daminhthanhtam.com

Vâng phục - Một cuộc đối thoại cần thiết

14.12.2024 Văn

VÂNG PHỤC, MỘT CUỘC ÐỐI THOẠI CẦN THIẾT

 

Vấn Đề: Băn Khoăn Từ Thực Tế

Bàn về việc thực hành đức vâng phục trong giới tu sĩ trẻ ngày nay, không ít các vị tiền bối than phiền và thậm chí có vẻ băn khoăn lo lắng nhiều cho tương lai của hội dòng, bởi xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách các đàn em của mình.

Là một trong nhiều ngàn tu sĩ trẻ của xã hội Việt Nam đang “hoá rồng” hôm nay: nhìn lên các chị, tôi thấy nhiều nét đẹp đáng kính phục, thấy mình có bổn phận tiếp thu cũng như phát huy chúng, như một cách giữ lấy truyền thống, giữ lấy cái “gốc” của mình; quay lại thế hệ sau là các em tôi đang trong giai đoạn tập viện và thỉnh viện, tôi thấy trách nhiệm của mình càng lớn hơn : làm sao chuyển trao truyền thống của Dòng cách tinh ròng cho các em, qua chính cuộc sống của tôi ? Câu trả lời phần lớn nằm ở chỗ : tôi biết hoà điệu những dị biệt thế hệ, để dễ dàng dâng hiến và dâng hiến đến cùng. Có thể nói cách khác: Sống Đức Vâng Phục.

Đây không phải là vấn đề mới lạ, cũng không mang tính anh hùng gì. Nhưng “Làm thế nào để sống Đức Vâng Phục?”, thì quả thực là một thách đố cho những tu sĩ trẻ hôm nay. Xin được mạo muội trình bày nơi đây những bài học rút ra qua những thời gian suy nghĩ và cầu nguyện về những gì đã đọc, đã thấy tận mắt, và về những vấp phạm của bản thân. Để như một chia sẻ những trăn trở, những kiếm tìm cho cuộc dâng hiến tròn đầy và phong phú hơn, hầu Danh Cha rạng sáng hơn.

1. Khác Biệt Thế Hệ

Điều này cần bàn trước tiên.

Khoảng cách thế hệ là 25 năm đã được rút xuống còn 3 – 4 năm chỉ trong vòng vài mươi niên cuối và đầu thiên kỷ. Vì thế, nếu tính từ quyết định bỏ lệnh “bế quan toả cảng” để chuyển sang “thời mở cửa” của ông Nguyễn Văn Linh, thì xã hội Việt Nam đã sản sinh ra bốn thế hệ. Còn trong các Dòng tu, thời mở cửa đã lật hẳn một trang mới cho lịch sử Hội Dòng: Bút nghiên bắt đầu được kéo ra khỏi những ngăn tủ mốc. Cái sự học bắt đầu. Con cái thánh Đaminh phải đi đầu trong đó. Những năm gian khổ ky cóp đã được Chúa quan phòng chuẩn bị cho hôm nay.

Tỉ mỉ mà gẫm, cảm nhận của các chị về thế hệ đàn em “khác chúng mình ngày xưa quá” thật rõ: hình ảnh những “anh hùng lao động” “vang bóng một thời” đã từng chăn bò, chăn dê, làm bột, đi lấy phân, lượm rau nát, … không còn nữa; công việc ngày xưa làm nhanh là thế, khoẻ là thế; còn em mình nay “sao nó yếu quá !”, “cứ quờ quạng, chẳng làm ăn thế nào cho nên hồn”. Có vị “ôn hoà” hơn, đã ngồi nhẩm tính một con số: “đệ tử – học ở trường, học ở nhà, dạy học, … chẳng thấy “làm”. Vào nhà Tập - cũng học đến phát ốm, lo bài vở hơn lo cầu nguyện. Lên Học viện – hai, ba năm thôi là cứ quay cùng con chữ. Yếu là phải, quờ quạng là phải.

Làm sao trưng dẫn hết ra đây những nhận xét về cái sự “khác” ấy. Tắt một điều: có khoảng cách khá xa giữa những thế hệ trong dòng, đặc biệt là thời trước và sau “mở cửa”.

2. Khác Biệt Tâm Thức Đời Tu:

Từ khác biệt hoàn cảnh, sự chênh lệch trong tâm thức tu đức đã lộ ra:

Thế hệ của chị sẵn sàng yêu mến và vâng phục Thánh ý Chúa, không chỉ qua Bề trên mà còn là bất cứ chị em nào. Thiện tâm và lòng khiêm tốn cũng bộc lộ rõ khi chị sẵn lòng tiếp nhận mọi điều phải trái từ phía bề trên và chị em với lời xin vâng tâm phục khẩu phục. Sự chân thành đơn sơ bộc lộ rõ khi chị dễ dàng thốt lời “cảm ơn - xin lỗi” khi được khuyên răn, sửa bảo. Đón nhận đau khổ về phần mình, chỉ có mình phải chịu khổ vì người khác, là phương ngôn thường thấy nơi các chị.

Đàn em ngày nay không dễ nhận phần thiệt về mình, không dễ bình tĩnh “chịu oan” trước những nhận định hoặc khuyến cáo “có tính vĩnh viễn” về những lỗi phạm (được đếm bằng lần) như: “chuyên môn”, “cứ thế”, “ không bao giờ”, “không khi nào”, … Hậu quả của một xã hội kỹ nghệ hoá chính xác đến từng con số còn đẩy em đến thái độ bất bình khi chương trình của mình bị thay đổi bất chợt, không được họp bàn hoặc báo trước.

Đó là sự khác biệt thế hệ, sự khác biệt lắm lúc gây đau lòng cho các vị hữu trách. Nhưng nó cũng nằm trong vòng xoay toàn cầu hoá: xã hội, gia đình đều có tình trạng “trẻ già xung khắc” này. Việc đi tìm con đường đối thoại để hoà hợp, để tiếp nhận nhau trong yêu thương mới quan trọng.

3. Một Yêu Cầu: Hoà Hợp Trong Đa Dạng

Đa dạng là một sự thật: Hội Dòng được làm nên bởi nhiều tu sĩ xuất thân từ nhiều thành phần, nguồn gốc, tâm tánh, quan điểm khác nhau, …

Duy nhất cũng là một sự thật : Các tu sĩ họp nhau trong cùng một lý tưởng, cùng một nội qui, cùng một Bề trên, một đặc sủng, một đối tượng duy nhất để hiến dâng đời mình: Đức Giêsu Kitô …

Đây cũng là một sự thật : dung hoà những nét khác biệt để làm nên một tổng thể duy nhất, là tác phẩm của Chúa Thánh Linh nơi mỗi Hội Dòng. Và mỗi phần tử góp phần quyết định cho việc hình thành tác phẩm ấy.

Và, một sự thật nữa là : có những phần tử lại phủ nhận sự hoà hợp này bằng con đường khắt khe của Luật và Truyền thống; hoặc bám vào những xu hướng văn hoá và khoa học nhân văn hiện thời.

Nói gì thì nói, nhất thiết phải hình thành một cộng đoàn “Đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, bẻ bánh và học hỏi…”. Nhưng làm thế nào để hòa hợp?

4. Hãy Làm Một Cuộc Đối Thoại Cần Thiết

Cuộc đối thoại này, dựa trên cái nhìn về những băn khoăn từ thực tế của những bậc tiền bối, về sự khác biệt từ thế hệ đến tâm thức đời tu, và về một đòi hỏi căn cốt: hiệp nhất trong đa dạng.

a. Đó là cuộc đối thoại với Thiên Chúa

Trong cầu nguyện và chiêm niệm, những vấn đề rắc rối được đưa ra ánh sáng. Tâm hồn khiêm tốn và chung thuỷ thờ phượng Chúa sẽ được chính Người chỉ bảo đâu là đúng, đâu là sai, trách nhiệm thuộc về ai.

Đối thoại với Thiên Chúa, mỗi người còn được Người mời gọi đi vào cuộc hiến tế yêu thương của Ba Ngôi. Mà đặc biệt lúc này, Đấng hiến mình để đem lại cho nhân loại sự sống và sống dồi dào đang mời gọi họ, từ trái tim đến trái tim: Hãy dâng hiến, dâng hiến hơn nữa, dâng hiến đến cùng. Dĩ nhiên, chiến thắng thuộc về những ai chấp nhận sự rồ dại của Thập giá.

Lý do để chị nữ tu dâng hiến đời mình cách tận tuỵ và trung thành, nằm ở chỗ: chị đang gầy dựng cho cơ nghiệp của “nhà chồng”. Tuyên khấn, chị đã là người “có bến có bờ”. Chị chẳng còn lại gì cho riêng mình. Sự sống của chị đang từng ngày từng giờ bị lấy đi (do dâng hiến) sẽ đổ vào đó, vun xới và chăm bón cho sự sống toàn nhân loại này, sự sống của hạt giống Giêsu. Nhờ đó, chị sẽ dễ dàng tiếp nhận những cái “khác” của Bề trên, chị em và chính mình. Bất chấp những đớn đau và thiệt thòi, chị vẫn tìm thấy hạnh phúc vì biết mình đang sống cho ai và vì ai.

Một khấn sinh đã viết thư cho bạn đồng môn của mình như sau: “Điều làm em day dứt nhưng cũng thúc đẩy em dâng hiến hơn nữa cho Chúa Giêsu và gia nghiệp của Người, đó là: Mỗi tháng, sự sống trong cơ thể em xuất ra ngoài, không có khả năng kết tụ lại cho một mầm sống mới. Và mãi mãi là thế, nếu Chúa muốn. Vậy thì, điều gì làm cho em đang cảm thấy mình đang làm mẹ, nếu không phải là sự ky cóp đời sống (tinh thần, sức khỏe, tài năng, thì giờ,… ) mình cho mầm yêu thương được nảy sinh trên trái đất, như ước mong của Đấng Lang Quân? Mẹ em là mẫu gương tuyệt vời cho kinh nghiệm này, em cứ học cách mẹ hy sinh cho bố và chúng em, để từng ngày tập hy sinh cho Nước Trời” .

Một kinh nghiệm có vẻ rất đời thường, nhưng phần nào nói lên được cái “lý” của đời thánh hiến.

b. Đối thoại với Chính Mình

Không nói cho mình nghe được, sẽ rất khó giao tiếp với người khác.

Lý trí làm việc lúc cần thiết để lương tâm “phán xét” những hành vi và ý tưởng của chính mình. Người tôn trọng sự thật và lòng chân thành sẽ dễ dàng làm bạn với lương tâm mình, lắng nghe và chấp nhận làm theo những gì lương tâm chỉ vẽ: mình đã sai, phải nhận là sai và chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Nếu mình đúng, cũng chẳng vội phải đòi lại danh dự một cách thấp hèn bằng cơn nóng giận, bằng những cuộc võ miệng thật tai hại.

Hơn nữa, trong thâm sâu cung lòng mình, linh hồn trò chuyện với Vị Thượng Khách đang ngự ở đó, sẽ nhận ra mình đang nghiêng chiều về đâu, đang bị nô lệ bởi điều gì, … để can đảm hoán cải.

c. Đối thoại với Tha Nhân

Chỉ khi nào biết đối thoại với Thiên Chúa, với chính mình, mới hy vọng có cuộc đối thoại tốt đẹp với tha nhân.

Điều này thật cần thiết để “giải quyết” những khác biệt thế hệ trong Dòng.

Có rất nhiều cuốn sách cống hiến những bí quyết để cuộc đối thoại thành công. Nhưng cũng cần nêu ở đây một vài nhận định:

Đối thoại hệ tại việc biết lắng nghe: tức trân trọng và tiếp đón nhân vị của mỗi người.

Trong những vấn đề liên quan đến khác biệt thế hệ: cần một cái nhìn chân thực về những đặc điểm tâm sinh lý xã hội của mỗi bên. Ví dụ: Thời đại kỹ thuật số đòi sự chính xác, sẽ “phát rồ” nếu em nghe được chị than “Nó chuyên môn, …”, “Nó cứ….”, …. Nhưng bình tĩnh lại thì thấy… đó là văn hoá phóng đại của Á đông; hoặc em cho rằng việc nói nhiều chỉ làm mất thì giờ và lẩm cẩm, … chị lại bộc lộ đó là lòng yêu, là sự quan tâm của “bà mẹ quê” hay nói hay làm; để như mưa dầm thấm đất, thấm vào tai, vào lòng em ; hoặc tình trạng sức khoẻ, tâm sinh lý của chị hay em đôi khi “khó ở” … đều cần sự cảm thông.

Đối thoại trong tư cách của “người trong nhà”, chứ không phải những nhân viên của một công ty, hay của cấp trên với cấp dưới. Cái tâm thức “trong nhà” và coi nhau như một người chị em đang giúp nhau “trở nên một người chị em” đích thực hơn sẽ làm chúng ta dám hy sinh những nét riêng biệt để vun đắp cho một mầm chung nào đấy.

Đối thoại trong tâm tình biết ơn nhau. Vì cả chị lẫn em đều cần nhau để tồn tại. Chị cần em để những “công trình” của mình còn được tiếp tục với thời gian khi mình đã về với nguồn cội; em cần những cống hiến của chị để có thể dễ dàng tiếp bước, dễ dàng phát triển sự sống của Dòng trên một cái nền vững chắc.

Để Kết:

Kinh Mân Côi, Con Đường Đối Thoại Và Phương Thế Sống Đức Vâng Phục.

Ngày 16.10.2002, ĐTC Gioan Phalô II công bố Năm Thánh Mân Côi bằng tông thư Rosarium Virginis Mariae để kỷ niệm 25 năm triều Giáo hoàng của ngài. Ngoài ra, ngài còn dâng kính Đức Mẹ Chúa Trời năm hồng phúc cầu nguyện cho hoà bình thế giới.

Với truyền thống sẵn có của Dòng, với sự kỳ vọng của Đức Thánh Cha vào những ai sống đời thánh hiến (x. Số 42), tôi thấy việc chiêm niệm bằng kinh Mân Côi mọi nơi mọi lúc là con đường khả dĩ giúp tôi “giải quyết vấn đề” vừa bàn ở trên : Những tâm tình và lời xin sau mỗi chặng của bốn Mầu nhiệm không chỉ nuôi dưỡng tâm linh tôi, mà còn mở ra cho tôi con đường xây dựng đức ái trong Cộng đoàn (xây dựng hòa bình – x. số 40) qua đối thoại để sống đức vâng phục. Hơn nữa, tôi tìm được cho mình một bạn đồng hành và một người thầy tuyệt vời là Đức Maria, nữ tỳ trọn hảo của Thiên Chúa khi cùng Mẹ chiêm ngưỡng và học hỏi Đức Kitô (số 9 – 17).

Quả thật, tôi rất ước mong và trông cậy vào ơn xin này: “Xin Mẹ cùng con sống Đức vâng phục ở đây – tại cộng đoàn này, nơi con được gởi đến chia sẻ với các chị trong việc thi hành sứ vụ của Con Mẹ”. Vâng, em hy vọng mình sẽ không dễ thoái thác trách nhiệm với những ơn xin khi lần chuỗi : xin ơn khiêm nhường, ơn yêu người, ơn chịu khó khăn, ơn vâng lời chịu luỵ, ơn giữ nghĩa cùng Chúa (MN Vui); ơn đẹp lòng Chúa, ơn vững tin vào quyền năng Chúa, ơn cải sửa tâm hồn, ơn biết lắng nghe Lời Chúa (MN Sự Sáng) ; ơn vác thánh giá theo Chúa, ơn đóng đanh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa (MN Thương) ; ơn chiêm ngưỡng sự trên trời, ơn đón nhận Chúa Thánh Thần (MN Mừng) …

Cùng với Mẹ, con thưa tiếng FIAT triền miên. Hành trình dài phấn đấu, xin giúp con trung thành.

 

Nt. Têrêxa Thiên Hoàng, OP

 

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...