daminhthanhtam.com

Sống linh đạo sự hiện diện

25.11.2024 Văn

SỐNH LINH ĐẠO SỰ HIỆN DIỆN

Cuộc sống hằng ngày chính là chất liệu nuôi dưỡng đời sống tâm linh, giúp chúng ta quy hướng về Thiên Chúa và yêu thương anh em qua việc phục vụ. Nhưng nhiều khi chính những bộn bề của cuộc sống thường nhật ấy, người tu sĩ, và nhất là người tu sĩ trẻ rất dễ bị cuốn theo dòng chảy của cuộc sống và do đó, thật khó để có thể giữ được thế cân bằng giữa hai chiều kích: tâm linh và đời sống.

Công việc bổn phận

Bắt đầu một ngày mới là ta đã thấy những công việc mà ta phải chu toàn nào là thức dậy đúng giờ, không trễ nải, ươn lười, làm vệ sinh nhanh chóng cho kịp vào nhà nguyện, … hơn nữa trong đời sống tu trì thì công việc bổn phận lại càng nhiều những chi tiết nhỏ nhặt và đòi hỏi sự chu toàn ở mức độ cao hơn. Chúng ta vội vã để làm cho xong công việc đang làm, nhưng công việc này chưa xong thì công việc khác đã đến và chúng ta cố gắng làm nhanh hơn, ít đùa giỡn và tập trung chú ý hơn. Nhưng như vậy chưa chắc là đã giải quyết xong công việc vì còn tính bất ngờ trong công việc và những tình huống oái oăm xảy đến làm chúng ta cũng mất khá nhiều thời gian và công sức để loay hoay tìm cách giải quyết. Nhiều khi chúng ta còn tranh thủ làm nhiều việc cùng một lúc hy vọng có thể xong sớm và được nghỉ ngơi đôi chút nhưng công việc thì không bao giờ chấm dứt. Chúng ta có những dự định và lên kế hoạch, tin tưởng vì đã có sự chuẩn bị trước nhưng những gì xảy ra trong thực tế ít khi giống với những gì mà ta đã dự định. Nếu như không có sự quân bình và chừng mực trong công việc chúng ta dễ rơi vào tình trạng stress vì không biết là mình phải làm gì, cảm thấy bất lực vì mình không thể chu toàn công việc như mình mong muốn mặc dù đã cố gắng hết sức. Bên cạnh đó là những đòi hỏi của đời sống tu trì - một đời sống mời gọi sự trọn lành, không chỉ trọn lành trong đàng thánh thiện nhưng còn thể hiện trong đời sống thực tế - là một người nữ tu “đa năng” và lúc nào cũng phải chu toàn tốt những gì được giao. Nhiều khi lao vào công việc làm ta quên cả thời gian vì trong đầu lúc nào cũng là: phải làm cái này, cái kia chưa xong, mình còn quên cái nọ … một loạt những công việc được đặt ra và ta chỉ còn biết một việc duy nhất đó là làm cho xong việc. Thời gian trôi qua và ta chỉ chợt bừng tỉnh khi công việc đã xong, lúc đó nhìn lại ta thấy mình đã bỏ qua nhiều thời gian mà không nhớ đến Chúa dù chỉ là một chút!

Công việc mục vụ

Mặc dù chưa từng trải qua nhiều trên các chiến trường mục vụ nhưng tôi cũng xin chia sẻ một chút những suy tư và những gì mà tôi nhận thấy nơi công việc của quý dì mà tôi được sống cùng.

Sự quá tải trong công việc không chỉ dừng lại ở việc bổn phận nhưng còn cả trong công việc mục vụ nếu chúng ta được mời gọi tham gia trong lãnh vực này: việc phụ trách ca đoàn, dạy giáo lý dự tòng, đặc trách giáo lý viên, sinh hoạt các đoàn thể… và rất nhiều những công việc khác nữa. Người tu sĩ trở nên như những “con thoi” làm việc không ngừng, quên mất giây phút hiện tại. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bởi đời sống cầu nguyện và việc cử hành phụng vụ với những quy định về giờ giấc. Tuy nhiên công việc mục vụ không phải lúc nào cũng đảm bảo cho ta có thể về đúng giờ để cử hành phụng vụ bởi tính bất ngờ của nó. Sự thay đổi này cũng làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của mỗi tu sĩ. Và nhiều khi người tu sĩ đành chấp nhận hy sinh giờ cầu nguyện hoặc giờ phụng vụ cho nhu cầu của công việc.

Chưa kể trong những ngày đại lễ thay vì được thảnh thơi dọn lòng để mừng lễ thì việc chuẩn bị cho ngày lễ: phác thảo chương trình, chọn diễn viên, tập văn nghệ, tập hát ca đoàn, phòng thánh….. Làm cho người tu sĩ dường như không còn thời gian để nghỉ ngơi, hết việc này lại qua việc khác, công việc cứ nối tiếp nhau tưởng chừng như không có điểm dừng cho đến khi không còn có thể làm được vì trời đã tối. Đời sống tâm linh lúc này dường như được tạm gác qua một bên. Chúng ta có thể biện minh rằng có thể cầu nguyện trong chính công việc ta đang làm bằng những lời nguyện tắt, nhưng điều đó có dễ thực hiện hay không nếu như chúng ta chưa có nền tảng đời sống tâm linh vững chắc. Và liệu rằng việc nguyện tắt như vậy đã đủ cho đời sống tâm linh của mỗi người hay chưa?

Đáp ứng nhu cầu của thời đại

Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển không ngừng và đòi hỏi người tu sĩ cũng phải biết trau dồi và phát triển bản thân để có thể bắt kịp cũng như có thể đáp ứng được với nhu cầu của thời đại. Ngoài những kiến thức về đạo: đời sống tâm linh, kiến thức giáo lý, đàn, hát, chỉ huy… Người tu sĩ cũng phải bổ sung thêm những kiến thức của đời sống hiện đại: ngoại ngữ, tin học, bằng sư phạm… làm cho người tu sĩ không những phải tranh thủ học ngày mà còn học đêm thậm chí là học bổ túc ngày thứ bảy và chủ nhật để tìm cho mình những kiến thức mới. Chính vì thế, đời sống tâm linh lúc này dường như bị thu hẹp và bị lấn át bởi công việc bổn phận, công việc mục vụ và việc đáp ứng những nhu cầu của thời đại. Cho nên dù muốn hay không người tu sĩ cũng không thể thoát ra khỏi guồng máy của thời đại. Phải chăng chúng ta cứ để cho mình bị cuốn theo dòng chảy của công việc một cách bất lực hay chúng ta nên đi tìm ý nghĩa trong việc phục vụ?

Ý nghĩa của việc phục vụ

Nếu chúng ta cứ để cho công việc lấn át chắc hẳn đời sống tâm linh của chúng ta sẽ không bền vững. Những lúc như vậy, tôi thiết nghĩ thay vì lao vào công việc như con thiêu thân thì chúng ta phải biết dừng lại. Dừng lại ở đây không phải chỉ để nghỉ ngơi nhưng quan trọng hơn nữa là để quay về với cội nguồn của đời mình, với mục đích cứu cánh của đời tu đó chính là Thiên Chúa - nguồn bình an, sự sống đích thực để có được sự quân bình trong đời sống nội tâm cũng như trong công việc. Sự bình an đó sẽ giúp chúng ta có thái độ đúng đắn trong công việc. Điều mà công việc đòi hỏi chúng ta không phải lúc nào cũng là hoàn thành mọi công việc nhưng chỉ cần là chính mình một cách trọn vẹn, trong công việc này và ngay tại lúc này. Thay vì lo hết việc này qua việc khác một cách tất bật, vội vã chúng ta hãy là chính mình một cách chân thực trong giây phút hiện tại. Ta sẽ khám phá ra rằng: ta không chỉ làm việc mà còn sống cuộc sống của mình trong công việc, ngay chính giây phút hiện tại. Đó cũng là đòi hỏi của đời sống tâm linh. Vì đời sống tâm linh không phải chỉ là cử chỉ bên ngoài, nhưng phải là một hành động xuất phát tự thâm tâm, và không bị giới hạn bởi thời gian, giờ giấc, nhưng được thực hiện không ngừng kể cả trong công việc. Không phải chỉ khi nghĩ đến cầu nguyện hay khi vào nhà nguyện ta mới vội hướng tâm hồn lên cùng Chúa nhưng cả khi làm bất cứ việc gì như dạy giáo lý, tập văn nghệ, coi phòng thánh, học ngoại ngữ… hay làm bất cứ việc nào khác ta cũng phải có lòng khao khát và tưởng nhớ Thiên Chúa. Đời sống tâm linh không giới hạn trong những giờ phụng vụ, cầu nguyện và sự nỗ lực riêng của bản thân nhưng còn là lòng khao khát Thiên Chúa, lòng mến khôn tả… không phải bởi người phàm mà tất cả là do ơn Chúa ban, bởi như lời thánh Tông Đồ đã nói: “Chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8, 26b).

Như đã trình bày ở trên, cuộc sống của chúng ta luôn gắn liền với rất nhiều những công việc và chúng ta cũng mất khá nhiều thời gian cho điều đó. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta để cho chúng lôi kéo và điều khiển, mà chính mình phải biết làm chủ nó bằng một đời sống tâm linh vững chắc. Và thái độ đầu tiên đó chính là: luôn ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa và trông cậy vào tình thương của Người. Như thế, chúng ta sẽ luôn sử dụng tốt giây phút hiện tại mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh.

Nt. Anna Đàm Vân, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...