BIẾT VÀ TIẾP CẬN
Trong nghiên cứu xã hội học, người ta thường phân biệt kết quả định lượng qua những con số thống kê song song với kết quả định tính là các giá trị không kiểm chứng bằng số lượng.
Biết, trải nghiệm, quan sát, tiếp cận v.v... là phương pháp giúp tìm kiếm các kết quả định tính. Trong thông điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Di dân và tị nạn lần thứ 106 (27/9/2020), Đức Thánh Cha mời gọi mọi người:
Hãy biết để hiểu
Gần gũi tiếp cận để phục vụ
Lắng nghe để hoà giải
Cần biết chia sẽ để tăng trưởng
Tạo cơ hội cho người khác được tham gia để thăng tiến và được hợp tác để xây dựng.
Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu không ngừng phải ứng phó với dịch Covid, Đức Thánh Cha quan tâm cách riêng đến tình cảnh di dân nội địa, những người nhập cư rời xa gia đình để tìm việc làm ở những tỉnh thành khác. Với những cụm từ khoá thật ngắn gọn, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy hành động để bảo vệ những anh chị em đang “bị rớt lại” bên lề đời sống xã hội.
Trong nội dung Thông điệp ngày Quốc tế di dân 2020, khi đề cập đến các cụm từ: “thăng tiến”, “hợp tác”, “xây dựng”, thiết tưởng nội dung Thông điệp đề cập đến việc làm chuyên biệt của một Nhân viên Xã hội khi thực hiện những Dự án phát triển xã hội, hay liên quan đến tiến trình Nhân viên xã hội “can thiệp” hỗ trợ thân chủ - đối tượng bị tổn thương. Trong bài chia sẻ ở đây, chỉ dừng ở lời mời gọi: “biết để hiểu” và “tiếp cận để chia sẻ”.
Trong dịp đầu năm Tân Sửu vừa qua, xã hội Việt Nam sống trong hồi hộp lo lắng vì đại dịch Covid tái phát trong cộng đồng. Để tránh nhiễm Covid, nhiều người lao động nhập cư phải chọn giải pháp ở lại phòng trọ thay vì trở về đoàn tụ cùng Ông bà, cha mẹ, con, cháu trong gia đình khi năm hết Tết đến. Xa hơn nữa trong tỉnh cảnh lây nhiệm dịch bệnh, hàng hóa bị ngưng trệ, người lao động nhập cư còn lo lắng tình trạng việc làm bớp bênh, nguy cơ mất việc làm sau kỳ nghỉ Tết... áp lực kinh tế và dịch bệnh kéo đến bầu khí ảm đạm trong dịp mừng Xuân mới...
Biết để hiểu
Người di dân nội địa, lao động nhập cư, là sự di động tất yếu trong nhịp phát triển của xã hội công nghiệp. Người di dân chạy thoát cảnh nghèo khổ, tìm kế mưu sinh, sống xa xứ. Đọc lại trang Tin mừng cho chúng ta biết Gia đình Thánh Gia cũng có kinh nghiệm chạy trốn lệnh tàn sát của Vua Herode, Đức Maria và Hài Nhi được Thánh Giuse đưa đi trốn ở đất nước Ai Cập. Trong trách nhiệm là người cha, Thánh Giuse chắc hẳn phải đối diện với nhu cầu cơm áo, lo kế sinh sống của gia đình trong những ngày tháng đi tản cư. Mẹ Maria trong tình cảnh người Mẹ nuôi con sơ sinh, hẳn nhiên Mẹ Maria cũng thấu cảm noi lo toan của một người mẹ trẻ nuôi con thơ.
“Biết để hiểu” – lời mời gọi của Đức Thánh Cha nhắc nhớ lối tiếp cận bằng trải nghiệm cá nhân, chứ không dừng ở sự hiểu biết của trí năng. “Biết” để có sự đồng cảm, sự cảm thông, thấu hiểu. Những gia đình lao động nhập cư cùng có mức thu nhập cao và ổn định, nhưng không có nghĩa rằng mọi người trong họ cùng có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Cuộc sống của mỗi người chịu tác động từ môi trường làm việc, tương quan đồng nghiệp, hoàn cảnh gia đình, hòa nhập vào cộng đồng xã hội ở đia phương, môi trường sinh thái, chuẩn mực, giá trị đạo đức, đời sống đạo v.v... và lòng còn chất chứa ưu tư của “người xa xứ”.
Mang “căn cước” tu sĩ Đa Minh, sứ vụ của chúng ta cũng gắn liền với trách nhiệm “nói với Chúa và nói về Chúa”. Làm sao có thể nói với Chúa về nỗi băn khoan của anh chị em sống quanh ta, khi mình chưa biết đến cuộc sống thực tế của họ? Làm sao có thể nói về Chúa cho một phụ huynh di dân, khi con em của họ đến lớp học với những biểu hiện “thay đổi”, những hành vi “khác thường”... và làm cho Dì giáo khó chịu, than phiền với phụ huynh... thay vì thể hiện sự quan tâm, hợp tác với cha mẹ trong việc rèn luyện đứa trẻ đang trong giai đoạn “chưa ngoan”.
Gần gũi, tiếp cận để chia sẻ
Đức Thánh Cha minh họa cụm động từ “gần gũi” và “chia sẻ” bằng dụ ngôn người Samaritano trong Tin Mừng Luca. Sự chia sẻ của người Samaritano được thể hiện bằng hành động cụ thể, qua sự tiếp xúc với nạn nhân và hỗ trợ trong khả năng của cá nhân.
Lòng thương cảm của người Samaritano khia xưa được Đức Giesu nêu làm thí dụ trong Tin Mừng, không thể hiện cách đơn giản như chúng ta thường thấy hiện nay trong mạng truyền thông xã hội. Khi nhìn thấy một hoàn cảnh đáng thương “xa lạ” được post lên mạng kèm theo những hình ảnh... Người ta thường “lướt trên bàn phím” với một câu văn để bày tỏ cảm xúc... và nhận được hàng loạt những “view” hay “câu like”. Đối diện với hoàn cảnh khó khăn, hành động “chia sẻ” mà Đức Thánh Cha mời gọi chắc hẳn không “dừng lại” ở câu văn cảm thông được post lên trang Facebook... Nhưng thiết nghĩ là tâm tình chia sẻ và tiếp cận với cá nhân rất cụ thể:
Ngày hôm nay tôi đã gặp gỡ ai? Cuộc sống hiện tại của người đó ra sao? Tôi đã nói gì, làm gì để chia sẻ với họ? Cuộc sống của họ có tác động gì đến giờ phút suy niệm, tâm tình cầu nguyện của tôi khi “nói với Chúa”?
Gần gũi để chia sẻ, hành động cụ thể, không viển vông. Tôi không thực sự sống ơn gọi ngôn sứ trong đoàn sủng Đa Minh khi tâm tình cầu nguyện và sứ vụ của tôi chưa liên lụy đến cuộc sống đời thường và nỗi trăn trở của tha nhân trong hành trình đức tin.
Tôi chưa sống ơn gọi ngôn sứ khi chưa lắng lòng tìm kiếm ý Chúa đang mặc khải trong cuộc sống hiện sinh của anh chị em đang sống bên cạnh hay nơi cộng đồng nhân loại rộng lớn.
“Biết để hiểu”, “gần gũi tiếp cận để chia sẻ” – những hành động không thể đo lường như những con số thống kê, nhưng là thái độ, cung cách ứng xử phải được rèn luyện với thời gian và thực hành trong cuộc sống.
Biết để hiểu”, “gần gũi tiếp cận để chia sẻ” - thật dễ để hiểu nhưng không dễ để thực hành. Lạy Chúa, “điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện, bởi ngài là Thiên chúa của con” (TV 143, 10).
Nt. Emmanuel Hồng Yến, OP
(Trích NS. Catarina 47)