TÌNH HUYNH ĐỆ
“Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường, xin chọn con đường yêu thương.
Đường yêu thương cho ta gặp nhau, cùng chung bước đến an vui.
Chấp nhận nhau, dù khác biệt nhau, để không còn xa lìa.
Sống gần nhau và sống vì nhau, giúp nhau qua khổ đau...” (Bài hát Con đường Giêsu)
Con người là một hữu thể có ngôi vị: biết yêu thương, hiểu biết, tự do, và lòng khao khát Thiên Chúa... Những khả năng ấy được thành toàn trong mối tương quan với thụ tạo khác. Vì thế, con người sẽ không là “người” đúng nghĩa nếu chỉ sống như một hòn đảo. Tương quan xã hội giúp con người phát triển toàn diện: nhân bản, đạo đức, tri thức... nhưng chỉ được thành toàn trong tương quan với Thiên Chúa mà thôi.
Nếu ai đó chỉ sống trong vỏ ốc của mình thì mãi mãi thì người ấy chỉ mang chất “con” mà thiếu đi chất “người”. Ngay cả những người bị câm điếc, dù không thể giao tiếp bằng lời thì họ cũng có ngôn ngữ ký hiệu để có thể tương quan với người khác; hoặc những người không thể nói, không thể cử động (những người sống đời sống thực vật) họ cũng có thể sử dụng ánh mắt, xúc cảm bên ngoài để giao tiếp... Như vậy, tương quan với người khác rất cần thiết để con người được lớn lên.
Thiên Chúa dựng nên mỗi người là một bản thể duy nhất, có một không hai. Tuy nhiên con người có một điểm chung là được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa, được phát xuất từ sự tốt lành của Thiên Chúa nên tự bản chất con người là tốt. Những yếu tố từ bên ngoài như gia đình, xã hội... có tác động đến việc hình thành nên nhân cách của một con người. Cuộc sống chung giúp cho con người sống có trách nhiệm, liên đới, liên lụy với nhau để giúp nhau nên hoàn thiện.
Lời bài hát ở trên đưa ta đến đỉnh cao của tương quan, của sự gặp gỡ. Đó không đơn thuần là một mối tương quan giữa người với người, nhưng còn là tương quan phi thường, vì mỗi người vượt qua giới hạn của mình dể đến với người khác- một sự trao ban chân thành. Dù mỗi người khác biệt nhau nhưng điểm nối kết duy nhất đó là TÌNH YÊU phát xuất từ Thiên Chúa. Trong TÌNH CHÚA, con người biết “Yêu người như Chúa yêu”.
Từ ơn gọi làm người cao quý, con người được mời gọi trở nên con cái Thiên Chúa. Qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được tháp nhập vào gia đình Hội Thánh, chúng ta trở nên anh chị em với nhau. Vì vậy chúng ta cần phải sống tình yêu này mạnh mẽ hơn nữa vì chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta qua Đức Kitô, chính Ngài đã hiến mình trên thánh giá vì yêu thương chúng ta.
Ơn gọi của người tu sĩ còn tiến xa hơn một bước nữa, khi họ được mời gọi theo sát Đức Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Chiêm ngắm tình yêu của Đức Kitô đã hiến mình làm hy tế đền tội cho nhân loại, người tu sĩ cũng phải sống với một tình yêu như thế. Đời sống huynh đệ cộng đoàn là nền tảng giúp người tu sĩ sống tình yêu tự hiến của Chúa Kitô cách phong phú, đó là một điểm nổi bật của những người sống ơn gọi thánh hiến. Sự hiệp nhất huynh đệ chứng tỏ rằng Đức Kitô đã đến, và là điểm phát sinh năng lực tông đồ thật phong phú (PC 15). Điều này ta có thể thấy nơi hình ảnh của Đức Giêsu với các môn đệ và rõ hơn nữa nơi cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Có thể người tu sĩ không sống cùng anh chị em trong một cộng đoàn nhưng tình liên đới lại rất quan trọng để kết nối người ấy sống tinh thần huynh đệ và để được sai đi.
Đối với những người sống ơn gọi Đa Minh thì điều này còn được khoác thêm một ý nghĩa đặc biệt, bởi đó chính là yếu tố căn bản. Thánh Đa Minh đã rất coi trọng và đặt đời sống cộng đoàn ở vị trí căn cốt. Nếu ai đó nói tôi tu dòng Đa Minh mà không có đời sống cộng đoàn thì có lẽ người đó đã sống chưa đúng ơn gọi Đa Minh. Thánh Đa Minh là người đã nêu gương cho tất cả chúng ta về đời sống ấy, ngài luôn tham dự các giờ chung với anh em: phụng vụ, giờ cơm, giờ chơi chung, cùng anh em đi rao giảng và ngài còn muốn khi qua đời được chôn dưới chân anh em. Ngay trong bản tu luật của thánh Augustino mà thánh Đa Minh đã chọn để làm kim chỉ nam cho cuộc sống anh em, cũng cho thấy đời sống cộng đoàn có một vị trí quan trọng.
Bởi vậy, Năm Thánh 800 năm sinh nhật trên trời của Cha Thánh đã gợi lại hình ảnh thật đẹp về tinh thần sống cộng đoàn của ngài với chủ đề “Đồng bàn với Thánh Đa Minh”. Đây là ý tưởng gợi hứng từ chiếc bàn ăn Mascarella, trên đó họa lại chân dung đầu tiên của Thánh Đa Minh ngay sau khi ngài được tuyên thánh. Bức họa cho thấy một hình ảnh Cha Đa Minh đang vui vẻ đồng bàn với anh em mình, đó là tất cả những người được quy tụ bởi cùng một ơn gọi giảng thuyết Lời Chúa và cùng nhau chia sẻ quà tặng của Thiên Chúa là của ăn thức uống thường ngày.
Từ đây, chúng ta có một cái nhìn sâu hơn về đời sống cộng đoàn Đa Minh. Đời sống cộng đoàn trong linh đạo Đa Minh trước hết khởi đi từ ánh sáng Lời Chúa. Lời Chúa thấm nhuần trong đời sống phụng vụ và cầu nguyện. Chỉ khi nhận ra và nhận chìm mình trong tình yêu Thiên Chúa thì người tu sĩ mới có thể trở nên người tông đồ nhiệt thành và chứa đựng trong mình một tình yêu vô vị lợi như Chúa Kitô. Và khi tình yêu đầy tràn trong tâm hồn thì tình yêu ấy sẽ thúc đẩy ta đến với tha nhân. Như cộng đoàn các môn đệ tiên khởi, những người Đa Minh bám rễ sâu vào lời Chúa, trở nên khí cụ của Chúa, giúp nhau thăng tiến, trung tín trong ơn gọi và cùng nhau ra đi loan báo Tin Mừng.
Là tu sĩ Đaminh, con ý thức mình phải duy trì cũng như phát triển những truyền thống tốt đẹp của Dòng trong đó có đời sống huynh đệ, điều đó đòi hỏi nơi con cần phải có một tấm lòng dành cho Chúa và cho chị em. Được sống trong cộng đoàn là một niềm hạnh phúc của con, con xin tạ ơn Chúa đã cho con cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong tình huynh đệ cộng đoàn. Chúa đã đồng hành với con, đã yêu thương và hướng dẫn con qua chị em của con trong cộng đoàn. Xin Chúa luôn hiện diện với chúng con như Ngài đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp nhau cầu nguyện, thì Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20).
Nt. Cecilia Hoàng Linh, OP
(Trích NS. Catarina 47)