Giữa cộng đoàn, hãy là một em nhỏ!
Trong tâm thức nhiều người, khi người lớn nói chuyện, con nít không được đến quấy rầy. Vì thế nên các môn đệ đã ngăn cản các trẻ em đến với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cái nhìn của Chúa Giêsu lại khác. Ngài không quan tâm đến việc các em có quấy rầy hay không, nhưng nhìn vào tâm hồn của các em, những tâm hồn đơn sơ, chưa vướng tội luỵ và Ngài đã chúc phúc cho chúng. Chúa mong muốn những người theo Ngài có được tâm hồn như chúng để đón nhận Tin Mừng, để được thừa hưởng Nước Trời. Hay nói khác đi, những ai không có tâm hồn đơn sơ, trong sạch thì không thể vào được Nước Trời.
Trẻ nhỏ được Chúa Giêsu yêu thương và đưa ra làm mẫu mực cho những ai muốn bước vào Nước Trời: “Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, đó là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”. Tinh thần tu đức trẻ thơ là đơn sơ, phó thác, không cậy dựa vào sức riêng, nhưng đặt trọn tin tưởng vào Chúa.
Tâm hồn của trẻ nhỏ lúc nào cũng hồn nhiên, đơn sơ và chân thành nhất. Người ta cho rằng, hồn nhiên là sự tự biết đủ và không tham của người, và là sự trung dung giữa đời với sức mạnh riêng của nó. Một người đi tu có tâm hồn an nhiên sẽ để cho sự thuần khiết được thấm sâu trong tâm trí và trong những giá trị nơi họ. Nhờ sống an nhiên, người đi tu sẽ dần tiến bộ trong đời sống cá nhân cũng như trong mối tương quan với cộng đoàn tu trì. Trẻ nhỏ thì đơn sơ, đơn giản, chân thành, trong trắng. Nếu người tu hành mang trong tâm hồn mình thái độ điềm đạm trước mỗi dấu chỉ trong cuộc sống, thì họ sẽ dễ cảm thấu được niềm vui và có thể lan rộng niềm vui ấy cho cả cộng đoàn của họ. Đó cũng là tinh thần mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng khẳng định: “Nơi nào có tu sĩ, nơi đó có niềm vui”.
Là một em nhỏ, nghĩa là phải sống vui
Chỉ có tâm hồn trẻ thơ mới biết làm thế nào để có khoảng thời gian đẹp nhất. Người tu hành có sự an nhiên thì sẽ biết làm thế nào để biến môi trường nhạt nhẽo trở thành một nơi đầy niềm vui. Trẻ thơ thì lúc nào cũng cười sảng khoái, chơi hết mình, nghịch hết mình, vô lo vô nghĩ vì tinh thần chúng luôn thoải mái. Trong thế giới trẻ thơ, cuộc sống là hạnh phúc, điều gì cũng khiến chúng hạnh phúc. Sống như trẻ nhỏ, người tu hành sẽ tìm được sự an nhiên tự tại nơi những anh em sống cùng. Tinh tế trong nhận định hay cởi mở trong giao tiếp sẽ là yếu tố giúp cộng đoàn tu trì thêm tươi tắn và ngập tràn niềm vui. Và đỉnh điểm của niềm vui thuần khiết là khi nó được san sẻ và lan rộng. Một đứa trẻ ít khi muốn chơi một mình, thêm bạn thì mới thêm vui. Cũng vậy, người tu hành cũng dễ lan tỏa niềm vui đặc biệt cho anh em khác. Đức Giêsu chính là niềm vui của tôi mà cũng là niềm vui của anh, và sự đồng điệu ấy vừa tăng thêm sự khích lệ, vừa lan tỏa niềm vui trong mỗi chúng ta. Bởi lẽ, cộng đoàn là nơi “hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy” (Mt 18,20) sẽ là một cộng đoàn luôn vui hoài vui mãi bởi đã có sự hiện diện của Giêsu.
Là một em nhỏ, nghĩa là biết yêu bằng “một quả tim to”
Lương thiện nhất, chân thành nhất, thuần khiết nhất trong nhân tính chính là tâm hồn trẻ thơ. Trẻ con thường hỏi những câu hỏi ngây thơ khiến người lớn bối rối khi trả lời. Chúng luôn nghĩ ra những trò đặc biệt để chơi. Thử để ý, nếu hỏi trẻ nhỏ “Con yêu ai nhất?” thì câu trả lời có thể sẽ là mẹ nhưng lần khác lại có thể là ba hoặc là ông bà, anh chị,... Bởi dù sở hữu trái tim thể lý bé tí tẹo, nhưng trẻ nhỏ cũng sở hữu một “trái tim cực to” trong tâm hồn, thứ chứa đựng khối tình yêu bao dung và như muốn bao trùm tất cả, không riêng biệt ai và không có gì đo đếm nổi. Còn bạn, tim của bạn có mấy ngăn?
Là một em nhỏ, nghĩa là sẽ học nhiều điều ở mọi người
Trong tâm hồn trẻ thơ, điều nổi bật nhất có lẽ là tâm lí thích học hỏi, bắt chước. Thật vậy, với tinh thần hiếu kỳ và ham học hỏi, người tu sĩ dễ dàng đặt mình vào tâm thế của một người nhỏ nhất trong cộng đoàn, một người cần được dạy bảo và phải cố gắng nhiều điều. Nhờ đó mà người tu sĩ sẽ khám phá ra nhiều ý nghĩa đang ẩn chứa trong đời sống chung. Tinh thần học hỏi này không chỉ giúp họ lãnh hội thêm nhiều bài học mà còn giúp họ bước vào mối tương quan với Chúa, với anh em cách dễ dàng hơn. Mọi người đều có cái gì đó để ta học hỏi, do đó, đời sống cộng đoàn thì không có sự phân biệt nào về phẩm giá, như lời thánh Phaolô nói: “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28).
Đã bao giờ bạn tập theo lối sống của người đàn anh? Đã bao giờ bạn để ý đến cách học, cách giảng, cách chơi của người anh em? Và đã bao giờ bạn thử bắt chước cách nên thánh của người anh em?
Là một em nhỏ, nghĩa là luôn yêu môi trường sống
Tâm lý hiếu kì thúc giục trẻ em không ngừng tiếp xúc với những sự vật nơi thế giới kỳ diệu xung quanh, điều này kh- iến năng lực nhận thức của trẻ phát triển mạnh. Triết gia Aristotle từng nhận định: “Hạnh phúc lớn nhất của con người là học hành và chiêm niệm”. Thực tế, chúng ta thường sống trong những khu nhà bê tông cốt thép nên dễ quên đi vẻ đẹp của cây cỏ thiên nhiên. Nhưng trẻ con thì sao? Đa số trẻ nhỏ đều thích cuộc sống thiên nhiên bên ngoài. Hãy nhớ lại khi mình còn nhỏ, có phải bạn rất phấn khích khi được ra ngoài đồng, ngoài hẻm chơi? Nhưng khi lớn lên, ta lại quên mất thế giới thiên nhiên và thu mình trong căn phòng nhỏ hẹp, giấu đi mọi niềm vui và nỗi buồn, và trái tim mình ngày càng nhỏ bé, niềm vui càng ngày càng ít đi. Và vì đời sống cá nhân đã khô héo, đời sống cộng đoàn cũng cằn cỗi theo. Và nếu một người đi tu biết yêu thiên nhiên thì họ cũng muốn cải tạo môi trường tự nhiên cách đặc biệt nơi cộng đoàn của họ. Chẳng phải Thiên Chúa đã uỷ thác thế giới cho chúng ta coi sóc, bảo vệ sao? Theo lối nói của Đức Phanxicô trong Thư gửi người sống tận hiến dịp năm Đời sống Thánh hiến, chúng ta không nên “hạ giá” những món quà thiên nhiên tuyệt hảo từ Thiên Chúa.
Là một em nhỏ, nghĩa là phải lăn xả
Trong đời sống chung, mọi công việc sẽ được đẩy nhanh tiến độ nếu mỗi cá nhân học được tinh thần nhiệt thành. Trong một cộng đoàn, mỗi người đều sẽ đảm nhận một vai trò khác nhau, tuỳ theo nhiệm vụ mình được giao, nhưng phải luôn có tinh thần phục vụ lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu cứ sòng phẳng mà sống thì không thể có được tình huynh đệ đích thực cho bằng sự hy sinh lẫn nhau. Ta thấy, trẻ nhỏ thường hiếu động, và thích lăn xả. Khi ta vẫn còn là một đứa trẻ, ta cũng từng thích chạy nhảy, lăn xả, đánh lộn, hờn dỗi, hoàn toàn không giống với ta trong hiện tại khi suốt ngày mệt mỏi với mớ công việc bổn phận được giao. Làm việc xong thì chỉ muốn nghỉ ngơi chứ không muốn hỗ trợ người khác, và cũng ‘chán chẳng muốn nói’ nếu có bất mãn gì. Nhưng như Đức Phanxicô đã nói trong Thư gửi người sống tận hiến dịp Năm Đời sống Thánh hiến: “Tình huynh đệ đích thực được vun đắp trong các cộng đoàn của chúng ta sẽ nuôi dưỡng niềm vui của chúng ta”, thì việc lăn xả và giúp đỡ anh em lại càng trở nên cần thiết, chính đáng hơn bao giờ hết. Đối với một đứa trẻ, làm gì có trò nào oai vệ hơn là khi được làm anh ‘hùng giải cứu mỹ nhân’; làm gì có niềm vui nào sung sướng cho bằng được nhiều đứa khác tung hô là ‘thủ lãnh băng đảng’, được làm anh hai chuyên xem xét tình hình xấp nhỏ để ra tay nghĩa hiệp? Cũng vậy, sự hy sinh trong đời sống chung cũng sẽ được thăng hoa khi người tu sĩ có lòng thiện chí.
Việc giúp đỡ lẫn nhau giúp người tu sĩ đạt đến đức ái trọn hảo hơn là những danh dự thoáng qua. Việc hy sinh mỗi ngày sẽ trở thành thói quen và thành nhân đức lúc nào không hay. Lúc đó, người tu sĩ thiện chí trở thành ‘anh hùng của cộng đoàn’ ngay cả khi anh ta không ý thức đến danh hiệu này.
Là một em nhỏ, nghĩa là phải biết giận và biết hòa
Trẻ nhỏ hay nóng giận thất thường và vô cớ, nhưng lại rất dễ làm hòa và tiếp tục vui chơi như chưa có chuyện gì xảy ra. Đôi khi cuộc sống quá khuôn khổ cũng làm ta mất đi nét đơn sơ trong phong cách sống. Nhiều lúc ta muốn sống thật với quan điểm, cảm xúc bản thân, nhưng ta lại ái ngại và sợ sẽ bị ‘đánh mất hình tượng’ trong mắt anh em. Và thế là chúng ta thường dùng nhiều mặt nạ để sống với nhau. Trở về với ‘mặt mộc’ là trở về với tính cách đơn giản nhất: vui thì cười, buồn thì khóc, mắng thì giận, chọc thì dỗi, nhưng bắt tay thì sẽ làm hòa và khi được chia sẻ thì sẽ lại yêu. Một đời sống giản dị thì nói không với ‘sống ảo’. Những thái độ chân thật nhất sẽ làm nên một con người hồn nhiên nhất.
Thật vậy, đôi khi đời sống chung làm cho chúng ta trở nên quá khuôn khổ, chỉ mãi lo nghĩ về luật lệ, ít khi hỏi tâm hồn mình ra sao. Sự đơn sơ và hồn nhiên ít nhiều bị mai một khi chúng ta ngày càng trưởng thành. Sống trong cộng đoàn, hãy thử một lần về với tuổi thơ, sống với tinh thần đơn sơ và hồn nhiên. Ta sẽ làm cho cuộc đời mình tươi tắn hoài và cũng làm cho cộng đoàn cũng tươi tắn như ta. Giữa đời sống của cộng đoàn, xin hãy giữ lấy trái tim thuần khiết như trẻ thơ. Khi chiếc mặt nạ của bạn không cần thiết nữa, bạn sẽ có được nụ cười tươi sáng rạng ngời không khác gì Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ.
Để kết, xin mượn lời của thánh Đa Minh Saviô: “Các cậu biết không, ở đây chúng ta cốt yếu nên thánh trong việc làm mình trở nên vui tươi. Điều tiên quyết là chúng ta đừng phạm tội, hãy cố gìn giữ những ân sủng của Thiên Chúa để có sự bình an trong tâm hồn. Hãy cùng tớ nên thánh bằng cách chu toàn các bổn phận!”
Nt. Anna Huỳnh Như, OP
(Trích NS. Catarina 47)