daminhthanhtam.com

Sống khiết tịnh thánh hiến

20.09.2024 Văn

SỐNG KHIẾT TỊNH THÁNH HIẾN, CHỨNG NHÂN VÀ THÁCH ĐỐ

 

Thiên Chúa là tình yêu, nên khi con người được tạo dựng giống hình ảnh Người, con người cũng mang lấy phẩm tính tình yêu, có khả năng yêu thương, cũng như đón nhận tình yêu thương. Là một thực thể sống giữa kiếp nhân sinh trong lý tưởng dâng hiến, khát vọng yêu và được yêu vẫn là tiếng rung mãnh liệt đối với người tu sĩ trong bất kỳ một giai đoạn nào của cuộc đời.

Nhìn vào lăng kính tình yêu, người ta nhận ra và cảm được vẻ đẹp dễ thương duyên dáng và hạnh phúc của chính nó. Nhưng vẫn còn đó những mặt trái của thực tại cơn lốc yêu thương làm cho người ta không phân biệt đâu là hạnh phúc thật. Dẫu thế, con người vẫn lao mình vào thế giới đam mê yêu cuồng, sống vội. Vì thế, người tu sĩ khước từ tình yêu có sức hấp dẫn lạ kỳ ấy, dường như trở nên điều nghịch lý trong cuộc sống nhân trần, cho những gì thế giới bên ngoài đang tôn thờ. Nó trở thành một lời hùng biện vĩ đại, có sức lôi cuốn con người nhìn đến một thực tại khác trong lý tưởng dâng hiến mà người tu sĩ đang sống và thể hiện.

Khiết tịnh, điều mà không phải ai cũng nhận ra hết giá trị cao quý và vẻ đẹp của nó. Trong bài viết này xin gợi lên một phần nhỏ bé để nói lên rằng lời khấn khiết tịnh như là một đặc sủng, một hồng ân cao quý của Thiên Chúa cho những ai Người muốn, nơi những tâm hồn quảng đại thưa tiếng xin vâng trong tự do, để rồi, bước theo Đức Kitô người tu sĩ đi vào giao ước tình yêu qua lời khấn dòng và sống chứng nhân giao ước ấy giữa muôn vàn thách đố từ nội tâm đến ngoại cảnh.

Khiết tịnh được định nghĩa là ý thức được những giới hạn và khác biệt trong kinh nghiệm tính dục, được biểu lộ qua khả năng biết tự nguyện điều hòa những lôi cuốn và xung động trong thân xác. Khiết tịnh là sự chuyển động và là sức mạnh nội tâm của những cuộc sống muốn được phát triển bằng sự tự do của thân xác và tinh thần, và bằng những quan hệ nhân bản đích thật. Người khiết tịnh là người đã bước ra khỏi sự giam hãm mình với người khác vốn không tôn trong sự tự lập và riêng tư trong những khát vọng của mỗi người.

Có thể nói Đức Khiết Tịnh là đức yêu thương. Nguồn gốc là Thiên Chúa, Chúa là Tình Yêu, Tình Yêu viết bằng chữ hoa, tình yêu lý tưởng, tình yêu mẫu mực, tình yêu bao la… Người khiết tịnh thánh hiến là người hiểu được giá trị tuyệt vời của Tình yêu ấy nên hiến trọn đời mình cả hồn cả xác cho Tình yêu ấy. Đồng thời, bằng chính cuộc sống của mình, người khiết tịnh mặc khải cho người khác cũng hiểu được Tình yêu tuyệt vời đó.

Công đồng Vatianô II, trong hiến chế Tín lý về Giáo hội nhìn nhận đức khiết tịnh là ân huệ thần linh mà Giáo hội đã nhận lãnh bởi Chúa mình và trung thành gìn giữ nhờ ơn Người.

Sắc lệnh Canh tân và Thích nghi đời tu khẳng định rằng đức khiết tịnh là một nhân đức cao quý, bởi nó là ân ban của Thiên Chúa. Ơn ấy giải thoát con người cách đặc biệt, bởi đó là “dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời và cũng là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Chúa và làm việc tông đồ.”

Cũng một cái nhìn như vậy, các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới 1994, nhìn nhận đức khiết tịnh là một “ân huệ cao cả”, là dấu chỉ đặc biệt của các thực tại trên trời và là nhân đức làm cho ta có khả năng đặc biệt để có lòng thương xót và con tim rộng mở tiếp đón hết mọi con cái Chúa, coi họ như anh chị em, như chi thể của cùng một thân thể, không phân biệt giới tính hay địa vị xã hội.

Khiết tịnh thánh hiến - quà tặng của Thiên Chúa. “Không phải anh em đã chọn thầy nhưng chính thầy đã chọn anh em,” lời của Đức Giêsu cho ta thấy rằng ơn gọi không phải do ta chọn lựa nhưng bao giờ cũng được khởi đi từ Thiên Chúa, do tình thương và ân sủng của Người. Khi người tu sĩ nói “tôi tuyên khấn cùng Thiên Chúa”, điều đó không khởi đi từ sáng kiến của ta. Đó là một đáp trả trước hồng ân Thiên Chúa ban, trước hồng ân thánh hiến của Thần Khí. Ý tưởng đời độc thân là một hồng ân của Thiên Chúa, có nền tảng trên hai đoạn văn Tân ước.

Trong Tin mừng theo thánh Matthêu, Đức Giêsu công bố với các môn đệ, đang ngạc nhiên trước sự gắt gao trong giáo lý của người về chuyện không thể tháo cởi hôn nhân: “Không ai hiểu được điều này, nhưng chỉ những ai được ban cho mới hiểu được”. Và Người nói thêm, bằng cách mở rộng viễn tượng đến nhiều hoàn cảnh khác nhau mà con người phải bất lực về mặt tính dục: “Quả vậy, có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ sinh ra đã như thế; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt19,12). Điều này cho thấy rằng một tình trạng bất lực về tính dục được tự do ước muốn hoặc chấp nhận, thì không phải là chuyện đương nhiên mà có, và theo nghĩa này thì trong mọi trường hợp nó phải xuất phát từ một “hồng ân”. Một quy chiếu kinh điển khác trong Thư thứ nhất gửi cho người Côrintô, thánh Phaolô cũng nói về độc thân như “một hồng ân của Thiên Chúa” (1 Cr 7,7).

Độc thân được trải nghiệm trong đời tu như một đời sống theo Chúa Giêsu, cấu hình con người nên như Đức Giêsu và cho phép ta biểu trưng một chiều kích trong cuộc đời tại thế của Người. Theo nghĩa này độc thân chủ yếu không hệ chuyện lựa chọn vì Đức Kitô. Đúng hơn đó là đi theo Đức Giêsu bằng cách nhận lấy lựa chọn của Người, thể hiện nếp sống độc thân của Người trong cuộc đời mình.

Ngày nay, cũng như trước kia, việc sống khiết tịnh luôn là một thách đố đối với tất cả những ai sống đời thánh hiến. Càng ngày, người ta càng nhận ra rằng, nhân đức khiết tịnh là một nhân đức cần thiết, nhất là cho cuộc sống của con người hôm nay. Giữa một thế giới đang mải miết chạy theo và sống một nền văn hóa hưởng thụ, đang cố tình “tháo gỡ mọi quy tắc khách quan của tính dục, giản lược tính dục thành một trò chơi và một món hàng tiêu thụ, cũng như tôn thờ bản năng tính dục với sự đồng lõa của các phương tiện truyền thông đại chúng.” Bên cạnh đó, hiện tượng phim ảnh và các ấn phẩm, sách báo đồi trụy phổ biến rộng khắp đã có những tác động xấu, khiến cho nhiều người đánh mất ý thức trong sáng về tính dục, người ta lẫn lộn giá trị tình yêu và tình dục. Quan niệm “hưởng lạc” khiến cho nhiều gia đình tan vỡ, kéo theo nhiều quan niệm lệch lạc khác về hôn nhân gia đình và ngay cả đời tu. Hình ảnh một gia đình kiểu mẫu trong đó sự chung thuỷ được đặt lên hàng đầu trở thành thứ quý hiếm. Hậu quả của tình trạng này thật khôn lường: đủ mọi thứ vi phạm về luân lý, kèm theo vô vàn những đau khổ về mặt tâm lý và đạo đức cho nhiều cá nhân và gia đình.

Đứng trước tình trạng này, bằng việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo, người tu sĩ phải chứng tỏ cho thế gian thấy được “quyền năng của Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân xác con người” và làm chứng rằng nhờ ơn Chúa, “điều mà đa số xem như không thể được lại trở nên có thể và thật sự mang lại tự do” cho con người. Cũng vậy, qua việc khấn giữ đức khiết tịnh, người thánh hiến phải chứng tỏ cho thế gian biết rằng, trong Đức Kitô, người ta có thể yêu mến Thiên Chúa hết cả con tim, hết cả trí lòng sẵn sàng đặt Người lên trên mọi mối tình và yêu anh em đồng loại như yêu chính mình. “Chọn sống khiết tịnh không có nghĩa là từ chối tình yêu nhân loại, cũng không phải là từ chối những nỗi thống khổ của đời sống gia đình, nhưng là đón nhận một tình yêu loài người được giải tỏa khỏi những quyến rũ của xác thịt. Tình yêu ấy cũng nồng nàn, cũng sâu xa như mối tình hoàn hảo nhất.” Tuy vậy, để có thể trưởng thành trong tình yêu, có lúc chúng ta phải vượt qua sa mạc cô đơn, phải sống sự cô đơn đó như một cách hội nhập vào nỗi cô đơn của Đức Kitô trong cái chết của Người. Sự cô đơn này đã biến đổi mọi nỗi cô đơn của nhân loại “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ con”. Nếu chúng ta sống như vậy thì bức màn trong đền thờ bị xé ngay chính giữa và chúng ta sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa hiện diện trong từng khoảnh khắc và không ngừng ban cho ta một sức sống sung mãn. Gặp được Chúa trong sa mạc, ta sẽ trở nên tự do để yêu thương vô vị lợi, hào phóng chứ không chiếm hữu. Chúng ta sẽ không thể coi tha nhân là phương tiện để đáp ứng nhu cầu của mình, hoặc như để giải quyết nỗi cô đơn nhưng là để vui sống bên nhau.

Bên cạnh đó, qua việc sống đức khiết tịnh, người tu sĩ “Phải nêu lên cho thế giới ngày nay những gương sáng của những người nam và nữ sống đức khiết tịnh mà vẫn quân bình, làm chủ được chính mình có sáng kiến, trưởng thành tâm linh và tình cảm. Qua chứng tá đó, nhân loại tìm được một điểm tựa vững chắc. Đức khiết tịnh tận hiến trở thành một kinh nghiệm về niềm vui và tự do.”

Muốn có sự trưởng thành bản năng phái tính người tu sĩ phải biết cách đón nhận thân thể của mình và của tha nhân trong thân thể hữu hình người tu sĩ có thể làm cho Chúa Kitô hiện diện theo cách của mình. Người thuyết giảng Lời Chúa không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng cả con người, lòng trắc ẩn của Thiên Chúa trở nên máu thịt trong chúng ta, trong tính cách dịu dàng và cả trên khuôn mặt của chúng ta. Tâm hồn khiết tịnh đích thực không xa lánh những gì uế tạp của trần gian này. Quan trọng hơn là hiện diện trọn vẹn bằng cả con người lẫn công việc của mình, trong bất kỳ ở môi trường nào: truyền giáo, giáo dục, mục vụ giáo xứ, bác ái xã hội. Dùng khuôn mặt và thân thể để diễn tả chính mình. Những người có tâm hồn thanh sạch không nhất thiết phải che dấu đằng sau những khuôn mặt cảnh giác dòm chừng, khuôn mặt của người khiết tịnh luôn trong sáng, có thể bị mang thương tích vì Đức Giêsu. Họ đạt được sự tự do và thanh thoát của Người, thứ tự do đem lại ơn giải thoát cho người khác.

Một mất mát lớn cho người sống khiết tịnh là khước từ làm cha mẹ thể lý. Tuy nhiên, nếu đời sống tông đồ của chúng ta ngụp lặn trong tình yêu phong phú Thiên Chúa dành cho nhân loại thì chúng ta sẽ sinh hoa trái. Tôn sư Eckhart nói rằng: “Tình yêu Thiên Chúa trong chúng ta luôn xanh tươi màu mỡ, khác nào lùm cây xanh tươi đang trổ sinh hoa trái.” Ngoài ra, qua việc dấn thân sống đời khiết tịnh, người thánh hiến chứng tỏ rằng đời trinh khiết là một biểu chứng đức tin, quyết không coi tình yêu vợ chồng, dù rất quyến rũ, như là giá trị tuyệt đối của đời sống con người. Cũng vậy, người tu sĩ phải làm cho thế gian này nhận thấy chiều kích cánh chung của lời khấn này, nghĩa là cho thấy Nước Trời đang có đó trong thời buổi hôm nay.

Thiết tưởng, cũng nên nhấn mạnh rằng nếu như người tu sĩ đón nhận đời khiết tịnh thánh hiến như một ân huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì chính họ trong cuộc sống hàng ngày phải có một sự kết hợp thâm sâu với Ngài. An ban này rất dễ bị tổn thương, bởi nó được ban cho những người yếu đuối. Nói cách khác, người tu dù đã khấn dòng thì cũng không được miễn chuẩn điều gì. Họ vẫn phải sống kinh nghiệm của một con người mà trong đó những lôi cuốn về xác thịt và những đam mê không hề bị phế bỏ. Vì thế, việc sống đức khiết tịnh cũng lại là một ân ban của Thiên Chúa. Giữa một thế giới có quá nhiều kênh thông tin liên lạc, thì người tu sĩ cũng phải kết nối đời mình với một kênh thông tin qua cầu nguyện, để có thể cảm nghiệm được “một chiến thắng thật sự và thâm sâu” vượt trên cả những ham muốn. Chính khi mở rộng lòng để Chúa Thánh Thần giúp hoán cải những ham muốn nhục dục, chúng ta sẽ được thấm nhuần với những gì cao cả và đẹp đẽ của tình yêu. Không có người nào có thể thực hiện thành công dự án trở nên một người yêu thích đời sống độc thân mà không có đời sống cầu nguyện bền bỉ và sâu thẳm. Những cảm nghiệm trong đời sống cầu nguyện sẽ dẫn dắt chúng ta trở nên một sự hiện diện đáng yêu của Chúa Giêsu hướng đến dân Người. Ngược lại, khi khiết tịnh không đến từ một cảm nghiệm say mê vẻ đẹp "cổ xưa và luôn mới mẻ"- Thiên Chúa, sẽ làm cho con người trở nên khô cằn, và gây ra cho họ những xung đột, con người ấy sẽ không thể lớn lên và trưởng thành, lúc này khiết tịnh thánh hiến không còn là đặc sủng nhưng là một gánh nặng.

Dự án lời khấn khiết tịnh của chúng ta không chỉ yêu mến Thiên Chúa và cũng không ở lại trong sự độc thân, có nghĩa là không kết hôn, không giao hợp. Dự án độc thân của chúng ta là để yêu mến tha nhân mà vẫn tôn kính, tự do năng động và để mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho những nơi đang cần đến.” Đi theo Đức Giêsu, tình trạng độc thân của chúng ta cũng là một con đường sẵn sàng để hoạt động cho công lý, hoà bình, tình huynh đệ, và cho những giá trị lớn lao khác của Nước Trời. Mở rộng biên cương để kiến tạo một cộng đoàn toàn cầu của mọi con cái Chúa, sao cho những con người kém may mắn không bị phân biệt đối xử, sao cho những người không nơi cư trú có được một mái ấm, mái ấm cho những người già không nơi nương tựa, những bà mẹ lỡ lầm... kiến tạo một nền văn minh tình thương.

Những gì mà thế giới này đang cần làm chứng là chúng ta được kêu gọi tới nơi làm chứng cho cam kết tình yêu hôn nhân, đó là một khả năng yêu mến con người, không phải để sở hữu hay bị chiếm hữu. Nhưng chúng ta được kêu gọi để làm chứng cho tình yêu, mà tình yêu đó là một khía cạnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Người, một tình yêu chuyển động bên trên sự giàu có và nghèo khổ, bên kia sự xấu xí. Để sống gần hơn và chia sẻ hoàn cảnh với những người độc thân không như ý muốn vì nhiều hoàn cảnh: không có khả năng kết hôn, những người phải sống đơn côi vì sự đổ vỡ trong hôn nhân, những người già nua bị bỏ rơi, những thanh niên thiếu nữ gặp nhiều đau khổ dưới gánh nặng của sự thiếu vắng tình yêu và niềm hy vọng… trong chiều kích sứ vụ. Qua đó, như một lời mời gọi mọi người quy tụ thành một gia đình duy nhất, gia đình con cái Chúa. Sống khiết tịnh chúng ta không muốn mình trở thành “mình của một ai”, mà là kết hợp với Thân Mình màu nhiệm của Chúa Kitô, để được bẻ ra chia sẻ cho mọi người.

Cần có một lời kết luận nào để khép lại những suy tư đã trình bày chăng? Ngày hôm nay người ta thường xem xét các vấn đề của đời khiết tịnh độc thân từ mức độ tâm cảm, làm thế nào chịu đựng nổi sự cô đơn như vậy? Lời giải đáp cho vấn đề này cần phải đặt vào một viễn tượng lớn hơn trong những chiều kích khác nhau của nó, buộc ta phải nhìn xa hơn từ “tự nhiên” vươn tới tự do, từ lịch sử với bao điều hạn chế của nó vươn tới một tương lai mới của nhân loại, nơi nhân tính của con người đạt tới sự viên mãn.

Thật chẳng dễ dàng để thực hiện lời khấn này vì chúng ta là những “bình sành dễ vỡ”. Tuy vậy, chúng ta được đổ đầy chính những kho tàng vô song của tình yêu thần linh nên dù có vấp ngã ta hãy mở lòng ra cho một đấng vẫn hằng ở bên chúng ta chính Người là sức mạnh và bình an cho ta. Cũng chính từ cảm nghiệm “bình sành dễ vỡ” đời mình, đòi người tu sĩ trong tương quan với người khác, dễ hiểu và thông cảm những nỗi đau vấp ngã của anh chị em, chia sẻ cảm thông để họ được hoàn sinh.

Cuối cùng, không gì khác hơn ngoài tình yêu, một tình yêu trao dâng cho Đức Kitô hiến dâng chính khả năng yêu thương đời thường. Mạnh dạn lên đường trong nỗi khát khao là "người của Thiên Chúa”. Có thể yêu Ngài mà không cần trung gian tình yêu nhân loại và họ có thể thốt lên: lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa thật bao la để mọi sự với con sẽ chỉ là bé nhỏ. Sống trong một thế giới chỉ biết quy hướng về vật chất và tình dục thì những ai "yêm hoạn bởi mình làm cho mình thành yêm hoạn vì Nước Trời” sẽ sáng lên như những nhân chứng cho tất cả chúng ta vào ngày cánh chung của nhân loại. Họ chứng kiến điều mà thánh Augustinô nói: "Ngài đã tạo dựng ra chúng con, lạy Thiên Chúa, và trái tim chúng con vẫn mãi thổn thức cho đến khi chúng con được an nghỉ trong Ngài.

Nt. Cecilia Phạm Trang, OP

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...