đời tu trì chẳng những đã không giảm bớt phẩm giá, nhưng còn giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên Chúa” (PC 14b). Như vậy, người thánh hiến sẽ là người hạnh phúc và tự do đích thực khi nhận ra mục đích siêu phàm và siêu việt của cuộc sống mình: “Sống trong thế giới, nhưng không hoàn toàn thuộc về thế gian; là người phàm trần, nhưng mang trong mình chiều kích thánh thiêng; là con người tự nhiên trong thân phận phàm nhân, nhưng đã được nâng lên bình diện siêu nhiên; là thụ tạo phải chết, nhưng đã được tiền định để hưởng sự sống đời đời”. Và ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận cũng đã nhận định: “Xem một tâm hồn vui vẻ và nhanh chóng vâng phục chừng nào, con đoán được tâm hồn đó thánh thiện chừng ấy” (ĐHV 392).
Nt. Têrêsa Quỳnh Giao, OP
(Trích NS. Catarina 49)
---
[1]x. Mattheu Kelly, Tái Khám Phá Đạo Công Giáo. Cẩm nang để sống đạo say mê và hiệu quả. Chuyển ngữ ĐCV Bùi Chu, NXB Tôn Giáo 2015, tr. 50.
[3] Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý vê Giáo hội Lumen Gentium (= LG)
[4] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay, năm 2014.
[5]ĐTC Gioan Phaolô II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến Vita Consecrata (= VC)
[6] Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Đức ái Trọn hảo Perfectae Caritatis (= PC)
[7] Bộ Đời sống Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ, Huấn thị Quyền bính và Vâng phục (= QB&VP)
[8] Felix Podimattam, Canh tân Đời sống Thánh hiến (Lm Nguyễn Ngọc Kính chuyển ngữ), NXB Phương Đông 2014, tr. 18.