Từ khi Đức thánh cha Phanxicô khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI (10/10/2021) với chủ đề “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, và sứ vụ” đến nay đã hơn một năm dân Chúa thuộc mọi thành phần trong Giáo Hội đang thực hiện giai đoạn thỉnh ý của tiến trình hiệp hành này. Chính trong giai đoạn quan trọng này, là người tu sĩ của dòng Đa Minh Thánh Tâm, con cũng tìm lại được những nét đẹp căn cốt cho đời tu của mình trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, với Giáo hội Chúa Kitô, với mọi thành phần của cộng đoàn nhân loại. Sự nỗ lực này đang được thực hiện nó không xa vời, mà gần gũi ngay trong chính cộng đoàn mà con đang sống bằng một đôi tay rộng mở và một trái tim biết cảm thương như thánh nữ Catarina Siena vị thánh bổn mạng của Hội Dòng.
Với người tu sĩ ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự để trong mọi ngày sống, tu sĩ sống mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Phát xuất từ chọn lựa ấy, tu sĩ học biết và thực hành những giáo huấn của Tin mừng trong niềm khao khát đạt được “sự hiểu biết tuyệt vời về Đức Giêsu Kitô” (Pl 3,8), và kết hợp với Người qua các giờ kinh, giờ nguyện gẫm, thánh lễ, và trong việc chia sẻ đời sống chung với mọi chị em trong cộng đoàn và với tha nhân, đặc biệt là với những người nghèo khổ. Thực trạng xã hội cho thấy nhiều người trong chúng ta thường nghĩ rằng cho đi là mất, lãnh nhận mới là điều hạnh phúc, nên nhiều người chúng ta chỉ biết sống cho riêng mình, mong muốn nhận về phần mình. Nhưng lời Đức Giê-su đã dạy: “những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Mt 7,12). Sự hiệp hành không chỉ gói gọn cho chính bản thân mình, mà hiệp hành còn có nghĩa là cùng nhau trao ban, yêu thương, đón nhận và sẻ chia với tha nhân. Khi chúng ta cho tha nhân điều gì thì chính chúng ta cũng sẽ nhận lại được như vậy. Thực tế người sống ích kỷ sẽ phải gánh chịu thiệt thòi, khi khó khăn sẽ khó nhận được sự trợ giúp từ người khác. Còn người sống với đôi bàn tay rộng mở sẽ được đền đáp những điều tốt đẹp từ Thiên Chúa và tha nhân. Thánh nữ Catarina Siena vị thánh bổn mạng của Hội Dòng chúng ta đã sống trọn vẹn với tình yêu dành cho Thiên Chúa với sự quảng đại đến với tha nhân bằng đôi bàn tay rộng mở, để sẻ chia tất cả những gì mà ngài có được, tình nguyện làm những công việc bình thường, chị giúp những việc nội trợ trong gia đình, ngoài xã hội, chị phục vụ người nghèo, viếng thăm bệnh nhân, những người tù, những tử tội để an ủi họ. Hơn nữa, việc sinh ra trong bối cảnh Châu Âu có nhiều xáo trộn (thế kỷ 14) đã khiến Catarina phải chứng kiến những việc đau lòng, đó là khi Thánh nữ thấy những thành phố và những con người có quyền thế công khai chống đối Đức Giáo hoàng, nhất là khi chứng kiến việc ngai toà thánh Phêrô thay vì đặt ở Rôma thì lại đặt tại Avignon (Pháp)... Vốn là người có lòng yêu mến Đức Giáo hoàng và Giáo hội cách đặc biệt, nên khi chứng kiến những chia rẽ ấy, Catarina thấu cảm từng thớ thịt của mình bị bầm dập và Ngài đã đau đớn khôn nguôi. Thánh nữ đã dồn hết sức lực vào việc chiến đấu cho sự hiệp nhất của thân thể mầu nhiệm Đức Kitô bằng một đức tin rực sáng và một trái tim tràn đầy lửa mến hầu có thể: “chấm dứt những chia rẽ vì chúng có hại cho Kitô giáo, và đối với Catarina, điều ấy là để đưa đến lợi ích cao hơn cho Giáo hội và cho các linh hồn”. Thánh nữ đã trao ban với đôi bàn tay rộng mở cho Giáo Hội, cho tha nhân và cho các linh hồn.Nhờ những mục đích tốt lành ấy, cuối cùng, Catarina đã làm được những điều vĩ đại khi góp phần canh tân Giáo hội và đưa Đức Giáo hoàng Grêgôriô XI từ Avignon về lại Roma vào năm 1377. Trong thực tế, bối cảnh mà con đang sống ngày nay không giống với bối cảnh mà Thánh Catarina đã sống và những vấn đề mà Giáo Hội đang gặp phải cũng không hoàn toàn giống với những gì Giáo hội thời Thánh nữ chứng kiến. Tuy nhiên, dù như thế nào đi nữa, thì Giáo hội của Chúa cũng đang có những vết thương trầm trọng, và dân của Chúa đang sống trong sự bất công, chịu sự phân biệt chủng tộc, bạo lực, bách hại những đau khổ, nghèo đói về vật chất và đời sống thiêng liêng trong tương quan với Chúa. .... Như thế với đôi bàn tay sẵn sàng để rộng mở lãnh nhận những ân huệ của Thiên Chúa thì chính Chúa muốn nơi con cần biết rộng mở để trao ban cho tha nhân những ân huệ mà mình được lãnh nhận qua sự hiệp hành cùng với chị em để trao ban.
Cuộc đời có ý nghĩa thực sự khi ta biết mở rộng đôi tay để trao ban. Trong tác phẩm: “Người cho em tất cả” của nhạc sĩ Hoàng Long có những câu thật ý nghĩa như sau:
“Cho ánh nắng ban mai,
Là những sớm binh minh
Cho những đêm trăng đẹp,
Là chị Hằng tươi xinh
Cây cho trái và cho hoa
Sông cho tôm và cho cá
Đồng ruộng cho bông lúa
Chim tặng lời reo ca...”
Chúng ta thấy trong cuộc đời này, vạn vật trong thiên nhiên còn biết cho đi, biết nhận lại và biết dâng hiến: mặt trời cho ánh nắng, không có ánh nắng thì chúng ta và cả cây cối cũng chết hết. Cây cối nhận được ánh nắng từ mặt trời thì cho hoa, cho quả. Mưa thì cho nước xuống suối xuống khe, suối khe thì lại đem nước cho sông, sông đem nước ra biển. Biển thì lại cho hơi nước bay lên tạo thành mây và cứ tuần hoàn như vậy. Vạn vật đều có sự cho, nhận, trao đổi như vậy. Còn chúng ta, chúng ta là một người nữ tu Đa Minh, chúng ta cũng đang nỗ lực và chung tay xây dựng một Giáo Hội hiệphành, chúng ta cần ý thức chính mình được thiên Chúa yêu thương dựng nên cách đặc biệt khác với muôn vật. Chúng ta được Chúa ban cho có lý trí, ý chí và tự do để suy nghĩ, hành động. Chúng ta quá biết rõ điều này nhưng khổ nỗi trong mỗi người chúng ta vẫn tồn tại cái gọi là bản ngã của thân phận làm người đó là lòng ích kỉ: có tôi, có những cái của tôi. Chúng ta đều muốn cho cái tôi của mình to ra, và lớn mạnh lên. Chúng ta thường ngại ngần hay thậm chí là không muốn cho đi. Chúng ta thường thích nhận về, giữ lấy, bám chặt lấy những gì là của mình mà không biết sẻ chia với tha nhân. Chúng ta thấy mọi sự trên đời này đều được Chúa định sẵn và đặt cho chúng nhứng quy luật. Cảm nhận rất rõ khi cầm nắm một hòn đá. Hòn đá buổi sáng thì nóng vì nó nhận ánh nắng mặt trời, tối thì nó tỏa nhiệt ra cho mọi người được ấm. Hòn thạch quang buổi sáng nhận được ánh sáng thì buổi tối nó lại phát quang cho những vật xung quang. Mọi vật đều đáp trả như vậy. Thế nhưng con người chúng ta thì nhiều lúc chỉ biết nhận về mình mà không biết cho đi. Muốn nhận thật nhiều và giữ lấy thật chặt cho cái bản ngã của chính mình.
Giáo Hội sẽ trở nên một Giáo Hội Hiệp Hành yêu thương khi mỗi người nữ tu Đaminh chúng ta có đôi tay rộng mở để cho đi như Mẹ thánh Catarina Siena đã quãng đại mở rộng đôi tay để hiến dâng cuộc đời mình cho Đấng tình quân Giêsu. Mong rằng chính đôi tay rộng mở của chúng ta cũng sẽ lôi cuốn nhiều người, nhiều linh hồn về với Đức Kitô.
Nt. Maria Ngọc Ánh, OP