daminhthanhtam.com

Sinh động hóa đời sống cộng đoàn

22.08.2024 Văn

SINH ĐỘNG HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

 

Một giọt nước rơi xuống làm cho những giọt nước bên dưới thức giấc lao mình vươn lên như một lực đẩy của áp suất, bỗng nó lại bị rơi xuống từ độ cao, và cứ thế làm khuấy động cả một dòng nước trong mát. Thoáng nhìn ta cảm tưởng như những giọt nước ấy đang đùa giỡn và trêu chọc nhau, rượt đuổi và săn đón nhau. Nhưng mặt khác, đó cũng có thể là sự tức giận có sức làm lan tỏa khắp cả mặt nước.

Ví như những phân tử nước làm thành một dòng nước, thì mỗi thành viên, mỗi nhân vị là con người cũng làm thành một cộng đồng đông đảo. Dòng nước ấy, cộng đồng ấy có chăng chỉ là một hỗn hợp, một tập thể mang tính xã hội. Vươn cao hơn, xa hơn và thánh thiêng hơn, xin được diễn tả đến một cộng đoàn nhân vị mang tính linh thánh trong Giáo Hội, đó là cộng đoàn tu trì sống đời Thánh hiến, một cộng đoàn được Thiên Chúa quy tụ để dành riêng cho Chúa: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,12). Vậy cần phải làm gì để biến cộng đoàn tu trì đó trở nên sinh động như những giọt nước mát đang vui đùa vẫy gọi.

Trong một dịp tĩnh tâm tháng, qua bài giảng của cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, đã đọng lại trong tâm những suy tư về bản chất của một cộng đoàn tu trì Thánh hiến. Chính trong cộng đoàn, người tu sĩ được nhiều hơn là mất, nhưng cái được lớn nhất của người tu sĩ là được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, chứ không phải là “Được lời lãi cả thế gian mà mất phần linh hồn” (Lc 9,25). Qua đó cũng cho thấy sự cần thiết của việc sống chung và sống cùng, đó là cách để được trở nên hoàn thiện mình mỗi ngày.

Yếu tố cộng đoàn được tạo nên từ mỗi cá nhân hợp lại, như vậy có thể nói cộng đoàn là do mỗi người góp phần gầy dựng nên. Một cộng đoàn bình an hay bất ổn, là do sự đáp trả và nỗ lực xây dựng cùng với sự đồng lòng của mọi người trong cộng đoàn. Thế nên, đời sống cộng đoàn cho ta cái nhìn về tinh thần trách nhiệm và sự cố gắng của bản thân, để kiến tạo nên bầu khí vui tươi, bình an, hiệp nhất trong cộng đoàn. Hội Dòng là mẹ, cộng đoàn là con và cá nhân là sự sống còn để duy trì sự hình thành và phát triển của Dòng. Đó là mối dây liên hệ gắn bó khăn khít, làm cho người tu sĩ có được cảm thức thuộc về. Dù đi đâu hay làm gì cũng có một nơi để trở về, nơi đó có chị có em.

Câu thành ngữ “An cư lạc nghiệp” xem ra có thể dùng trong bối cảnh suy tư này. Nếu coi cộng đoàn tu trì là một gia đình, mà trong đó, các thành viên sống hòa thuận, êm ấm, luôn tạo cho nhau có được bầu khí đại đồng chan hòa, gần gũi, thì chắc chắn sẽ không còn chỗ cho việc đi tìm những niềm vui khác ở bên ngoài cộng đoàn. Như thế, đời tu ngày càng vững chắc, thế đứng ít bị lung lay, cái nghiệp của người tu sĩ là đây rồi.

Đời sống cộng đoàn còn cho ta nhận ra được sự cần mẫn của những đôi bàn tay, ngày đêm âm thầm với những công việc phù du, để có được khuôn viên mát mẻ, nhà cửa sạch sẽ tươm tất. Tục ngữ có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” nên nhờ đó, đời sống thể lý của chị em cũng được mạnh khỏe.

Bên cạnh đó, việc kiến tạo bầu khí trong lành của đời sống thân tình chị em cũng rất cần thiết. Qua việc biết tôn trọng phẩm giá, chị em mới có thể đón nhận nhau với phẩm giá làm người và làm con Chúa, vì chính nhờ phẩm giá đó mà con người mới có được những ơn ban nhưng không là tài năng này, khả năng nọ, ... Chỉ khi để ý đến phẩm giá, ta mới có thể chiêm ngắm chị em trong sự bình đẳng và sự huyền diệu của một con người, để dễ dàng hiểu nhau và đón nhận nhau một cách an vui.
Hãy đón nhận nhau trước khi đón nhận
những khả năng, biệt tài của nhau vì như người nô lệ sau khi bị tước đoạt hết tất cả tiền của, công sức, ... thì cái còn lại mà họ có được đó chính là phẩm giá làm người mới được lộ ra.

Có bao giờ ta tự hỏi việc Con Thiên Chúa chết thay cho cả nhân loại mang ý nghĩa gì hay không? Vâng, cái chết ấy nói lên một sự chung chia, sự liên đới mà cao hơn cả là sự liên lụy. Chính Con Thiên Chúa đã gánh lấy tội trần gian và đặt con người liên lụy với nhau vì “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa” (Rm 14, 7-8). Vì mối lợi tuyệt vời đó, người tu sĩ sẵn sàng khước từ tất cả để sống cho nhau và vì nhau trong một cộng đoàn Thánh hiến. Thế nên, việc để chị em dám làm phiền đến mình và mình dám làm phiền chị em là yếu tố cần thiết của hạn từ “chung chia”, giúp xây dựng bầu khí lành mạnh trong cộng đoàn, nơi đó chị em có thể sống thật với nhau, sẵn sàng để cho người khác thấy được khuyết điểm của mình. Hiểu được ý nghĩa của sự liên lụy, để ta biết cảm thông với chị em, dễ dàng chấp nhận người khác như họ là, vì chị em cũng chính là hình ảnh của mình. Như những giọt nước tạo nên sự chuyển động của cả mặt nước, thì chính mỗi cá nhân là những nhân vị đừng để mình là tác nhân làm biến đổi cả một con người.

Đứng dưới góc độ cụ thể và thực tế, đời sống cộng đoàn chắc chắn vẫn còn đó những giới hạn của con người. Như mặt nước bị khuấy động làm dậy sóng, thì cộng đoàn cũng có những khó khăn, thách đố. Nhưng nhờ ơn Chúa với những giới hạn vừa sức mà ta có thể vượt qua được, thì đời sống sẽ dễ dàng hơn, vui hơn và nhiều ý nghĩa hơn. Đặc biệt khi ta nhìn cộng đoàn dưới khía cạnh đức tin có Chúa Kitô là đầu, và mỗi người không ai giống ai, không lựa chọn nhau nhưng cùng nhau lựa chọn và bước theo Đức Kitô, điều này làm cho cộng đoàn thêm đa dạng và phong phú. Do đó cộng đoàn của Đức Kitô luôn được mời gọi và được thúc đẩy bởi hai nhân tố chính: trước hết là hành động cúi xuống vì tình yêu, nơi đây không có sự trao đổi, mua bán nhưng đó là sự cho không, dám đón nhận sự chân tình với một người mà người đó không có gì để trao đổi với ta. Kế đến là việc dám dấn thân vào những công việc phù du, kiên nhẫn và trung tín trong những công việc nhỏ mọn nhất, đó là những người làm việc nhưng không để lại công trình gì, là người mở được những con người để đến với tha nhân. Nói tắt lại, một cộng đoàn được sinh động hóa chính là cộng đoàn có được những phẩm tính căn bản của đời sống chung, nơi đó chứa đựng những hoa trái của Chúa Thánh Thần: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5, 22-23).

 

Nt. Maria Martino Hoàng Nhật Thùy Trâm, OP

(Trích NS. Catarina 47)

 

 

 

 

 

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...