daminhthanhtam.com

Sự từ bỏ, trong cái nhìn của người tu sĩ thời 4.0

27.09.2024 Văn

 

Cuộc sống có nhiều sự lựa chọn.

Lựa chọn sống đời dâng hiến là một lựa chọn riêng tư, mang theo sự mạnh mẽ và dứt khoát. Để rồi, những ai thành tâm và khao khát sống đời dâng hiến đúng nghĩa, sẽ khao khát đi tìm “hương vị riêng” cho mình về đời dâng hiến.

Trong bất kỳ cuộc thi nào, người giành được chiến thắng là người luôn có sự nỗ lực, kiên nhẫn, sức khỏe và kiến thức, kinh nghiệm. Điều này đúng cho cả khi bạn muốn sống tròn đầy ơn gọi của mình, dù đó là hôn nhân, độc thân hay đời thánh hiến.

Để sống đời dâng hiến cho trọn vẹn, cũng cần có đó những điều kiện căn bản, đòi phải đáp trả bằng nhiều thái độ, mà trong đó, sự từ bỏ là không thể thiếu.

Từ bỏ” ấy chính là một cụm từ vô cùng cao quý của chính Thầy Giêsu gọi mời, một tiếng gọi mời thánh thiêng khi bước vào đời hiến dâng. Vì thế, để đáp trả lại đòi hỏi này buộc mỗi người chúng ta phải luôn hân hoan nỗ lực sống mỗi ngày và chỉ khi đó chúng ta mới có thể cảm được niềm vui và phần thưởng đích thực.

Vị ngọt lẫn vị cay

Để đáp trả cho đúng không phải là chuyện một sớm một chiều, mà để trở nên sự đáp trả đúng nghĩa cần có điều kiện tiên quyết là ta phải sẵn sàng hy sinh, dấn thân và từ bỏ như Thầy Giêsu đòi hỏi. Thật vậy, con đường này không trải đầy nhung và hoa hồng, nhưng là con đường hẹp mà với nhiều gai nhọn và sỏi đá. Nhưng đằng sau đó là một khoảng hạnh phúc đích thực nếu chúng ta biết “tìm ra hoa hồng sau gai nhọn khi trả lời cách xác tín với câu hỏi: “Tại sao tôi chọn cuộc sống này?” Nói cách khác, con đường này có lúc mang một chút vị ngọt: vị ngọt của tình yêu sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn cho Đức Kitô và hướng tới tha nhân. Chúng ta cảm nhận được vị ngọt đó trong chính tâm hồn mình, khi chúng ta cảm nhận được niềm vui và sự bình an khi con tim thật sự thanh thoát và bén nhạy. Nhưng cũng có những lúc cũng cần được pha một chút vị mặn của muối: hi sinh và thử thách. Vì đây là một con đường để đạt tới đức ái hoàn hảo”. Chính vì thế, sự quên mình và từ bỏ thật sự cần thiết. Được sống trong ơn gọi, dù kinh nghiệm sống đời thánh hiến còn rất non trẻ, nhưng bản thân con cảm nghiệm rất rõ - một kinh nghiệm rất riêng tư: đời thánh hiến thật sự nở hoa nhân đức khi con biết quên mình và nghĩ tới người khác. Đời sống cộng đoàn, kỷ luật của Hội Dòng, là nhưng phương thế rất hữu hiệu để chúng con ướp thêm chút vị mặn cho đời sống dâng hiến của mình. Dù có khó khăn và thử thách, nhưng trong thẳm sâu của tâm hồn, vẫn lóe lên một tia sáng hi vọng và một niềm vui rất riêng - một niềm vui mà cuộc sống trần gian không có được, một hạt giống niềm vui được nảy sinh trong mảnh đất tâm hồn. Vì thế, một chút hương vị cay cũng làm cho món ăn thêm ý vị.

Hành trình đi tới

Đời sống dâng hiến là một cuộc hành trình mạo hiểm nhưng có mục đích. Có những lúc, bị rơi vào “đường hầm đức tin”, bị rơi vào thế giằng co giữa việc lựa chọn theo Đức Kitô hay để cho bản thân bị cuốn mình theo những đam mê trần thế. Lại cũng có những lúc, rơi vào cám dỗ tưởng rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi mình. Những lúc như thế, hãy suy ngắm hình ảnh của Đức Kitô trên Thánh giá, sẵn sàng gieo mình vào lòng thương xót của Thiên Chúa tình yêu, vì tin rằng ở cuối đường hầm tối tăm kia, có bàn tay Chúa đang đón chờ. Thật vậy, có bông hoa tô điểm cho cuộc đời nhờ hương sắc của mình. Có những bông hoa kiều diễm, rực rỡ với mùi hương ngào ngạt, thường được đón nhận trước ánh mắt trầm trồ và khen ngợi của con người. Lại cũng có những bông hoa nhỏ bé, âm thầm, nhưng lại mang một hương thơm rất dịu dàng và tinh tế, vì hạnh phúc của chúng là được dâng hiến hương thơm đó cho Đấng Tạo Hóa của mình. Thật ra, mà nói làm môn đệ Chúa Giêsu không hề phải là chuyện một sớm, một chiều. Bởi vì điều ấy giả thiết rằng! người ta phải sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì thiết thân nhất của mình – dù đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, hay cả mạng sống mình nữa. Nhưng từ bỏ mới chỉ là một phần việc. Phần còn lại càng thách đố hơn gấp bội đó là vác thập giá mình mà đi theo Chúa Giêsu.

Thập giá không chỉ gợi liên tưởng cái chết, nhưng còn là cái chết tận cùng nhục nhã, vì tình yêu. Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng những điều kiện cần để theo Ngài, cho những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu: không giữ lại gì cho riêng mình, sẵn sàng chịu tước mất tất cả, ngay cả mạng sống mình.

Đó là một đòi hỏi triệt để. Vì vậy, bước theo Chúa là phải hy sinh, phải từ bỏ! Không một từ bỏ nào mà không có sự lựa chọn. Chúng ta lựa chọn theo Chúa hay theo thế tục? Ở đây không có sự bắt cá hai tay, không có thỏa hiệp giữa thiện và ác, không có sự dung túng cho những thói hư tật xấu.

Vết son của người môn đệ

Như trong lịch sử Giáo hội, từ hơn hai ngàn năm qua đã có biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân dâng hiến cuộc đời phục vụ Chúa trong tha nhân. Ơn gọi của mỗi người thường khác nhau, nhưng có điều chắc chắn là tất cả đều được kêu mời nên thánh, sống hạnh phúc trong ơn gọi làm người và làm con cái Chúa, theo gương mẫu của Chúa Kitô. Nên một điều thiết yếu đầu tiên là sự từ bỏ. Từ bỏ là hy sinh. Hy sinh là mất mát. Do đó, lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình” (x. Mc 8, 34) có ý nghĩa cao vời, bởi vì đây chính là nét đẹp của tình yêu. Thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh, bằng máu, bằng chính cả mạng sống của mình. Lời mời gọi của Chúa Giêsu có tính tự do, không bắt buộc con người. Người mời gọi con người từ bỏ mình, nghĩa là từ bỏ mọi sự, kể ngay cả mạng sống. Con người hoàn toàn tự do khước từ hoặc chọn đi theo Chúa.

Khi theo Chúa, ta không còn vướng bận,

Vì chỉ Ngài là Cứu Chúa bao la,

Là Thánh Linh còn mãi sống trong ta,

Khi cuộc sống, còn tràn đầy tội lỗi!

Con đường ơn gọi sống đời tận hiến là hành trình tìm về khổ đau, về cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển. Sống đời tận hiến, sống niềm tin Kitô giáo là chấp nhận thiệt thòi, mất mát, là hy sinh từ bỏ để đổi lấy cuộc sống vĩnh cửu. Nói cách khác sống ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi làm môn đệ Chúa, ơn gọi trở thành công dân Nước Chúa cần một lựa chọn quyết liệt và dứt khoát. Chúa Giêsu đòi hỏi những ai dấn bước theo Ngài sự lựa chọn ấy, cũng như chính Ngài đã lựa chọn dâng hiến cuộc đời và mạng sống vì yêu mến Chúa Cha và để cứu độ con người. Ngài nói: “Ai muốn theo Ta hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy thập gía mình mỗi ngày mà theo Ta”. Chúa Giêsu có ngặt nghèo và đòi hỏi quá đáng chăng? Không. Ngài chỉ muốn cho chúng ta đước hoàn toàn thanh thoát và hạnh phúc trên con đường sống đời Kitô hữu và đặc biệt là đời tận hiến. Bởi vì chúng ta không thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người một cách thiết thực, nếu còn bị ràng buộc bởi tiền tài, danh vọng, tình cảm.

Môn đệ của Chúa không bao giờ được khước từ thập giá, vì mỗi lần chúng ta, mỗi lần con người từ chối sống bác ái, yêu thương là mỗi lần con người chối từ thập giá. Mỗi lần chúng ta tự đóng khung trong vỏ sò, không chịu đến với anh em nghèo, chia sẻ với họ lương thực, lời an ủi là chúng ta chối từ thập giá Chúa trao. Điều Chúa muốn chúng ta là hãy hết lòng tín thác, cậy trông vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vào sự quan phòng kỳ diệu của Ngài, chứ đừng sống theo những ảo ảnh, phù vân, những dễ dãi, đam mê, dục vọng, xác thịt, tội lỗi... “Ai liều mạng sống vì Ta sẽ được sống” (x. Mc 8,35). Đôi khi mà nói khi theo Chúa chúng ta cũng có thể mất đi địa vị hay quyền lợi...ở đời này nhưng sẽ nhận lại được sự sống vĩnh cửu.

Qủa thật, trong thời đại 4.0, nơi mà tâm thức thực hiện chính mình, chủ nghĩa cá nhân và lối quy ngã đang thịnh hành, thật không dễ và đó có lẽ đôi khi là một thách thức lớn cho các tu sĩ trẻ ngày nay. Tuy nhiên, việc từ bỏ chính mình không chỉ cần thiết để theo chân Chúa và thờ phượng Ngài. Nó thật sự cần để gìn giữ và đào sâu mối tương quan mật thiết, giũa biết bao gãy đổ của cuộc sống và ngay cả trong một cộng đoàn dù chỉ là nhỏ huống chi là một cộng đoàn tu trì. Vì thế, từ bỏ mình rất quan trọng vì từ đó mỗi người chúng ta sẽ giải quyết khủng hoảng và thử thách trong đời tu. Ngõ hầu, dấn thân theo Đức Kitô, để trở thành người môn đệ đích thực của Người. Vì vậy, tất cả mỗi người chúng ta, cách riêng là những tu sĩ trẻ ngày nay cần phải cần đọc được ý Chúa qua những dấu chỉ của thời đại, những biến cố liên quan đến bản thân, người khác và cả xã hội. Thật vậy, nếu ta vác thập giá trong tự do và trong tình yêu, thì thập giá sẽ thăng hoa giúp ta trưởng thành trong đời sống nhân linh và nên giống Chúa Giêsu hơn, trở thành môn đệ thực thụ của Chúa Giêsu như Người nói: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (x. Lc 14,25- 33).

Khi theo Chúa, ta không còn mỏi mệt,

Vì Ngài luôn thêm sức mãi không thôi,

Ngài là Chúa, là Thiên Ðàng Cứu Rỗi,

Là Tình Yêu hằng hữu sống trong đời!

Dẫu rằng thập giá trên vai người môn đệ nặng nề, nhưng tình yêu Chúa đỡ nâng, che chở, tạo nên sức mạnh và niềm vui giúp người môn đệ trung tín bước theo Chúa. Niềm vui theo Chúa là niềm vui chia sẻ. Người môn đệ hạnh phúc gặp được Chúa trong cuộc đời, nên họ khao khát đem tin vui này đến cho mọi người bằng tình yêu thương, sự quan tâm, sự giúp đỡ và sự sẻ chia.

Nt. Anna Nguyễn Lưu, OP

(Trích NS. Catarina 47)

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...