daminhthanhtam.com

Lòng trắc ẩn và trao ban

27.01.2024 Văn

LÒNG TRẮC ẨN VÀ TRAO BAN

Có một câu chuyện kể rằng: Một cậu bé cầm tay mẹ tung tăng trên đường phố. Trên tay còn lại của cậu là một cây kẹo mút to, tròn xoe nhiều màu, trông thật ngon mắt. Cả hai đi ngang qua chỗ người phụ nữ đang giơ tay xin sự giúp đỡ với ánh nhìn nhẫn nại. Bên cạnh bà là một đứa trẻ khuôn mặt nhếch nhác, bẩn thỉu, bộ quần áo rộng nuốt chửng lấy người của nó. Cậu bé con nắm áo mẹ dừng lại, nó nhìn đứa trẻ kia không chớp mắt. Sau đó, cậu đưa chiếc kẹo lên cao và nhìn mẹ như để xin phép. Bà mẹ nhẹ gật đầu. Cậu bé đưa bàn tay của mình về phía đứa trẻ và tặng cho nó chiếc kẹo. Thế rồi, cả hai lại tiếp tục bước đi, cậu bé con nhảy chân sáo bên mẹ.

Một người qua đường chứng kiến toàn bộ cảnh tượng đó, đến gần và nói với người mẹ: “Tội nghiệp, bây giờ bà hãy mua cho cậu con một chiếc kẹo khác đi. Nó dễ thương quá.” Nhưng người mẹ trả lời cách đơn sơ: “Không!” Tại sao? Vì người nào cho thì phải biết từ bỏ.

Có lẽ, qua câu chuyện trên đã để lại cho chúng ta, cách riêng là cho tôi một bài học quý giá về lòng trắc ẩn và việc trao ban. Quả thực, sống trên đời này để có những con tim biết rung động thật là điều đáng quý, và để có những đôi bàn tay biết mở ra mà trao ban lại càng đáng quý hơn. Trao ban một cách tự nguyện và vô điều kiện bắt nguồn từ tấm lòng trắc ẩn. Thật vậy, trắc ẩn để cảm thông, trắc ẩn để sẻ chia...

Thế nhưng ngày nay, tương quan giữa người với người quả thực là một thách đố. Sự nghi ngờ làm giảm đi lòng thương xót, thay vào đó là sự thờ ơ, vô cảm. Chỉ có trẻ thơ và những ai có tâm hồn đơn sơ như trẻ thơ mới giữ được nơi lòng mình con tim nhạy cảm vô điều kiện. Hơn nữa, người biết cho đi là người dám từ bỏ, và từ bỏ lớn nhất là giảm thiểu nhu cầu bản thân và cho đi chính mình, hầu đem lại hạnh phúc cho người khác.

Trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chia sẻ rằng: “Lòng trắc ẩn đưa ta đến với nẻo đường “công chính thực sự”, và giải thoát ta khỏi việc khép kín nơi chính mình. Lòng trắc ẩn giúp ta nhìn thực tại như chúng là; lòng trắc ẩn giống như lăng kính của trái tim vậy. Nó giúp ta thực sự hiểu được các chiều kích của cuộc sống. Trong các Tin mừng, Chúa Giêsu thường hành động theo lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn cũng là ngôn ngữ của Thiên Chúa.”1

Tôi thiết nghĩ rằng khi có lòng trắc ẩn, thương xót và quảng đại thì chúng ta sẽ dễ dàng thứ tha, cảm thông. Vì sự thật là Chúa và người khác tha thứ cho tôi, mà tôi lại không tha thứ cho người xúc phạm được mình hay sao?

Khi sống trao ban, ta sẽ nhận lãnh được niềm vui, hạnh phúc và bình an thực sự cho tâm hồn. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy rõ về điều đó, vì trải qua suốt một hành trình theo Chúa, cho đến giờ giờ phút này, tôi đã theo Thầy Giêsu tại Hội Dòng Nữ Đaminh Thánh tâm được 15 năm với 8 năm khấn dòng và trong đó có 2 năm khấn trọn đời. Qua biết bao nhiêu thăng trầm, khó khăn, thử thách của đời tu, tôi cảm thấy mỗi lúc mình càng xác tín, càng vững bước hơn trên con đường theo Chúa. Ngài đã yêu thương, đã đồng hành, đã thanh luyện và dạy cho tôi biết bao bài học quý giá ngang qua những mẫu gương của Ngài trong cuộc sống, đặc biệt là bài học về lòng trắc ẩn và sự trao ban.

Khi được sai đi phục vụ tại các vùng sâu vùng xa, chẳng hạn như miền tây Kiên Giang, rồi ra tận miền trung Hà Tĩnh - nơi vùng đất sỏi đá với khí hậu khắc nghiệt, lạnh thì rất lạnh, mà nóng thì cũng rất nóng, không lúc nào mà có được một khí hậu ôn hòa – tôi rút ra được một kinh nghiệm: đúng là mình phải sống, phải trải nghiệm trực tiếp, phải va chạm,... thì mình mới thực sự thấu hiểu được văn hóa và con người nơi đây. Như thế, lòng trắc ẩn và sự trao ban của mình mới thể hiện cách rõ ràng; và lời nói, lời giảng dạy của mình mới xác tín và có sức thuyết phục.

Trong lời mời gọi sống tinh thần hiệp hành của Giáo hội năm nay, tạ ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội và điều kiện để sống tinh thần đó trong sứ vụ hiện tại. Qua đây, tôi cũng học được nơi Chúa Giêsu lòng trắc ẩn, khi tôi sống trong vùng đất Hà Tĩnh này, với giọng nói và nền văn hóa khác biệt; với công việc và khí hậu khắc nghiệt, tôi mới hiểu được thế nào là nỗi khốn khó và nghị lực vươn lên của những con người lớn lên nơi mảnh đất chó ăn đá, gà ăn sỏi; quanh năm oằn mình gánh chịu biết bao hậu quả của thiên tai này mà không có sự chọn lựa khác hơn.

Qủa thực có đi vào thực tế cuộc sống của họ, tôi mới thấy mình dễ chạnh lòng thương trước những hoàn cảnh khốn khó: của một bà cụ già còng lưng với những bó rau ngoài chợ; của những bác nông dân chân lấm tay bùn mồ hôi nhễ nhại; của một anh phụ hồ có làn da đen sạm vì cuộc sống bếp bênh; của mấy cô bán hàng rong ế ẩm dưới chiều mưa lạnh buốt; của người mẹ thất thần trước đứa con vừa gặp tai nạn; của những đứa bé ngơ ngác mồ côi vì cha mẹ cãi nhau ly dị; của cha mẹ già trong một gia đình phải nuôi hai người con bị bệnh tâm thần...

Để rồi ngang qua đó, dù giữa những khốn khó của dòng đời, họ vẫn luôn mang trong mình niềm hy vọng, là sự chân chất, dễ thương, đạo đức, tốt lành,... Chính thái độ biết đón nhận trong bình an của họ đã để lại trong tôi những bài học quý giá và khích lệ tôi rất nhiều trong cuộc sống. Với sứ vụ hiện tại, tôi chỉ xin Chúa ban cho tôi có đủ sức khỏe, đủ nghị lực và đủ ơn Chúa để tôi có thể thi hành ý Chúa ngang qua ý Hội Dòng để tôi sống sao cho đẹp lòng Chúa mà làm những gì Chúa muốn.

Bên cạnh đó, lòng trắc ẩn cũng giúp tôi dễ dàng sống tha thứ cho người khác, vì tôi nhớ có một câu nói của ai đó là “tha thứ cho người khác cũng chính là cách tự chữa lành vết thương cho mình.” Tha thứ là đỉnh cao của đời sống bác ái. Khi sống trong cộng đoàn cùng với chị em, không thiếu những khó khăn, những hiểu lầm và thử thách của đời sống cộng đoàn; vì thế, đời sống cộng đoàn cần lắm những con người có lòng trắc ẩn và luôn sẵn sàng cho đi, sẵn sàng quảng đại sẻ chia, cảm thông và cùng giúp nhau vượt qua tất cả. Sự tha thứ sẽ làm cho đời sống cộng đoàn thêm vui và bình an hơn. Tha thứ không phải chỉ một lần hai lần mà phải luôn luôn, vì ân phúc của Chúa đón nhận ta luôn luôn mỗi ngày. Tôi thiết nghĩ rằng: để có được lòng trắc ẩn và thương xót, trước hết tôi phải cảm nghiệm Chúa xót thương tôi, và sau đó tôi phải đi vào tương quan mật thiết với Chúa, hàn huyên với Chúa mỗi ngày qua việc CẦU NGUYỆN, sống BÁC ÁI với chị em và những người xung quanh tôi; đồng thời, tôi phải ĂN CHAY, hãm mình, nhẫn nại, làm nhiều hy sinh mỗi ngày. Có như thế, tôi sẽ được Chúa yêu thương, khoan dung tha thứ mỗi khi tôi vấp phạm, chấp nhận khi tôi yếu đuối và giúp tôi vượt qua tất cả.

Xin Chúa thương chúc lành, trợ lực, và ban bình an cho tôi, cho cộng đoàn tôi đang sống, để rồi trong nhịp sống căng tràn của đời thánh hiến, đôi lúc có khó khăn hiểu lầm, hay lắm khi mệt nhọc vất vả, tôi và chị em vẫn an vui, vẫn hăng say dấn thân trên cánh đồng truyền giáo của Chúa. Có lòng trắc ẩn thì tôi sẽ dễ dàng trao ban, dù chỉ một nụ cười nhẹ nhàng, một lời hỏi thăm thân ái và một cái bắt tay lịch sự... cũng đủ để đem niềm vui của Chúa đến cho những ai mà tôi gặp gỡ.

Và để rồi, tôi cũng sẽ sẵn sàng ra đi, ra khỏi con người mình để đến với những người cần sự giúp đỡ của tôi, ngay cả trong sứ vụ giảng dạy hiện tại của tôi cho các em học sinh, cho các em thiếu nhi. Cuối cùng, mong rằng tôi luôn ý thức và ghi nhớ những giáo huấn và những lời mời gọi của Đức Thánh Cha, của Giáo hội; đặc biệt là trong năm sống tinh thần hiệp hành này. Bởi lẽ, tôi xác tín một điều rằng: khi tôi có lòng trắc ẩn và trao ban thì tôi sẽ sống được như những gì Chúa muốn và Giáo hội mong đợi.

Đôi chút tâm tình để kết thúc bài viết xin được gói trọn trong mấy câu thơ sau:

“Dồn chân nhịp bước phương xa
Cất cao giọng hát quyện hòa âm vang

Hiệp hành nối kết mọi “ngành”
Nhờ lòng bác ái tâm an đón chào
Vị tha quảng đại xin trao
Đời ta hạnh phúc ngọt ngào ân thiêng.

Tạ ơn Chúa, ôi lòng con “quả cảm”
Đã in sâu tận nhiệt huyết tâm can

Suối ân thiêng Ngài tưới gội trào tràn

Lòng trắc ẩn con nhận quyết trao ban”.

Nt. Têrêxa Phạm Thị Thanh Tuyền, OP

 

 

 

 

 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...