daminhthanhtam.com

Sống chung, chung sống

09.11.2024 Văn

SỐNG CHUNG, CHUNG SỐNG

Ngôn ngữ của người Việt quả là phong phú. Ý tại ngôn ngoại, một từ mà hàm chứa biết bao nhiêu là nghĩa, lắm lúc còn gây ra biết bao chuyện dở khóc dở cười. Sống chung và chung sống có gì khác nhau? Không biết các bạn nghĩ thế nào chứ riêng tôi thì lại thấy có nhiều chuyện thú vị đối với hai hạn từ này. Đó không chỉ là sự thay đổi thứ tự của hai chữ “chung” và “sống” mà đó là cả một sự thay đổi về ý nghĩa. Nếu bạn chịu ngẫm nghĩ kỹ một chút, bạn sẽ thấy có những điều thú vị trong tương quan giữa hai hạn từ này. Dưới đây chỉ là một chút suy tư của tôi về chuyện chung và sống mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn.

1. Sống chung

Với tôi, khi đọc cụm từ này, nó gợi lên cho tôi hình ảnh của những người xa lạ, cũng có thể là quen biết hoặc không quen biết và họ quy tụ lại để ở cùng một nơi. Các ký túc xá, nhà trọ sinh viên là những ví dụ rất rõ để minh họa cho hai cụm từ sống chung. Nếu bạn đã từng là sinh viên trọ học xa nhà, chắc chắn bạn sẽ cảm nghiệm được điều này. Họ mặc dù cùng ở chung trong một mái nhà nhưng mỗi người đều có công việc riêng, có mục đích riêng, con đường riêng cho cuộc sống của mình. Không ai can thiệp vào cuộc sống của ai cả. Mỗi người chỉ lo tìm hạnh phúc cho riêng mình. Tương quan giữa họ với nhau có lẽ chỉ dừng lại ở tình bạn bè, tình tương thân tương ái… Nói chung mối tương quan ấy chỉ dừng lại ở bề ngoài mà không có một sự ràng buộc nào. Nếu cảm thấy hợp nhau thì có thể cùng nhau sống chung lâu dài, còn nếu cảm thấy không hợp nhau thì ai đi đường nấy, lại tìm một nơi khác, một con người khác mà mình cảm thấy thoải mái để cùng ở với nhau. Vậy đó, chẳng có gì hơn trong mối tương quan của họ.

2. Chung sống

Bạn nghĩ gì khi đọc cụm từ này? Có phải đơn giản chỉ là một sự hoán đổi từ ngữ mà chẳng có gì đặc biệt. Với tôi, đó không chỉ là đổi từ mà nghĩa của nó cũng hoàn toàn khác. Chung sống, cho tôi sự liên tưởng đến hình ảnh của gia đình, một sự gắn bó chặt chẽ thiết thân. Đó không chỉ là việc ở chung với nhau nhưng còn đưa đến một mục đích là để sống. Sống ở đây không chỉ là sự sống thể lý mà còn là lẽ sống, là cách sống. Họ cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, chung nhau để rồi sống. Hai từ chung sống như bộc lộ một tinh thần, một ý hướng, một mục đích.

“Muốn bếp hồng thì góp củi góp than

Muốn rộn rã thì góp tiếng ca tiếng đàn

Mình cùng nhau ở chung mái nhà

Nhà mình vui tựa những niềm vui góp về…

(x. bài hát “Chung sống”)

3. Cộng đoàn tu trì - sống chung hay chung sống?

Bàn luận về hai từ “sống chung” và “chung sống” với tôi đó không phải là vấn đề của thuật ngữ mà mục đích của tôi là muốn nói đến đời sống cộng đoàn của những người tu sĩ. Tu viện sẽ chẳng khác gì những nhà trọ nếu mỗi người tu sĩ không tìm thấy nơi đó một điểm tựa, một nơi họ “thuộc về”.

Đi tu. Điều đó có nghĩa là phải chấp nhận những người cùng chung chí hướng với mình. Tôi có một cảm giác về mối tương quan chị em trong cộng đoàn dường như là một sự “tế nhị” chứ không là phải là tình chị em ruột thịt. Chúng ta không muốn góp ý vì ngại, sợ tương quan chị em rạn nứt. Chúng ta ngại nhờ vả vì sợ làm phiền. Bạn thử nghĩ xem nếu đó là những người thân của mình thì liệu bạn có ngại?

Trước đây khi bắt đầu bước vào đời tu, tôi có cảm tưởng như mình chỉ đi làm xa nhà. Cứ “đến hẹn” thì lại về thăm gia đình chứ không hề nghĩ nơi mình đang sống là chính gia đình của mình. Tuy nhiên, càng sống trong đời tu, tôi càng nhận ra rằng nếu mình không thay đổi suy nghĩ này thì sẽ chẳng bao giờ bền vững trong đời thánh hiến được. Sẽ ra sao nếu tôi không thể chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Chắc chắn tôi sẽ rời xa cộng đoàn mình lúc nào không hay vì ở đó chẳng có gì ràng buộc tôi, chẳng có gì khiến tôi luyến tiếc, gắn bó.

Vì thế, cộng đoàn tu trì phải là chung sống, nơi đó mọi người đều tìm thấy một hướng sống, một lối đi chung, một thao thức chung và quan trọng là tìm thấy một sự yên bình, một ai đó nâng đỡ tôi khi tôi cần.

Người ta vẫn thường nói “gia đình là tế bào của xã hội”, khi áp dụng cho đời sống cộng đoàn ta cũng có thể nói “mỗi thành viên là tế bào của cộng đoàn”. Cá nhân tốt thì cộng đoàn sẽ tốt. Tuy nhiên, vì là con người, mỗi chúng ta vẫn mang những bất toàn, những tham, sân, si,… và đặc biệt ai cũng có một cái “tôi” rất lớn. “Cái tôi” chính là rào cản của sự hòa hợp trong cộng đoàn. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng của mỗi thành viên trong đời sống cộng đoàn đó là phải phấn đấu để diệt trừ “cái tôi”.

Ngày nay người ta hay đề cập đến nghệ thuật sống, hay còn gọi là đắc nhân tâm. Tuy nhiên xét cho đến cùng thì đây cũng chỉ là những thứ bề ngoài. Nếu ta không đi sâu vào chính mỗi con người, vào những giá trị nhân bản cốt lõi thì những nghệ thuật đó cũng không mang lại lợi ích cho ta. “Chín người mười ý” dường như là căn bệnh trầm kha trong đời sống cộng đoàn. Ai cũng cho là mình đúng và chẳng ai chịu nghe ai. Ai cũng biết nhiều nhưng không mấy người “hiểu” nhiều. Thậm chí đôi khi chỉ để cho công việc được thuận tiện mà chúng ta đã vô tình “mã hóa” tên của chị em bằng những con số được dán trên bảng công tác, thông báo cho nhau bằng những tờ giấy với cách nói “trống không” như: “xin không để báo ở đây” hay “xin khóa cửa cận thận”…

Hãy bắt tay xây dựng cộng đoàn của bạn bằng việc “lắng nghe” người chị em với một tấm lòng đầy nhân ái và “kính trọng”. “Lắng nghe”, chứ không phải “nghe”, nghĩa là nghe người chị em với cả con tim và sự chân thành; nghe để biết chị em muốn truyền đạt với mình điều gì, chị em muốn gì và chị em nghĩ gì. “Lắng nghe” bằng đôi tai của con tim chứ không phải chỉ bằng cơ quan thính giác. Điều này đồng nghĩa với việc lắng nghe tiếng Chúa qua người chị em của mình. Làm được điều này, chúng ta cũng đã thu hẹp khoảng cách với chị em. Như thế, tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn sẽ được siết chặt hơn và khắng khít hơn, để vượt qua những trở ngại trong cuộc sống thường ngày.

Nt. Maria Ngọc Hân, OP

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...