SỢ?
Mở đầu bài giảng tĩnh tâm tháng 12 về chủ đề “đào tạo” con rất ấn tượng bởi tính từ “sợ” được Cha giảng phòng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần.
Lúc đầu, con nghĩ đó là một thứ cảm xúc bình thường của mỗi con người. Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, một đứa trẻ đã thể hiện cảm xúc sợ hãi của nó qua tiếng khóc, nó cảm thấy một sự khác lạ khi tiếp xúc với một môi trường mới. Lớn hơn một chút đứa bé lại phải làm quen với những vật dụng và môi trường xung quanh, khi đó chúng thể hiện sự sợ hãi một cách rất rõ ràng với những sự e dè, đề phòng, qua cách mà chúng cố gắng vặn hỏi .... Tuy nhiên, khi lớn lên thì những sự đụng chạm, tiếp xúc đặc biệt là trong môi trường công việc và các mối tương quan khá mới mẻ lại khiến chúng ta đứng trước những dao động của hàng loạt cảm xúc, trong đó sự sợ hãi luôn luôn chờ đợi chúng ta.
Ngay chính bản thân con cũng đã trải qua rất nhiều nỗi sợ và con tìm cách tự trấn an mình và sử dụng những điều con đã được học hỏi để giúp bản thân vượt qua được nỗi sợ.
Con cảm thấy nơi con luôn mang những nỗi sợ chủ yếu về các mối tương quan và công việc. Trong các mối tương quan, con rất sợ những thiên kiến, những ánh mắt hay lời nói... những điều khiến con rất dễ tổn thương và con tự xây tường rào để bảo vệ chính mình. Nhưng có lẽ, đây là sai lầm của bản thân con vì con đánh mất cơ hội nối kết những mối tương quan. Còn trong công việc, có lẽ đó là do những khả năng hạn hẹp của bản thân con trước những đòi hỏi và yêu cầu của công việc khiến con có chút do dự... Tuy nhiên sau khi trải qua mọi chuyện, con nhận ra chẳng có vấn đề gì lớn lao, có khi nỗi sợ đó là do bản thân con thổi phồng lên hoặc cũng do những suy nghĩ về một sự đảm bảo an toàn cho chính mình bằng cách nên giống như mọi chị em khác. Nhưng đó lại là một sai lầm tai hại vì con sẽ có được sự bình an tức thời nhưng con không được hạnh phúc vì con không được là chính mình.
Nhìn chung nỗi sợ thì có vô vàn, nhưng tất cả chỉ có thể giải quyết bằng chính kinh nghiệm, những bài học... nói chung là dựa trên những điều mà chính bản thân con được đào tạo để bản thân con được tự tin nhờ biết nghệ thuật trong giao tiếp, biết kỹ năng trong công việc để vượt qua tất cả những tình huống trong cuộc sống và để bản thân không còn sợ hãi nữa. Mà nếu còn nỗi sợ thì con phải xác dịnh được con sợ cái gì và mức độ của nỗi sợ đó, nó cũng phải có một điểm dừng, chứ con không được để cho nỗi sợ làm chủ mình để rồi có những suy nghĩ tiêu cực hay bế tắc.
Con biết rằng đời tu là một cuộc hành trình dài, mà càng lớn thì càng mang nhiều trách nhiệm và đối diện nhiều vấn đề phức tạp, điều đó chắc chắn làm cho con cảm thấy lo sợ. Nhưng niềm tin đã dạy cho con rằng: nếu con sẵn sàng mở bàn tay ra thì Chúa cũng sẽ giơ tay nắm lấy tay con như khi xưa Ngài đã nắm lấy tay Phêrô khi ông sợ hãi, lênh đênh trên mặt biển, Ngài sẽ không để cho nỗi sợ hãi nhấn chìm con khi con kêu cứu. Như vậy, con đã có một đảm bảo vững chắc cho hành trình sứ vụ của mình, vấn đề là con phải biết mở ra để Chúa đi vào dẹp tan mọi nỗi lo sợ trong con, vì chỉ có Chúa mới là vị Thầy tối cao đào tạo nên những con người kiên cường, những con người biết phân định nên sợ điều gì và không nên sợ điều gì, để từ đó, con biết sống đẹp lòng Chúa và được bình an-hạnh phúc.
Nt. Maria Thái Thành, OP
(Trích NS. Catarina 47)