ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
MÔI TRƯỜNG SINH THÁI CHO VIỆC SỐNG LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH
Cộng đoàn phải là nơi nuôi dưỡng tình huynh đệ.
Trong một cộng đoàn sống đức ái, người tu sĩ dễ dàng giữ đức khiết tịnh hơn… (CN 3)
Khi có giờ nghiền ngẫm, cầu nguyện và suy tư các số Chỉ Nam 2 – 4 và Công Vụ Tổng hội X, số 2 – 8, em gặp được một bửu bối để sống lời khấn khiết tịnh. Nhưng làm sao để em có thể đi đến một thái độ sống tuyệt vời như trên ? Là người trong cuộc, hơn nữa, là một tu sĩ trẻ, em cũng loay hoay đi tìm cho mình những cách thức thực hành lời dạy của Tổng hội X. Trong đó, em thấy vấn đề dường như nằm ở quan niệm về tương giao giữa em với cộng đoàn, ở cách em thể hiện mình trong cộng đoàn và cách cộng đoàn đồng hành với em. Em xin chia sẻ qua bài viết này.
1. Cộng đoàn cũng là “tôi” và cũng là “chúng ta”
“Cộng đoàn” không phải là một ý niệm trừu tượng hay một hệ luận thần học, mà là những con người đã được thánh hiến để sống yêu thương, đã được chọn và trao cho nhau, cùng chung chia với nhau trong “trận sống đời”. Vì thế, một cộng đoàn có tình yêu được hiểu rằng, mỗi người trong đó đang biết sống yêu thương. Nói cách khác: nơi ấy có một sự giao thương thông hảo của dòng sông sự sống giữa từng cá nhân với mỗi phần tử còn lại của cộng đoàn; có một môi trường thích hợp để mỗi người hân hoan sống là mình và trở nên một người chị em thực thụ hơn.
2. Tương giao cá nhân – cộng đoàn: khuôn mặt của một tình yêu biết trao hiến và nhận lãnh.
Không một tu sĩ nào lại không hiểu được giá trị và vai trò của cộng đoàn trong đời dâng hiến của họ. Điều này đặc biệt cần cho đời sống của một nữ tu. Với thiên chức làm mẹ tự bẩm sinh, cuộc sống của chị luôn hướng tới người khác, để sống cho, vì, và với người khác. Điều đó có nghĩa rằng: cộng đoàn là một phần quan trọng của đời chị. Chị dâng hiến cho Thiên Chúa, trước hết, qua những người chị em trong cộng đoàn của chị. Cộng đoàn NHẬN sự sống từ chính việc hiến dâng của chị.
Nhưng lý tưởng trên phần nào bị che khuất bởi tính người yếu đuối nơi chị. Do chưa phải là thiên thần, chị còn mang nhiều “tham – sân – si”, lắm khi còn bị nô lệ cho tình tư dục. Đó là “đầu mối” của những vấp ngã, những bàn tay vô hình ngăn chận ý chí dâng hiến, những bất trung trong giao ước mà chị đã long trọng tuyên bố với tất cả sự ý thức, một cách công khai trước Giáo Hội. Những lúc ấy, cộng đoàn sẽ TRAO sự sống cho chị, nâng đỡ chị như một người bạn đường tin cậy, và trên hết: như dấu chỉ của một Thiên Chúa đang ở đây, rất gần.
Vậy là cộng đoàn nhận sự sống của em đề trở nên phong phú hơn, em nhận sức sống của cộng đoàn để dâng hiến sáng tạo hơn, hạnh phúc hơn. Đó là tương giao mang đậm nét yêu thương. Điều đó cũng có nghĩa là, tương giao này có liên hệ đặc biệt tới lời khấn khiết tịnh của em. Bởi “Tội đầu tiên ngược lại với lời khấn khiết tịnh, là không biết yêu như Chúa yêu” (x. CVTH X, số 2).
3. “Chị em cùng nhau kiến tạo bầu khí yêu thương chân thành, bình an, tin tưởng, thông cảm nhau…” (CN 3)
Cũng chính là việc cùng nhau kiến tạo mối tương giao trao – nhận vừa nói ở trên.
Việc này khởi đi từ việc mỗi người biết tự kiến tạo mình sao cho có thể “trao” cho cộng đoàn trọn vẹn con người mình, tức là sống hết mình với chị em: “Này là mình tôi, trao cho chị em, để trở nên bánh và nước hằng sống cho chị em”. Có thể đó là một câu nói hợm hĩnh, nhưng nghĩ cho cùng, đó là sự thật. Thật đến nỗi dưỡng như chị em không dám nhận và chính mình cũng không dám trao hết. Làm thế nào để có thể sống hết mình ? Làm thế nào để có thể trao hiến trọn vẹn con người mình cho chị em ?
a. Trước hết, là dám chấp nhận sự thật về chính mình:
Sự thật ấy là những gì đã làm nên chính chị như tài năng, học thức, vóc dáng, sức khỏe; là những gì chị đang có và đang được hưởng; là những gì đang chi phối lối nghĩ, lối nói và hành động của chị trong lúc này, trong hoàn cảnh này. Nếu như việc ngộ nhận về mình sẽ gây ra muôn vàn giống tội, thì sự biết mình không chỉ tránh được những điều không hay, mà còn là động lực giúp chị thăng tiến về mặt thiêng liêng, nhân bản, tri thức và sứ vụ.
b. Đó là biết đầu tư chính mình với lòng cậy trông hy vọng:
Sau khi chấp nhận sự thật về mình, hẳn chị sẽ chăm chút cho cái tốt được tiến triển hơn, gọt dũa cho cái xấu hoàn thiện hơn, những cao ngạo chị bạt đi bằng lòng khiêm tốn và sám hối, những tự ti chị lấp đầy lên bằng niềm vui và tâm tình tín thác. Chị biết mình phải đầu tư những lĩnh vực nào, bao nhiêu thì đủ … Chị biết chị phải làm việc ấy trong tâm tình nào: cậy trông nơi Thiên Chúa là Đấng không ngừng thi ân cho chị, và hy vọng vào khả năng biến đổi của ơn thánh mà chị được lãnh nhận.
c. Đó là biết can đảm cởi mở chân thành với chị em:
Thái độ chân nhận về mình với lòng ngay thẳng sẽ mở toang cánh cổng dẫn chị đến với các chị em trong cộng đoàn. Chị chia sẻ những điểm “xấu” về mình mà không e ngại hay xấu hổ, chị biết nhìn và học cái tốt từ chị em với lòng thán phục chứ không âm thầm ganh tị. Chị biết thốt lên những lời khen, những nhận xét từ cõi lòng chân thành, thẳng thắn. Chị tôn trọng và đón nhận những nét khác biệt của chị em. Chị biết rằng đôi khi con đường đi có gồ ghề sỏi đá do những hiểu lầm, những bất trắc trong tình trạng sức khoẻ,… nhưng vì đã từng có kinh nghiệm đón nhận cái dở của mình, chị sẽ hiểu và cùng đón nhận các cái dở của chị em.
d. Đó là biết can đảm lột bỏ những nhãn hiệu:
Nhưng tại sao chị lại phải dùng sự can đảm mới có thể cởi mở? Là vì chị biết rằng không phải lúc nào chị em cũng có thể dễ dàng đón nhận một cách chân thành những gì chị chia sẻ, cũng không phải lúc nào chị cũng dễ dàng thành thực với lòng mình. Chị chưa là thánh, các chị em của chị cũng thế. Sự né tránh những điều xấu hay những điều không vừa ý (tham – sân - si ) có nguy cơ sản sinh ra những nhãn hiệu, những mặt nạ, những thành kiến cho chính chị và cho chị em. Khi đó, một tâm hồn biết quý chuộng điều thiện và sự thật rất cần lòng can đảm để cởi bỏ các nhãn hiệu, mặt nạ và những thành kiến ấy đi.
e. Đó là biết nói với chính mình, biết biện phân, biết ở một mình:
Một trong các cơ năng tinh thần của người trưởng thành là có khả năng “ở một mình”. Theo đó, chị có thể dành ra một khoảng thời gian cần thiết để chị ngồi bên chị, nhìn vào cõi lòng mình và thẩm định chính mình. Thẩm định xem những chuyện chị đã làm, đã gặp đang gây ảnh hưởng nào đến việc thăng tiến con người chị. Những khoảnh khắc ở một mình sẽ tạo cho chị những cơ hội “lùi một bước để tiến xa hơn hai bước”, hoặc chị sẽ có những cái “thắng” kịp thời trước khi tiến đến bờ vực.
f. Và cuối cùng, biết sống giây phút hiện tại:
Vẫn biết rằng chị không được phép quên quá khứ, cũng không lảng tránh tương lai. Nhưng nếu lúc này chị chỉ sống bằng dấu ấn của ngày đã qua thì thật là uổng phí. Hoặc lại phóng mình vào tương lai với vô số những thái độ “ảo” thì thật đáng thương. Quá khứ hay tương lai, dù có thể nào đi nữa, thì chúng chỉ có nghĩa khi chị biết quy chiếu đến hiện tại ở đây và lúc này. Những điều tốt trong quá khứ sẽ có cơ hội phát huy trong hiện tại, những điều chưa tốt sẽ được cải thiện trong lúc này. Hoặc những dự phóng tương lai chỉ trở thành hiện thực khi chị biết “xắn tay áo lên” trong lúc này.
Thái độ ấy sẽ nhắc chị chu toàn bổn phận một cách tận tuỵ và chân thành, sẽ giúp chị có một tâm hồn và lối nhìn “mở”, tức không đóng khung mình hoặc chị em vào những sự đã qua. Sẽ không có ai nghe được những lời ta thán, những lần dán nhãn hiệu tiêu cực cho một chị em nào đó vì những điều xấu họ đã làm trong quá khứ. Thiên Chúa tặng cho chị và cho các chị em giây phút hiện tại này với tất cả tình yêu trìu mến, và Người chờ đợi chúng ta biến nó thành những giây phút kỳ diệu, những giây phút phát sinh sự sống, những giây phút có khả năng cứu độ.
Nếu mỗi người trong cộng đoàn đều nỗ lực từ chính bản thân mình, tình yêu huynh đệ sẽ dâng trào trong cộng đoàn. Ở đó, chị em có thể kể cho nhau nghe về những niềm vui hoặc băn khoăn trong việc tông đồ mình làm (nhân danh cộng đoàn); có thể nói với nhau về những hạnh phúc hay lo sợ trong những mối quan hệ ngoài cộng đoàn; có thể chia sẻ cho nhau về những dao động, những khủng hoảng trong đức tin hay ý nghĩa cuộc đời; có thể bông đùa, chuyện vãn thoải mái, thân thương với nhau. Và nhất là có thể sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận những cái khác của chị em, chấp nhận những cái dở của đời sống chung, chấp nhận đi đến sự hiệp nhất bằng cái giá của sự hòa giải.
4. Chị Em Hãy Đón Nhận Nhau, Như Đức Kitô… (Rm 15,7)
Lẽ thường, sức sống của cộng đoàn được góp chung bởi sự trao hiến chính sự sống của mỗi chị em, nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm (trực tiếp hay gián tiếp) rằng: có lúc, lời khấn trở thành một gánh nặng không mang nổi nữa; hoặc những nỗ lực tông đồ của chúng như cái gậy đập lên chính mình: chúng ta rao giảng tình yêu Chúa, sao lại thấy lẻ loi, bị bỏ rơi và cô đơn quá đỗi ?…
Ở đây, em chỉ xin chia sẻ về vai trò của cộng đoàn trong trường hợp một người chị em gặp rắc rối trong đời sống tình cảm.
Có nhiều nguyên do, nhưng con đường thông thường nhất vẫn là sự đồng cảm phát sinh do làm việc tông đồ:
- Là người loan Tin Mừng Tình Thương, chị giàu lòng trắc ẩn, rất dễ cảm thông và bắt gặp nhiều sự đồng cảm. Đây là con dao hai lưỡi. Sự lanh lẹ, tháo vát, trong trắng, hiền dịu của chị được Thiên Chúa trang trí để “thêm phương tiện” trong sứ vụ sẽ trở thành miếng mồi ngon cho những người không chân thành.
- Là người tông đồ, chị mong ước được phục vụ, phục vụ hết mình. Nhưng khó khăn cứ nối đuôi nhau chào đón chị. Chị nghi ngờ mình, nghi ngờ cộng đoàn, nghi ngờ chính ơn gọi của mình,… chị rơi vào khoảng trống của cái vô nghĩa, của nghi nan ngờ vực. Cám dỗ lấp đầy sự trống vắng trong tâm hồn bằng những cái ngoài Thiên Chúa là điều rất dễ xảy ra. Bởi thật khó để tin rằng, lúc này, Thiên Chúa đang im lặng, như Người đã từng để cho một Giêsu phải thốt lên: “Sao cha bỏ con ?”
Khi ngã vào chuyện yêu đương, trái tim chị không còn dành cho một mình Thiên Chúa nữa. Rối loạn và xáo trộn sẽ xảy ra, xảy ra trong chị và trong cộng đoàn. Người kìm hãm bánh xe xáo trộn này phải là cộng đoàn. Chị đang cần đến sức sống của cộng đoàn, đến khả năng của tình yêu biết kiên nhẫn, tình yêu biết chịu đựng của những người còn lại đang làm nên cộng đoàn của chị. Cộng đoàn cần “thắng xe” sao cho chị không bị té nhào, và cộng đoàn không ai bị thương tích.
Lúc này, cộng đoàn phải đóng vai một người bạn thân, một người đồng hành và một người hướng dẫn tâm linh. Cộng đoàn là bạn, để chị cảm thấy gần gũi và tin tưởng; là người đồng hành, để chị cảm thấy nỗi đau được chia đôi; và là người hướng dẫn để cùng nhau vượt qua sa mạc của sự trống vắng và đêm vườn Giệt của kinh nghiệm hãi hùng.
Thật vậy, hơn bao giờ hết, cộng đoàn được mời gọi để sống niềm tin trong kinh nghiệm đón nhận nhau như Đức Kitô đón nhận mỗi người. Theo gương Ngài, cộng đoàn sẽ có khả năng cho chị có được những cơ hội để “huỵch toẹt” những ý nghĩ tiêu cực và nghi ngờ về mọi thứ – vốn là hậu quả của tâm trạng tự vệ và che đậy. Cộng đoàn sẽ đón nhận chị khi chính chị cảm thấy mình không còn xứng đáng nữa, khi chính chị còn không chịu nổi chị nữa; thậm chí cộng đoàn vẫn giang rộng tay đón lấy chị dù có phải mang thương tích do sự “điên rồ” của chị. Cộng đoàn sẽ có đủ nhạy cảm để nhận ra rằng dù rất “bình tĩnh” và có vẻ “bất cần”, chị cũng đang cô đơn biết bao, đang đau khổ biết bao, đang xót xa cho những lầm lỡ, … mà giờ đây chị không còn đủ nhuệ khí để đón nhận, không còn đủ tỉnh táo để bám vào Thiên Chúa, cũng không còn đủ tin tưởng để đón tiếp chị em nữa. Có thể nói, một cộng đoàn theo gương Thầy Giêsu sẽ biết dồn tất cả sức sống của mình cho chị, để hy vọng vực chị dậy, để cùng chị bước những bước mò mẫm trong đêm tối đức tin, trong cơn khủng hoảng vì phải đối diện với những bất toàn quá đáng của kiếp người.
Kết luận
Khi được gửi đến một cộng đoàn, em biết rằng từ lúc này, sự sống và khả năng dâng hiến của em có tăng triển hay không là tùy thuộc phần lớn vào “sức khỏe” của mối tương giao giữa em và cộng đoàn. Mà trong đó, chính em chứ không ai khác phải đi bước trước để gầy dựng mối tương giao này. Nguồn vốn tiền lệ của công trình này phải là việc em biết mình, chấp nhận mình, biết cởi mở, chân thực,… Nếu mỗi người trong cộng đoàn cùng kiến tạo từ chính mình sự sống tròn đầy, sung mãn, thì cộng đoàn sẽ sinh động, sẽ sống dồi dào, sẽ có khả năng “cưu mang” các phần tử khác trong cơn nguy kịch. Nói cách khác: một cộng đoàn được làm nên bởi những con người như thế sẽ tạo ra một môi trường sinh thái thích hợp để ai nấy có thể được nuôi dưỡng để sống yêu thương, chan hòa, đằm thắm; để sống lời khấn khiết tịnh một cách thanh thản, nhẹ nhàng; và để trung tín với của lễ hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa trong lời khấn “cho đến chết”.
Nt. Têrêsa Thiên Hoàng, OP