daminhthanhtam.com

'Cảm thông' để gánh nhau trong đời

24.07.2024 Văn

Ngày hôm nay chúng ta có nhiều tòa nhà cao hơn và nhiều xa lộ rộng hơn nhưng lòng yêu thương lại thấp đi và tinh thần hẹp hòi đi. Hôm nay con người có thể đi lên mặt trăng và trở về trái đất nhưng lại cảm thấy khó khăn khi băng qua đường để thăm người hàng xóm. Thế giới đang “khuyết” tình yêu thương, lòng cảm thông, chia sẻ giữa người với người.

Trong thông điệp Fratelli tutti về Tình Huynh đệ và Tình Bằng hữu xã hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tình huynh đệ và tình bạn. Ngài báo động chống lại “một thứ văn hóa bức tường”, Ngài mời gọi mỗi người hãy xây những con đường đến với nhau để ra khỏi bản thân và cởi mở đối với tha nhân, theo tinh thần bác ái thúc đẩy hướng về một “sự hiệp thông đại đồng” chứ đừng xây những bức tường ngăn cách nhau. Và hơn bao giờ hết đời sống huynh đệ trong các cộng đoàn tu trì đã, đang và sẽ rất cần đến những người tu sĩ có thể “ướp mặn” cuộc sống bằng “ngôn ngữ” cảm thông để đời sống huynh đệ luôn mặn mà hương vị của tình yêu. Dù trong một cộng đoàn chúng ta khác biệt nhau về vùng, miền, hoàn cảnh sống, xã hội, văn hoá nhưng chúng ta nói với nhau bằng ngôn ngữ của của tình yêu và sự cảm thông thì ai cũng có thể hiểu được. Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ trạm đến trái tim, nếu chúng ta yêu thương bằng cả trái tim thì chúng ta sẽ biết cách để cảm thông bằng trái tim và biết cách gánh đỡ cho nhau những những gánh nặng trong cuộc đời, điều đó có thể chạm đến nơi sâu thẳm nhất của trái tim.

Dù người phàm tục hay kẻ tu hành

Vẫn phải sống từ những điều rất nhỏ...

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận ra ta.

(Nguyễn Quang Vũ- Thơ Tự sự)

1. “Anh em hãy mang lấy gánh nặng cho nhau...”

1.1. Đời sống cộng đoàn là một câu chuyện....

Không biết từ bao giờ, đôi quang gánh đã gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tảo tần, chịu thương chịu khó. Hình ảnh bà mẹ Việt Nam luôn vất vả gồng gánh mọi chuyện trong nhà, buôn thúng bán bưng để chăm lo cho gia đình. Quang gánh làm bạn với người phụ nữ Việt Nam trên những con đường mặn chát mồ hôi, chẳng kể nắng mưa, vẫn gồng gánh sớm trưa nhọc nhằn như lời bài hát “Gánh mẹ”:

“Mẹ đi quang gánh trên vai

Mẹ về gánh cả tương lai con về”

Hình ảnh người phụ nữ với đôi quang gánh trên vai, thầm lặng bước những bước đi để lo cho cuộc sống mưu sinh của gia đình thật đẹp biết bao và hình ảnh cũng thật đẹp nếu đem vào trong đời sống cộng đoàn tu trì. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Thánh Lễ Ngày Đời Sống Thánh Hiến (02.02.2021) mới đây rằng: “Trong các cộng đoàn của chúng ta cần sự kiên nhẫn, chịu đựng, nghĩa là mang trên vai, gánh trên vai cuộc sống của anh chị em của chúng ta, bao gồm cả những điểm yếu và thất bại của người đó. Chúng ta hãy ghi nhớ rằng Chúa không kêu gọi chúng ta trở thành những nghệ sĩ độc tấu, nhưng để trở thành một phần của dàn hợp xướng, đôi khi có thể bỏ sót một hoặc hai nốt nhạc, nhưng phải luôn cố gắng cùng nhau hát. Vì thế có thể nói rằng đời sống cộng đoàn là một câu chuyện chứ không phải là một “bài toán”. Là một câu chuyện để kể cho nhau nghe, để lắng nghe, cảm thông, chia sẻ chứ không phải là một “bài toán” cần có công thức rạch ròi để phân tích đúng, sai. Trong tương quan với nhau điều tuyệt với nhất không phải là quyền lực mà là yêu thương, mà yêu thương thì cảm thông, tha thứ. Sống trong nguyên lý “mắc nợ nghĩa tình”, người ta tìm được nhiên liệu cho đời mình bằng tình thương, chứ không phải bằng nguyên tắc công bằng của lý trí. Nguyên tắc soi dẫn mọi cộng đoàn là tìm kiếm lợi ích chung, nếu không tìm kiếm thiện ích chung chúng ta sẽ chỉ có một nhím đông người kề vai sát cánh nhưng không phải là một cộng đoàn thực sự. Chúng ta biết rằng “Hổ ly sơn hổ bại”, một con hổ khi tách rời khỏi rừng núi vốn là địa thế quen thuộc của nó thì thế nào cũng bại trận, dù đối thủ có khi chỉ là loài chồn hoang, nhưng nhờ sức mạnh đoàn kết thì lũ chồn hoang ấy vẫn có thể hạ gục được nó.

Khi chúng ta sống tách rời khỏi người khác, thì thật khó để chiến đấu chống lại nhục dục, chống lại cạm bẫy và cám dỗ của ma quỷ, cũng như tính ích kỷ của thế gian. Bất cứ khi nào các con nhiệt tâm với đời sống cộng đoàn, các con sẽ có khả năng hy sinh cho người khác và cho cộng đoàn. (Tông huấn Christus Vivit, 110)

1.2. Nghệ thuật nhập cuộc và vào vai

Càng này con người càng hiểu biết về vũ trụ nhưng lại biết ít hơn về mình, giữa muôn vàn tỉ tỉ điều kỳ diệu trong vũ trụ, điều kỳ lạ nhất vẫn là con người. Không ai là không có khuyết điểm, vì vậy việc làm hài lòng tất cả mọi người trong cùng cộng đoàn là rất khó. Và nếu chúng ta sống để hài lòng tất cả mọi người, gồng mình lên chắc chắn chúng ta sẽ kiệt sức, hoặc chúng ta sẽ phải sống theo cách người khác kỳ vọng ở mình. Chúng ta đều có thể phạm sai lầm, điều quan trọng là ta phải học cách tha thứ và cảm thông cho chính mình. Hãy nhớ rằng, sai lầm của chúng ta không vẽ lên những “định nghĩa” về chúng ta, chúng chỉ giúp chúng ta trưởng thành lên. Chính lúc chúng ta biết cảm thông cho chính mình thì chúng ta cũng biết cách để cảm thông cho người chị em sống cùng ta, vì “ai chẳng có lúc...”. Ta không thể nói mình không cần ai cả vì xưa nay chưa có ai đứng riêng một mình mà có thể tồn tại được. Giao tiếp phi ngôn ngữ dường như mang lại sự thông cảm chân thật hơn, sự kết hợp giữa giao tiếp bằng lời và không lời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thừa nhận và lĩnh hội sự cảm thông. Cái chạm tay vào vai, vỗ nhẹ vào lưng, hoặc vào đầu là cách thức nhanh nhất để truyền đạt sự cảm thông mà ta muốn dành tặng hay khích lệ một người chị em nào đó trong cộng đoàn. Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói:

Tôi thấy chìa khóa của vấn đề là nơi sự cảm thông. Có sự cảm thông, chúng ta mới đánh tan được ảo giác cô độc và chỉ có cảm thông chúng ta mới có phương tiện gom tiềm lực chúng ta thành một sức mới để có thể nổi loạn một cách bình tĩnh, hữu hiệu, chống lại guồng máy, chuyển đổi được tình trạng.

Nếu không những cuộc nổi loạn đơn độc, vụng về và mất bình tĩnh cũng sẽ chỉ đưa đến những đổ vỡ và tình trạng sẽ vì vậy mà càng ngày càng trầm trọng hơn lên. Nếu ta không có khả năng vào vai của người khác để cảm thông cho tâm trạng của họ thì ta sẽ mãi là người đứng bên lề câu chuyện. Mẹ Têrêsa Calcuta đã từng nói: “Điều có giá trị không phải là bạn đã làm được bao nhiêu công việc, mà là bao nhiêu tình yêu bạn đã đổ vào đó”. Quan trọng không phải chúng ta cho đi bao nhiêu, mà là chúng ta dành bao nhiêu sự yêu thương để cho đi. Dù thiện chí muốn cứu giúp của ta rất mạnh mẽ nhưng nếu ta vẫn luôn tỏ vẻ “bề trên” của người chị em đang cần ta giúp đỡ thì chứng tỏ ta chưa thoát được vai của mình, như Xuân Diệu đã nói:

Người ta khổ vì thương không phải cách

Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người

2- “Cảm – thông” để gánh nhau trong đời!

Cuộc đời này là một cuộc chơi chứ không phải là cuộc chiến, là cuộc chơi nên cuộc đời này sẽ tràn ngập niềm vui, yêu thương, hạnh phúc và là một cuộc đời đáng sống. Cuộc sống cần những tâm hồn cảm thông để mang đến cho thế giới điều kỳ diệu của lòng yêu thương. Chương trình “Gánh nhau trong đời”- do văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 27.11.2020 để quyên góp cho đồng bào miền Trung trong trận lũ lụt vừa qua là một minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất về sự cảm thông. “Đời của ai cũng là đời của tôi. Gánh của ai cũng là gánh của chúng ta”. Đó là lời của Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Có cảm thông con người ta mới dám yêu thương, mới dám can đảm để gánh bớt những gánh nặng cho nhau không phân biệt đẳng cấp xã hội và niềm tin tôn giáo, chung tay xây đắp những ngôi nhà và chiếc cầu giúp phục hồi cuộc sống, vốn dĩ đã rất cơ cực, của những anh chị em đang không-còn-gì-để-mất sau những ngày cuồng phong bão lũ.

Thiên Chúa của chúng ta là một người bạn luôn cảm thông, chúng ta có thể thấy tình bạn giữa Thiên Chúa và con người qua cuộc mặc cả giữa Apraham với Thiên Chúa cho hai thành phố Xôđôm và Gômôra khi Thiên Chúa có ý định giáng phạt hai thành phố này. Apraham đã đứng ra để thương lượng với Thiên Chúa, thậm chí có những lúc ông “dạy khôn” Thiên Chúa: “Ngài làm như vậy chắc không được đâu!” (Xh 18, 25a); nói khích Thiên Chúa: “Nếu trong thành có người lành mà Chúa tiêu diệt chung với người dữ, thì người ta sẽ nói Thiên Chúa như vậy mà công minh gì?” (Xh 18, 25b). Mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người không phải là sự sợ hãi, hoặc khoảng cách giữa thần minh và phàm nhân, giữa thần linh và phàm tục nhưng hoàn toàn có thể đối đáp, mặc cả, tranh cãi vì điều tốt. Còn như đối với Giôsuê, Người nói: “Hãy can đảm lên, hãy mạnh bạo lên vì ta ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới” (Gs 1, 9). Đức Giêsu còn gọi các môn đệ là bạn hữu vì tất cả những gì Ngài được Chúa Cha tỏ hiện thì Ngài đều cho các môn đệ biết. Khi đồng hành với các môn đệ trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã từng ngày đón nhận sự yếu đuối nơi các bạn của Ngài trong thân phận con người. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là con người thật nên Ngài hiểu và thông cảm với con người. Chúa Giêsu đã khóc thương thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá (Lc 19, 44); Ngài khóc thương đứa con trai bà góa thành Naim và Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho con trai bà sống lại (Lc 7, 11-17), và đặc biệt Chúa Giêsu đã khóc thương Ladarô, một người bạn của mình đã chết và Ngài cũng làm phép lạ cho Ladarô sống lại (Ga 11,1-14). Vì thế chúng ta phải luôn nhớ rằng Thiên Chúa đã đang và sẽ luôn là một người bạn của ta, một người bạn luôn ở bên ta và Người hiểu, cảm thông với tất cả nỗi niềm của ta trong cuộc sống.

Huấn thị “Đời Sống Cộng Đoàn” đã khẳng định rằng những người sống đời thánh hiến trong cộng đoàn tu trì: Được sinh ra “không do ý muốn của xác thịt”, không bởi sự hấp dẫn cá nhân, cũng không bởi động lực con người, nhưng bởi ”Thiên Chúa” (Ga 1,13), do lời mời gọi và sự lôi cuốn siêu nhiên, các cộng đoàn tu trì là dấu chỉ sống động về sự tối thượng của tình yêu Thiên Chúa, Đấng làm nên những điều kỳ diệu, và về tình yêu đối với Thiên Chúa và với anh chị em mình như đã được Đức Giêsu Kitô biểu lộ và thực hiện”. Vậy tại sao tôi lại không thể trở nên một người bạn cảm thông với những người chị em sống cùng với tôi? Vì:

Tình yêu của Thiên Chúa là “một tình yêu không lấn át hay bóp nghẹt, không loại bỏ hay thờ ơ, không coi thường hay thống trị. Đó là tình yêu của Chúa chúng ta, một tình yêu bền bỉ, tinh tế và đầy tôn trọng, một tình yêu tự do và giải phóng, một tình yêu chữa lành và nâng dậy. Tình yêu của Chúa đỡ nâng lên hơn là quật ngã, giao hòa hơn là cấm cách, mời gọi thay đổi hơn là lên án, hướng tới tương lai hơn là nhìn về quá khứ. (Tông huấn Christus Vivit, 116)

 

Nt. Maria Kim Ngân, OP

(Trích NS. Catarina 47)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...