daminhthanhtam.com

Với nhau trong đời

12.07.2024 Văn

VỚI NHAU TRONG ĐỜI

 

Với nhau trong đời” là những suy tư khởi đi từ bài chia sẻ của Cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P về “Đời sống cộng đoàn Đa Minh

Với nhau trong đời” với những nút xoáy chính mình và thể hiện tình yêu sống với- sống vì- liện lụy- và thuộc về nhau trong chuyến xe cuộc đời “Cộng Đoàn”. Để rồi, chính bản thân suy tư, sẽ thấy tình yêu một cách cụ thể, ngang qua tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, nối kết tình yêu người với người, mở ra một sự sáng tạo tuyệt vời trong từng nẻo đường với bản thân và với tha nhân.

Nút xoáy chính mình

Khi bước chân vào Nhà Dòng, với bản thân, con cảm nhận đó là một hành trình mới, vừa lạ lại vừa quen. Lạ lẫm vì đó môi trường mới với những kỷ luật, và cả con người là những người sống cùng, sống với. Thân quen, ở chỗ có vẻ từng ngày, bản thân dần dà từng bước trên con đường đến cùng đích của đời mình – bước vào tương quan mật thiết hơn với Đấng con đã biết, đã nghe và đã được giảng dạy.

Và rồi, mọi thứ sẵn sàng với cuộc hành trình. Như bao người chị em khác từ mọi miền, mọi người đều chung chuyến đi, chung chiếc xe mang tên “Cộng Đoàn”. Mọi người ai nấy đều phấn khởi. Tiếng nói, tiếng cười của những câu chuyện xã giao, những thao thức trăn trở làm cho bầu khí trên chuyến xe thêm phần sinh động.

Thế nhưng, khi hòa nhịp vào trong cuộc sống, lúc này, như những thước phim đến hồi cao trào, con dần nhận ra, những người bên cạnh con cũng sẽ không tươi đẹp như lúc ban đầu hay những suy nghĩ như mơ khi mới bước chân vào nhà dòng; giờ đây là như ngỡ, thật kỳ lạ... mà nếu chỉ nhìn vấn đề dưới cái nhìn vốn dĩ tự nhiên, thật không thật dễ gì để đón nhận. Nhưng với cái nhìn vượt lên trên, gắn kết với huyền nhiệm tình yêu nơi Thiên Chúa dành cho con người, khiến con người được nối kết với nhau trong Chúa. Vì vậy, tất cả là anh em với nhau, chung một Cha chung trên trời, có cùng một cảm thức thuộc về, liên lụy với nhau như Chúa đã nói “Cha của thầy là Cha của anh em” (x.Ga 20,17). Vì thế, trong tình yêu Đức Giêsu Kitô, con nhận ra mỗi người là chị em của nhau, dù cho bất kỳ giới hạn nào đó của mỗi người đang có. Để rồi, cùng liên lụy nối kết với nhau để trở nên những nguồn mạng lưới tình yêu phủ ngập sóng trên toàn nhân loại này giữa người với người.

Tình yêu với nhau

Nhà văn Piet đã nói “Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”. Điều này cho thấy nếu cái gì không phải là tình yêu, không đến từ trái tim, sẽ không đem lại hoa trái tình yêu. Tình yêu có thể khiến hai trái tim xa lạ bỗng cùng nhịp đập, có thể chung sống thuận hòa, hiểu nhau và với nhau, vì họ gặp nhau ở quỹ đạo tình yêu. Trong Cựu ước, câu chuyện bà góa nghèo sẵn sàng làm bánh cho ngôn sứ Elia, dù đó là ít bột cuối cùng. Nhưng bà sẵn lòng vì tình yêu, và vì thế, bà được thưởng công ngay lập tức. (x. 1V17,10- 16). Chính hình ảnh bà góa cho con thấy được sâu xa trong đó là tình yêu, một sự cảm thông cho đi không nghĩ đến mình thật tuyệt vời.

Trong đời tu, cần lắm những sẻ chia, tình liên đới. Tình yêu là những nét đẹp không phải là chỉ đi qua đời nhau, nhưng là xây dựng tình chị em, chia sẻ mọi vui buồn của nhau, vì thuộc về nhau. Tình yêu đó sẵn sàng cho đi vì có đó một tình liên đới với nhau trong tình yêu của Thiên Chúa, để rồi lan tỏa trong cộng đoàn và cho thế giới bên ngoài

Sống - với để tìm hạnh phúc

Bất cứ ai cũng đều muốn hướng chiều về những điều tích cực muốn tốt cho người khác và mong cho những ai ở bên mình cũng được hạnh phúc. Để cùng chung một nhịp đập, một cảm nghĩ và một tình yêu liên đới, một cảm thức thuộc về nhau để có thể làm cho cuộc sống thêm tươi sáng hạnh phúc hơn. chúng ta hãy cùng nhau bồi đắp thêm những giọt tình yêu vào trong tình người, chỉ đơn giản là yêu cần một chút cảm thông khi ở bên nhau, cần một cái chạm tay nhẹ vào nỗi lòng bao người đang cần đến và những giây phút hiện tại ngay bây giờ với những ai chúng ta gặp gỡ yêu thương và cả những người có vẻ như ta không thích lắm hãy làm cho nó thật là sinh động và thêm lung linh đó chính là hạnh phúc đơn giản vậy thôi, và hãy làm cho nó đầy yêu thương.

Chính lúc này, con phải tự thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ, để can đảm tạo nên một mối dây hiệp nhất và yêu thương với tất cả con tim yêu thương như Đức Kitô đang sống, hiện diện nơi đây và khởi động một sự chăm sóc quảng đại và đầy dịu dàng. Như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Chúng ta là đừng xây những bức tường tù đầy mà hãy xây dựng những nhịp cầu bằng hữu, ngay cả với kẻ thù của chúng ta qua các cuộc đối thoại”. Tình yêu đích thực là trao tặng tất cả, không tính toán thiệt hơn, yêu với sự chân thành, yêu trong sự hiệp thông, để làm nên một cộng đoàn hiệp thông.

Nẻo đường sống vì nhau

Nẻo đường sống vì nhau chỉ hoàn thành khi con đáp lại sự thúc bách mở ra trái tim của mình, ra khỏi bản thân của mình, tình nguyện dâng tặng chính bản thân mình cho ai khác. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (x. Ga 15,13). Trong đời, rất cần lắm những trái tim tự nguyện để có thể ôm trọn con người với cả những bản tính và phẩm hạnh của họ. Khi ai đó yêu thật, khao khát thật thì họ sẽ có những nét sáng tạo mới trong tình yêu, hướng về người khác. Tình yêu thương mời gọi con người cho đi chính bản thân và cuộc đời mình để bản thân và tha nhân được trọn vẹn hơn.

Biết chấp nhận sự khác biệt

Trong Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 15 đã nói “loại bỏ men cũ để trở thành men mới”, như có ý mời gọi mỗi người cần thanh lọc ngay cả bản thân mình những “men cũ” của mình. Mỗi người được sinh ra trong những bối cảnh khác nhau, nên suy nghĩ không giống nhau, sở thích cũng chẳng như nhau. Vì thế, đừng cố tìm cách áp đặt cách sống của mình lên người khác và đừng để ý kiến của họ quyết định thay mình. Khi có cái nhìn khách quan, biết chấp nhận những giá trị khác biệt, bản thân ai đó sẽ sống cởi mở hơn, học được nhiều điều mới mẻ hơn. Và như vậy, việc sẵn sàng tiến tới một tình yêu mới bằng việc chấp nhận sự khác biệt nơi mỗi người chị em, được gắn kết với nhau trong tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa, là điều khả thi.

Đối xử tốt với chị em, chỉ đơn giản là yêu thương chấp nhận người khác như chính con người họ. Tránh chỉ trích, phàn nàn, gây khó khăn, căng thẳng cho cuộc sống của họ, không đòi hỏi vô lí, không oán trách, ngay cả dám dấn thân vào công việc phù du, dám liên lụy vì nhau. Ngoài ra nếu có thể hãy hỗ trợ khi chị em gặp khó khăn, mắc sai lầm hay ốm đau, bệnh tật. Luôn sống trong cảm thức biết ơn và trong tâm tình đón nhận tất cả những gì con đang có. Mong rằng, con dám mở lòng mình và dám bước ra khỏi con người cũ của mình để đến với những cái mới mà tạo hóa mang đến cho con, Thiên Chúa đang không ngừng mời gọi con hãy chấp nhận sự khác biệt, để đạt tới một sự dám dâng hiến chính mình một cách ưu đãi cho một ai đó. Để nó như là một dây ăng-ten của trái tim, thôi thúc con hãy đáp trả lại bằng lời mời gọi yêu thương.

Với nhau - trong Bí Tích Thánh Thể

Chính trong Bí Tích tình yêu chúng ta là chị em với nhau, cùng tham dự vào trong thân mình duy nhất của Đức Kitô trong Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm, cùng kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, được đồng hoá với Ngài, nên giống Ngài trong tư tưởng, ngôn ngữ và cuộc sống: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu tôi, người ấy sẽ ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy”. Không bí tích nào giúp con sống “với Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa” bằng bí tích Thánh Thể. Từ đó, Thánh Phaolô dám khẳng định:“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Kết hợp với Chúa trong Bí tích Thánh Thể sẽ mang lại nguồn tươi mát và dịu êm. Từ việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ đưa con đến việc hiệp nhất. Vì liên kết với Chúa Kitô, cũng là lúc con liên kết với chị em để làm thành một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô, điều mà Thánh Phaolô gọi là “Nhiệm thể Chúa Kitô”. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.

Bí Tích Thánh Thể chính là Bí Tích Tình Yêu, là tình yêu giữa người với người dành cho nhau sẽ là Thánh thể ở giữa cuộc đời. Từ Bí tích yêu thương nhắc nhở con hãy cùng hòa mình vào dòng chảy nguồn mạch yêu thương của Chúa Kitô, để con có thể đến với Chúa, yêu mến Ngài, và ở lại trong Ngài. Để rồi, Chúa Kitô hiện diện sống động trong đời con và con mang Chúa Kitô đan kết với những người con gặp gỡ. Do đó, con cũng phải trở thành “lương thực” nuôi dưỡng những người bên cạnh con. Hầu qua bí tích tình yêu để mọi người được nên một với nhau.

Với nhau trong tình hiệp thông

Cùng với sự hiệp thông trong cộng đoàn được thiết lập như một biểu hiện sự hiệp thông các Ngôi Vị Thiên Chúa. Vì thế, cộng đoàn cũng được xem là một mầu nhiệm diễn tả tương quan Ba Ngôi và thông dự vào đời sống của Ba Ngôi. Sự liên đới đích thực chỉ có được khi mọi người cảm thấy mình được nâng đỡ, được tự do và luôn sống trong ý thức thuộc về, tức là sống thái độ chấp nhận bỏ mình để thuộc về nhau, thuộc về cộng đoàn. Chỉ khi nào con ý thức được sự thuộc về như một sự kết dính thiêng liêng và trần thế, lúc đó con sẽ càng gắn bó và yêu thương cộng đoàn mà không còn mang ý định loại trừ một ai. “Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10), nghĩa là, con cần nhìn ra giá trị, tầm quan trọng của từng thành viên trong cộng đoàn. Nhưng thực tế, chính trong cộng đoàn, lề luật và đời sống thiêng liêng là môi trường hữu hiệu giúp con có cơ hội vươn đến sự trưởng thành trong nhân cách, lớn lên và thăng tiến từng ngày. Vậy, con cần ý thức rằng, mỗi người được hiệp thông với nhau đã là một hồng ân đặc biệt. Vì thế rất cần sự đồng tâm nhất trí trong sự đa dạng để xây dựng một nếp sống cộng đoàn huynh đệ, hiệp thông, hầu kín múc những điều thiện hảo và trở nên chứng tá sống động, hữu hiệu để ngày mai luôn tươi sáng hơn trong tình yêu sống với nhau trong cuộc đời này.

Với nhau trong đời, nhắc nhở con mở rộng trái tim, luôn say mê, chiêm ngắm huyền nhiệm của chị em xung quanh con. Trong bầu khí “chiêm ngắm” này, con sẽ thấy ý định trong của Thiên Chúa có một sự huyền nhiệm sẽ được bộc lộ ra, để con sống cùng- sống vì-sống với nhau để cuộc đời luôn mang một nghệ thuật sáng tạo tươi nét và lung linh hơn.

Nt. Anna Hồ Thị Minh, OP

(Trích NS. Catarina 47)








 

Dòng nữ Đa Minh Thánh Tâm, Dòng Đa Minh, dong Daminh, dong Da Minh Thanh Tam, Hội Dòng Đaminh Thánh Tâm...